Monday, December 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiLề phải của lịch sử

Lề phải của lịch sử

So với các tổ chức đa phương khác thì Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) ít được dư luận thế giới quan tâm hơn. Không chỉ vì số thành viên ít, bó hẹp trong khu vực Bắc Á- Nam Âu, mà còn vì tầm ảnh hưởng chính trị của nó.

Hôm qua, 4/7, tại Astana – Kazakhstan, đã kết thúc hội nghị thượng đỉnh (diễn ra trong hai ngày) của SCO. Tham dự Hội nghị nhóm họp theo hình thức “SCO+” có các quốc gia thành viên, quan sát viên, đối tác đối thoại và Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres.

Lần này Hội nghị nêu khẩu hiệu: “Tăng cường đối thoại đa phương – phấn đấu vì hòa bình và phát triển bền vững”, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng: Củng cố hợp tác kinh tế, chiến lược an ninh và kết nạp thêm thành viên mới.

SCO được thành lập năm 2001, theo sáng kiến của Bắc Kinh, với nhiệm vụ ban đầu là chống khủng bố, giải quyết những vấn đề biên giới giữa Trung Quốc với các nước láng giềng thuộc Liên Xô (cũ), gồm Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan. Sau đó kết nạp thêm Uzbekistan và có thêm nhiệm vụ mới là chống ma túy, chủ nghĩa khủng bố.

Hướng tới thiết lập một cơ chế hợp tác đa phương hiệu quả, đóng vai trò trọng yếu tại khu vực Á – Âu, SCO đã từng bước “nối vòng tay lớn” mở rộng các lĩnh vực hợp tác, tập trung nhiều hơn vào các vấn đề kinh tế và năng lượng. Các thành viên đều nêu lên các sáng kiến kinh tế khu vực, như sự hội nhập của Sáng kiến “Vành đai & Con đường” do Trung Quốc khởi xướng và Liên minh kinh tế Á – Âu do Nga dẫn đầu. Đồng thời coi việc duy trì an ninh trong khu vực là một trong những ưu tiên hàng đầu.

Tại Hội nghị thượng đỉnh năm nay, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Putin cùng ca ngợi những thay đổi mang tính kiến tạo trong chính trị toàn cầu với một thế giới đa cực. Và không hề ngần ngại, hai nguyên thủ quốc gia đã kêu gọi hình thành một liên minh chống phương Tây.

Reuters dẫn nguồn tin của Đài truyền hình Nhà nước Trung Quốc: Chủ tịch Tập Cận Bình kêu gọi các nước thành viên của SCO chống lại những can thiệp từ “bên ngoài”, bình tâm giải quyết những bất đồng nội bộ và phải bảo vệ quyền được phát triển. Ông Tập nhấn mạnh, “SCO đứng ở bên lề phải của lịch sử và ủng hộ công bằng là điều quan trọng sống còn cho thế giới”.

Tổng thống Vladimir Putin thì tuyên bố hùng hồn về những Trung tâm mới về chính trị và kinh tế đang trỗi dậy. Ông cũng thảo luận với lãnh đạo các nước thành viên về việc triển khai một loạt Hiệp ước an ninh tập thể cấp vùng. Theo ông, khu vực Á-Âu cần một hệ thống an ninh riêng, mà tất cả các nước trong vùng có thể tham gia, kể cả các nước thành viên NATO.

Rõ ràng, thế giới Phương Tây đã bị chỉ trích, dù không bị nêu đích danh, trong tuyên bố chung của Hội nghị thượng đỉnh. Tuyên bố cáo buộc: “Việc sử dụng vũ lực ngày càng gia tăng, các quy tắc của luật pháp quốc tế đang bị vi phạm một cách có hệ thống, sự đối đầu và xung đột địa chính trị ngày càng gia tăng, cũng như những rủi ro đối với sự ổn định trên thế giới và khu vực SCO đang tăng gấp bội”. Về vấn đề này AFP bình luận: Tại sao Hội nghị không hề đề cập đến cuộc xung đột kéo dài gần hai năm rưỡi giữa Nga và Ukraine? Tại sao những hành động gây hấn của Trung Quốc đối với Đài Loan và gây căng thẳng trên Biển Đông lại không hề được nhắc đến? Như vậy là SCO đang ở lề phải hay lề trái?

Đến nay Tổ chức Hợp tác Thượng Hải có 10 quốc gia thành viên, 3 quốc gia quan sát viên và 14 đối tác đối thoại. Hiện tổ chức này đang bao phủ một vùng lãnh thổ rộng lớn với hơn 60% diện tích lục địa Á – Âu, gần một nửa dân số thế giới và khoảng 1/4 tổng lượng kinh tế toàn cầu.

Chưa thấy Mỹ và đồng minh phản ứng. Những ý kiến “ngược chiều”thì cho rằng, SCO chỉ là những khách hàng mua sản phẩm cơ bản của Nga. Từ sau tháng 2-2022 đến nay, cuộc chiến ở Ukraine đã buộc Moscow phải xoay sang các thị trường châu Á. Mặc dù tự coi là đối trọng với ảnh hưởng của phương Tây ở trong vùng, nhưng đây là “một tổ chức khác biệt với nhiều bất đồng nội bộ, kể cả tranh chấp lãnh thổ”.

Hội nghị tại Astana năm nay kết thúc một cách bình lặng. Nó dường như chỉ mang tính định kỳ, không để lại dấu ấn gì quan trọng. Có vẻ như Bắc Kinh và Moscow cũng đang đề phòng nhau sau cú Nga xích lại gần hơn Triều Tiên. Trước đó, trong khuôn khổ chuyến thăm của Tổng thống Nga Vladimir Putin đến Bình Nhưỡng, ngày 19/6, Nga và Triều Tiên đã ký Hiệp ước Đối tác chiến lược toàn diện, trong đó có điều khoản về phòng thủ chung.

Theo một số nhà quan sát, sau hơn 20 năm, SCO đã phát triển về tầm nhìn quốc tế, có sức ảnh hưởng về mặt kinh tế, nhưng điều đáng chú ý là tổ chức này đang tìm cách mở rộng tham vọng địa chính trị.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới