Tuyên bố của Tập Cận Bình phản ánh một nhận thức lâu đời và hiện đã phổ biến rộng rãi trong giới tinh hoa Trung Quốc về động cơ của Mỹ trong “vấn đề Đài Loan.”
Một báo cáo gần đây của Financial Times về những bình luận của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen hồi năm 2023 đang làm dấy lên lo ngại trong giới chuyên gia chính sách đối ngoại và quốc phòng. Điều đặc biệt đáng lo ngại là tuyên bố bất thường của Tập rằng Mỹ đang ‘kích động’ Trung Quốc xâm chiếm Đài Loan – nhưng Tập đã quyết không bị cắn câu.
Tuyên bố này làm dấy lên lo ngại về một môi trường ra quyết định “bị bóp méo” trong vòng tròn nội bộ ngày càng biệt lập của Tập – một môi trường có thể dẫn đến tính toán sai lầm chiến lược thảm khốc.
Tuy nhiên, thực tế đáng lo ngại hơn là thay vì phản ánh những quan điểm cá biệt, tuyên bố của Tập Cận Bình lại được phát triển từ nhận thức lâu đời và hiện đã phổ biến rộng rãi trong giới tinh hoa Trung Quốc về những động cơ đen tối của Mỹ liên quan đến vấn đề mà Bắc Kinh gọi là “vấn đề Đài Loan.” Trung tâm của những điều này là một tuyên bố cũ, đã được lặp đi lặp lại suốt hàng chục năm qua, rằng Washington đang “sử dụng Đài Loan để kiềm chế Trung Quốc.”
Quan điểm của Trung Quốc về việc Washington “dùng Đài Loan để kiềm chế Trung Quốc”
Quan điểm cho rằng Washington đang “sử dụng Đài Loan để kiềm chế Trung Quốc” bắt đầu thu hút sự chú ý ở Bắc Kinh sau Khủng hoảng Eo biển Đài Loan lần thứ ba (1996), khi Bắc Kinh tiến hành các vụ thử tên lửa để trả đũa chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Đài Loan lúc bấy giờ là Lý Đăng Huy. Quan điểm này được phổ biến bởi Lý Gia Toàn, một chuyên gia nổi tiếng về Đài Loan và là người đã đóng góp cho sách trắng năm 1993 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, có tựa đề “Vấn đề Đài Loan và sự thống nhất của Trung Quốc.”
Thông qua các bài viết của Lý, cùng các học giả và nhà bình luận truyền thông có tên tuổi khác, ý tưởng này nhanh chóng chuyển từ việc giải thích các quyết định của Washington khiến Bắc Kinh tức giận thành một mô hình để hiểu toàn bộ các tính toán của Mỹ liên quan đến điều mà Bắc Kinh gọi là “vấn đề Đài Loan.” Nó trở nên đặc biệt phổ biến trong các bài viết của Trung Quốc về chính sách của Washington đối với Đài Loan trong những năm gần đây. Cơ sở dữ liệu thuộc Hạ tầng Tri thức Quốc gia Trung Quốc (CNKI) hiện có hơn 150 bài báo khoa học đề cập đến việc “sử dụng Đài Loan để kiềm chế Trung Quốc” trong cả năm 2022 và 2023. Trong 20 năm trước đó, con số hàng năm hiếm khi vượt quá 50.
Hầu hết các bài viết của Trung Quốc về chủ đề này đều dựa trên một diễn ngôn chung, rằng kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Washington đã bắt đầu coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh lớn nhất hoặc đối thủ tiềm năng của mình, và vì mục đích duy trì bá quyền Mỹ, họ muốn lợi dụng “vấn đề Đài Loan” để cản trở sự trỗi dậy của Trung Quốc. Có nhiều cách khác nhau để giải thích chính xác cách mà Đài Loan sẽ được sử dụng cho những mục đích này. Nhiều nguồn trước đây tập trung vào ngăn chặn địa chiến lược và hợp tác quân sự Mỹ-Đài. Nhưng trong những năm gần đây, đã có sự nhấn mạnh hơn vào ngăn chặn ngoại giao và đặc biệt là ngăn chặn kinh tế của Trung Quốc. Cách giải thích này đã đóng vai trò then chốt trong việc định hình quan điểm của Trung Quốc, rằng một cuộc chiến ở Eo biển Đài Loan sẽ có lợi cho chiến lược ngăn chặn của Washington.
Một chủ đề phổ biến trong các diễn ngôn của Trung Quốc về ngăn chặn kinh tế là các hành động “khiêu khích” của Mỹ – chẳng hạn như bán vũ khí cho Đài Loan hoặc cử các thành viên quốc hội đến thăm Đài Loan – là nhằm mục đích kích động Bắc Kinh đưa ra những tuyên bố hiếu chiến hoặc các cuộc tập trận quân sự trả đũa. Sau đó, Washington sẽ sử dụng các phản ứng của Bắc Kinh để “thổi phồng” “mối đe dọa từ Trung Quốc” nhằm làm tổn hại đến danh tiếng của Trung Quốc, cho phép Mỹ biện minh và kêu gọi sự ủng hộ quốc tế rộng rãi hơn cho các biện pháp gây thiệt hại cho lợi ích kinh tế của Trung Quốc.
Một số biện pháp này, như được liệt kê trên các phương tiện truyền thông nhà nước và các bài viết học thuật của Trung Quốc, bao gồm việc nâng cao nhận thức về “rủi ro Trung Quốc” để làm suy yếu mong muốn (làm ăn với Trung Quốc) của các nhà cho vay hoặc nhà đầu tư nước ngoài, tăng cường kiểm soát thương mại như thuế quan, và xây dựng các liên minh đa phương xoay quanh các biện pháp ngăn chặn kinh tế và công nghệ, chẳng hạn như kiểm soát xuất khẩu nhắm vào Trung Quốc.
Nhưng từ lâu, Trung Quốc đã lo ngại rằng một cuộc xâm lược vào Đài Loan sẽ khiến họ phải chịu các biện pháp ngăn chặn kinh tế và công nghệ khắt khe hơn và được nhiều người ủng hộ hơn.
Ý tưởng này đã được thể hiện rõ ràng nhất cách đây vài năm, trong một bài báo của Thiếu tướng Không quân Trung Quốc đã nghỉ hưu Kiều Lương – người nổi tiếng nhất ở phương Tây với tư cách là tác giả đầu tiên của “Chiến tranh không hạn chế,” một cuốn sách thảo luận về cách các biện pháp kinh tế và chính trị có thể trở thành công cụ mạnh mẽ để giành chiến thắng trong chiến tranh hiện đại.
Trong một bài báo năm 2020 có tiêu đề “Chúng ta không nên nhảy theo điệu nhạc của người Mỹ,” Kiều đã kịch liệt chỉ trích lời kêu gọi của các nhà bình luận diều hâu Trung Quốc nhằm xâm chiếm Đài Loan ngay lập tức trong lúc quân đội Mỹ còn đang suy yếu do đại dịch COVID-19. Cụ thể, ông lưu ý rằng nếu Bắc Kinh quyết định tấn công Đài Loan trước khi Trung Quốc thay thế Mỹ trở thành siêu cường hàng đầu, thì phản ứng của Mỹ trên mặt trận kinh tế, chứ không phải các phản ứng quân sự, có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Kiều lập luận rằng “ngay khi chiến tranh nổ ra ở Eo biển Đài Loan, Mỹ… sẽ liên minh với các nước phương Tây để cấm vận và trừng phạt Trung Quốc… Trung Quốc sẽ không thể nhập khẩu các nguồn lực mà ngành sản xuất chế tạo của chúng ta cần và không thể xuất khẩu các sản phẩm đã sản xuất ra, đồng thời, thông qua hai trung tâm tài chính lớn ở New York và London, [Mỹ sẽ] cắt đứt nguồn cung vốn của Trung Quốc.” Ông nói thêm, trước những biện pháp như vậy, “sự hồi sinh của Trung Quốc có thể không bị tiêu diệt, nhưng nó chắc chắn sẽ khiến con đường phía trước trở nên khó khăn hơn.”
Thuyết Đài Loan là công cụ tiếp theo của “chiến tranh ủy nhiệm”
Lời giải thích ở trên – rằng việc Trung Quốc xâm lược Đài Loan có thể giúp Washington kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc – đã sớm được tiếp nối bởi sự gia tăng các dự báo cho rằng Washington thực sự có thể muốn điều này diễn ra. Giúp thúc đẩy sự thay đổi này là quan điểm phổ biến ở Trung Quốc rằng Chiến tranh Nga-Ukraine là một “cuộc chiến ủy nhiệm” do Washington xúi giục hoặc chí ít là lợi dụng cơ hội để kiềm chế Nga – một ý tưởng được xây dựng dựa trên những cáo buộc khác về xu hướng tham gia vào “chiến tranh ủy nhiệm” của Mỹ.
Đáng chú ý, một bài báo năm 2020 được tái bản bởi Trung tâm Nghiên cứu Phát triển thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc cho rằng Washington đã tham gia một “cuộc chiến ủy nhiệm” nhẹ nhàng hơn chống lại Trung Quốc thông qua cáo buộc liên quan đến các cuộc biểu tình chống Dự luật Dẫn độ hồi năm 2019-2020 ở Hong Kong, và có những dấu hiệu đáng ngại cho thấy họ sẽ làm điều tương tự thông qua hợp tác quân sự Mỹ-Đài. Khi những thiệt hại cho cỗ máy quân sự của Nga do cuộc kháng chiến được phương Tây hậu thuẫn của Ukraine gây ra được bổ sung bởi các biện pháp trừng phạt, đóng băng tài sản, và các biện pháp kinh tế khác do Mỹ dẫn đầu, các học giả và nhà bình luận Trung Quốc đã kết hợp các câu chuyện về chiến tranh ủy nhiệm và ngăn chặn kinh tế, cho rằng Washington có thể áp dụng chiến lược tương tự đối với Trung Quốc, vốn phụ thuộc nhiều hơn vào phương Tây về kinh tế so với Nga, thông qua việc kích động chiến tranh ở Đài Loan.
Điều quan trọng cần lưu ý là các ví dụ cho quan điểm này không chỉ giới hạn ở các diễn đàn trò chuyện, blog dân túy, hoặc tạp chí giải trí quân sự của Trung Quốc, mà còn xuất hiện trên các ấn phẩm được nhà nước hậu thuẫn và các nguồn học thuật có uy tín. Một bài báo trên tạp chí được hỗ trợ bởi Viện Đài Loan Thượng Hải, một trong những viện chính sách của Trung Quốc chuyên phân tích các vấn đề Đài Loan, nói rằng Washington có mục đích “sao chép và dán các biện pháp mà họ đã áp dụng trong xung đột ở Ukraine sang Đài Loan,” đồng thời nói thêm rằng điều này sẽ giúp Mỹ “áp đặt lên Trung Quốc các biện pháp trừng phạt toàn diện mà nước này từng áp dụng với Nga, kéo một Trung Quốc đang trỗi dậy trở lại ‘bẫy phát triển.’”
Một bài báo khác năm 2023 trên Diễn đàn Thống nhất, một ấn phẩm được tài trợ bởi Hội đồng Thúc đẩy Thống nhất Quốc gia trong Hòa bình của Đảng Cộng sản Trung Quốc, khẳng định “trong những năm gần đây, mong muốn trang bị vũ khí cho Đài Loan chiến đấu trong một cuộc chiến tranh ủy nhiệm ở Eo biển Đài Loan của Mỹ ngày càng rõ ràng,” đồng thời cho biết mục tiêu của Washington chỉ bị cản trở bởi việc quân đội Đài Loan không đáp ứng được “yêu cầu của Mỹ về việc chiến đấu trong một cuộc chiến tranh ủy nhiệm.”
Ngay cả khi không có cáo buộc trực tiếp về một kế hoạch của Mỹ nhằm kích động Trung Quốc tham gia cuộc chiến ở Eo biển Đài Loan, những người khác vẫn cho rằng logic của những ý tưởng này là quá hiển nhiên đến mức chúng có mức độ phổ biến tương tự ở Washington (Nguyên nhân có lẽ là do bầu không khí chính trị ngày càng ngột ngạt nên ít được xem xét kỹ lưỡng). Ví dụ, một bài báo có tiêu đề “Chiến tranh ủy nhiệm của Mỹ ở Ukraine,” của một học giả từ Đại học Công nghệ Quốc phòng Quốc gia, tuyên bố: “Chúng ta chắc chắn không thể loại trừ khả năng [Mỹ] sẽ sử dụng và hỗ trợ các lực lượng độc lập của Đài Loan để chiến đấu với chúng ta trong một cuộc chiến ủy nhiệm.” Một bài báo học thuật khác đề cập đến chủ đề “chiến tranh ủy nhiệm” của Mỹ cho biết, “Việc Mỹ sử dụng Đài Loan làm lực lượng đại diện để đối phó với Trung Quốc đại lục có thể châm ngòi cho một cuộc chiến tranh ủy nhiệm.”
Các thuyết “mối đe dọa” của hai bên
Điều đáng lo ngại về các bài viết thuộc loại này là ngay cả những đánh giá cho rằng Mỹ chỉ muốn khiêu khích Trung Quốc xâm chiếm Đài Loan cũng đang tồn tại trong một hệ sinh thái quan điểm của giới tinh hoa. Giới này thường ác quỷ hóa điều mà nhiều học giả và nhà phân tích Trung Quốc xem là một Washington “bị ám ảnh bá quyền” – những kẻ không quan tâm đến tác động thảm khốc tiềm ẩn của các âm mưu chính trị thực dụng. Theo nghĩa này, “thuyết mối đe dọa Mỹ” của Bắc Kinh cực đoan và gay gắt hơn nhiều so với “thuyết mối đe dọa Trung Quốc” của phương Tây mà Trung Nam Hải thường chỉ trích. Và điều này, đến lượt nó, trở thành trở ngại lớn cho việc phát triển lòng tin chiến lược mà cả hai bên cần để giải quyết căng thẳng ngày càng gia tăng.
Ví dụ, một bài báo có tựa đề “Không mệt mỏi ‘tiêu diệt Đài Loan’,” được đăng trên một tạp chí do Hiệp hội Quan hệ Xuyên Eo biển thuộc Văn phòng Sự vụ Đài Loan của Trung Quốc tài trợ, nói rằng việc hy sinh hòn đảo, trái ngược với việc “cứu” nó, là “một thái độ khách quan, thực chất, và có hệ thống của Mỹ đối với Đài Loan.”
Một bài báo cũ hơn được đăng trên hãng truyền thông nhà nước Tân Hoa Xã tuyên bố một cách kỳ lạ rằng Mỹ muốn ngăn chặn sự thống nhất của Trung Quốc và Đài Loan để Washington có thể can thiệp quân sự vào khu vực, “buộc Trung Quốc phải duy trì năng lực quân sự đáng kể và khiến nước này không thể tập trung nỗ lực vào hiện đại hóa.” Một bài báo khác của Tân Hoa Xã năm 2023, dẫn lời Phó Cục trưởng Cục Thông tin Văn phòng Sự vụ Đài Loan, Chu Phượng Liên, rằng để duy trì lợi ích bá quyền của mình, Mỹ “tạo ra các vấn đề trên toàn cầu, gây chia rẽ và xung đột… dù ở Iraq, hay Syria, hay Afghanistan, rồi rút lui và hưởng lợi, để lại sự hỗn loạn, chia rẽ, di cư, và chết chóc…. Giờ đây, Mỹ muốn sao chép việc này ở Đài Loan.”
Trong những bài báo này và nhiều bài báo khác, những gì có thể được mô tả là thiếu sót trong chính sách hoặc thất bại chiến lược của Washington – chưa kể đến những hậu quả do các quyết định của các quốc gia khác – thường bị chôn vùi dưới những câu chuyện theo thuyết âm mưu, mô tả Washington như một bậc thầy cờ vua địa chiến lược, kẻ xem bi kịch của con người không phải là một hậu quả không lường trước hoặc không thể tránh khỏi, mà là một vũ khí chiến lược được lựa chọn.
Tất cả những điều này – và đặc biệt là những tuyên bố của Tập với Chủ tịch Ủy ban Châu Âu – cho thấy phương Tây cần xem xét lại cẩn thận giả định ngầm hiểu của họ, rằng những tiêu đề chỉ trích kịch liệt như những tiêu đề thường nhắm vào Washington trên tờ Thời báo Hoàn Cầu, hay những lời quở trách gay gắt trên các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc khác, hoặc trong các bài phát biểu chính thức hoặc báo cáo công khai, chỉ dành cho độc giả trong nước của Trung Quốc.
Đối với những người chỉ trích “thuyết mối đe dọa Trung Quốc” ở phương Tây, nó có lẽ cũng phản ánh thực tế rằng bất chấp vô số bài viết mà cả hai bờ Thái Bình Dương đã đưa ra về chính sách đối ngoại và ý định chiến lược của nhau, không bên nào thực sự hiểu rõ bên kia.
Nhưng vấn đề quan trọng hơn là tất cả những lời lẽ hùng hồn này đều không phải tin tốt cho triển vọng ổn định vòng xoáy an ninh đang diễn ra ở Tây Thái Bình Dương. Sự thiếu hụt lòng tin chiến lược trầm trọng giữa hai cường quốc dường như đang lan rộng, và hiện đang có tác động chiến lược và sâu rộng hơn đến các quốc gia Thái Bình Dương từng tham gia vào việc làm trung gian hòa bình trong khu vực.
Ví dụ, một cuộc thăm dò toàn quốc gần đây do Viện Quan hệ Australia-Trung Quốc (UTS: ACRI) và Trung tâm Phân tích Dữ liệu và Thông tin Kinh doanh (BIDA) của Đại học Sydney thực hiện cho thấy một nửa số người Australia đang cảm nhận “mối đe dọa nghiêm trọng” rằng chiến tranh với Trung Quốc sẽ nổ ra trong vòng ba năm, trong khi kết quả thăm dò do Văn phòng Nội các Nhật Bản công bố vào đầu năm 2023 cho thấy hơn 85% người Nhật lo ngại rằng đất nước họ có thể bị lôi kéo vào một cuộc xung đột quân sự hoặc bị xâm lược hoàn toàn. Trong khi những lo lắng về an ninh theo truyền thống đã thúc đẩy các quốc gia nhỏ hơn hợp tác với các cường quốc lớn hơn để giảm bớt căng thẳng, thì sự ngờ vực gia tăng đã khiến cả hai cường quốc tầm trung này, cũng như các bên liên quan khác trong khu vực, ít sẵn sàng hơn, hoặc không thể lặp lại những thành công trước đó trong việc giúp hai siêu cường hòa giải những khác biệt.
Do cả hai siêu cường đều có chung ý định tránh xung đột về Đài Loan, cách tối ưu để loại bỏ những mô tả sai lầm nghiêm trọng đang hủy hoại lòng tin chiến lược là hai cường quốc phải tự mình tìm hiểu nhau tốt hơn. Điều này không chỉ đòi hỏi tham gia vào các cuộc đối thoại cấp cao thường xuyên, mà còn khuyến khích giao lưu nhân dân rộng rãi hơn giữa các thành viên giới tinh hoa vốn có tiếng nói trong lĩnh vực phân tích chính sách đối ngoại, an ninh, và quan hệ quốc tế của cả hai bên. Trong lúc vòng xoáy an ninh ở Tây Thái Bình Dương đang có nguy cơ leo thang, điều này có thể không đảm bảo hòa bình, nhưng vẫn có thể mang lại một cơ hội tốt hơn để đạt được hòa bình.
T.P