Sunday, November 17, 2024
Trang chủĐàm luậnTiểu đa phương - công cụ mới của Mỹ ở khu vực...

Tiểu đa phương – công cụ mới của Mỹ ở khu vực và tác động tới Biển Đông

Nhằm thúc đẩy chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, bảo vệ các lợi ích chiến lược của Mỹ trong khu vực, Washington đang tích cực triển khai các hình thức hợp tác tiểu đa phương. Cơ chế hợp tác ba bên Mỹ-Nhật Bản-Philippines được hình thành tại Hội nghị thượng đỉnh 3 nước lần đầu tiên hôm 11/4/2024 được xem là một tiểu đa phương mà Mỹ theo đuổi nhằm đối phó với Trung Quốc ở Biển Đông, Biển Hoa Đông và Eo biển Đài Loan. Chúng ta cùng đi sâu phân tích.

1. Lý do hình thành các có chế tiểu đa phương trong khu vực

Giới chuyên gia cho rằng trong bối cảnh cạnh tranh địa chiến lược Mỹ – Trung ngày càng gay gắt thì việc hình thành những cơ chế tiểu đa phương do Mỹ dẫn đầu ở khu vực mang đến những lợi thế nhất định cho Mỹ, giúp Mỹ có “một sức dẻo dai” và “linh hoạt hơn” trong việc cạnh tranh với Trung Quốc. Trước đó, dưới sự chủ động của Mỹ đã hình thành một số cơ chế tiểu đa phương như Liên minh AUKUS (gồm Mỹ, Vương quốc Anh và Australia) được hình thành năm 2021; liên minh Mỹ – Nhật Bản – Hàn Quốc hình thành tại Hội nghị thượng đỉnh 3 bên ở Trại David (Mỹ) vào mùa Thu năm 2023; hay trước đó là Nhóm Bộ tứ (gồm Mỹ – Nhật Bản – Australia – Ấn Độ.

Các nhà phân tích nhận định mô hình hợp tác “tiểu đa phương” được xem là một công cụ mới nhằm giúp Mỹ “tập hợp lực lượng” hiệu quả hơn so với mô hình đa phương truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Khác với mô hình đa phương truyền thống, mô hình tiểu đa phương chỉ gồm một số lượng nhỏ các quốc gia có cùng “chí hướng”, tập trung theo cơ chế mang tính chất “phi thể chế” nhằm giải quyết một số vấn đề cụ thể. Theo đó, với tính phi chính thức, các cơ chế tiểu đa phương trở nên linh hoạt, tiết kiệm và không bị ràng buộc về mặt thể chế, qua đó giúp cho tiến trình ra quyết định diễn ra nhanh hơn, do càng ít quốc gia thì sẽ ít cạnh tranh về mặt lợi ích – hạn chế mà các thể chế đa phương lớn đang gặp phải. Do vậy, cơ chế tiểu đa phương được xem là mô hình thay thế cho các mô hình đa phương truyền thống vốn đã trở nên kém hiệu quả và “lỗi thời”. Những lợi thế của cơ chế tiểu đa phương thể hiện trên một số điểm sau:

Một là, các nhóm “tiểu đa phương” không bị ràng buộc bởi tính thể chế và quy mô hoạt động nhỏ, có thể phản ứng rất linh hoạt và nhanh chóng. Điều này giúp giải quyết vấn đề quy mô cồng kềnh và chương trình nghị sự lan man, thiếu trọng tâm của các cơ chế đa phương truyền thống. Với các cơ chế “tiểu đa phương”, Mỹ có thể đối phó hiệu quả hơn và nhanh chóng hơn với các thách thức cụ thể trong khu vực.

Hai là, các cơ chế tiểu đa phương giúp Mỹ tập hợp các quốc gia “cùng chí hướng”, cùng chia sẻ lợi ích và đối phó với các vấn đề chung. Điều này giúp tránh được sự chi phối bởi những cạnh tranh về mặt lợi ích với Trung Quốc trong các thể chế đa phương lớn, đặc biệt trong bối cảnh ảnh hưởng của Bắc Kinh ngày càng gia tăng.

Ba là, các cơ chế tiểu đa phương giúp củng cố thêm mạng lưới đồng minh hiệp ước trong khu vực của Mỹ. Thông qua các cơ chế này, Mỹ cũng có thể thúc đẩy hơn nữa các quan hệ song phương với các đồng minh và kết hợp sức mạnh răn đe tổng hợp. Trường hợp của thượng đỉnh Mỹ – Nhật Bản – Hàn Quốc là một điển hình. Cơ chế hợp tác 3 bên Mỹ – Nhật Bản – Philippines cũng sẽ giúp Washington củng cố hơn quan hệ đồng minh hiệp ước với cả 2 nước này.

Bốn là, các cơ chế tiểu đa phương có thể giúp Mỹ thu hút được sự quan tâm của nhiều đối tác bên ngoài hệ thống đồng minh của mình hơn. Các cơ chế tiểu đa phương có thể linh hoạt trong chương trình nghị sự và không có ràng buộc về mặt thể chế. Theo đó, các quốc gia trong khu vực đang cố gắng cân bằng giữa Mỹ và Trung Quốc cũng có thể cân nhắc tham gia từng nội dung nếu nhận thấy chương trình nghị sự của nhóm tiểu đa phương mang lại lợi ích và không bao gồm vấn đề nhạy cảm.

2. Về cơ chế hợp tác 3 bên Mỹ – Nhật Bản – Philippines

Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Nhật Fumio Kishida và Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. đã lần đầu tiên tổ chức Hội nghị 3 bên tại Nhà Trắng và ra Tuyên bố chung. Tại Hội nghị 3 nhà lãnh đạo bày tỏ quyết tâm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn diện, lâu dài và khả năng phục hồi của kinh tế ba nước. Trong đó, Mỹ, Nhật đưa ra những cam kết hỗ trợ Philippines phát triển các dự án cơ sở hạ tầng, bao gồm hỗ trợ phát triển hành lang kinh tế trên đảo Luzon của Philippines cũng như tăng cường hợp tác năng lượng trong các lĩnh vực công nghệ quan trọng. Các nhà lãnh đạo cũng bày tỏ sự quan ngại và phản đối mạnh mẽ việc cưỡng ép kinh tế, nhấn mạnh tầm quan trọng của trật tự kinh tế dựa trên luật lệ.

Một nội dung quan trọng hơn được các nhà lãnh đạo 3 nước thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh là việc tăng cường hợp tác an ninh quốc phòng. Tổng thống Biden tái khẳng định các cam kết liên minh vững chắc của Mỹ với cả Nhật và Philippines cũng như cam kết đối với tự do hàng hải và hàng không. Ba nhà lãnh đạo “hoan nghênh sự hợp tác gần đây giữa ba quốc gia nhằm ủng hộ một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở, đồng thời cam kết tăng cường hợp tác sâu sắc hơn”.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng thống Biden cho rằng “phần lớn lịch sử thế giới” trong tương lai sẽ được viết ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và bày tỏ: “Tôi mong chờ nhiều hội nghị thượng đỉnh khác trong những năm tới. Khi chúng ta sát cánh cùng nhau, chúng ta có thể tạo dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người”. Ông Biden nhấn mạnh: “Các cam kết quốc phòng của Mỹ với Nhật và Philippines là sắt thép. Như tôi đã nói trước đây, bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào  máy bay, tàu hoặc lực lượng vũ trang của Philippines ở Biển Đông sẽ vi phạm Hiệp ước phòng thủ chung của chúng ta”.

Tổng thống Marcos gọi Hội nghị thượng đỉnh là “cơ hội để xác định tương lai mà chúng ta mong muốn” và nhấn mạnh: “Hội nghị thượng đỉnh ba bên ra đời không phải vì sự thuận tiện mà là một sự tiến triển tự nhiên giữa các đối tác được liên kết nhờ sự tôn trọng sâu sắc đối với nền dân chủ, quản trị và pháp quyền”. Thủ tướng Kishida cho rằng “sự hợp tác nhiều tầng giữa các đồng minh và các quốc gia có cùng chí hướng là điều cần thiết nếu muốn duy trì và củng cố một trật tự quốc tế tự do và cởi mở dựa trên luật pháp”.

Ba nhà lãnh đạo cam kết tăng cường phối hợp sâu rộng để nâng cao nhận thức về lĩnh vực hàng hải, tăng cường hợp tác về hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai. Các sáng kiến lớn được nhất trí gồm hỗ trợ các nỗ lực hiện đại hóa quốc phòng của Philippines và kế hoạch tiến hành một cuộc tập trận chung trên biển của ba nước xung quanh Nhật Bản vào năm 2025.

Trong Tuyên bố chung, ba nhà lãnh đạo chỉ trích hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông và Biển Hoa Đông; phản đối “việc sử dụng tàu cảnh sát biển và tàu dân quân biển một cách nguy hiểm và cưỡng ép ở Biển Đông, cũng như những nỗ lực gây rối đối với việc khai thác tài nguyên ngoài khơi” của các quốc gia trong khu vực. Tuyên bố chung còn khẳng định “tầm quan trọng của hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan như một yếu tố không thể thiếu đối với an ninh và thịnh vượng toàn cầu”.

Mặc dù các bên đều khẳng định Hội nghị thượng đỉnh không nhằm chống lại bất cứ nước nào, song Hội nghị diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc liên tiếp có những hành động hung hăng nhằm vào Philippines ở Biển Đông nên hầu hết các nhà phân tích đều nhận định mối lo ngại về một Trung Quốc ngày càng hung hãn chính là “chất keo” kết dính 3 nước Mỹ-Nhật Bản-Philippines. Giáo sư D.J. Brown, làm việc tại Đại học Temple ở Tokyo, bình luận: “Thứ mà họ cho là mối đe dọa mang tên Trung Quốc đang thúc đẩy ba nước xích lại gần hơn”. Nguy cơ cuộc xung đột ở Eo biển Đài Loan và những bất ổn ở Biển Đông đang là vấn đề chi phối tư duy chiến lược của cả 3 quốc gia này. Do vậy, cơ chế hợp tác Mỹ-Nhật Bản-Philippines sẽ tác động sâu rộng tới an ninh khu vực.

3. Tác động tới Biển Đông

Trước hết, cơ chế hợp tác Mỹ-Nhật Bản-Philippines sẽ tạo thêm sức mạnh cho Washington trong cuộc cạnh tranh địa chiến lược Mỹ-Trung ở Biển Đông và trong khu vực. Philippines và Nhật Bản là 2 đồng minh quan trọng nhất của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương, bao gồm Biển Đông, Biển Hoa Đông và Eo biển Đài Loan. Họ chia sẻ mối quan ngại về sức mạnh hàng hải ngày càng tăng của Trung Quốc, cũng như nguyên tắc “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở” được thúc đẩy bởi chính quyền Mỹ trước đây. Cả Washington lẫn Tokyo cũng tăng cường hợp tác an ninh và hàng hải với Manila trong 18 tháng qua, trong bối cảnh Philippines phải chịu áp lực ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông. Hội nghị thượng đỉnh khẳng định hợp tác này sẽ càng sâu sắc hơn trong thời gian tới. Cơ chế tiểu đa phương này sẽ là một yếu tố quan trọng ngăn chặn sự hung hăng của Bắc Kinh ở Biển Đông và trong khu vực.

Trước Hội nghị thượng đỉnh 3 bên, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida từng quan niệm hợp tác “chặt chẽ hơn giữa Nhật-Mỹ-Philippines là một yếu tố then chốt trong khu vực”. Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản đã chỉ ra rằng Trung Quốc “không ngừng gây áp lực, hà hiếp” các nước láng giềng, kể cả Nhật và Philippines. Đây chính là nội dung quan trọng nhất tại Hội nghị thượng đỉnh ba bên đầu tiên này. Philippines là nước liên quan trực tiếp tới tranh chấp ở Biển Đông, do vậy trong khuôn khổ hợp tác 3 bên này, Mỹ và Nhật Bản có điều kiện can dự sâu hơn vào Biển Đông. Đáng chú ý, việc Mỹ và Nhật cam kết hỗ trợ Philippines trong dự án phát triển hành lang kinh tế Luzon của Philippines, kết nối các trung tâm kinh tế ở Vịnh Subic, Clark, Manila và Batangas của nước này, tạo sức mạnh cho Manila trong đối phó với các thách thức trên Biển Đông.

Đánh giá về Hội nghị thượng đỉnh 3 bên, Tổng thống Marcos Jr cho rằng mối quan hệ hợp tác Mỹ – Nhật – Philippines “sẽ thay đổi cục diện trong khu vực, ở xung quanh Biển Đông, ở ASEAN, ở châu Á”. Lý giải về điều này, ngày 18/4/2024 Bộ Ngoại giao Philippines ra tuyên bố nhấn mạnh quyết định của nước này tăng cường quan hệ với Nhật Bản và Mỹ là “sự lựa chọn tối thượng”, đồng thời kêu gọi Trung Quốc hãy “suy ngẫm về hành động của chính họ” ở Biển Đông. Tuyên bố nêu rõ: “Nguồn gốc căng thẳng trong khu vực của chúng ta đều được mọi người biết rõ. Chính các tuyên bố chủ quyền trên biển quá đáng và hành vi hung hăng của Trung Quốc, bao gồm cả việc quân sự hóa các thực thể được bồi đắp, đang làm suy yếu hòa bình, ổn định trong khu vực và làm gia tăng căng thẳng”. Câu hỏi đặt ra là liệu cách làm này của Philippines có thể tạo ra hiệu ứng domino ở khu vực hay không? Giới phân tích nhận do đặc thù ở khu vực, mỗi quốc gia có cách tiếp cận khác nhau, về cơ bản các nước khác ven Biển Đông vẫn sẽ thi hành chính sách “không chọn bên”. Tuy nhiên, Bắc Kinh không thay đổi cách hành xử của mình, tiếp tục hung hăng cưỡng ép họ thì chỉ đẩy các nước này về phía Mỹ, Nhật….

Mặt khác, một số chuyên gia lo ngại hợp tác an ninh chặt chẽ hơn giữa Mỹ-Nhật-Philippines có thể tạo ra làn gió ngược, làm gia tăng thêm căng thẳng địa chính trị trong khu vực. Theo ông Richard Javad Heydarian, Giáo sư địa chính trị tại Đại học Bách khoa Philippines, những diễn biến từ Washington và các đồng minh có thể khiến Trung Quốc cảm thấy đang bị “bao vây chiến lược” và Bắc Kinh sẽ không ngồi yên. Chuyên gia James Park tại Viện Nghiên cứu Quincy (Mỹ) cho rằng nếu Washington và các đồng minh tiếp tục tăng cường hoạt động quân sự trong khu vực, đặc biệt là ở Biển Đông và gần Đài Loan, Bắc Kinh có thể coi đây là một mối đe dọa để phản ứng cứng rắn hơn khiến căng thẳng tiếp tục leo thang. Chúng ta cùng theo dõi những diễn biến tiếp theo ở Biển Đông để có cái nhìn khách quan hơn về hiệu quả và vai trò của tiểu đa phương Mỹ-Nhật-Philippines mà Mỹ đang thúc đẩy. Chuyện gì sẽ xảy ra trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, nhất là xung quanh Bãi Cỏ Mây trong những ngày tới đây có thể phần nào làm rõ điều này.

RELATED ARTICLES

Tin mới