Tuesday, July 2, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiBất cập định giá khoáng sản bauxite, nguy cơ ngân sách thất...

Bất cập định giá khoáng sản bauxite, nguy cơ ngân sách thất thu 20 tỉ USD

Quy định xác định giá khởi điểm đấu giá quyền khai thác khoáng sản trong thực thi luật Khoáng sản 2010 bộc lộ những bất cập, hạn chế. Nếu dự thảo luật Địa chất và Khoáng sản tiếp tục giữ quy định như hiện nay thì ngân sách thất thu rất lớn, riêng quặng bauxite đã lên tới 20 tỉ USD.

Luật sư Lê Thanh Sơn cho rằng, giá bauxite Việt Nam đang có sự chênh lệch lớn, rất thấp so với thế giới


Giá bauxite Việt Nam thấp hơn 3 – 4 lần so với thế giới
Góp ý vào dự thảo luật Địa chất và Khoáng sản, nhiều chuyên gia phản ánh, quy định xác định giá khởi điểm để đấu giá quyền khai thác khoáng sản đang có sự bất nhất trong các văn bản dưới luật Khoáng sản 2010. Trong khi đó, dự thảo luật Địa chất và Khoáng sản tiếp tục giữ nguyên các quy định này thì ngân sách sẽ thất thu số tiền rất lớn.

Chia sẻ với Thanh Niên, luật sư Lê Thanh Sơn, Trưởng văn phòng luật sư AIC (Hà Nội), cho rằng khung giá tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản từ năm 2020 đến nay không có thay đổi là không phù hợp với giá trị thực tế của khoáng sản trên thị trường.

Ví dụ với giá bauxite, theo quy định tại Thông tư 05/2020/TT-BTC, giá tối đa là 390.000 đồng/tấn (15,47 USD/tấn). Trong khi đó, giá bauxite cùng loại cập nhật đến tháng 12.2023 ở Mỹ là 48 USD/ tấn, ở Trung Quốc là 69 USD/tấn, ở Đức 50 USD/tấn, ở Brazil là 56 USD tấn.

“Sau khi khảo sát, chúng tôi không biết cơ quan soạn thảo thông tư đó lấy căn cứ nào để đưa ra giá 390.000 đồng/tấn bauxite. Mức giá này đang chênh lệch rất lớn, thấp hơn 3 – 4 lần so với thế giới. Việt Nam có nhiều nông sản như: gạo, cà phê có giá tiệm cận trên thị trường quốc tế thì tại sao với khoáng sản lại không tính theo giá thế giới. Vì sao không tham khảo ngay nước gần nhất là Trung Quốc hoặc Ấn Độ để tính giá. Chúng tôi đồng ý quan điểm, giá bauxite Việt Nam có thể thấp hơn thế giới nhưng không thể để chênh lệch lớn, giá quá thấp như hiện nay được”, luật sư Lê Thanh Sơn nói.

Theo đó, luật sư Lê Thanh Sơn đề xuất, dự thảo luật Địa chất và Khoáng sản hiện nay cần tách các quy định từ điều 104 đến điều 110 về đấu giá quyền khai thác khoáng sản thành lập nên một chương mới, bổ sung các quy định về đấu thầu về khai thác và chế biến khoáng sản. Chương này chỉ tập trung vào các quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án khai thác, chế biến khoáng sản để phù hợp với thực tế hiện nay.

Nguy cơ ngân sách thất thu 20 tỉ USD từ bauxite
Chuyên gia pháp lý độc lập, luật sư Phạm Thanh Tuấn, Đoàn luật sư TP.Hà Nội, cho rằng giữa luật Khoáng sản 2010 và các văn bản dưới luật đang có những bất cập, hạn chế trong việc xác định giá khởi điểm để đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

Cụ thể, theo điều 4 Nghị định 22/2012/NĐ-CP hướng dẫn luật Khoáng sản 2010, giá khởi điểm đấu giá quyền khai thác khoáng sản không thấp hơn tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, theo điều 3 Thông tư liên tịch số 54/2014/TTLT-BTNMT-BTC của Bộ TN-MT và Bộ Tài chính hướng dẫn giá khởi điểm đấu giá quyền khai thác khoáng sản xác định bằng tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Như vậy, mức giá khởi điểm xác định bằng tiền cấp quyền khai thác như Thông tư liên tịch 54/2014/TTLT-BTNMT-BTC là không phù hợp với quy định trong Nghị định 22/2012/NĐ-CP.

Thực tế với khoáng sản bauxite, giá quặng nguyên khai tính thuế năm 2023 của tỉnh Đắk Nông là 390.000 đồng/tấn. Căn cứ theo điều 5 Nghị định 67/2019/NĐ-CP hướng dẫn tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản thì 1 tấn quặng bauxite (tính ở mức 390.000 đồng) có tiền cấp quyền khai thác là 6.318 đồng (khoảng 0,3 USD/tấn). Trong khi đó, tại Trung Quốc, giá khởi điểm đấu giá quyền khai thác bauxite là từ 5 – 6 USD/tấn. Giá khởi điểm đấu giá quyền khai thác bauxite tại Ấn Độ còn cao hơn nữa.

Theo luật sư Phạm Thanh Tuấn, Cục Khảo sát địa chất Mỹ (USGS) đã công bố báo cáo Mineral Commodity Summaries (MCS) 2023. Trong đó, Việt Nam xếp thứ 2 về trữ lượng quặng bauxite toàn cầu với trữ lượng quặng là 5,8 tỉ tấn, trong tổng trữ lượng quặng bauxite của thế giới là 31 tỉ tấn. Luật sư Tuấn cho rằng, với mức chênh lệch 4 – 5 USD/tấn quặng bauxite, nếu Việt Nam giữ mức đấu giá khởi điểm như hiện nay thì ngân sách nhà nước có thể thu thêm được hoặc sẽ mất đi nguồn thu khoảng gần 20 tỉ USD.

“Nếu dự thảo vẫn giữ nguyên quy định về xác định giá khởi điểm như hiện nay thì việc thất thu ngân sách trong hoạt động đấu giá quyền khai thác khoáng sản là rất lớn”, luật sư Tuấn nói và kiến nghị: “Sửa đổi, bổ sung điều 106 trong dự thảo phải quy định việc xác định giá khởi điểm trong đấu giá quyền khai thác khoáng sản phải sát với giá thị trường”.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới