Tuesday, January 21, 2025
Trang chủBiển nóngSự kiệnCác hoạt động tập trận Balikatan Mỹ - Phi năm 2024 nhằm...

Các hoạt động tập trận Balikatan Mỹ – Phi năm 2024 nhằm chuẩn bị cho tình huống xảy ra xung đột ở Biên Đông                                                      

Tập trận Balikatan là cuộc tập trận chung thường niên mang tính toàn diện và quan trọng nhất trong số các cuộc tập trận quân sự chung giữa Mỹ và Philippines, được tiến hành tại khu vực vùng biển quốc tế hay vùng biển thuộc chủ quyền của Philippine ở Biển Đông, kể từ năm 1991.

So với cuộc tập trận Balikatan năm 2023 – được xem là lớn nhất từ trước tới thời điểm đó, với sự tham gia của 17.600 binh sĩ Philippine và Mỹ, cuộc tập trận thường niên Balikatan năm 2024 tuy lực lượng tham gia chỉ tương đương với năm 2023, với  khoảng 11.000 binh sĩ Mỹ và 5.000 binh sĩ Philippines, nhưng nó diễn ra trong bối cảnh tình hình an ninh thế giới, khu vực rất phức tạp, lại có nhiều nội dung độ nhạy cảm cao lần đầu tiên diễn ra trong cuộc tập trận này. Vì thế, dư luận cho rằng, tập trận Balikatan năm 2024 không còn là một cuộc tập trận quân sự bình thường như các năm trước nữa, mà là cuộc tập trận để chuẩn bị cho “chiến tranh”. Đánh giá này xuất phát từ mấy yếu tố phân tích sau đây.

Thứ nhất, xét về bối cảnh, cuộc tập trận quân sự chung thường niên Balikatan năm 2024 giữa hai đồng minh truyền thống Mỹ – Philippines kéo dài từ ngày 22/4 đến 10/5/2024, diễn ra trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều diễn biến rất phức tạp, thậm chí trên thế giới có nhiều dự báo về khả năng xảy ra Chiến tranh thế giới thứ 3 đã được đưa ra. Cụ thể:

Về toàn cảnh thế giới, điểm chung dễ nhận thấy nhất là bất ổn, xung đột vũ trang chuyển từ năm 2023 sang tiếp tục diễn biến phức tạp, tái phát và phát sinh nhiều vấn đề mới khó lường ngay từ những tháng đầu năm 2024. Đặc biệt là nguy cơ xảy ra chiến tranh cục bộ ở các điểm nóng tiềm tàng trên thế giới là rất cao. Tại châu Âu và Trung Đông, cuộc chiến giữa Nga và Ukraina, giữa Hamas và Israel không những tiếp diễn, mà còn gia tăng mạnh mẽ mức độ quyết liệt hơn, bởi tất cả các bên liên quan vẫn đều có chủ ý tiếp tục chiến tranh chứ chưa sẵn sàng đi vào hoà đàm để chấm dứt xung đột. Cả hai cuộc chiến này gần như không có triển vọng đi tới hồi kết trong tương lai gần vì bên nào cũng đặt ra những điều kiện tiên quyết mà bên kia không thể chấp nhận. Lý do là tất cả các bên vẫn còn có thực lực hoặc được bên ngoài trợ giúp tiền của và vũ khí. Cuộc đối đầu giữa phương Tây với Nga đã trở thành cuộc “thư hùng sống còn” giữa hai bên, đã và đang gây ra nhiều hệ lụy to lớn đối với tình hình an ninh, chính trị, kinh tế, xã hội toàn cầu. Tại châu Á, không có xu hướng nào có ảnh hưởng đối với khu vực và cả thế giới lớn hơn là cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc. Cuộc cạnh tranh này đã và đang trở nên ngày càng khốc liệt tại châu Á – Thái Bình Dương, nơi hai cường quốc đang xây dựng mạng lưới đồng minh, đối tác để củng cố và gia tăng tầm ảnh hưởng. Chưa bao giờ sau Chiến tranh Lạnh, nhóm các nước và đối tác lớn lại có sự phân phe, chia tuyến ngày càng trầm trọng như hiện nay. Áp lực đối với các nước nhỏ trong việc “chọn bên” là rất lớn. Đáng chú ý, năm 2023, trong bối cảnh địa chính trị gia tăng căng thẳng ở nhiều nơi, tổng chi tiêu quân sự của các quốc gia trên thế giới đã lên tới 2,4 nghìn tỉ USD, đạt mức tăng lớn nhất 6,8% kể từ năm 2009. Trong đó, Mỹ tăng 2,3%, bằng 916 tỉ USD, chiếm khoảng 2/5 của toàn thế giới. Trung Quốc tăng chi tiêu quân sự liên tiếp trong 29 năm, đứng thứ 2 thế giới với tổng chi tiêu là 296 tỉ USD, tăng 6%. Lần lượt xếp từ thứ 3 đến thứ 10 là các nước: Nga (109 tỉ USD, tăng 24%), Ấn Độ (83,6 tỉ USD, tăng 4,2%), Arab Saudi (75,8 tỉ USD, tăng 4,3%), Anh (74,9 tỉ USD, tăng 7,9%), Đức (66,8 tỉ USD, tăng 9%), Ukraine (64,8 tỉ USD, tăng 51%), Pháp (61,3 tỉ USD, tăng 6,5%), Nhật Bản (50,2 tỉ USD, tăng 11%). Đứng thứ 11 đến 20 là các nước: Hàn Quốc, Italy, Australia, Ba Lan, Israel, Canada, Tây Ban Nha, Brazil, Algeria, Hà Lan.

Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI, một cơ quan của Thụy Điển chuyên nghiên cứu về các cuộc xung đột và vũ khí, trang bị của các nước trên thế giới), với việc cuộc chiến Nga – Ukraine chưa có dấu hiệu kết thúc, cộng với tình hình phức tạp hiện tại ở Trung Đông và căng thẳng ngày càng gia tăng ở châu Á, nên các nước sẽ tiếp tục tăng cường chi tiêu quốc phòng để phục vụ cho chiến tranh và chuẩn bị cho các tình huống có thể xảy ra chiến tranh trong tương lai.

Ở khu vực, nhất là tại Biển Đông, tình hình an ninh những tháng đầu năm 2024 diễn ra rất phức tạp, thậm chí “nóng” và phức tạp hơn nhiều so với năm 2023. Một loạt vụ va chạm tại bãi Cỏ Mây giữa Philippines và Trung Quốc liên tục xảy ra với tính chất và mức độ ngày càng quyết liệt, căng thẳng hơn. Mặc dù đã chịu thiệt hại trong các hoạt động tiếp tế ở bãi Cỏ Mây do Trung Quốc gây ra, nhưng Philippines, được sự bảo trợ từ “chiếc ô an ninh” của các nước lớn bên ngoài, nhất là Mỹ, Nhật Bản và Australia, nên đã chẳng những “không nao núng” mà còn “tự tin” và “cứng rắn” hơn trong việc bảo vệ chủ quyền của mình ở Biển Đông, bởi theo họ, những nỗ lực ngoại giao đã không mang lại kết quả nào như mong đợi, buộc phải có cách tiếp cận mới. Trong khi đó, phía Trung Quốc vẫn cho rằng, mọi hành động và sự cáo buộc của Manila đối với các hoạt động của Bắc Kinh ở bãi Cỏ Mây là “hoàn toàn sai sự thật”, đồng thời cảnh báo Trung Quốc sẽ “không nhắm mắt làm ngơ” và sẽ “kiên quyết đáp trả thích đáng” đối với các hành động khiêu khích và quấy rốiliên tục của Phlippines tại các vùng biển thuộc “chủ quyền” của Trung Quốc trên Biển Đông. Hành động đáp trả nhau theo kiểu “ăn miếng trả miếng” của hai bên, cùng với đó là việc Trung Quốc vừa bổ nhiệm ông Đổng Quân – người từng giữ chức Tư lệnh Hải quân Trung Quốc giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng, được xem là một “tín hiệu” cho thấy Trung Quốc sẽ xem Biển Đông là một khu vực ưu tiên hàng đầu” cao hơn nữa, trong khi Mỹ nhấn mạnh “sẽ bảo vệ Philippines không phải vững như đá mà còn vững hơn cả thép trong trường hợp lực lượng của nước này bị tấn công vũ trang ở bất cứ nơi nào trên Biển Đông” (phát biểu của Tổng thống Mỹ J.Biden trong Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Nhật – Phi diễn ra hôm 11/4/2024), khiến cho nguy cơ xảy ra xung đột ở Biển Đông càng cao hơn.

Thứ hai, trong khi chiến tranh và nguy cơ xảy ra xung đột vũ trang ngày càng hiện hữu ở nhiều khu vực trên thế giới, soi chiếu vào cuộc tập trận thường niên Balikatan năm 2024 cho thấy có nhiều điểm mới, lần đầu tiên xuất hiện trong cuộc tập trận thường niên này. Điều đó cho thấy cả Mỹ và Philippines rất chú trọng cuộc tập trận này, đã có sự chuẩn bị rất kỹ cả về con người và vũ khí, trang bị nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp lớn nhất, sát thực tế nhất để sẵn sàng đối phó với mọi “kịch bản” xấu có thể xảy ra đối với Philippines, kể cả chiến tranh. Cụ thể:

Một là, về mục đích của cuộc tập trận quân sự trên. Thông thường, tập trận quân sự là hình thức cao nhất để đánh giá kết quả của quá trình huấn luyện, kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội. Ngoài mục đích đó, tập trận quân sự còn nhằm phục vụ cho các mục đích chính trị khác nhau. Với Mỹ và Philippines, sau một loạt hoạt động an ninh song phương và đa phương diễn ra liên tục và dồn dập gần đây, nhất là Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Nhật – Phi, cuộc tập trận lần này không chỉ thắt chặt quan hệ đồng minh giữa hai nước, mà quan trọng hơn là sự kiện này diễn ra vào thời điểm tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông giữa Trung Quốc và Philipines ngày càng leo thang căng thẳng. Vì thế, Đại tá Logico – Phát ngôn viên của cuộc tập trận Balikatan năm 2024 nói thẳng: “Mục đích của cuộc tập trận này là để chuẩn bị cho chiến tranh. Không có gì phải dấu giếm, nói khéo về điều này cả. Nếu chúng tôi không chuẩn bị thì đó là một sự bất lợi cho đất nước”. Mặc dù ông Logico không nói cụ thể chiến tranh với ai, nhưng diễn ra trong bối cảnh như trên, nên đối tượng mà cuộc tập trận hướng đến nhằm chuẩn bị cho chiến tranh không ai khác ngoài Trung Quốc.

Hai là, về lực lượng tham gia. Tuy lực lượng tương đương cuộc tập trận năm 2023, nhưng một số nước là đồng minh, đối tác của Mỹ và Philippines ở ngoài khu vực cũng cử lực lượng tham gia cuộc tập trận này. Đó là Pháp, lần đầu tiên triển khai một tàu chiến tham gia với tư cách thành viên. Còn Australia, không phải trong cuộc tập này Australia mới cử lực lượng tham gia, mà trước đó  tháng 8/2023, họ đã lần đầu tiên cử hơn 1.000 binh sỹ, hai tàu chiến và một số máy bay chiến đấu F35 cùng với Mỹ tham gia cuộc tập trận chung tại Philippines. Tiếp đó, tháng 11/2023, Australia cử tàu khu trục Toowoomba tới tham gia cuộc tập trận hải quân chung với Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế của Phi. Ngoài ra, còn có 14 quốc gia ở châu Á và châu Âu cùng tham dự với tư cách quan sát viên. Cuộc tập trận mang tên Balikatan, có nghĩa đen là “vai kề vai”, vì thế khi nói về sự tham gia của các lực lượng trong cuộc tập trận này, Trung tướng William Jurney, chỉ huy lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ tại Thái Bình Dương, cho biết: “Balikatan không chỉ là một cuộc tập trận thường niên mà đây còn là minh chứng hữu hình cho sự cam kết của chúng ta với nhau…”. Trong khi đó, nhiều chuyên gia quân sự đánh giá rằng, với sự tham dự của các lực lượng trên, xem ra Mỹ và Philippines giờ đây không chỉ “vai kề vai” cùng nhau như đã có, mà còn “kề vai, sát cánh” cùng nhiều đồng minh, đối tác để ứng phó với mọi tình huống xấu nhất, kể cả chiến tranh xảy ra ở khu vực; sự tham gia đông đảo của các nước trong cuộc tập trận này cho thấy, Mỹ đang nỗ lực hình thành một liên minh quân sự mới ở Biển Đông. Bà Anna Malindog-Uy, Phó chủ tịch Trung tâm nghiên cứu Asian Century Philippines Strategic Studies Institute (ACPSSI) có trụ sở ở Manila nhận định rằng, sự tham gia của nhiều nước trong các cuộc tập trận như trên “có thể dẫn tới các liên minh chính trị và quân sự mới hoặc được tăng cường hơn, nên có thể làm gia tăng sự cạnh tranh, tạo ra sự chia rẽ căng thẳng giữa các nước trong khu vực”.

Ba là, về vũ khí, trang bị. Ngoài các loại vũ khí như năm 2023, đáng chú ý là trong cuộc tập trận Balikatan năm 2024, Mỹ đã đưa hệ thống tên lửa chiến lược tầm trung Typhon có tầm bắn 2.500 km cùng tham gia. Quân đội hai nước sẽ không thực hiện vụ phóng nào, nhưng sẽ tiến hành các cuộc tập trận hậu cần với Typhon, ví dụ như di chuyển nhanh hệ thống phóng khi bị đe dọa. Đây là lần đầu tiên Mỹ triển khai tên lửa Typhon ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Trước đó, Mỹ cũng đã triển khai tên lửa dẫn đường Standard Missile-6 (SM-6, tầm bắn khoảng 600 km) tới Philippines để tham dự Balikatan 2024. Ông Logico cho biết, loại vũ khí này cũng không được phóng trong cuộc tập trận, mà chỉ để thử nghiệm tính khả thi của việc đưa hệ thống vũ khí này bằng đường hàng không và vận chuyển nó vào một không gian an toàn và ổn định.

Việc Mỹ đưa hai loại tên lửa nói trên tham gia vào cuộc tập trận là một cột mốc quan trọng trong việc nâng cao sự tương tác, khả năng sẵn sàng và phối hợp phòng thủ giữa quân đội hai nước Mỹ, Phi. Động thái này ngay lập tức bị Trung Quốc phản đối. Ông Lâm Kiếm – Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng, Mỹ đã triển khai hệ thống tên lửa “ ngay trước cửa ngõ của Trung Quốc”, điều này sẽ gây ra căng thẳng, đối đầu, làm cho an ninh khu vực sẽ trở nên tồi tệ hơn. Trung Quốc cảnh báo sẽ không bỏ qua các hành động “khuấy động đối đầu” ở Biển Đông và kiên quyết đáp trả.

Bốn là, về địa điểm, nội dung tập trận. Địa điểm của cuộc tập trận năm nay chủ yếu ở khu vực phía bắc và tây Philippines, gần với “điểm nóng” tại Biển Đông và Đài Loan. Đây là hai khu vực đặc biệt nhạy cảm đối với an ninh của Trung Quốc. Trong nội dung tập trận, sẽ có kịch bản chiếm lại các đảo đang bị chiếm đóng. Theo đó, quân đội Mỹ – Phi sẽ mô phỏng hoạt động tái chiếm vũ trang một hòn đảo ở tỉnh Palawan, phía tây Philippines. Một hoạt động khác tương tự cũng sẽ được tổ chức ở tỉnh Cagayan và Batanes (phía bắc Philippines, cả hai đều cách Đài Loan chưa tới 300km). Giống như năm 2023, cuộc tập trận Balikatan năm 2024 sẽ có nội dung đánh chìm tàu ở ngoài khơi tỉnh Ilocos Norte, phía bắc Philippines. Ngoài ra, còn có các cuộc tập trận liên quan đến chiến tranh thông tin, an ninh hàng hải, phòng thủ tên lửa và tích hợp phòng không. Ông Logico cho biết, cuộc tập trận năm nay sẽ kiểm tra khả năng tương tác giữa các chỉ huy của quân đội Philippines (AFP) với các lực lượng nước ngoài, và lần đầu tiên cho phép họ triển khai trên thực tế khái niệm “phòng thủ quần đảo toàn diện” đã được Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilbert Teodoro công bố gần đây. Theo đó, khái niệm này sẽ xoay chuyển nhiệm vụ của AFP từ phòng thủ nội bộ sang phòng thủ bên ngoài, từ chiến đấu với lực lượng nổi dậy ở trong nước sang chiến đấu với kẻ thù bên ngoài.

Do địa điểm, nội dung tập trận như trên, nên một số chuyên gia quân sự của Trung Quốc cho rằng, các cuộc tập trận trước đó của quân đội Philippines với quân đội các nước ngoài khu vực, cũng như cuộc tập trận Balikatan 2024, tất cả đều cho thấy Mỹ – Phi đang ngày càng nhắm vào Trung Quốc, đang gửi tín hiệu răn đe mạnh hơn tới Bắc Kinh.

Năm là, ngoài lực lượng quân đội chính quy, năm nay lần đầu tiên lực lượng tuần duyên của Philippines (PCG) cũng cử 6 tàu gồm 4 tàu phản ứng đa chức năng dài 44 m, 2 tàu tuần tra cỡ lớn cùng tham gia tập trận. PCG là đối tượng từng bị tàu hải cảnh Trung Quốc va chạm, quấy nhiễu nhiều lần trong khi thực hiện nhiệm vụ tiếp tế ở bãi Cỏ Mây. Vì thế, sự tham gia tập trận của PCG là dấu hiệu cho thấy Philippines ngày càng quan tâm đối với các vụ đụng độ trên biển của lực lượng này. PCG tham gia vào tập trận là cách để Manila huấn luyện nhằm đảm bảo cho lực lượng này có thể chuyển từ trạng thái hoạt động bình thường hàng ngày sang sẵn sàng tham gia vào các hoạt động bảo vệ chủ quyền trên biển khi có xung đột xảy ra.

Sáu là, Trung Quốc phản ứng mạnh và đã có sự chuẩn bị đáp trả đối với cuộc tập trận Balikatan năm 2024, điều đó cho thấy không chỉ Mỹ – Phi tập trận để sẵn sàng cho “chiến tranh”, mà phía Trung Quốc cũng rất cứng rắn và sẵn sàng cho tình huống này để bảo vệ “lợi ích cốt lõi” của mình ở Biển Đông. Mặc dù cả Mỹ và Philippines đều tuyên bố cuộc tập trận Balikatan năm 2024 là nhằm tăng cường sự tương tác của lực lượng quân đội hai nước và không nhằm vào nước nào cụ thể, nhưng từ phát ngôn của Philippines đến những hoạt động chưa từng có so với các lần tập trận trước như đã nêu trên cho thấy, cuộc tập trận Balikatan năm 2024 đang hướng vào Trung Quốc rõ ràng hơn. Chính vì thế nên ngay sau khi cuộc tập trận vừa diễn ra, Trung Quốc đã có phản ứng. Về ngoại giao, Bắc Kinh cho rằng, việc Philippines “kết bè kết phái”, đưa lực lượng quân sự các nước ngoài khu vực vào Biển Đông, cùng tham gia tập trận quân sự sẽ gây ra đối đầu, làm cho tình hình khu vực trở nên căng thẳng, tồi tệ hơn. Theo ông Ngô Khiêm – Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc, Mỹ và Philippines tăng cường quan hệ ngoại giao, đó là việc của hai nước, nhưng mối quan hệ đó không được gây tổn hại đến lợi ích của Trung Quốc hoặc bất kỳ quốc gia nào khác, không được làm suy yếu hòa bình và ổn định trong khu vực. Trung Quốc sẽ theo dõi chặt chẽ cuộc tập trận này và sẽ thực hiện “tất cả các biện pháp hiệu quả để đáp trả và sẽ không bao giờ cho phép các bên liên quan gây rối ở Biển Đông”. Trên thực địa, Trung Quốc đã triển khai nhiều hoạt động, trong đó đáng chú ý: 1/ Ngay sau khi cuộc tập trận bắt đầu, Trung Quốc đã đưa 124 tàu vào vùng Biển Tây Philippines, trong đó có 3 tàu hải quân, 11 tàu hải giám và 120 tàu cá dân binh. Đáng chú ý, số lượng tàu cá dân binh Trung Quốc bình thường chỉ xuất hiện khoảng 50 tàu. Tại bãi cạn Scarborough và đảo Thị Tứ, số lượng tàu cá dân binh Trung Quốc xuất hiện rất đông. Điều đó cho thấy đây là hành động nhằm đáp trả cuộc tập trận và là sự khẳng định quyền kiểm soát trên thực địa ở Biển Đông của Trung Quốc. 2/ Ngày 27/4/2024, Cơ quan phòng vệ Đài Loan cho biết, đã phát hiện 22 máy bay chiến đấu và thiết bị bay không người lái của Trung Quốc hoạt động quanh hòn đảo này trong khoảng thời gian chưa đầy 3 giờ. 12 máy bay trong số trên đã vượt qua đường trung tuyến và đi vào Vùng nhận dạng phòng không và phía Bắc của Đài Loan. Các máy bay chiến đấu và thiết bị bay không người lái cùng với các tàu hải quân Trung Quốc đã tham gia hoạt động tuần tra, tác chiến chung. Có thể thấy, cuộc tập trận thường niên Balikatan năm 2024 giữa Mỹ và Philippines, cũng như các cuộc tuần tra, tập trận giữa Philippines với các nước khác như Nhật Bản, Australia… diễn ra trên không hay trên biển ở Biển Đông trong bối cảnh hiện nay đều nhằm mục tiêu hậu thuẫn cho Philippines trong việc đối đầu với Trung Quốc ở Biển Đông, nơi vốn diễn ra tình hình rất căng thẳng trong suốt năm 2023 và những tháng đầu của năm 2024. Hoạt động này có thể cảnh báo cho Trung Quốc phải hiểu rằng, Biển Đông không phải là “ao nhà” của họ nên sẽ phải tính toán, cân nhắc cẩn trọng về các hành động của mình ở Biển Đông. Tuy nhiên, những gì mà Trung Quốc nói và làm cho thấy, nước này đang giận dữ và tuyên bố sẽ có biện pháp đáp trả tương xứng. Hòa bình, ổn định để phát triển là mong muốn của tất cả các bên có liên quan đến Biển Đông. Thế nhưng, sử dụng biện pháp mang tính răn đe, đối đầu nhau như trên thì không thể đạt được mục tiêu mong muốn đó, mà ngược lại càng làm gia tăng thêm xung đột, thậm chí là nguy cơ xảy ra chiến tranh ở khu vực nếu như các bên thiếu sự kiềm chế và kiểm soát.

RELATED ARTICLES

Tin mới