Sông Dương Tử là tuyến đường thủy dài nhất và đông đúc bậc nhất châu Á, thời gian gần đây tình trạng tắc nghẽn ngày càng nghiêm trọng, thậm chí tàu thuyền mất trung bình 12 ngày mới qua được đập Tam Hiệp, nhà máy thủy điện lớn nhất thế giới.
Chờ 12 ngày để đi qua đập lớn nhất thế giới
Tờ Hoa Nam buổi sáng cho biết những ngày qua, các chuyên gia và quan chức địa phương từ 4 tỉnh thành phố của Trung Quốc gồm: Trùng Khánh, Tứ Xuyên, Quý Châu, Vân Nam và Thiểm Tây đã gặp mặt tại diễn đàn thảo luận nhằm khơi thông những nút thắt ở thượng lưu sông Dương Tử, tác động lớn đến giao thông vận tải trong khu vực này.
Thực tế, sông Dương Tử là tuyến đường thủy dài nhất và đông đúc bậc nhất châu Á, từ lâu đã xuất hiện hàng loạt điểm ùn tắc nghiêm trọng, cản trở hiệu quả vận tải, dẫn đến nhu cầu bức thiết phải cải thiện tuyến đường thủy này, phục vụ phát triển kinh tế những địa phương dòng sông chảy qua.
Tại diễn đàn, các chuyên gia cho biết tình trạng tắc nghẽn thường xuyên xảy ra tại vị trí đập Tam Hiệp, trong khi giao thông trên các nhánh sông bị cản trở, kết nối chưa tối ưu với dòng chính của sông Dương Tử.
Ước tính trong năm 2023, các tàu chở hàng phải chờ trung bình 12 ngày chỉ để đi qua đập Tam Hiệp do năng lực vận tải hạn chế.
Theo Phòng Thương mại Liên minh châu Âu (EU) khu vực Tây Nam Trung Quốc, thời gian chờ đợi kéo dài làm gia tăng chi phí, gây khó khăn trong hoạt động vận tải, gia tăng ô nhiễm môi trường, tác động tiêu cực đến chuỗi cung ứng.
Thực tế không chỉ năng lực vận tải hạn chế mà lưu lượng vận tải trên sông Dương Tử đã tăng vọt trong những năm qua do chi phí rẻ hơn nhiều so với đường sắt và đường hàng không.
Theo số liệu chính thức, lượng hàng hóa thông qua các cảng trên sông Dương Tử năm 2023 tăng 8% so với năm 2022 lên 3,8 tỷ tấn, trong khi lưu lượng hành khách đạt 1,38 triệu lượt, tăng 26%.
Ngoài ra, một số công trình cầu bắc qua sông xây từ những năm 1950 có chiều cao chỉ khoảng 24m, không tương thích với những tàu lớn ngày nay, cản trở giao thông vận tải trên tuyến đường thủy sông Dương Tử.
Huyết mạch trọng yếu của nền kinh tế Trung Quốc
Như sông Mississippi ở Mỹ hay sông Nile ở Ai Cập, tuyến vận tải qua sông Dương Tử và các phụ lưu từ lâu được coi như những “cao tốc trên sông”, đóng góp quan trọng cho nền kinh tế Trung Quốc.
Hiện nay, tuyến đường thủy phụ trách vận chuyển 80% sản lượng quặng khoáng sản, 80% lượng than và 70% lượng dầu thô của nước này.
Theo Phòng Thương mại EU khu vực Tây Nam Trung Quốc, nâng cao năng lực vận tải đường thủy ở thượng lưu sông Dương Tử là điều kiện tiên quyết để phát triển kinh tế các địa phương dòng sông đi qua.
Kể từ khi diễn đàn đầu tiên giữa 5 tỉnh thành được tổ chức vào năm 2021, các địa phương đã tăng cường hợp tác vận tải, cứu hộ khẩn cấp trên sông và ban hành các quy định vận tải liên tỉnh. Tại diễn đàn, hơn 33 công ty đã ký kết hợp tác trong các lĩnh vực du lịch trên sông, vận tải tàu container, đóng tàu…
Năm nay, các chuyên gia tăng cường thảo luận, bàn giải pháp cho các vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng đến giao thông trên tuyến sông Dương Tử.
Các chuyên gia cho biết cần đơn giản hóa thủ tục thông qua các âu tàu qua đập Tam Hiệp. Trong đó, phải ưu tiên các tàu chuyên chở nhiên liệu hàng không, quặng sắt, thép, ngũ cốc và các vật liệu thiết yếu khác.
Theo chuyên gia, cải thiện hiệu quả vận tải trên sông Dương Tử sẽ tiết giảm chi phí bởi đây là phương thức vận tải rẻ nhất, nhất là khi vận chuyển khối lượng lớn, mang lại lợi ích cao cho các thành phố có cảng trên sông nếu có chiến lược phát triển kinh tế cảng.
Không chỉ vậy, Phòng Thương mại EU khẳng định năng lực thông hành của tuyến vận tải sông Dương Tử ảnh hưởng đến khả năng và chất lượng thông thương tại khu vực miền Trung và miền Tây Trung Quốc, cũng như kết nối với các tuyến thương mại quốc tế.
Do đó các địa phương này cũng cần cải thiện hiệu quả vận tải hàng hóa qua tuyến đường thủy này, đồng thời tăng cường kết nối giữa đường bộ và đường thủy nhằm thúc đẩy mở cửa kinh tế và giao thương khu vực miền Trung và miền Tây Trung Quốc.
Thực tế những năm qua, nhiều dự án khơi thông những điểm nghẽn trên sông Dương Tử đã được triển khai.
Điển hình như dự án nạo vét đoạn sông từ TP. Nghi Xương (Hồ Bắc) đến An Khánh (An Huy) (dài hơn 800km) vào năm 2017 đã tăng độ sâu nhiều đoạn thêm 6m, cho phép các tàu trọng tải 13.000 tấn đến Vũ Hán và các tàu 5.000 tấn đến Nghi Xương, tạo ra lợi ích kinh tế trực tiếp cho địa phương, giảm đáng kể tiêu hao nhiên liệu của các tàu.
T.P