Một thông tin tích cực vừa ập tới trong đầu tháng 7: Trung Quốc và Philippines vừa đồng ý khôi phục và xây dựng lòng tin sau nhiều tuần căng thẳng vì các vụ chạm trán ở bãi Cỏ Mây.
Tích cực thật. Bởi chí ít, nó cũng ngược với những tin tức về những căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc tại khu vực bãi Cỏ Mây trong tháng 6 vừa qua.
Tháng 6, có thể nói, là một tháng tồi tệ bậc nhất trong quan hệ Philippines – Trung Quốc kể từ năm 2012, năm mà Trung Quốc dùng “mẹo mèo” để chiếm quyền kiểm soát bãi cạn Scaborough từ Manila.
Uất hận, cay đắng, phẫn nộ… – đó là trạng thái cảm xúc của người dân Philippines sau sự kiện đó. Điều may mắn còn lại ở quốc đảo Đông Nam Á đầu sóng này, là sự đồng tâm. Nhà lãnh đạo Philippines khi đó là tổng thống Benigno Aquino III nổi tiếng, người được quốc dân rất quý mến và ủng hộ do những kết quả đáng ghi nhận mà ông mang lại về mặt kinh tế, và đặc biệt, là sự can trường trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Chính ông, sau sự kiện Scaborough, đã quyết liệt thúc đẩy một vụ kiện hy hữu (thường gọi là vụ kiện Biển Đông) chống lại Trung Quốc. Sau 3 năm (2013-2016) nỗ lực và kiên trì theo đuổi, ngày 12/6/2016, Tòa trọng tài thành lập theo phụ lục VII Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982 (PCA) đã ra phán quyết bác bỏ gần như toàn bộ cái gọi là “quyền lịch sử” Trung Quốc sử dụng biện minh cho yêu sách “đường 9 đoạn” nhằm độc chiếm Biển Đông của họ.
Tiếc là khi vụ kiện thắng lợi, ông Aquino đã kết thúc nhiệm kỳ, rời nhiệm sở 12 ngày. Tiếc nữa là thắng lợi của vụ kiện – di sản quan trọng – đã không được người kế nhiệm là tổng thống Rodrigo Duterte phát huy do ông này chủ trương đường lối đối ngoại “thân Trung Quốc”, ít nhất trong hơn nửa đầu nhiệm kỳ.
Tại sao nói tháng 6 vừa qua là tháng căng thẳng nhất trong quan hệ Philippines – Trung Quốc? Điều này thì ai cũng biết nếu quan tâm, theo dõi những gì diễn ra tại khu vực bãi Cỏ Mây. Tạm thời chưa bàn chuyện Manila đòi hỏi chủ quyền bãi cạn này có chính đáng không khi Hà Nội cũng tuyên bố chủ quyền với Cỏ Mây với cái lý rất mạnh rằng: Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, để nhìn nhận câu chuyện từ giác độ Cỏ Mây hiện tại Philippines đang kiểm soát.
Câu chuyện Cỏ Mây nóng lên từ mươi lăm năm trước, khi Manila biết được sự nhòm ngó của Trung Quốc, đã lao chiếc chiến hạm BRP Sierra Madre, làm cho nó mắc cạn, sau đó đưa quân tới đồn trú để vừa khẳng định, vừa bảo vệ quyền kiểm soát của mình. Bắt đầu từ đó là liên tục các vụ xung đột giữa hai bên, nhất là mỗi khi Philippines tiếp tế hậu cần cho binh sĩ trên chiếc tàu được coi là “đống sắt rỉ”. Mục tiêu của Bắc Kinh là ngăn cản, hành hạ tới mức Philippines quá sức chịu đựng, sẽ phải từ bỏ “cột mốc chủ quyền sống” này.
Đưa tin về những gì diễn ra trên thực địa, truyền thông khu vực có thời điểm liên tục giật những cái tít phản ảnh diễn biến phức tạp và sự căng thẳng trong khu vực này, như: “Philippines tố tàu Trung Quốc cản trở tàu tiếp tế ở Biển Đông”; “Trung Quốc xịt vòi rồng vào tàu tiếp tế Philippines ở Biển Đông”; “Philippines cho tàu tiếp tế quay lại bãi Cỏ Mây”…
Tuy nhiên, Manila rắn và lì lợm hơn Bắc Kinh nghĩ. Không manh động, tránh khiêu khích, nhưng Philippines cho thấy họ không dễ từ bỏ Cỏ Mây. Cùng với thể hiện quyết tâm giữ bãi cạn, Manila hô hoán, tố cáo mạnh mẽ Bắc Kinh ngang ngược và hung hãn. Đỉnh điểm xung đột, cũng là đỉnh điểm sự tố cáo của Manila diễn ra trong tháng 6 vừa qua, là vụ va chạm nguy hiểm ngày 17/6 mà cả hai bên đều cho là “mình phải” (!), và tố lẫn nhau là thủ phạm của những hành động ngang ngược. Thậm chí, trong vụ việc này, một thủy thủ Philippines làm nhiệm vị tiếp tế đã bị thương, mất một ngón tay…
Mức độ căng thẳng tới mức ông Gilberto Teodoro, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines chỉ trích Bắc Kinh rằng: “các hành động của Trung Quốc “là trở ngại thực sự cho hòa bình và ổn định ở Biển Đông”.
Thậm chí, vụ việc còn “kéo” cả Washington vào cuộc. Ngày 21/6, Bộ Ngoại giao Mỹ đã phê phán hành động “leo thang và vô trách nhiệm” của Bắc Kinh; cảnh báo rằng: Hiệp ước phòng thủ chung giữa Washington và Manila được áp dụng cho bất kỳ cuộc tấn công vũ trang nào vào lực lượng vũ trang, tàu hoặc máy bay của Philippines trên Biển Đông.
May thay, mọi chuyện sau đó hạ nhiệt với lời tuyên bố của văn phòng tổng thống Philippines Ferdinand Marcos: “xô xát giữa thủy thủ hải quân Philippines với thành viên hải cảnh Trung Quốc hôm 17/6 nhiều khả năng là “hiểu nhầm hoặc sự cố”.
“Nhầm” thì không nên hiểu là đó “tấn công vũ trang”. Không phải tấn công vũ trang thì không kích hoạt Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ – Philippines… Nếu hai bên cùng gân cổ mà găng lên, chưa biết chừng, Biển Đông những ngày qua đã biến thành một lò lửa dữ dội với sự đụng độ của hai siêu cường.
Trong bối cảnh đó, cái tin mới: hai bên (Philippines, Trung Quốc) “đồng ý khôi phục và xây dựng lòng tin…” được nhiều người coi là thông tin tốt lành đầu tháng 7 này, là điều dễ hiểu.
Chỉ có điều, mừng thì mừng, nhưng cái lo chưa hẳn đã hết bởi chắt ra từ thông báo Manila đưa ra vẫn cho thấy khả năng đuề huề khó khăn lắm. Thì đấy, câu chữ còn nóng hổi: “Hai bên trao đổi quan điểm về Bãi Ayungin (tên Philippines gọi Bãi Cỏ Mây) và cam kết giảm căng thẳng vô điều kiện mà không ảnh hưởng đến quan điểm của mỗi bên”.
“Cái gọi là “quan điểm mỗi bên” (về bãi cạn Cỏ Mây) như thế nào, dư luận đều biết. Diễn đạt có thể khác nhau, nhưng với cả Philippines và Trung Quốc, bãi cạn đó phải là của mình. Đó mới là cơ sở căn bản đảm bảo cho kết quả của thương lượng.
Nói cách khác, ngồi vào bàn với nhau cũng đã là tốt. Tốt hơn, thành phần là cấp thứ trưởng – nghĩa là hàm đố cũng “to” chứ không “nhỏ”. Nhưng nếu mỗi bên đều khăng khăng cho mình có chủ quyền chính đáng với Cỏ Mây, thì có mà “bàn vào mắt”.
Cho nên, “có nụ mừng nụ…”: trước mắt, hãy cứ hy vọng câu chuyện Cỏ Mây chùng xuống đã. Còn căng thẳng có hồi lại hay không, hãy đợi đấy.
T.V