Truyền thông Campuchia vừa đưa tin: ông Hun Sen đã đề nghị tất cả ngôi chùa trên toàn quốc đánh trống, bắn pháo hoa chào mừng lễ khởi công dự án kênh đào Funan Techo, dự kiến diễn ra vào ngày 5/8.
Ông Hun Sen đưa ra đề nghị trên khi chủ trì lễ kỷ niệm 73 năm ngày thành lập Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) tại thủ đô Phnom Penh vào ngày 28/6. KhmerTimes, một tờ báo lớn của Campuchia, trích dẫn nguyên văn lời ông Hun Sen: “Tôi đề nghị Chính phủ Hoàng gia: vào ngày 5/8, khi dự án xây dựng kênh đào Funan Techo khởi công, tất cả các ngôi chùa và các địa điểm khác sẽ đánh trống và bắn pháo hoa vào buổi tối. Chúng ta nên bắn thật nhiều pháo hoa để thể hiện ủng hộ triển khai dự án”.
Sự tôn ti, chừng mực của ông Hun Sen chỉ thể hiện trong từ “nên”. Còn thì, dù là “đề nghị”, nhưng nhiều nhà quan sát cho rằng, trong trường hợp này, nó có ý nghĩa như “lệnh” được ban ra từ một nhà lãnh đạo quyền lực nhất.
Đừng nghĩ ông Hun Sen còn vai vế gì nữa để mà to tiếng hô hào. Dù đã là cựu thủ tướng từ năm ngoái, người đàn ông từng đứng đầu chính phủ Hoàng gia Campuchia 38 năm liền, vẫn có tiếng nói “nặng đồng cân” trong vai trò Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia (CPP), Chủ tịch Thượng viện Campuchia. Đặc biệt, ông là thân phụ đương kim thủ tướng Campuchia hiện nay – ông Hun Manet.
Ở một đất nước Phật giáo như Campuchia, con nghe lời cha là điều khỏi phải bàn. Đó là chưa kể, vị Thủ tướng 45 tuổi Hun Manet là người được ông Hun Sen chăm bẵm, giáo dục kỳ công từ nhỏ cả trong và ngoài nước, lẽ nào dám không vâng lời.
Thế nên có thể khẳng định, một khi ông Hun Sen đã hô hào thì, dù không nói ra, nhưng cần được hiểu cũng chính là ý của ông Manet, của Chính phủ Campuchia vậy.
Nếu muốn chứng minh, xin trở ngược thời gian 2 tháng.
Đầu tháng 5, các nước trong khu vực, nhất là nước láng giềng Việt Nam, đã làm toáng lên về việc chưa có đủ thông tin để đánh giá tác động của dự án kênh đào Phù Nam Techo. Dư luận và Hà Nội đã bày tỏ lo ngại những tác động tiêu cực của dự án khổng lồ này tới khoảng 70 triệu người thuộc các cộng đồng sinh sống ven sông ở các nước Đông Nam Á.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia quốc tế và Việt Nam còn đặt ra khả năng về việc Trung Quốc – đối tác hỗ trợ công nghệ và tài chính cho Campuchia trong dự án tham vọng khổng lồ trị giá 1,7 tỷ USD – có thể sử dụng Phù Nam Techo để đưa lực lược hải quân ém sườn phía Tây của Việt Nam – điều mà Hà Nội không thể không lo ngại – cũng như tiến nhanh ra Biển Đông – nơi Bắc Kinh đang là đối thủ tranh chấp chủ quyền với Việt Nam, Philippines, Malaysia…
Bất chấp dư luận và những quan ngại đó, đáp lại, ông Hun Sen đã cáu kỉnh mà rằng: “Tôi sẽ không để bất cứ ai đốt nhà của mình để nấu một quả trứng, cho dù đó là đồng minh hay là kẻ thù đi chăng nữa”.
Riêng câu xóc óc đó đủ khiến Hà Nội phật ý rồi. Nhưng nào đã hết, thủ tướng Manet còn tiếp lời thân phụ bằng những ngôn từ thậm chí còn gay gắt, mang tính thách thức hơn: “Không gì có thể ngăn cản việc xây dựng dự án kênh đào Phù Nam…”; và “nếu Việt Nam không hài lòng với dự án này thì Campuchia có thể buộc phải cấm hàng hóa của họ đi qua Việt Nam theo đường sông Mekong”…
Lần này, chỉ hai ngày sau đề nghị trên của cựu Thủ tướng Hun Sen, Thượng tọa Kim Sorn, Trưởng ban Giáo hội Phật giáo Mohanikaya Thành phố Phnom Penh, đã tất tả lên tiếng: Ủy ban Nhà sư và Bộ Văn hóa Tôn giáo nước này sẽ ban hành tuyên bố chung nhằm kêu gọi tất cả các chùa trên cả nước đánh trống ủng hộ cho dự án lớn này. Đồng thời với thông tin trên, vị thượng tọa này còn hồ hởi khẳng định hoạt động đánh trống có thể bắt đầu vào khoảng 19-20h tối 5/8.
Vậy là, dư luận, đặc biệt là Việt Nam, dù đã nỗ lực, đã viện dẫn ra đủ thứ luật lệ quốc tế liên quan quản lý khai thác các dòng sông, đã không thể ngăn được Campuchia hiện thực hóa một dự án tham vọng. Nói cách khác, bất chấp những ý kiến hợp lý, bất chấp những lời kêu gọi tha thiết của quốc gia lãng giềng lo ngại kênh Phù Nam Techo, khi hoàn thành, có thể làm thay đổi dòng chảy sông Mekong, gây hậu quả nghiêm trọng cho đồng bằng sông Cửu Long – vựa lúa lớn nhất của Việt Nam, Phnom Penh vẫn ương bướng làm những gì họ muốn.
Không chỉ làm trong lặng lẽ, Phnom Penh còn làm một cách quyết đoán trong tiếng pháo vang trời và trong ánh chói lòa của những vầng hoa đăng được bắn lên từ hàng nghìn ngôi chùa tại xứ Chùa Tháp, chỉ sau một tháng nữa.
Với dư luận, nhất là với Việt Nam, cái lo từ sự kiện này đã đành. Lo xa và lớn hơn nữa, là tiếp sau việc lầm lũi triển khai Phù Nam Techo như một tiền lệ, rất có thể Phnom Penh sẽ còn triển khai các dự án khác nữa chỉ vì các lợi ích cục bộ của Campuchia, bất chấp hậu quả có thể gây ra với các quốc gia láng giềng.
T.V