Sunday, December 29, 2024
Trang chủGóc nhìn mới"Những kẻ theo dõi vô hình" trên không gian mạng

“Những kẻ theo dõi vô hình” trên không gian mạng

Trong xã hội hiện đại ngày nay, khi cuộc sống của con người ngày càng được số hóa, từ sở thích cá nhân, thói quen chi tiêu, lịch sử vận động, tình trạng sức khỏe cho tới vị trí nơi bạn đang đứng…, luôn có “những kẻ vô hình” trên không gian mạng đang dõi theo bạn. Tính năng định vị trên điện thoại thông minh là một ví dụ điển hình.

Tính năng định vị trên điện thoại thông minh cho phép bạn chia sẻ vị trí của mình với mọi người.

Trên mỗi chiếc điện thoại thông minh ẩn chứa một thiên đường dữ liệu theo dõi vị trí luôn trong trạng thái sẵn sàng để chia sẻ. Ngày nay, chúng ta có thể dễ dàng kiểm tra hành trình đơn hàng đồ ăn đang sắp sửa được giao tới trước cửa nhà hoặc tìm kiếm xem có nhà hàng, quán ăn nào gần quanh mình hay không.

Ngược lại, tính năng định vị cũng có thể được dùng để theo dõi chính bản thân người dùng. Theo dõi định vị chính xác đến mức có thể tìm ra một người trong đám đông. Công nghệ này được quảng bá là tiện ích, chứ không đáng sợ.

Tuy nhiên, mức độ giám sát trực tuyến đến đâu lại là điều đáng bàn, theo Financial Times.

Các nhà vận động bảo vệ quyền riêng tư đang nỗ lực đấu tranh nhằm hạn chế lượng thông tin cá nhân mà người dùng mạng xã hội phải chia sẻ, trong khi máy tính xách tay hiện được bán kèm theo nắp che camera tích hợp. Gần đây nhất, Microsoft đã quyết định trì hoãn kế hoạch ra mắt một tính năng mới cho phép chụp ảnh màn hình máy tính cá nhân của người dùng mỗi 5 giây 1 lần để đào tạo trí tuệ nhân tạo (AI). Nhưng, bên cạnh đó, các ứng dụng theo dõi vị trí như Life360 vẫn được nhiều người vô tư tải về sử dụng.

Chủ động chia sẻ thay vì bị theo dõi

Mức độ phổ biến của tính năng định vị phụ thuộc vào độ tuổi người dùng. Có người không thích bị theo dõi, chủ yếu do cuộc sống của họ khá bình lặng. Tác giả Elaine Moore của tờ Financial Times đã thực hiện một cuộc thăm dò nhanh đối với một số người quen, bạn bè của cô. Kết quả cho thấy, những người ở độ tuổi 40 trở lên hoặc không biết rằng chiếc điện thoại mà họ sử dụng bị theo dõi định vị hoặc hầu như không quan tâm đến điều đó.

Đối với những người trẻ hơn khoảng một thập kỷ, dõi theo nhau là chuyện rất bình thường. Tác giả dẫn chứng trường hợp một thanh niên 29 tuổi cài đặt hiển thị định vị của bạn gái trên màn hình khóa điện thoại. Cả hai đều không cho rằng việc theo dõi hoặc bị theo dõi theo cách đó là vấn đề đáng ngại, thậm chí làm vậy khiến họ có cảm giác an toàn hơn. Điều này không phải vì họ không nhận ra tầm quan trọng của quyền riêng tư trực tuyến, mà vì họ đang rất thực tế về quyền riêng tư hiện có.

Họ biết rằng nếu sở hữu một chiếc điện thoại thông minh và không muốn tắt những tiện ích, chẳng hạn như bản đồ, thì vị trí của bạn chắc chắn sẽ bị theo dõi. Nếu các nhà sáng tạo ứng dụng, nhà sản xuất điện thoại thông minh và nhà quảng cáo đã và đang theo dõi vị trí của người dùng thì tại sao chúng ta không chủ động chia sẻ thông tin với những người quen biết?

Nhưng, ngay cả khi đã tắt hết các tính năng trên điện thoại, người dùng vẫn có thể bị theo dõi. Năm 2023, gã khổng lồ công nghệ Google đồng ý chi ra 93 triệu đô la Mỹ để giải quyết khiếu nại sau khi bị cáo buộc thu thập dữ liệu định vị dù khi người dùng đã tắt cài đặt.

Tính năng chia sẻ vị trí đã hiện diện trong hơn một thập kỷ qua. Ứng dụng Find My của Apple ban đầu được phát hành vào năm 2010 để người dùng định vị điện thoại bị thất lạc, sau nó phát triển thành chia sẻ dữ liệu giữa những bạn bè. Cũng trong năm đó, Facebook ra mắt Places, một tính năng định vị cho phép người dùng chia sẻ địa điểm của họ. Thời kỳ này cũng được coi là thời của các công ty khởi nghiệp mạng xã hội dựa trên chia sẻ vị trí như Foursquare, chủ yếu sử dụng chức năng định vị vệ tinh (GPS) có trên các thiết bị di động.

Chỉ đến khi bản đồ ảo chia sẻ vị trí của Snapchat được ra mắt vào năm 2017, việc theo dõi định vị dường như đã biến thành một trò chơi vui vẻ. Theo đó, người dùng ứng dụng tin nhắn bằng hình ảnh Snapchat có thể nhìn thấy các bạn cùng chơi của họ dưới dạng các nhân vật hoạt hình đại diện xuất hiện cùng trên một bản đồ ảo.

Thiết lập quy tắc

Nếu muốn bắt đầu theo dõi người quen, bạn bè trên không gian mạng, mọi người vẫn nên cần thiết lập một số quy tắc lịch sự. Chẳng hạn, có thể sử dụng chức năng theo dõi để đảm bảo người bạn của mình đã về nhà an toàn sau buổi chơi đêm, chứ không phải khiến họ kinh ngạc khi đang đi ngoài đường.

Và hãy suy nghĩ thật thận trọng về việc bạn sẽ chia sẻ dữ liệu với ai. Điều này chỉ nên dành cho gia đình và bạn bè thân thiết, không phải với những người mới quen. Tuy nhiên, khi chia sẻ thông tin cá nhân đã trở thành một phần của cuộc sống, bạn khó có thể rút lui. Nếu bạn cảm thấy thoải mái khi chia sẻ vị trí của mình với gia đình và bạn bè thì có lẽ một ngày nào đó bạn cũng sẽ phải vui vẻ chia sẻ điều này với sếp của mình hoặc thậm chí là các cơ quan chức năng. Ngoài ra, có một điều khó xử cần lưu ý rằng, nếu bạn ngừng chia sẻ vị trí có thể được ngầm hiểu là tín hiệu của việc chấm dứt mối quan hệ với ai đó.

Theo dõi định vị còn được coi là một biện pháp an toàn hiệu quả, đặc biệt là đối với người già và trẻ em. Giám sát dữ liệu không gian địa lý cũng có thể là một công cụ để thay đổi hành vi. Nghiên cứu của Khoa Tâm thần tại Đại học California San Diego cho thấy có tới một nửa số gia đình ở Mỹ sử dụng một số hình thức theo dõi, lấy lý do an toàn. Nhưng nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng, việc phát hiện bị bố mẹ theo dõi cũng có thể thay đổi hành vi của một đứa trẻ.

Rất ít người trong chúng ta miễn nhiễm với loại áp lực này. Mạng Internet đôi khi được ví von như một nhà tù khép kín, trong đó các hoạt động của mọi người bị các công ty trực tuyến giám sát từ mọi hướng. Bằng cách theo dõi lẫn nhau, chúng ta đang khiến cho loại hình này càng trở nên quyền lực hơn.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới