Khi Biển Đông nóng bỏng bởi các vụ va chạm liên tiếp giữa lực lượng hải cảnh Trung Quốc và tàu Philippines, nhiều người cho rằng, qua cách ứng xử của Manila, bóng dáng ông Duterte như đang tái hiện.
Trong bang giao với Trung Quốc, nhất là với vấn đề Biển Đông, nhớ đến cựu tổng thống Duterte – người tiền nhiệm của đương kim tổng thống Ferdinand Marcos Jr – là nhớ tới lối phản ứng mà dư luận Philippines và những chính trị gia đối lập Philippines cho là “mềm mỏng tới mức nhu nhược”.
Điều đó thể hiện qua việc Manila cố ý hạ thấp tính chất nghiêm trọng của những vụ việc có bản chất hung bạo. Có thể liệt kê dài dài các thí dụ cụ thể, nhưng trong đó điển hình nhất là “vụ Cỏ Rong” cách đây 5 năm.
Ngày 9/6/2019, tàu cá Gem-Ver-1 của Philippines bị tàu Trung Quốc mang số hiệu Yuemaobinyu 42212 đâm chìm tại khu vực bãi Cỏ Rong (nằm ở phía đông bắc quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam). 22 ngư dân Philippines rơi xuống biển. Những người này chỉ may mắn thoát chết khi được ngư dân trên một tàu cá Việt Nam cứu.
Tường thuật lại vụ việc này, nhiều ngư dân Philippines sau đó còn cho biết, không chỉ cứu người, các ngư dân Việt Nam còn cứu cả chú chó cưng có tên Jimboy của tàu Philippines. Trong bài phát biểu của mình tại trụ sở LHQ ở thành phố New York (Mỹ) tối 17/6, Ngoại trưởng Teodoro L. Locsin Jr. của Philippines đã cảm kích gửi lời cám ơn đến sự trợ giúp của tàu cá Việt Nam.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Philippines thừa nhận Trung Quốc gây ra vụ chìm tàu, nhưng nói tàu Yuemaobinyu 42212 bị một nhóm từ 7-8 tàu Philippines bao vây và trong lúc tháo chạy đã đâm phải tàu Gem-Ver-1.
Tóm lại, với cách giải thích đó, đây chỉ là sự cố “ngoài ý muốn” (!).
Lý sự của phía Trung Quốc khác hẳn với những gì cơ quan phụ trách các vấn đề Biển Đông của Manila thông cáo sau đó 8 ngày: “Các tàu hải quân, hải cảnh và dân quân biển Trung Quốc đã thực hiện những động tác cơ động nguy hiểm, trong đó có đâm va. Hành động của họ gây hư hại tàu của chúng tôi, đồng thời đe dọa tính mạng những người trên tàu”. Cùng thời điểm, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilberto Teodoro, đồng thời với tuyên bố cần đối phó “những hành vi nguy hiểm và liều lĩnh của Trung Quốc” trên Biển Đông, đã nhấn mạnh: “Cộng đồng quốc tế có thể thấy rõ ràng là Trung Quốc đang cản trở hòa bình và ổn định tại khu vực”.
Tuy nhiên, ngược với thông tin và cáo buộc của các cơ quan hữu trách, nhà lãnh đạo tối cao Philippines Duterte lên tiếng, cho rằng vụ va chạm chỉ là “tai nạn hàng hải”.
Sự giống nhau kỳ lạ lời ông Duterte với phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc phát đi trước đó: đây là “tai nạn hàng hải bình thường”, đã khiến đông đảo người dân Philippines nổi giận. Và họ đã xuống đường biểu tình, đốt cờ Trung Quốc ở Manila; gọi phát ngôn của ông Duterte là “yếu đuối” và xem thường vụ việc…
Hành xử của ông Duterte khi đó có thể hiểu được, bởi trong hơn nửa đầu nhiệm kỳ, nhà lãnh đạo này chủ trương “thân” Trung Quốc, và chưa nếm trải mấy sự ngang ngược của Bắc Kinh.
Trở lại vụ gây hấn được coi là “nấc thang căng thẳng mới” của Bắc Kinh diễn ra ngày 17/6. Hải cảnh Trung Quốc cáo buộc một tàu tiếp tế của Philippines đã “tiếp cận nguy hiểm” một tàu Trung Quốc tại khu vực Cỏ Mây (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam), dẫn đến một vụ “va chạm nhỏ” giữa 2 tàu.
Trong khi đó, cơ quan phụ trách các vấn đề Biển Đông của Manila, trong thông cáo phát ra ngày 17/6, nói rằng: “Các tàu hải quân, hải cảnh và dân quân biển Trung Quốc đã thực hiện những động tác cơ động nguy hiểm, trong đó có đâm va. Hành động của họ gây hư hại tàu của chúng tôi, đồng thời đe dọa tính mạng những người trên tàu”.
Chưa hết, sau đó một ngày, giới chức Philippines cho biết thêm: Một số thành viên lực lượng hải cảnh Trung Quốc đi xuồng cao tốc đã cản trở xuồng hải quân nước này làm nhiệm vụ vận chuyển lương thực, nước và vật tư tiếp tế cho binh sĩ trên tàu chiến cũ nát BRP Sierra Madre – chiếc tàu mà Manila cố tình cho lao lên bãi cạn Cỏ Mây, đưa quân tới đồn trú nhằm khẳng định chủ quyền.
Sự việc được phía Philippines tường thuật: xuồng hải cảnh Trung Quốc đã có “hành vi nguy hiểm, trong đó có đâm va và lai dắt”, khiến ít nhất 8 thủy thủ Philippines bị thương, trong đó một người mất ngón tay cái. Hai xuồng cao su bị hải cảnh Trung Quốc kéo đi và sau đó bỏ lại trong tình trạng hư hỏng…
Chưa chết người, nhưng bị thương là có. Trong khi dư luận đang chờ đợi một tuyên bố phẫn nộ từ chính phủ, thì bất ngờ, ngày 21/6, Thư ký điều hành Lucas Bersamin, người đại diện của Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos, nói rằng: vụ xô xát giữa thủy thủ hải quân Philippines với thành viên hải cảnh Trung Quốc hôm 17/6 nhiều khả năng là “hiểu nhầm hoặc sự cố”.
Nhận định, dẫu còn để “mở”, nghĩa là có thể thay đổi nếu thực tế xác minh là không phải, nhưng đã khiến nhiều người Philippines tức giận với chính quyền và cá nhân tổng thống Marcos. Không ít người đã so sánh nhà lãnh đạo đương nhiệm với ông cựu tổng thống “nhu nhược” Duterte với những phát ngôn trong “vụ Cỏ Rong” năm 2019.
Nói cách khác, với cách hành xử này, dư luận có lý để nghĩ rằng, cái “bóng” của ông Duterte đang hiện trở lại.
T.V