Nhà sách Tân Việt cơ sở Vincom Royal City (Hà Nội) đã thu hồi, tiêu hủy toàn bộ những quả địa cầu có đường lưỡi bò phi pháp ngay sau khi phát hiện vụ việc vào ngày 20/6 vừa qua, đồng thời, có lời xin lỗi tới dư luận.
Hú vía. May chưa quả địa cầu nào bán ra cho khách hàng. Nếu điều đó xảy ra, cơ sở phát hành này và Tân Việt Books khó có thể được dư luận tha thứ, dù cầu thị tới đâu.
Vì sao? Vì với cả trăm triệu người Việt Nam, chủ quyền lãnh thổ, biển đảo là một trong những điều thiêng liêng nhất. Càng những năm gần đây khi vấn đề Biển Đông trở nên căng thẳng và phức tạp, ý thức về điều đó trong tâm can mỗi người Việt càng trở nên thường trực, nhạy cảm hơn bao giờ hết. Chính thế, mỗi một sự cố tương tự, dư luận đều coi đó là đáng trách, đòi cơ quan quản lý phải xem xét trách nhiệm các cá nhân, đơn vị liên quan.
Vậy mà, các vụ việc, sự cố cứ thi thoảng lại xảy ra.
Tạm tính, trong vài bốn năm nay, ít nhất, cũng tới vài lần cái “lưỡi bò” (một cách gọi mỉa mai yêu sách “đường 9 đoạn” mà Trung Quốc đơn phương đưa ra để đòi hỏi chủ quyền hầu hết diện tích Biển Đông) theo các loại văn hóa phẩm len lỏi vào Việt Nam.
Tháng 8/2018, sau vài buổi chiếu tại hệ thống rạp CGV (chi nhánh Việt Nam thuộc tập đoàn CJ Group Hàn Quốc), bộ phim “Điệp vụ Biển Đỏ” (Operation Red Sea) của một nhà sản xuất Trung Quốc mới bị dừng chiếu vì cảnh ngắn 30 giây hình ảnh hải quân Trung Quốc truy đuổi một tàu nước ngoài và thông báo: đây là “South China Sea” (tức biển Hoa Nam – cách gọi biển Đông của Trung Quốc), là “hải phận của Trung Quốc”.
Phẫn nộ tới mấy, nhưng dư luận cũng phải thừa nhận, cách cài cắm thông điệp chủ quyền ngang ngược của các nhà làm phim quá ma mãnh.
Ngỡ sau lần đó, trước sự cảnh giác của các cơ quan chức năng, cái “lưỡi bò” quỷ quyệt đến mấy cũng đừng hòng theo phim ảnh vào Việt Nam. Không ngờ, sau hơn một năm, vào tháng 10/2019, nó một lần nữa trà trộn trong bộ phim “Everest Người tuyết bé nhỏ” (Abominable) – một phim hoạt hình do Hãng DreamWorks (Mỹ) và Pearl Studio (Trung Quốc) hợp tác sản xuất, xuất hiện trong các suất chiếu cũng của nhà rạp CGV. Không chỉ mình khán giả Việt Nam, khán giả Philippines cũng phẫn nộ khi phim này ra rạp tại thủ đô Manila.
Điều đáng nói, cũng là đáng buồn, trong cả hai vụ trên, phát hiện là khán giả chứ không phải cơ quan chức năng có phận sự. Chính sự tréo ngoe đó, nhà cầm quyền Việt Nam đã phải xử lý nặng tay cá nhân và đơn vị chịu trách nhiệm, là Cục điện ảnh.
Điều an ủi nhất với dư luận là: sau hai vụ lén lút đột nhập thành công đó, các phim cài cắm đường lưỡi bò hoặc xuyên tạc lịch sử cuộc chiến tranh xâm lược biên giới Việt Nam tháng 2/1979 do Trung Quốc phát động, đều bị chặn lại từ ngoài cửa. Nếu không rút ra bài học sâu sắc và cảnh giác đó, các phim như “Thợ săn cổ vật” (Uncharted), “Barbie”, “Pine Gap”, “Gửi thời thanh xuân ấm áp của chúng ta (Put your head on my shoulder), Bà ngoại trưởng (Madam Secretary), lăm le chui vào rạp hoặc đưa lên các nền tảng trực tuyến, đã bị chặn lại.
Nhưng không đi được đường phim, thì kẻ xấu đột nhập bằng đường khác, trong đó có đường “học cụ” là quả địa cầu.
Tháng 8/2018, Shopee – một sàn thương mại điện tử thuộc top 3, nổi tiếng, có lượng khách hàng đông đảo ở Việt Nam, đã trở nên tai tiếng vì dính vụ bán sản phẩm quả địa cầu có in hình “đường lưỡi bò” của Trung Quốc. 10 quả địa cầu loại này bán ra, đã được thu hồi, nhưng chắc chắn, tới nay Shopee chưa thể quên nỗi đau đớn, ê ẩm do cơn gạch đá của dư luận vì sự việc dù không cố ý, nhưng gây hậu quả nghiêm trọng đó.
Và, điều đáng nói, cũng như hai vụ phim ảnh kể trên, cái “lưỡi bò” mất vệ sinh đó chẳng phải đơn vị nhập hàng hay bán hàng phát hiện ra, mà là khách hàng. Nghĩa là, đơn vị nhập hàng đã mất cảnh giác, thiếu trách nhiệm. Ngay cả trừ đi giá trị bài học “cảnh giác và rút kinh nghiệm sâu sắc” có được, việc bị chỉ trích và sa sút niềm tin từ khách hàng của Shopee vẫn là tổn thương đắt đỏ với sàn thương mại điện tử này.
Ngỡ câu chuyện “lưỡi bò” chấm dứt, thì đánh đùng: xảy ra vụ việc tại Nhà sách Tân Việt ngày 20/6 nêu trên. Đau quá! Càng đau hơn, những quả địa cầu này nằm trong lô hàng 48 quả địa cầu nhập khẩu chính ngạch, chứ không phải tiểu ngạch, cuối tháng 5 vừa qua.
Cái gì nhập chính ngạch, chính danh thì là đàng hoàng, đáng khuyến khích. Riêng “lưỡi bò” cứ thi thoảng ung dung theo đường chính ngạch để vào Việt Nam làm đồ chơi cho bọn trẻ thì…nguy có ngày.
T.V