Sunday, December 22, 2024
Trang chủĐàm luậnĐiều gì thôi thúc Mỹ, Nhật nâng cấp hợp tác an ninh?

Điều gì thôi thúc Mỹ, Nhật nâng cấp hợp tác an ninh?

Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã chính thức công du Mỹ từ ngày 9/4 và nhận được sự tiếp đón long trọng của nước chủ nhà. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã mở quốc yến ở Nhà Trắng để chiêu đãi ông Fumio Kishida, đồng thời mời ông phát biểu trước quốc hội. Ông Kishida là thủ tướng thứ hai của Nhật Bản nhận được vinh dự đặc biệt này sau cựu Thủ tướng Shinzo Abe. Một kết quả quan trọng trong chuyến thăm của ông Kishida là việc nâng cấp quan hệ đồng minh Mỹ-Nhật cả về chiều rộng lẫn chiều sâu.

Sau cuộc hội đàm tại Washington ngày 10/4/2024, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã ra Tuyên bố chung với tên gọi “Chúc mừng thời đại mới của hợp tác chiến lược Mỹ-Nhật”, trong đó nhấn mạnh các giải pháp tăng cường hợp tác quốc phòng an ninh song phương, với những câu từ mang nặng hàm ý đối phó với Trung Quốc. Trong tuyên bố chung, hai bên cho biết các động thái của Nhật Bản nhằm tăng cường cấu trúc và khả năng phòng thủ đã mở ra “một kỷ nguyên mới của hợp tác an ninh Mỹ-Nhật”; đồng thời nhấn mạnh mục tiêu xây dựng mối quan hệ đối tác an ninh toàn cầu Mỹ-Nhật “phù hợp với mục đích” nhằm giải quyết những thách thức phức tạp và có liên kết với nhau; hai bên cho biết kế hoạch nâng cấp các khuôn khổ chỉ huy và kiểm soát quân sự của họ sẽ cho phép khả năng tương tác và lập kế hoạch tốt hơn trong thời bình cũng như trong các cuộc xung đột. Theo tơ Nikkei Asia, trong thời gian chuyến thăm 2 bên ký hơn 70 thỏa thuận hợp tác an ninh, quốc phòng.

US President Joe Biden and First Lady Jill Biden welcome Japan’s Prime Minister Fumio Kishida and his spouse Yuko Kishida at the South Portico of the White House in Washington, DC, on April 9, 2024. (Photo by ANDREW CABALLERO-REYNOLDS / AFP) (Photo by ANDREW CABALLERO-REYNOLDS/AFP via Getty Images)

Tổng thống Biden nhấn mạnh cam kết vững chắc của Mỹ trong việc bảo vệ Nhật Bản bằng cách sử dụng đầy đủ các khả năng bao gồm cả năng lực hạt nhân. Theo đó, Tổng thống Joe Biden tái khẳng định căn cứ theo Điều 5 của Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ-Nhật, Washington sẵn sàng huy động tất cả sức mạnh hiện có, bao gồm cả sức mạnh về hạt nhân, để bảo vệ sự an toàn cho Tokyo. Về phần mình, Fumio Kishida cũng tái khẳng định sự nhất quán của Nhật Bản trong việc tăng cường sức mạnh và khả năng phòng vệ của bản thân, đồng thời căn cứ vào hiệp ước này để phối hợp chặt chẽ với Mỹ.

Ông Joe Biden tái khẳng định rằng Điều 5 của Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ-Nhật được áp dụng đối với cả quần đảo Senkaku (mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư). Hai bên Mỹ-Nhật phản đối mạnh mẽ việc Trung Quốc đơn phương sử dụng phương thức đe dọa vũ lực để thay đổi hiện trạng tại Biển Hoa Đông, bao gồm cả hành động phá hoại sự quản lý hòa bình và ổn định lâu dài của Nhật Bản đối với quần đảo nói trên.

Lãnh đạo hai nước Mỹ-Nhật đã tuyên bố kế hoạch nâng cấp khung kiểm soát và chỉ huy của mỗi bên để tăng cường hợp nhất cả năng lực và hành động, cho phép nâng cao hơn nữa khả năng tương tác giữa quân đội Mỹ và Nhật Bản. Các bên cũng tái khẳng định mục tiêu tăng cường hơn nữa các hoạt động hợp tác tình báo, theo dõi, trinh sát và chia sẻ thông tin, trong đó nội dung cụ thể của kế hoạch hợp tác sẽ thảo luận và đề xuất qua cơ chế đối thoại an ninh 2+2 (quốc phòng và ngoại giao) Mỹ-Nhật. Hai bên cũng tăng cường thế trận liên minh, đi sâu hợp tác để phát triển và sử dụng hiệu quả khả năng phản công của Nhật Bản, bao gồm cả việc cung cấp nguyên vật liệu và sự hỗ trợ từ Washington để tăng cường khả năng tác chiến tại chỗ của Tokyo. Mỹ cam kết khởi động công tác cải tạo và huấn luyện để giúp Nhật Bản làm chủ khả năng điều khiển hệ thống tên lửa Tomahawk; tiếp tục theo đuổi Chương trình đánh chặn giai đoạn lượn (GPI) để đối phó với các mối đe dọa của vũ khí siêu thanh tại khu vực.

Hai bên tuyên bố sẽ tiến hành hợp tác xây dựng mạng lưới phòng không giữa Mỹ, Nhật Bản và Australia; tiếp tục tiến hành các cuộc diễn tập quân sự thường niên Mỹ-Nhật-Hàn; từ năm 2025 trở đi bắt đầu định kỳ tổ chức diễn tập quân sự ba bên Mỹ-Anh-Nhật; tìm kiếm cơ hội hợp tác về máy bay chiến đấu và tự động hóa trên cơ sở triển khai hợp tác máy bay không người lái ba bên Mỹ-Nhật-Australia. Hai bên tái khẳng định tầm quan trọng của viêc tiếp tục mở rộng khả năng răn đe của Mỹ dưới sự hỗ trợ của Nhật Bản, đồng thời tăng cường hơn nữa hợp tác giữa hai bên trong vấn đề này. Theo đó, các Bộ trưởng ngoại giao và Bộ trưởng quốc phòng hai nước sẽ thảo luận sâu hơn về việc phối hợp mở rộng khả năng răn đe của Mỹ tại kỳ Đối thoại an ninh 2+2 tới đây.

Trong chuyến thăm Mỹ, hôm 11/04/2024, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, đã có bài phát biểu trước các nghị sĩ Mỹ tại điện Capitol, Washington. Ông  Kishida nhấn mạnh đến tầm quan trọng của Washington đối với các vấn đề trên toàn cầu vào thời điểm căng thẳng gia tăng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Thủ tướng Kishida cũng nhấn mạnh đến những giá trị của cam kết mà Washington đã đưa ra đối với an ninh toàn cầu và khẳng định Tokyo là một đối tác mạnh mẽ luôn sát cánh cùng Washington. Ông Fumio Kishida đề cao vai trò “anh cả” của Mỹ trên toàn cầu kể từ khi Chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc. Sau khi thả hai quả bom nguyên tử xuống Nhật Bản để chấm dứt chiến tranh, Mỹ đã giúp tái thiết xứ hoa anh đào và hai quốc gia đang từ kẻ thù không đội trời chung trở thành những đồng minh thân thiết. Ông Kishida cho rằng “Mỹ đã có những hy sinh cao cả để thực hiện cam kết vì một thế giới tốt đẹp hơn”.

 Theo giới phân tích, mặc dù không đề cập nhiều đến Trung Quốc, nhưng nội dung tuyên bố chung của lãnh đạo các nước Mỹ-Nhật lại mang nặng hàm ý răn đe Bắc Kinh. Mỹ và Nhật Bản đã trực tiếp công khai chống lại Trung Quốc khi khẳng định sự phản đối mạnh mẽ mọi nỗ lực thay đổi hiện trạng bằng vũ lực hoặc áp bức, bao gồm cả hành động gây bất ổn tại Biển Đông. Vậy điều gì thôi thúc Mỹ, Nhật nâng cấp quan hệ an ninh, quốc phòng vào thời điểm hiện nay được các nhà phân tích mổ sẻ.

Trước hết, giới quan sát nhận định sự hung hăng ngày càng leo thang của Trung Quốc ở Biển Đông, Biển Hoa Đông và Eo biển Đài Loan chính là yếu tố thôi thúc Mỹ, Nhật nâng cấp quan hợp tác an ninh. Trong những năm gần đây, Trung Quốc không ngừng gia tăng các hành vi gây hấn, cho máy bay tàu chiến thường xuyên vượt qua Eo biển Đài Loan để bao vây, đe dọa Đài Loan; các tàu hải cảnh và tàu dân quân biển của Trung Quốc cũng không ngừng quấy nhiễu phu các tàu công vụ đang làm nhiệm vụ tiếp tế của Philippines ở khu vực Bãi Cỏ Mây. Các tàu Trung Quốc nhiều lần phun vòi rồng, đâm va gây thương tích cho thủy thủ trên tàu Philippines. Những hành vi này của Trung Quốc không chỉ tạo ra mối nguy cơ lớn đối với an ninh của Philippines, Đài Loan và các nước ven Biển Đông mà còn đe dọa lợi ích của Mỹ, Nhật và các nước trong và ngoài khu vực. Trong bối cảnh đó, Mỹ và Nhật Bản nhận thây cần phải nâng cấp hợp tác an ninh giữa hai nước để ngăn chặn.

Thứ hai, Nhật Bản không chỉ có nhận thức chung với Mỹ về nguy cơ từ Trung Quốc và trên các vấn đề an ninh khu vực mà còn có cùng lập trường lập trường pháp lý với Mỹ và các nước nhỏ trong khu vực liên quan đến các yêu sách phi lý và hành động ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông. Theo đó, Nhật Bản ủng hộ việc duy trì nguyên trạng và trật tự dựa trên pháp luật ở Biển Đông, Biển Hoa Đông hay Eo biển Đài Loan. Tiếp theo việc Mỹ gửi công hàm lên Liên hợp quốc và ra Tuyên bố bày tỏ quan điểm pháp lý về các tranh chấp ở Biển Đông (vào giữa năm 2020), Nhật Bản đã gửi công hàm lên Liên hợp quốc vào đầu năm 2021 bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông và ủng hộ phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông. Giới chuyên gia nhận định tinh thần thượng tôn phát luật, bảo vệ nguyên trạng và thúc đẩy một trật tự dựa trên luật lệ ở khu vực, trong đó có Biển Đông là yếu tố kết dính Tokyo với Washington trong cuộc đối đầu với Trung Quốc ở Biển Đông và trong khu vực.

Ngoài ra, trong tính toán của chính quyền Tổng thống Mỹ Biden, tăng cường hợp tác quân sự và an ninh quốc phòng với chính quyền Thủ tướng Kishida cũng là cách để trấn an phần nào các đồng minh của Mỹ và đối tác trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, bao gồm các nước ASEAN trước khả năng Nhà Trắng đổi chủ sau bầu cử tổng tổng thống vào tháng 11 tới. Một số chuyên gia cho rằng những tuyên bố về nâng cấp hợp tác an ninh Mỹ-Nhật đạt được trong chuyến thăm của Thủ tướng Kishida khó có thể đảo ngược cho dù sau bầu cử ông chủ Nhà Trắng là ai. Việc Washington tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh 3 bên Mỹ-Nhật Bản-Philippines lần đầu tiên ngay trong thời gian ông Kishida thăm Mỹ cùng nằm trong tính toán này.

Điều đáng chú ý là trong chuyến thăm, hai nhà lãnh đạo Mỹ và Nhật đã trao đối về khả năng Nhật Bản tham gia vào “Trụ cột 2” (về hợp tác công nghệ cao) của Thỏa thuận an ninh chung 3 bên giữa Australia, Anh và Mỹ (AUKUS), ngay sau đó Hàn Quốc cũng bày tỏ hoan nghênh liên minh an ninh AUKUS và sẵn sàng hợp tác  với AUKUS ở các lĩnh vực chiến lược.

Thứ ba, một ưu điểm của Nhật Bản mà Mỹ muốn khai thác để tạo thế trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc ở Biển Đông và trong khu vực là uy tín của Tokyo đối với các đối tác Đông Nam Á và cả ở châu Đại Dương. Nhật Bản là một nhà tài trợ lớn, là một nguồn đầu tư quý giá giúp nhiều quốc gia Đông Nam Á phát triển. Theo thăm dò gần đây do Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS-Yusof Ishak) có trụ sở tại Singapore thực hiện, Tokyo được xem là một “đối tác đáng tin cậy” và trong 6 năm liên tiếp uy tín của Nhật Bản lớn hơn so với của Mỹ hay Trung Quốc tại khu vực này.

Nhật Bản liên tục mở rộng quan hệ từ ngoại giao đến kinh tế, quân sự với Ấn Độ, Australia, và với nhiều quốc gia Đông Nam Á như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia…. Trong những năm qua, Nhật Bản đã tích cực giúp các nước ven Biển Đông nâng cao lực lượng chấp pháp trên biển. Do vậy, Nhật Bản là một trong những nơi mà tân Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto vừa đến thăm. Dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Kishida, Nhật Bản đã xóa bỏ những hiềm khích từ quá khứ lịch sử với Hàn Quốc vì mục tiêu “an ninh chung trong khu vực”. Trước những lợi thế như vậy của Nhật Bản, việc Mỹ trông cậy nhiều hơn vào đối tác chiến lược này là điều dễ hiểu, nhất là trong trường hợp xảy ra xung đột vũ trang ở Eo biển Đài Loan hay Biển Đông, Nhật Bản trong thế “tiền đồn” với 54.000 lính Mỹ đang trú quân sẽ hỗ trợ Washington triển khai lực lượng quân sự ở khu vực.

Kể từ khi áp dụng chiến lược an ninh quốc gia mở rộng hơn vào năm 2022, chính phủ của Thủ tướng Kishida đã thực hiện những bước đi táo bạo để đẩy nhanh việc xây dựng quân đội của Nhật Bản. Ông hy vọng sẽ chứng tỏ Tokyo có khả năng nâng cao hợp tác an ninh với Mỹ. Ông Kishida đã cam kết tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng và tăng cường răn đe chống lại Trung Quốc; đã mua 400 phi đạn hành trình tầm xa Tomahawk của Mỹ để có được khả năng “phản công” trong bối cảnh đối mặt với mối đe dọa từ Trung Quốc. Bắc Kinh như ngồi trên đống lửa trước những diễn biến mới của mối quan hệ đồng minh quân sự Mỹ-Nhật. Ngày 11/4, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh nói trong cuộc họp báo: “Phớt lờ những lo ngại nghiêm trọng của Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản đã bôi nhọ và tấn công Trung Quốc về vấn đề Đài Loan và hàng hải, can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc, vi phạm nghiêm trọng các chuẩn mực cơ bản chi phối quan hệ quốc tế”. Bà Mao Ninh cho hay, Trung Quốc rất không hài lòng và kiên quyết phản đối việc Mỹ – Nhật Bản nâng cấp quan hệ quốc phòng và cho rằng: “Mối quan hệ Mỹ – Nhật Bản không nên nhắm mục tiêu hoặc gây tổn hại đến lợi ích của các nước khác và không nên làm suy yếu hòa bình và ổn định trong khu vực”. Phản ứng của Trung Quốc là dễ hiểu bởi việc nâng cấp quan hệ quân sự giữa Washington và Tokyo với 70 thỏa thuận liên quan chính là nhằm ngăn chặn mối đe dọa từ Bắc Kinh. Thủ tướng Kishida từng phát biểu: “Trung Quốc là mối đe dọa an ninh hàng đầu”. Động thái mới này cho thấy Mỹ và Nhật Bản đang nâng cấp quan hệ đồng minh quân sự để chống lại những gì họ coi là mối đe dọa ngày càng tăng từ Trung Quốc tại các khu vực bao gồm Biển Đông, Biển Hoa Đông và Eo biển Đài Loan.

RELATED ARTICLES

Tin mới