Friday, November 22, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiBiển Đông “nóng” vì Sơn Đông

Biển Đông “nóng” vì Sơn Đông

Tàu sân bay Sơn Đông hiện đại nhất của Trung Quốc đang hiện diện trên vùng biển gần Philippines. Động thái này của Bắc Kinh khiến tình hình Biển Đông càng thêm căng thẳng.

Tàu sân bay Sơn Đông của Trung Quốc

Thông tin trên do MizarVision – một công ty tình báo và công nghệ có trụ sở tại Thượng Hải, công bố ngày 26/6. Kèm theo, còn có hình ảnh tàu này đang trong hành trình từ đảo Luzon của Philippines hướng về phía tây bắc.

Nếu chỉ là thông tin của MizarVision, dư luận có thể nghi ngờ rằng: tiếng là công ty tình báo, nhưng biết đâu MizarVision “mắt nhắm mắt mở” nên “nhìn gà hóa cuốc”. Tuy nhiên, cùng ngày, hình ảnh có được do vệ tinh Sentinel-1 của châu Âu thực hiện, đã khẳng định sự việc là có thật; chiếc tàu đó chính là tàu sân bay Sơn Đông.

Trung Quốc hiện có 3 tàu sân bay. Ngoài tàu sân bay Phúc Kiến đã hạ thủy, đang trong quá trình chạy thử nghiệm, hai chiếc đang hoạt động là Liêu Ninh và Sơn Đông.

So với Liêu Ninh vốn là chiếc tàu cũ, được Trung Quốc mua giá bèo của Ukraine, sau đó cải hoán thành tàu sân bay và biên chế vào hải quân Trung Quốc 12 năm trước với mục tiêu chủ yếu là nghiên cứu và huấn luyện, Sơn Đông là tàu sân bay đầu tiên được chế tạo hoàn toàn trong nước.

Hạ thủy tháng 4 năm 2017, sau thời gian chạy thử nghiệm, tàu sân bay Sơn Đông được Trung Quốc biên chế vào lực lượng hải quân năm 2019. Tàu có lượng giãn nước tối đa 70.000 tấn, được thiết kế để mang theo tối đa 36 máy bay, bao gồm 24 tiêm kích hạm J-15 đa năng hoạt động trên tàu sân bay.

Còn nhớ, vào cuối năm 2021, nhân thời điểm tròn 2 năm Sơn Đông được biên chế vào hải quân, truyền thông Trung Quốc đã làm rùm beng những gì mà con tàu này đạt được về khả năng tác chiến. Thậm chí, hải quân Trung Quốc còn “dọa” rằng, cùng với chiếc Liêu Ninh, tàu sân bay Sơn Đông có thể lập thành một nhóm tác chiến tàu sân bay kép lần đầu tiên của Trung Quốc trong tương lai gần.

Bình luận sự kiện này, thời điểm đó, dù còn nghi ngờ, nhưng giới quan sát không thể không lo ngại: với việc có thêm một tàu sân bay tự đóng, Trung Quốc vốn là tác nhân gây ra diễn biến căng thẳng trên Biển Đông, sẽ có thêm “con ngáo” đáng sợ để uy hiếp thiên hạ và làm nhiều việc ngang ngược và nghiêm trọng hơn nữa.

Thực tế đã xác nhận mối quan ngại của dư luận. Trong hai năm vừa qua, không ít lần, tàu sân bay Sơn Đông nghênh nganh trên Biển Đông tham gia các cuộc tập trận của quân đội Trung Quốc. Ngoài phô diễn sức mạnh, đáp trả Mỹ và các cường quốc phương Tây “nhúng mũi” và vấn đề Biển Đông (theo con mắt của Trung Quốc), các cuộc tập trận có sự tham gia của tàu sân bay Sơn Đông còn đánh “thông điệp” răn đe của Bắc Kinh tới các quốc gia tranh chấp chủ quyền Biển Đông với Trung Quốc, cũng như Đài Loan – hòn đảo không chịu thống nhất với Đại lục.

Từng hiện diện ở Biển Đông nhiều lần, nhưng tại sao sự quay lại lần này của Sơn Đông gần Philippines lại khiến dư luận quan tâm đặc biệt đến vậy?

Câu trả lời liên quan thời điểm và hoàn cảnh. Trong vài bốn năm gần đây, có lẽ, thời điểm này Biển Đông nổi sóng dữ dội nhất do những diễn biến căng thẳng như dây đàn giữa Philippines và Trung Quốc.

Trong khi sức “nóng” từ các động thái gây hấn của Trung Quốc với Philippines ở khu vực bãi cạn Scaborough còn chưa nguôi ngoai, thì từ cuối năm ngoái và cả 6 tháng đầu năm 2024 này, khu vực bãi cạn Cỏ Mây (nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam) liên tiếp xảy ra các vụ đụng độ căng thẳng giữa lực lượng hải cảnh Trung Quốc với các tàu Philippines.

Bắc Kinh liên tục cáo buộc Manila “không xin phép” khi cho tàu tiếp tế hậu cần cho nhóm lính đồn trú trên chiếc tàu cũ BRP Sierra Madre – chiếc tàu mà Philippines mua về và cố tình làm cho mắc cạn để biến thành một “cột mốc sống” khẳng định chủ quyền đối với bãi cạn này.

Chỉ mới cách đây hai tuần, vào ngày 17/6, Bắc Kinh đã chỉ trích Manila là bên gây sự khi “tiếp cận tàu di chuyển bình thường của phía Trung Quốc một cách cố ý và nguy hiểm, không chuyên nghiệp, dẫn tới va chạm”, khiến tàu Trung Quốc đã buộc phải thực hiện “biện pháp kiểm soát theo luật” với tàu Philippines.

Trong khi đó, Manila tố ngược Bắc Kinh mới là bên gây hấn với việc cho tàu hải cảnh “hiện diện và hành động bất hợp pháp” trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này. Nghiêm trọng hơn các lần trước, lần này, tàu Trung Quốc đã “đâm tàu”, và khiến các thủy thủ Philippines bị thương, trong đó có một thủy thủ bị mất ngón tay…

Sự việc đã kéo theo cả Mỹ vào cuộc. Chỉ sau đó ba ngày, vào ngày 20/6, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã cùng người đồng cấp Philippines lên tiếng về các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông. Ông Blinken nhấn mạnh rằng: các hành động của Trung Quốc “làm suy yếu hòa bình và ổn định trong khu vực, đồng thời khẳng định các cam kết vững chắc của Mỹ với Philippines theo Hiệp ước phòng thủ chung của hai nước”.

Sự lên tiếng chính thức từ đồng minh chiến lược của Philippines, trong đó đề cập sự “cam kết” nêu trên của Mỹ đã khiến nhiều người giật mình nghĩ tới hậu quả nghiêm trọng hơn từ vụ “ngón tay” binh sĩ Philippines bị đứt. Phải chẳng, với hậu quả này, Trung Quốc đã chạm tới “lằn ranh đỏ”? Nếu điều đó là thật, đây là lý do để Mỹ kích hoạt các hành động cần thiết theo Hiệp ước phòng thủ chung của hai nước?

Tuy nhiên, như lường trước được những gì có thể xảy ra khiến “vụ ngón tay” thành to chuyện, giữa lúc tưởng chừng căng thẳng nhất, ngày 21/6, Manila bỗng từ tốn mà rằng: xô xát giữa lực lượng nước này với Trung Quốc ở bãi Cỏ Mây không phải đụng độ vũ trang; nhiều khả năng là “hiểu nhầm hoặc sự cố”…

Sự xẹp xuống bất thường của Manila khiến dư luận bất ngờ. Tuy nhiên, ngay sau đó, họ hiểu rằng: chỉ có cách giải thích này mới giúp Manila, và cả Washington nữa, hóa giải một việc lẽ ra phải làm, là kích hoạt hiệp ước phòng thủ giữa hai nước. Nói cách khác,trong thời điểm và hoàn cảnh này, sự kiềm chế của Manila là không thể khác, tránh cho Biển Đông lâm vào một cuộc khủng hoảng thực sự kèm theo tiếng súng.

Nhưng vấn đề là, hành động tỉnh táo đó của Manila liệu có thức tỉnh được thiện chí, kìm chế được sự hung hăng của Bắc Kinh hay không?

Câu trả lời chỉ có thể đợi thời gian. Và chính thế, sự hiện diện của tàu sân bay Sơn Đông tại Biển Đông thời điểm này đang càng khiến những ai quan tâm tới tình hình Biển Đông thêm phần lo ngại.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới