Thursday, January 23, 2025
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiTăng trưởng kinh tế của Việt Nam: Đừng mơ 7-8%

Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam: Đừng mơ 7-8%

TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng, tăng trưởng kinh tế giai đoạn tới không còn lãng mạn 7 – 8% như chúng ta nghĩ, chỉ 4 – 6% là tốt lắm rồi. Do đó, cần bỏ bớt tư tưởng tăng trưởng cứ phải trên 7 – 8% vì vĩnh viễn điều đó không quay trở lại.

Ưu tiên cải cách chính sách và tháo gỡ khó khăn.


Ưu tiên cải cách chính sách và tháo gỡ khó khăn

Nửa đầu năm 2024 đã xuất hiện những tín hiệu tươi sáng hơn. Các tổ chức quốc tế dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2024 tăng so với năm 2023, đạt khoảng 5,5 – 6%.

TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) đưa ra dự báo, tăng trưởng có thể trong khoảng 5,5 – 6%.

Theo TS Việt, cần ưu tiên các chính sách và cải cách nhằm tháo gỡ khó khăn, giảm gánh nặng cho các doanh nghiệp, tạo dựng niềm tin vào môi trường đầu tư để khuyến khích doanh nghiệp quay lại thị trường và mở rộng quy mô. Các chính sách hỗ trợ đặc biệt cho các doanh nghiệp cần cụ thể và khả thi (như chính sách hỗ trợ xuất khẩu khá thành công).

Về lâu về dài, các chính sách tổng thể nhằm nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của ngành, doanh nghiệp và sức cạnh tranh của nền kinh tế là một điều kiện tiên quyết để thúc đẩy và nâng tầm chất lượng tăng tưởng của Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo.

Theo TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, một số xu hướng lớn trên thế giới có thể kể đến hiện nay là tăng trưởng xanh, đa cực…, do đó tăng trưởng khó có thể cao như giai đoạn trước đây.

Theo ông Nghĩa, cuộc chiến lớn nhất mà thế giới đang đương đầu là biến đổi khí hậu. Các quốc gia lớn sẽ phải ngồi lại với nhau để khoanh vùng xung đột và cùng ứng phó với thách thức này.

Một biểu hiện là năm 2026, tất cả hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu đều phải báo cáo phát thải khí nhà kính. Báo cáo này phải được kiểm toán bởi các công ty độc lập của châu Âu. Không riêng châu Âu, hiện nay Mỹ cũng đang soạn thảo quy định tương tự và nội dung có thể còn khắc nghiệt hơn.

Về xu thế đa cực, ông Nghĩa cho rằng điều này là tất yếu. “Chiến tranh, cấm vận, trừng phạt… là sự “giãy giụa” của chủ nghĩa đơn cực khi chuyển sang xu thế đa cực”, ông Nghĩa nói.

Tăng trưởng kinh tế khó có thể cao

Đối với Việt Nam, theo ông Nghĩa, dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng sớm muộn gì kinh tế cũng phải phục hồi. Tuy nhiên, đi cùng với xu thế tiết kiệm tài nguyên, xu thế tiêu dùng xanh… thì tăng trưởng kinh tế khó có thể cao.

“Tăng trưởng không còn lãng mạn 7 – 8% như chúng ta nghĩ, chỉ 4 – 6% là tốt lắm rồi. Do đó, cần bỏ bớt tư tưởng tăng trưởng cứ phải trên 7 – 8% trở lên. Vĩnh viễn điều đó không quay trở lại nữa”, ông Nghĩa nói.

Trước những thách thức trên, điều TS Lê Xuân Nghĩa băn khoăn là “sự thay đổi của thể chế có kịp với sự thay đổi của các xu hướng lớn trên thế giới hay không”.

“Vô vàn những thay đổi công nghệ chúng ta không làm nổi vì thể chế. Chúng ta không có khả năng thay đổi thế giới, thậm chí không thay đổi được bà hàng xóm, chúng ta chỉ có khả năng thay đổi chính mình – chính là thay đổi thể chế”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

TS Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng Việt Nam cần quyết liệt hơn trong cải cách thể chế, bởi thể chế cũng chính là một nguồn lực. Mấu chốt là các bộ, ngành và địa phương cần tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa thực chất các thủ tục hành chính, quy định kinh doanh, chi phí tuân thủ.

Cùng với đó, cần phải tạo ra động lực liên kết giữa các địa phương và doanh nghiệp theo tư duy chuỗi giá trị để cùng hợp tác, cùng phát triển, tập trung tháo gỡ các khó khăn về tiếp cận thị trường xuất khẩu, tạo thuận lợi thương mại, khuyến khích đa dạng hóa thị trường, tìm kiếm và khai thác hiệu quả các thị trường ngách. Ðể tiếp cận hiệu quả thị trường thế giới, các doanh nghiệp cũng cần tăng cường năng lực, hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau.

Theo đó, nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật, bảo đảm tính nhất quán, đồng bộ, công bằng, minh bạch, không phân biệt đối xử giữa các đối tượng doanh nghiệp, từ đó lấy lại và tạo dựng niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp.

Ðồng thời, chính các doanh nghiệp cũng phải tự nhìn nhận lại mình, tăng cường năng lực quản trị, tài chính nhằm tăng khả năng cạnh tranh, đáp ứng tốt các yêu cầu của thị trường. Ðây sẽ là công cụ quan trọng giúp doanh nghiệp duy trì được các động lực tăng trưởng cũ và tìm kiếm mục tiêu tăng trưởng mới, góp phần phục hồi, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh trong giai đoạn tới.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới