Saturday, June 29, 2024
Trang chủĐàm luậnTập hợp lực lượng mới sau cuộc gặp 3 bên giữa Mỹ...

Tập hợp lực lượng mới sau cuộc gặp 3 bên giữa Mỹ với Nhật Bản và Philippines liệu có vẽ lại được cục diện ở Biển Đông

  1. Thế tập hợp lực lượng mới sau cuộc gặp Thượng đỉnh 3 bên

    Ngày 11/4, lần đầu tiên Nguyên thủ ba nước Mỹ, Nhật Bản, Philippines đã tổ chức cuộc gặp Thượng đỉnh 3 tại Nhà trắng. Cuộc gặp có ý nghĩa sâu rộng bao hàm cả về mặt chính trị, kinh tế, an ninh với Tuyên bố về tầm nhìn chung sau khi kết thúc cuộc gặp với nhiều ý nghĩa chiến lược sâu xa cho cả thập kỷ tới. Đáng chú ý, 3 nhà Lãnh đạo công bố gói xây dựng hành lang kinh tế Luzon với dự kiến đầu tư số vốn khổng lồ lên tới 100 tỉ đô, kết nối Vịnh Subic, Clark, Manila và Batangas thông qua việc xây dựng cảng, đường sắt, cơ sở năng lượng sạch và chuỗi cung ứng chất bán dẫn.

Tuy nhấn mạnh mục tiêu chủ yếu nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế song hàm ý về an ninh rất rõ và sâu sắc. Thủ tướng Nhật Bản cho rằng hợp tác ba nước có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương cũng như duy trì một trật tự quốc tế tự do và rộng mở dựa trên pháp quyền Biển Đông. Ba vị lãnh đạo thể hiện quan điểm nhất trí bày tỏ quan ngại nghiêm trọng về các hành vi nguy hiểm, hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông, nơi con đường giao thương của 3000 tỉ USD hàng hóa hàng năm. Tổng thống Mỹ Biden khẳng định lại mọi cuộc tấn công và máy bay, tàu hoặc lực lượng vũ trang của Philippines sẽ kích hoạt thỏa thuận phòng vệ chung giữa hai nước. Tổng thống Mỹ Biden dự kiến thông qua Quốc hội một gói bổ sung 128 triệu đô la cho các dự án hạ tầng tại các căn cứ ở Philippines. Philippines hoan nghênh Tuyên bố chung hội nghị ba bên đã thành lập cơ chế đối thoại biển nhằm tăng cường phối hợp và phản ứng tập thể nhằm thúc đẩy hợp tác biển.

   Cuộc gặp diễn ra là kết quả tất yếu do những sự chuyển động vô cùng sâu sắc của tình hình thế giới và khu vực trong những năm gần đây; là hệ lụy của cuộc cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn mà trung tâm là giữa Mỹ và Trung Quốc và giữa Trung Quốc với Nhật Bản và Philippines; xuất phát từ “mối đe dọa của Trung Quốc đối với trật tự lâu nay do Mỹ dẫn dắt” cả về chính trị, kinh tế và an ninh và vấn đề ở các vùng biển Hoa Đông, eo Biển Đài Loan và Biển Đông. Cuộc gặp cũng đánh dấu lần đầu tiên hình thành chính thức một liên minh tay 3 giữa 3 đồng minh quan trọng của Mỹ ở khu vực Đông Nam Á là Nhật Bản và Philippines trong năm 2024 tiếp ngay sau cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ-Nhật Bản-Hàn Quốc – một liên minh tay ba khác ở khu vực Đông Bắc Á tháng 8 năm 2023 ở Trại Devit. Điển hình nhất là sự hợp tác về an ninh biển đã được nâng cấp bằng các cuộc tuần tra chung hải quân ở Biển Đông, đánh dấu sự khẳng định mạnh mẽ nhất về chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Chính quyền Biden nhằm tập hợp lực lượng các đồng minh, đối tác đối trọng với ảnh hưởng kinh tế, ngoại giao, quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc.

         Rồi các chuyển động tay ba, tay bốn khác cũng đang diễn ra ở khu vực Biển Đông, hình thành mối liên kết, liên minh rộng hơn. Hãng tin AP ngày 02/4 dẫn tuyên bố chung của Bộ trưởng quốc phòng bốn nước Mỹ, Australia, Nhật Bản và Philippines cho hay bốn nước này triển khai diễn tập chống tàu ngầm ở Biển Đông vào ngày 07/4 nhằm bảo đảm thượng tôn pháp luật, tự do hàng hải, hàng không ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Các bên cũng tái khẳng định Phán quyết vụ kiện Trọng tài Biển Đông năm 2016 là chung thẩm và có giá trị ràng buộc đối với các bên tranh chấp. Ngày 03/4, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Kurt Campbell cho rằng dự án tàu ngầm giữa ba nước trong nhóm AUKUS “có ý nghĩa to lớn trong nhiều tình huống khác nhau, bao gồm cả tình huống ở eo biển Đài Loan”, có thể giúp ngăn chặn bất kỳ động thái nào của Trung Quốc chống lại Đài Loan, qua đó thúc đẩy hòa bình và ổn định khu vực. Ngày 09/4, trả lời câu hỏi của phóng viên về phát biểu của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Kurt Campbell rằng dự án tàu ngầm của liên minh Mỹ – Anh – Australia (AUKUS) có ý nghĩa to lớn đối với tình hình eo biển Đài Loan.

Những tác động của tập hợp lực lượng mới đối với cục diện Biển Đông

Thứ nhất, các phát biểu của Nguyên thủ 3 nước trên đều khẳng định ý nghĩa lịch sử có tính giai đoạn của tác động của mối quan hệ 3 bên đối với khu vực, cốt lõi là sự thống nhất sức mạnh của 3 bên đối trọng, kiềm chế Trung Quốc ở Biển Đông. Tổng thống Biden nói “Phần lớn lịch sử trên thế giới của chúng ta sẽ được viết ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong những năm tới. Mỹ, Nhật Bản, và Philippines sẽ cùng nhau viết nên câu chuyện đó”. Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos nói quan hệ giữa Mỹ với Nhật Bản sẽ thay đổi động lực ở Biển Đông. Việc xây dựng quan hệ 3 bên là sống còn sau khi 3 nước phê phán những hành vi nguy hiểm, hiếu chiến của Trung Quốc trong khu vực. Một thỏa thuận hợp tác giữa Philippines, Mỹ và Nhật Bản sẽ thay đổi động lực – Dynamic của Biển Đông và khu vực. Tôi cho rằng thỏa thuận 3 bên là cực kỳ quan trọng. Nó sẽ làm thay đổi động lực, một động lực mà chúng ta thấy trong khu vực ASEAN và về Biển Đông. Chắc chắn, sự liên minh, liên kết sẽ đóng vai trò lớn trong việc kiềm chế Trung Quốc, trong việc làm đảo ngược ảnh hưởng, tác động của Trung Quốc đối với cấu trúc an ninh khu vực, trong việc kiềm chế các hành vi không tuân thủ luật pháp quốc tế, phá vỡ nguyên trạng với các chiến thuật “vùng xám”, “bóc lá cải” hay “luộc ếch”. Tờ Financial Times ngày 08/4 dẫn nguồn tin từ quan chức cấp cao Mỹ cho hay Tổng thống Mỹ Joe Biden cảnh báo về các hoạt động ngày càng quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Đông tại cuộc gặp cấp cao giữa lãnh đạo ba nước Mỹ, Nhật Bản, Philippines; nhấn mạnh tầm quan trọng của Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ -Philippines; đồng thời vị quan chức này cho rằng “Trung Quốc cần xem xét lại chiến thuật của mình khi có nguy cơ đối mặt với một số hậu quả nghiêm trọng”. Theo Emmanuel Véron, nghiên cứu viên tại Trường INALCO Paris (Pháp), việc Mỹ xích lại gần các nước trong khu vực, thúc đẩy quan hệ với Nhật Bản không phải là điều được Trung Quốc hoan nghênh; mối quan hệ ngày càng khăng khít giữa Mỹ và các nước trong khu vực cũng sẽ ngăn cản Trung Quốc trở thành nhân tố thống trị ở Thái Bình Dương.

Hai là, vai trò tăng lên của Nhật Bản đóng vai trò hết sức quan trọng đối với thay đổi cấu trúc an ninh khu vực và Biển Đông trong giai đoạn tới. Cuộc gặp thượng đỉnh 3 bên giữa Mỹ, Nhật Bản và Philippines vừa qua đánh dấu bước ngoặt của việc Nhật Bản phát huy vai trò trong thể chế an ninh toàn cầu, trong đó có khu vực Đông Á, Đông Nam Á. Sự tham gia của Nhật Bản cũng phản ánh động thái của Thủ tướng Kishida nhằm biến NB thành một bên tham gia lớn hơn trong an ninh khu vực cùng với Mỹ, bắt đâu bằng thông báo của ông năm 2022 về tăng gấp đôi ngân sách quốc phòng trong vòng 5 năm. Thủ tướng Nhật Bản đã có bài phát biểu được các Nghị sĩ Mỹ vỗ tay liên tục trước lưỡng viện Mỹ nhân dịp cuộc họp Thượng đỉnh lần này, nhấn mạnh nước Mỹ sẽ không đơn độc trong việc dẫn dắt thế trật tự thế giới, khẳng định Nhật Bản sẽ sát cánh bên cạnh Mỹ trong duy trì trật tự thế giới hiện nay. Như vậy, trong vấn đề Biển Đông, Nhật Bản chắc chắn sẽ tham gia cùng Mỹ vào các hoạt động chung chống lại các nhân tố gây mất ổn định, đe dọa trật tự khu vực. Nhật Bản có lẽ đã có bước chuẩn bị sẵn mà việc tham dự Hội nghị thượng đỉnh lần này chỉ là bước khẳng định chính thức vai trò của Nhật mà thôi. Theo đó, Nhật Bản có thể triển khai binh sĩ đến Philippines. Tokyo và Manila đã thảo luận về việc triển khai lực lượng Nhật Bản tại Philippines trong bối cảnh hai nước gần đạt được thỏa thuận về một số thỏa thuận an ninh nhằm tăng cường khả năng răn đe chống lại Trung Quốc. Hai nước chuẩn bị ký kết Thỏa thuận tiếp cận đối ứng (RAA) cho phép quân đội nước này được huấn luyện và tập trận ở nước kia. Hai bên thảo luận về việc triển khai quân đôi luân phiên, thỏa thuận tương tự như thỏa thuận giữa Mỹ với Philippines bất chấp Hiến pháp Nhật Bản cấm triển khai quân đội thường trực ở nước ngoài. Đây là bước ngoặt lớn đối với Tokyo và Manila hai nước vốn tăng cường hợp tác với Mỹ để chống lại Trung Quốc. Ông Christopher Johnstone chuyên gia Nhật Bản tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho rằng: “nếu thành hiện thực, sự hiện diện của Nhật Bản tại Philippines sẽ gửi hai thông điệp mạnh mẽ tới Trung Quốc. Một là, khu vực đang hình thành một cấu trúc đa phương khu vực để đáp trả hành vi xét lại của Bắc Kinh. Hai là, Nhật Bản đã trở thành nước đảm bảo an ninh được chấp nhận ở Đông Nam Á. Cả hai đều là không tưởng trong những năm trước. Đây là một phần trong gói sang kiến mà Tth Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng Thống Philippines sẽ công bố tại hội nghị thượng đỉnh 3 bên dầu tiên chuẩn bị diễn ra.

Ba là, tập hợp lực lượng mới sẽ dẫn tới xu thế đối đầu, căng thẳng ngày càng gia tăng giữa Trung Quốc với các bên còn lại.  Ngày 12/4, Người Phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm cho rằng hợp tác giữa các bên không nên làm suy yếu hòa bình và ổn định ở khu vực, không nên nhắm tới một quốc gia cụ thể nào; đồng thời chỉ trích các nước bên ngoài thường xuyên phô trương sức mạnh ở Biển Đông, kết bè phái chống lại Trung Quốc. Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh tuyên bố Trung Quốc phản đối “mạnh mẽ” chính trị “phe nhóm” của các nước; chỉ trích Mỹ và Nhật Bản làm gia tăng căng thẳng tình hình. Trung Quốc phản đối mạnh mẽ việc sử dụng khối chính trị của các biên liên quan. Trung Quốc phản đối mạnh mẽ mọi hành động làm căng thẳng tình hình, làm tổn hại lợi ích quốc gia chiến lược của nước khác. Trung Quốc nghiêm khắc chống lại việc hình thành các nhóm riêng biệt trong khu vực. Nhật Bản và Phippines có quyền phát triển quan hệ bình thường với các  nước khác song không được đưa đối đầu vào trong khu vực này càng không nên tham gia vào hợp tác 3 bên gây tổn hại lợi ích nước khác. Ngày 18/4, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm tiếp tục bác bỏ quan ngại của Mỹ, Nhật, Philippines; khẳng định “sẽ không có hành động thao túng chính trị nào ngăn cản Trung Quốc bảo vệ chủ quyền, quyền và lợi ích trên biển của mình”. Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cũng cho rằng, mục đích thực sự của AUKUS là kích động chia rẽ và đối đầu quân sự, làm trầm trọng thêm cuộc chạy đua vũ trang ở châu Á – Thái Bình Dương; khẳng định Trung Quốc luôn kiên định bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mình; yêu cầu AUKUS không can thiệp vào nỗ lực của các bên liên quan nhằm giải quyết tranh chấp ở Biển Đông. Derek Grossman nhà phân tích quốc phòng cấp cao của Tổ chức tư vấn Rand Corp có trụ sở tại Califonia nói “Quyết định của ông Marcos Jr tham gia hội nghị Thượng đỉnh 3 bên đang gia tăng đối trọng với Trung Quốc. Điều này dẫn tới một số rủi ro, song rõ ràng không có bất kỳ lựa chọn thay thế nào khả thi khác nếu Bắc Kinh tiếp tục đưa ra yêu sách đối với phần lớn vùng đặc quyền kinh tế của nước này. Trước phản đối của Trung Quốc đối với Hội nghị ba bên, ngày 18/4, Bộ Ngoại giao Philippines khẳng định việc tham dự Hội nghị là “quyết định mang tính chủ quyền” của nước này; hợp tác giữa ba nước là nhằm thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương; cho rằng các yêu sách thái quá và các hành vi gây hấn của Trung Quốc mới gây hại cho hòa bình và ổn định khu vực. Về sự kiện quân đội Mỹ và Philippines dự kiến tổ chức diễn tập quân sự chung thường niên Balikatan “Vai kề vai” lần thứ 39 từ ngày 22/4 đến ngày 10/5 tại vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, cùng sự tham gia của 14 nước quan sát viên trong và ngoài khu vực. Theo Nikkei Asia, hoạt động diễn tập sẽ bao gồm nhiều hoạt động, trong đó có diễn tập mô phỏng đánh chìm tàu, nhận định điều này có thể sẽ khiến Trung Quốc khó chịu trong bối cảnh căng thẳng leo thang ở Biển Đông. Ngày 18/4, Chủ tịch Thượng viện Philippines Martin Romualdez nhấn mạnh tầm quan trọng của cuộc diễn tập, bày tỏ mong muốn Philippines sẽ tiếp tục mở rộng các hoạt động diễn tập chung với các nước, không chỉ nhằm củng cố chiến lược quốc phòng nước này mà còn góp phần thúc đẩy quan hệ với các nước đồng minh. Bình luận về hoạt động này, ngày 18/4, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm hối thúc Mỹ và Philippines ngừng các hành động gây hấn; cảnh báo Philippines về việc đưa các nước bên ngoài lãnh thổ vào để phô trương sức mạnh và kích động đối đầu ở Biển Đông.

          Bốn là, tập hợp lực lượng mới này sẽ càng làm cho các nước nhỏ trong ASEAN chịu sự tác động nhiều chiều, rơi vào thế kẹt hơn giữa “hai khối”. Có một số ý kiến cho rằng các nước Đông Nam Á khác dường như không mấy “mặn mà” với những kết quả đạt được từ Hội nghị. Trong khi đó, các chuyên gia phân tích Trung Quốc cho rằng hội nghị thượng đỉnh ba bên “đã làm gia tăng căng thẳng thay vì xoa dịu vấn đề Biển Đông”; chỉ trích sự tham gia của Philippines đã “biến nước này trở thành “kẻ lập dị” trong ASEAN” khi các nước khác trong khối “ưa tiên cách tiếp cận thận trọng đối với vấn đề Biển Đông”. Nhìn chung, tập hợp lực lượng mới nhiều khả năng sẽ định hình lại cục diện ở khu vực Biển Đông với theo chiều hướng nào cần tiếp tục theo dõi nghiên cứu thêm song tập hợp này chắc chắn sẽ đẩy Trung Quốc rơi vào thế bị động đối phó trong giai đoạn tới.

Hoàng Trường Hải

RELATED ARTICLES

Tin mới