Sunday, December 22, 2024
Trang chủĐàm luậnMỹ đang giữ thế cân bằng tinh tế ở Biển Đông?

Mỹ đang giữ thế cân bằng tinh tế ở Biển Đông?

Một trong những “trò chơi dài hơi” của Bắc Kinh là cáo buộc Washington vi phạm hoặc lạm dụng luật pháp quốc tế. Những cáo buộc có chọn lọc này bị bỏ qua một cách chính đáng do Trung Quốc không sẵn sàng tuân thủ luật pháp quốc tế, thậm chí xuyên tạc, bóp méo các điều khoản của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) và coi thường phán quyết về Biển Đông năm 2016 của Tòa Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS. “Luật pháp quốc tế đặc sắc Trung Quốc” dễ bị chế nhạo và phớt lờ khi sự răn đe và các biện pháp bảo vệ quốc tế của Mỹ cản trở tham vọng của Bắc Kinh.

Năm 2009, Trung Quốc bắt đầu đưa ra các yêu sách mở rộng đối với hầu hết Biển Đông khi nước này gửi lên Liên hợp quốc công hàm kèm theo “Đường 9 Đoạn”, tuyên bố chủ quyền đối với những vùng lãnh hải rộng lớn. Năm 2016, Tòa Trọng tài Thường trực được thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS đã ra phán quyết rằng những tuyên bố trên của Bắc Kinh là vô căn cứ. Nhiều năm đã trôi qua, Trung Quốc không chỉ phớt lờ phán quyết năm 2016 mà còn không ngừng gia tăng các hành động hung hăng buộc các nước (như Philippines) phải tăng cường hợp tác với Mỹ, đây là hệ quả từ chính sách cường quyền của Bắc Kinh.

Căng thẳng giữa giữa Philippines và Trung Quốc liên tục gia tăng trong năm qua và đang đứng “bên miệng hố chiến tranh” sau 2 vụ đối đầu khiến một số thủy thủ Philippines bị thương hồi tháng 3/2023. Điều này cho thấy tính cấp thiết của việc tăng cường năng lực phòng thủ cho các quốc gia giáp Biển Đông và khu vực Đông Nam Á. Giờ đây, Philippines và Trung Quốc đang chơi “trò chơi nguy hiểm” có vũ trang tại khu vực có tranh chấp giữa 6 bên. Việc Trung Quốc vi phạm chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia ven biển sẽ chỉ tiếp tục khiến khu vực trở nên nguy hiểm hơn trừ khi sự răn đe và quyết tâm của Mỹ được đặt lên hàng đầu.

Bà Lindsey Ford, Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đặc trách Nam và Đông Nam Á, đã trình bày những yếu tố đang bị đe dọa khi điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ năm 2023. Bà lưu ý rằng những sự cố tái diễn (như việc Bắc Kinh quấy rối tàu cá Việt Nam) hiện đã trở thành chuyện thường ngày. Tương tự, đó là việc sử dụng tia laser cấp độ quân sự, ngăn chặn máy bay quân sự Mỹ và quân sự hóa các đảo nhân tạo trong và xung quanh khu vực. Nhiều đồng minh của Mỹ cũng có thể phải đối mặt với hậu quả thảm khốc nếu rắc rối gia tăng bởi có tới 40% thương mại của Nhật Bản và 90% hành trình thương mại của Hàn Quốc đi qua tuyến đường thủy này. Lợi ích kinh tế trong tranh chấp Biển Đông không chỉ là bởi vai trò của tuyến hàng hải thương mại nhộn nhịp hàng đầu thế giới, mà khu vực này còn có tiềm năng năng lượng đáng kinh ngạc. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ ước tính khu vực này chứa hơn 40.000 tỷ feet khối khí (LNG) và 3,5 tỷ thùng dầu thô. Tiềm năng này sẽ không được khai thác nếu Trung Quốc tiếp tục hành xử hung hăng ở Biển Đông.

Mỹ và Philippines đã ký kết Hiệp ước phòng thủ chung từ năm 1951, trong đó có điều khoản bên này phải hỗ trợ bên kia trong trường hợp xảy ra “tấn công vũ trang”. Gần đây, Washington nhiều lần khẳng định Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ-Philippines sẽ được kích hoạt trong trường hợp Philippines bị tấn công vũ trang ở Biển Đông. Tuy nhiên, việc đáp trả các hành động gây hấn ở “vùng xám” là điều khó khăn do ranh giới giữa hòa bình và xung đột là mờ nhạt. Đây chính là những gì Bắc Kinh đang trắc nghiệm, thăm dò khả năng can thiệp quân sự của Mỹ trong tương lai ở Biển Đông.

“Trò chơi nguy hiểm” này của Trung Quốc đã khiến 7 quân nhân Philippines bị thương trong 2 cuộc đối đầu trong tháng 3/2023 ở Bãi Cỏ Mây, khu vực đang có tranh chấp giữa Bắc Kinh và Manila. Theo bài phân tích của Chang Jun Yan, chuyên gia quân sự trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS) tại Singapore đăng tải trên tờ Time của Mỹ, khả năng Washington can dự vào một cuộc xung đột vũ trang có thể còn phụ thuộc vào 3 biến số mà nước này không thể bỏ qua: Ngăn chặn Trung Quốc, Trấn an Philippines và Ngoại giao với Bắc Kinh. Tuy nhiên Joseph Liow, Giáo sư về chính trị so sánh và quốc tế, Trưởng khoa của Đại học Công nghệ Nangyang (NTU) ở Singapore nhắc đến yếu tố thứ tư: Chính trị trong nước của Mỹ. Làm thế nào Washington giải thích cho người dân hiểu rằng việc Mỹ tham gia xung đột là vì lợi ích của nước Mỹ, một quá trình có nguy cơ dẫn đến chiến tranh với Trung Quốc chỉ vì một bãi đá nằm cách xa nước Mỹ hàng nghìn dặm?

Nhiều nhà phân tích được tờ Time trích dẫn đều có chung một nhận xét rằng: Mỹ đang rơi vào một tình thế khó khăn, phải cân nhắc và phải “cân bằng giữa việc không làm gì và làm quá nhiều” trong bối cảnh gia tăng căng thẳng ở Biển Đông. Nếu Mỹ phớt lờ và để Bắc Kinh tiếp tục các hành động gây hấn hung hăng với Manila sẽ ảnh hưởng đến các lợi ích của Washington như: nguy cơ mất tuyến đường hàng hải quan trọng; mất vị thế đối tác an ninh cùng với khả năng tiếp cận các căn cứ quân sự Philippines; mất niềm tin từ các nước ASEAN đối với các cam kết của Washington.

Nhà nghiên cứu Kevin Chen thuộc trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS) tại Singapore thì đưa ra cảnh báo rằng đối mặt với sự quyết đoán của Trung Quốc, rủi ro không chỉ cao cho Philippines mà cả cho uy tín cũng như chiến lược phòng thủ của Mỹ trong khu vực. Nhưng nếu can thiệp, trong bối cảnh quan hệ với Trung Quốc ngày càng tồi tệ, rủi ro đi đến xung đột giữa Washington và Bắc Kinh là cao. Bất kể bên nào gây chiến đều không có lợi cho Mỹ. Điều này giải thích vì sao Tổng thống Mỹ Joe Biden trong thông điệp Liên bang mới đây đã khẳng định Washington tìm kiếm “sự cạnh tranh chứ không phải xung đột”. Chuyên gia Chang Jun Yan nhận định rằng đây cũng là điều các quốc gia trong khu vực mong muốn bởi bùng nổ xung đột vũ trang ở Biển Đông sẽ “chẳng có lợi cho bên nào”.

Do vậy, trong chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương hiện nay, chính quyền Tổng thống Joe Biden nỗ lực gia tăng các tiếp xúc ngoại giao kể cả với những quốc gia có quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc (như Campuchia, Myanmar) cũng như là các quốc gia trung lập về chính trị trong cuộc cạnh tranh giữa các siêu cường (như Indonesia và Singapore). Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Mỹ sẽ không làm gì cả. Các biện pháp trừng phạt, tăng cường năng lực quân sự cho các đồng minh, thúc đẩy quan hệ đối tác kinh tế và ủng hộ nguyên tắc tự do lưu thông hàng hải trong khu vực… được xem như là những “cơ chế can thiệp gián tiếp”. Đặc biệt, việc chính quyền Tổng thống Biden vận động các nước đồng minh cùng can dự vào Biển Đông để tạo ra sức mạnh quốc tế là cách làm hiệu quả và có ý nghĩa.

Giới chuyên gia dự báo, trong bối cảnh Bắc Kinh ngày càng trở nên hung hăng trong các hành động bắt nạt các nước láng giềng ven Biển Đông, Washington sẽ tiếp tục can thiệp một cách gián tiếp vào Biển Đông. Cụ thể, Mỹ sẽ tiếp tục gây ấn tượng với Trung Quốc rằng đối đầu vũ trang với Mỹ “sẽ mang lại nhiều rủi ro nghiêm trọng cả về an ninh, kinh tế và ngoại giao”. Các hoạt động ngoại giao, quân sự như nâng cấp quan hệ đồng minh Mỹ-Nhật; tổ chức Hội nghị thượng đỉnh 3 bên Mỹ-Nhật-Philippines lần đẩu tiên hay kế hoạch triển khai tuần tra chung song phương hoặc đa phương ở Biển Đông được xem như một lời nhắc nhở hữu hình về hỗ trợ quốc phòng của Mỹ.

Việc chính quyền của Tổng thống Biden một mặt nỗ lực củng cố quan hệ với các đồng minh và đối tác trong khu vực trong các hoạt động ở Biển Đông, mặt khác cố gắng nối lại những trao đổi về quân sự với Bắc Kinh cho thấy Washington đang tìm cách ngăn chặn Trung Quốc mà không để xảy ra một cuộc chiến gây thiệt hại cho tất cả các bên. Ông Collin Koh, chuyên gia quốc phòng thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế S.Rajaratnam Singapore (RSIS), lưu ý thêm rằng không nên trông đợi nhiều vào việc Mỹ sẽ chấm dứt được hành động hung hăng của Trung Quốc. Tất cả những động thái cho đến nay chỉ cho thấy Mỹ đang tìm cách kềm chế Trung Quốc leo thang và phần nào đã thành công. Những gì Washington đang làm là “vạch ranh giới cho Bắc Kinh để không nên vượt qua”. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo rằng trong trường hợp xảy ra sự cố chết người, nếu Mỹ không làm gì để ủng hộ các đồng minh như đã đề cập, thì uy tín và khả năng lãnh đạo của Mỹ sẽ bị tổn hại với những hậu quả nghiêm trọng, thậm chí không thể khắc phục được.

RELATED ARTICLES

Tin mới