Việc bổ sung thêm các nước sản xuất dầu mỏ lớn có thể mang lại cho BRICS phạm vi rộng hơn để thách thức sự thống trị của đồng USD.
Nhóm BRICS – ban đầu gồm các nền kinh tế mới nổi Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi – đã tăng gấp đôi quy mô vào năm 2024, sau khi kết nạp thêm 5 nước: Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Iran, Ethiopia, Ai Cập.
Động lực mở rộng BRICS
Theo Bloomberg, sự mở rộng BRICS phần lớn được thúc đẩy bởi Trung Quốc – hiện là cường quốc công nghiệp hàng đầu thế giới và đang cố gắng tăng cường ảnh hưởng toàn cầu của mình. Nam Phi và Nga ủng hộ việc mở rộng. Ấn Độ và Brazil ban đầu do dự nhưng cuối cùng đều đồng ý.
Đối với các thành viên mới, BRICS mang lại tiềm năng tiếp cận nguồn tài chính dễ dàng hơn từ các thành viên giàu có hơn và vị thế chính trị độc lập, không bị ảnh hưởng của Mỹ.
Ngoại trưởng Thái Lan Maris Sangiampongsa cho biết BRICS “đại diện cho khuôn khổ hợp tác Nam – Nam mà Thái Lan từ lâu đã mong muốn trở thành một phần trong đó”.
BRICS lớn hơn có ý nghĩa gì đối với thế giới?
Việc BRICS bổ sung thêm các nước sản xuất dầu mỏ lớn có thể mang lại cho khối phạm vi rộng hơn để thách thức sự thống trị của đồng USD trong giao dịch dầu khí bằng cách chuyển sang các loại tiền tệ khác – khái niệm được gọi là phi USD hóa.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích tại Bloomberg Economics, việc mở rộng BRICS “liên quan nhiều đến chính trị hơn là kinh tế”. BRICS mở rộng có thể trở thành đối trọng mạnh mẽ hơn với nhóm G7 – gồm 7 nền kinh tế tiên tiến: Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản và Anh.
BRICS đang hướng tới xây dựng một trật tự thế giới đa cực nhằm đối trọng với Mỹ. Nga cũng muốn thấy ảnh hưởng toàn cầu của Mỹ suy giảm. Các nhóm khác đang thúc đẩy tiến tới một thế giới đa cực hơn – và thoát khỏi sự thống trị sau Chiến tranh Lạnh của Mỹ – bao gồm OPEC, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), Khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) và Liên minh châu Phi.
Thành tựu của BRICS
Thành tựu lớn nhất của BRICS là tài chính. Các nước BRICS đã đồng ý chia sẻ 100 tỉ USD dự trữ ngoại hối để có thể cho nhau vay trong trường hợp khẩn cấp.
Cơ sở thanh khoản đó bắt đầu hoạt động vào năm 2016. BRICS thành lập Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) – một tổ chức lấy cảm hứng từ Ngân hàng Thế giới – và đã phê duyệt các khoản cho vay gần 33 tỉ USD chủ yếu cho các dự án cấp nước, giao thông và cơ sở hạ tầng khác kể từ khi bắt đầu hoạt động vào năm 2015.
Nam Phi đã vay 1 tỉ USD của NDB vào năm 2020 để chống lại đại dịch COVID- 19.
Quan hệ thương mại thay đổi như thế nào?
Thương mại giữa 5 thành viên đầu tiên của BRICS tăng 56% lên 422 tỉ USD từ năm 2017 đến năm 2022.
Về mặt kinh tế, tài nguyên thiên nhiên và nông sản của Brazil và Nga khiến hai nước này trở thành đối tác tự nhiên cho nhu cầu của Trung Quốc. Ấn Độ và Trung Quốc có mối liên hệ thương mại yếu hơn, một phần do sự cạnh tranh địa chính trị và tranh chấp biên giới gay gắt.
Trong phần lớn thời gian BRICS tồn tại, GDP của Trung Quốc đã lớn hơn gấp đôi quy mô của tổng cộng 4 thành viên ban đầu còn lại. Về lý thuyết, điều đó sẽ mang lại cho Trung Quốc ảnh hưởng lớn nhất.
Trên thực tế, Ấn Độ, quốc gia gần đây vượt qua Trung Quốc về dân số, đã trở thành một đối trọng. Ngân hàng Phát triển Mới có trụ sở chính tại Thượng Hải nhưng được lãnh đạo bởi một người Ấn Độ và hai người Brazil, gần đây nhất là cựu Tổng thống Brazil Dilma Rousseff.
T.P