Sunday, December 29, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiẢnh hưởng từ việc xây dựng kênh Funan - Campuchia đối với...

Ảnh hưởng từ việc xây dựng kênh Funan – Campuchia đối với Việt Nam?

Campuchia chuẩn bị đào một kênh con kênh lớn nối vào sông Mekong, một trong những dòng sông rất quan trọng với Việt Nam. Có rất nhiều thông tin hỗn loạn. Có vị chuyên gia cho rằng nếu kênh này được đưa vào hoạt động nó sẽ khiến Việt Nam mất đi tới 50% lưu lượng nước, lâu nay, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã thiếu nước, đã khô hạn rồi, người dân thậm chí còn phải mua từng thùng nước về để dùng, giờ sông lại mất một nửa số nước chảy về thì mọi thứ sẽ tồi tệ đến mức nào? Cần phải xác định rõ lượng nước mất 50% có thật không? Và nếu có thì Việt Nam sẽ làm gì?

Kênh đào Funan Techo lấy nước từ dòng chính sông Mekong.

Đầu tiên, phải nói về tình trạng hạn hán ở Đồng bằng sông Cửu Long. Hiện nay, do thời tiết khắc nghiệt ở miền Tây, người dân đang phải vật lộn với cuộc sống hết sức khó khăn. Mưa ít, nước sông về giảm, nắng nóng cay gắt. Vậy nên, nhiều nơi đã không còn đủ nước ngọt để dùng nước sinh hoạt, ăn uống, có khi còn phải mua chứ chưa mong có nước để trồng trọt, để chăn nuôi.

Thứ hai, do nước ngọt đang cạn dần dẫn đến việc nước biển ngấm sâu hơn vào đất liền, gây ra tình trạng nhiễm mặn ngày càng nghiêm trọng. Càng hạn hán tốc độ nhiễm mặn lại càng cao, bởi nếu như có nước ngọt từ sông hoặc từ mưa chúng sẽ góp phần đẩy nước mặn ra biển, đồng thời trung hòa bớt lượng muối trong nước. Nhưng khi nước ngọt không còn thì nước mặn cứ thế tiến sâu vào bên trong, khi nước đã nhiễm mặn người dân không thể dùng nước đó cho sinh hoạt, cũng không thể nuôi trồng, sản xuất cái gì được. Bởi vậy, vấn đề này rất nghiêm trọng.

Kênh Funan của Campuchia là kênh nhân tạo. Nó như một dòng sông tự đào, dài tới 176 km, tức là bằng tuyến cao tốc Thanh Hóa – Hà Nội. Chi phí đào kênh dự tính 1,7 tỷ USD, tương đương 42.000 tỷ tiền Việt. Dân mạng đang xôn xao về kho báu gì đó ngoài biển 673.000 tỷ, cái kho báu đó đủ xây gần cỡ 30 cái kênh này. Kênh này có chiều sâu 5,4 m, chiều rộng ở đầu kênh là 100 m, ở phía gần biển là 80 m.

Campuchia xây kênh này gì?

Có ba lợi ích cơ bản. Thứ nhất, giúp vận chuyển hàng hóa và con người tiết kiệm và thuận lợi hơn, nhanh hơn. Khi kênh này hoàn thành thì người ta có thể vận chuyển hàng hóa trực tiếp từ tận sâu trong Campuchia ra vịnh Thái Lan. Các loại tàu từ 3000 đến 5000 tấn có thể đi qua đây dễ dàng, mà vận chuyển bằng đường thủy rất tiết kiệm, nhất là nếu xuôi dòng, lợi dụng sức nước chảy thì lại càng tiết kiệm hơn.

Thứ hai, ngăn ngập lụt và lũ lụt. Do lâu nay, nhiều vùng bị ngập lụt và mùa mưa gây thiệt hại rất lớn, bây giờ có con kênh này, mùa nước lũ sẽ có thêm một dòng chảy mới, giúp Campuchia xả lũ và đẩy đi được một lượng nước khổng lồ, nhờ vậy mà giảm được ngập lụt đáng kể.

Thứ ba, tưới tiêu và phục vụ cho cuộc sống. Phần nhiều khu vực mà con kênh này chạy qua, trước đó rất ít sông. Vậy nên, những nơi này thường sẽ thiếu nước trong mùa khô, giờ có con kênh, sẽ cung cấp nước cho tưới tiêu, phục vụ cuộc sống của ít nhất 1,6 triệu dân xung quanh con kênh này. Nhờ chiều dài tới 176 km nên sẽ rất nhiều địa phương được hưởng lợi từ dòng nước này.

Vấn đề đáng bàn là Campuchia lấy tiền đâu để xây kênh này? Hiện tại, phía Campuchia cho biết họ sẽ mời nhà thầu Trung Quốc. Những nhà lãnh đạo Campuchia khẳng định, chúng tôi sẽ không vay một đồng nào của Trung Quốc để làm cái kênh này.

Một nhà phân tích trên báo Mỹ cho rằng: “Tôi chẳng thấy Trung Quốc được cái lợi gì nếu họ bỏ tiền ra xây kênh này cho Campuchia.” nên tạm thời, cho đến khi nó thực sự được xây dựng, chúng ta khó tin rằng Trung Quốc sẽ bơm vốn cho Campuchia.

Bây giờ chúng ta sẽ đến vấn đề quan trọng nhất, kênh Funan ảnh hưởng thế nào đến Việt Nam?

Sau khi đọc rất kỹ các phân tích từ những người có chuyên môn, chúng tôi thấy Tiến Sĩ Tô Văn Trường, đã biểu một cách khách quan, không giật gân, không phóng đại, và cung cấp nhiều kiến thức chuyên môn. Ông Trường cho hay: Phân bố dòng chảy của sông Mekong về Đồng bằng sông Cửu Long bình quân từ năm 1995 – 2020 qua Tân Châu và Châu Đốc là vào khoảng 12.450 m3/s, lưu lượng bình quân tháng nhỏ nhất là 3114 m3/s. Để xem tác động của con kênh Funan thì cần phải xem ba trường hợp.

Trường hợp một, nếu dòng chảy của kênh được kiểm soát. Để hiểu đúng thì ta phải tìm hiểu sâu hơn về cấu tạo của con kênh này, vì mục đích là để cho tàu thuyền vận tải chạy qua, nên kênh này có xây ba cái cửa. Một cái cửa ngoài biển để ngăn nước mặn chảy ngược vào trong, hai cái cửa bên trong để điều chỉnh lượng nước của kênh sao cho tàu thuyền có thể đi qua được. Theo thiết kế, các cửa này cho phép dòng chảy tối đa là 3,6 m3/s. Các bạn so với lưu lượng của dòng sông Mekong tháng ít nhất cũng lên tới 3114 m/s, thì 3,6 m3/s nó chỉ cỡ 1 phần nghìn thôi. Như vậy, nếu như vận hành kênh mà có kiểm soát mỗi ngày, lượng nước của dòng sông Mekong chảy về Việt Nam gần như là không thay đổi.

Trường hợp thứ hai, nếu Campuchia không thực hiện kiểm soát như nói trên, mà họ cứ thả cửa cho kênh thích chảy thế nào thì chảy, cộng thêm trường hợp ba là Campuchia hút thêm nước để tưới tiêu cho các vùng đất kênh trải qua. Tiến sĩ Trường, vốn đã công tác nhiều năm ở Ủy hội sông Mekong nên hiểu rõ tác động của dòng sông này đối với các khu vực hai bên dòng sông. Theo tính toán của ông, nếu Campuchia hút nước tưới tiêu cho phía Tây Nam của đất nước họ, diện tích đất tối đa có thể tưới là khoảng 80.000 ha. Với diện tích này, sẽ cần lưu lượng nước khoảng 70m3/s. Vậy, cả kết hợp giữa tưới tiêu và thả cửa chảy tự do, dòng sông này sẽ hút mất bao nhiêu nước?

Vào mùa mưa, các sông ở Việt Nam sẽ bị giảm lưu lượng nhiều nhất là 6%. Còn vào mùa khô nhiều hơn, tối đa là 13% đối với sông Hậu. Kết quả này thấp hơn nhiều so với ước tính là 50% mà dân mạng đang xôn xao. Tất nhiên là không tránh khỏi những tác động rất xấu khi Miền Tây ngày càng bị xâm nhập mặn nặng nề và ảnh hưởng từ con kênh Funan.

Vì những lý lẽ nêu trên cần có một cuộc trao đổi cởi mở giữa các nhà chuyên môn ở hai quốc gia để cùng nhau tính toán thiệt hại và đưa ra giải pháp tối ưu. Làm việc trên tinh thần hợp tác, chứ không ồn ào thậm chí đe dọa lẫn nhau.

Có một thực tế là vào thập niên 90, Việt Nam cũng có ý định đào kênh, đắp bờ ở Đồng Tháp Mười. Phía Campuchia đã lo lắng và phê phán Việt Nam vì họ sợ bồi đắp sẽ khiến mực nước dâng ở phía Campuchia gây ngập lụt cho họ. Để giải quyết vấn đề này, Việt Nam đã mời ba chuyên gia người Campuchia sang Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam ngồi cùng nhau tính toán, kiểm nghiệm mô hình thủy lực với phần mềm mô phỏng địa hình. Kết quả là, độ dâng mức nước do tác động của đắp bờ kênh phía Việt Nam không đáng kể và hai bên cùng có giải pháp để hạn chế tối đa thiệt hại.

Sau đó, phía Campuchia đã không còn phản đối gì và quan hệ hai bên vẫn tốt đẹp. Như vậy, chúng ta đã cùng tìm hiểu về kênh đào Funan và tác động của nó dưới phân tích của một người đầy kinh nghiệm và chuyên môn, chứ không nên đưa tin thiếu căn cứ. Hy vọng là Việt Nam và Campuchia sẽ cùng thảo luận để đưa ra hướng đi tốt nhất, giữ vững được quan hệ tốt đẹp, vừa hiệu quả vừa kinh tế.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới