Monday, December 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiCôn đồ dạy đạo đức?

Côn đồ dạy đạo đức?

Trong tuyên bố ngày 24-6, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng Philippines “nên chấm dứt hành vi xâm phạm và khiêu khích”, “các hành vi vi phạm” và “gây hiểu lầm cho cộng đồng quốc tế”, và “hợp tác với Trung Quốc để bảo vệ hòa bình và ổn định ở Biển Đông”.

Tàu hải cảnh Trung Quốc hoạt động ở Biển Đông ngày 16-5

Nhiều nhà quan sát không nhịn được cái cười mỉa mai trước những lời lẽ trên. Nếu thật thế, hóa ra lâu nay Trung Quốc bị gây hấn trên Biển Đông chứ không phải ai khác? Bức xúc lắm, nhưng họ cố kiềm chế mà thôi. Bây giờ, trước câu hỏi của phóng viên quốc tế, họ mới có cơ hội trần tình để thiên hạ thấy ai mới là kẻ gây nên tội, và ai mới là đáng tội.

Nói cách khác, trong con mắt giới quan sát, màn đăng đàn mới nhất của bà Mao Ninh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, tại cuộc họp báo ngày 24/6 vừa qua chẳng khác mấy một màn hài sân khấu: trong màn hài đó, sự thật đã bị bóp méo và nhạo báng tới mức khó tin.

Thực ra, giọng điệu trên không phải bây giờ mới có. Trước đó, ngày 3/6, đáp trả bài phát biểu của Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr tại Đối thoại Shangri-La (Singapore), lên án “các hành động cưỡng chế, gây hấn và chèn ép bất hợp pháp” trong vùng biển tranh chấp ở Biển Đông, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nói rằng Philippines phải “hoàn toàn chịu trách nhiệm” về sự leo thang gần đây ở Biển Đông.

Tuy nhiên, tuyên bố bà Mao Ninh đưa ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và Philippines quanh bãi Cỏ Mây những ngày trung tuần tháng 6 này cho thấy, sự vu vạ của Trung Quốc đã được đẩy lên tới mức nào.

Liên quan bãi cạn Cỏ Mây, dư luận đều biết là chuyện phức tạp. Bãi cạn hiện Philippines nắm quyền quản lý này thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Nhiều lần Hà Nội lên tiếng khẳng định điều đó. Nghĩa là, giữa Việt Nam và Philippines cũng có chuyện. Nhưng căng thẳng không đến từ Việt Nam hay Philippines, mà từ Trung Quốc. Cái lý khiến Trung Quốc đòi hỏi là bãi cạn Cỏ Mây nằm trong “đường 9 đoạn”.

Sau vụ cưỡng chiếm trái phép đảo Gạc Ma của Việt Nam, Trung Quốc bắt đầu nhòm ngó Cỏ Mây. Biết ý đồ đó, năm 1999, Manila đã mua con tàu cũ BRP Sierra Madre của Hải quân Mỹ, lao nó bãi cạn để nó mắc cạn, sau đó, đưa một tiểu đội binh sĩ tới đồn trú để khẳng định và bảo vệ quyền kiểm soát. Bắt đầu từ đó, Cỏ Mây trở thành một điểm nóng chỉ sau bãi cạn Scaborough.

Nước cờ của Philippines khiến Bắc Kinh hậm hực. Tuy nhiên, xét về “mưu”, so với Manila, Bắc Kinh sao chịu chấp nhận “cửa dưới”. Tiểu đội binh sĩ đồn trú có ý nghĩa như “cột mốc chủ quyền sống” tưởng lợi thế, thành điểm yếu của Manila. Binh sĩ thì cần tiếp tế nhu yếu phẩm. Bắc Kinh nhè đúng điều đó để ngăn cản. Thâm ý của Bắc Kinh là, tới lúc nào đó, với việc binh sĩ bị “bỏ đói”, Philippines phải quy hàng, kéo “đống sắt rỉ” BRP Sierra Madre đi chỗ khác, và Trung Quốc sẽ rộng đường chiếm quyền kiểm soát bãi cạn này.

Với Philippines, bài học cay đắng mất bãi cạn Scaborough đã là quá đủ, không thể mắc mưu thêm lần nữa. Một bên quyết giữ, một bên quyết chiếm, hậu quả là xung đột giữa hai bên liên tục diễn ra, nhất là từ năm 2013 trở lại đây.

Đặc biệt, sự leo thang của Trung Quốc bắt đầu từ cuối năm 2023, và dường như lên tới đỉnh điểm từ đầu năm 2024. Ngày 10/12/2023, tàu hải cảnh Trung Quốc phun vòi rồng, đâm các tàu tiếp liệu của Philippines. Ngày 5/3/2024, thêm vụ tàu hải cảnh Trung Quốc phun vòi rồng dữ dội, va chạm tàu hải cảnh Philippines và gây hư hại cho tàu tiếp tế Unaizah May 4 (UM4).

Các hành vi quyết đoán của Trung Quốc khiến phó đô đốc Alberto Carlos – chỉ huy Bộ tư lệnh Tây Philippines (WESCOM) của quân đội nước này, phải than thở: Philippines “sắp hết tàu để sử dụng cho các nhiệm vụ tiếp tế cho lực lượng nước này đóng trên tàu chiến BRP Sierra Madre ở bãi Cỏ Mây mất rồi!

Trung tuần tháng 6 này, tình hình căng như dây đàn khi Trung Quốc tố một tàu tiếp tế của Philippines phớt lờ cảnh báo của phía Trung Quốc, “tiếp cận nguy hiểm” một tàu hải cảnh của họ dẫn đến một vụ va chạm nhỏ giữa 2 tàu. Trong khi đó, Philippines lại cáo buộc, chính Trung Quốc mới là bên gây hấn, và cảnh báo hành động của Trung Quốc “là trở ngại thực sự cho hòa bình và ổn định ở Biển Đông”.

Một cuộc đôi co phải có trọng tài để phân đúng/sai. Tuy nhiên, trường hợp này, khó ai tin Philippines là bên gây gổ. Nếu thật thế, chẳng hóa ra, con nhà lành bỗng dám hung hăng lao vào ngáng đường kẻ côn đồ hay sao? Những vụ đâm, húc ngang ngược mà tàu bè, ngư dân Philippines hứng chịu bấy lâu nay chẳng lẽ chưa đủ, nên Manila cần thêm nữa để đủ trải nghiệm?

Từ suy lý đó, nhiều người mới cho rằng, việc tung ra các ngôn từ vừa như kẻ cả, vừa như dạy đời nêu trên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc thật đáng mỉa mai, y như một gã côn đồ khét tiếng, một ngày bỗng ra giọng nhã nhặn dạy dỗ, giải thích cho người khác như thế nào là biết điều và tử tế vậy.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới