Hòa vào xu hướng chung của thế giới, một số quốc gia Đông Nam Á đang có những kế hoạch hình thành nên các đô thị lấn biển, với mục tiêu chính là phát triển kinh tế, cũng như mang lại nhiều cơ hội mới để phát triển đất nước. Thành phố Ream, siêu dự án lấn biển trị giá 16 tỷ đô la Mỹ của Campuchia, là một ví dụ điển hình như thế.
Siêu dự án lấn biển trị giá 16 tỷ USD
Với tốc độ phát triển kinh tế nhanh chóng của các vùng ven biển và áp lực gia tăng dân số ngày càng lớn cũng như mâu thuẫn giữa sự thiếu hụt tài nguyên đất và tài nguyên không gian ngày càng trở nên nổi cộm, việc lấn biển phát triển đô thị là một trong những phương thức được nhiều quốc gia sử dụng hiện nay.
Trong nhiều năm qua, tỉnh Preah Sihanouk với trái tim là thành phố Sihanoukville nhận được rất nhiều sự đầu tư, đặc biệt là nguồn vốn đến từ Trung Quốc. Hàng loạt công trình hạ tầng tầm cỡ quốc tế đã và đang được xây dựng, phần nào giúp cho khu vực phía Nam đất nước Chùa Tháp cất cánh. Thế nhưng, đi cùng với đó cũng làm nổi lên nhiều mối quan ngại về những hệ lụy có thể gây ra đối với người dân địa phương và môi trường. Dường như Sihanoukville đã không thể chống chọi với sự thay đổi quá nhanh này. Nơi đây nhanh chóng trở thành một “thiên đường cờ bạc” nhức nhối của Campuchia.
Chính vì vậy vào năm 2021, chính quyền Campuchia đã cấp phép cho một dự án chiến lược mới tại tỉnh Preah Sihanouk, đó là thành phố Ream. Đây là một dự án lấn biển đầy tham vọng nhằm biến một vùng đất được cải tạo rộng khoảng 934 ha trở thành một thành phố xanh ven biển đáng sống và có đầy đủ tiện ích thông minh. Cụ thể, nó sẽ được phát triển trên vùng đất khai hoang nằm ở vị trí thuận tiện, cách sân bay quốc tế Sihanouk chỉ khoảng 5 phút lái xe.
Tập đoàn Surbana Jurong của Singapore sẽ chịu trách nhiệm trong công tác tư vấn quy hoạch khu đô thị, cùng với đó là tư vấn kiến trúc cho các dự án mà Canopy Sands Group chuẩn bị triển khai. Subana Jurong, là tập đoàn tư vấn có chuyên môn sâu rộng trong lĩnh vực quy hoạch, thiết kế kiến trúc, thiết kế nội thất, thiết kế cảnh quan và quản lý dự án trong nhiều loại hình khác nhau thuộc lĩnh vực phát triển đô thị và bất động sản. Đến nay, Subana Jurong đã trở thành đối tác tin cậy của nhiều tổ chức, tập đoàn lớn và hoạt động tại 40 quốc gia trên thế giới.
Theo phía công ty Canopy Sands Development Group công bố, dự án sẽ được xây dựng trong vòng 20 năm, bao gồm ba giai đoạn chính. Trong đó, giai đoạn xây dựng đầu tiên sẽ diễn ra từ năm 2021-2025. Đây là giai đoạn mà các đơn vị thi công tiến hành bồi đắp cát để hình thành nên thành phố lớn biển này. Sau khi bồi đắp xong, nó sẽ tiếp tục được cải tạo để có thể trồng được cây xanh và xây dựng cơ sở hạ tầng trên đó. Mục tiêu chính trong giai đoạn này là có thể xây dựng một khu giải trí tích hợp nằm trên một khu vực rộng 50 ha.
Giai đoạn xây dựng thứ hai kéo dài từ năm 2025 – 2035 sẽ phát triển thành từng khu vực cụ thể, chẳng hạn như đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông công cộng, các công trình nhà ở, công viên cùng một số công trình hạ tầng phục vụ cho các tiện ích khác. Ngoài ra, đường bờ biển dài 6km cũng sẽ dần được hình thành trong giai đoạn này. Giai đoạn xây dựng cuối cùng diễn ra từ năm 2035 -2045 với sự phát triển đồng bộ của cơ sở hạ tầng và tăng trưởng dân số ổn định.
Có thể nói, khu vực rộng 934 ha nằm ở ven biển tỉnh Preah Sihanouk sẽ trải qua sự chuyển đổi đáng kể về mọi mặt và có khả năng giống với Singapore hơn bất kỳ nơi nào khác ở Campuchia khi sở hữu hàng loạt khu nghỉ dưỡng, khách sạn, trung tâm thương mại, nhà hàng, công viên, các câu lạc bộ vui chơi giải trí, cũng như bến du thuyền.
Hạ tầng giao thông
Hiện có ba tuyến đường bộ chính giúp kết nối Thành phố Ream với các khu vực khác trong tỉnh Preah Sihanouk, đó là Đại lộ Chumteav Mao, Ream Beach và Ream. Đây đều là những tuyến đường trọng điểm nằm trong kế hoạch mở rộng 34 tuyến đường mới trị giá 300 triệu đô la Mỹ vào năm 2019 mà Thủ tướng Campuchia khi đó là ông Hun Sen chỉ định xây dựng. Theo thiết kế, ba tuyến đường này đều có bao gồm sáu làn xe và có hai chiều lưu thông.
Trong đó, Đại lộ Ream Beach được nối với cả hai Đại lộ Chumteav Mao và Ream. Tuyến đường này có chiều dài khoảng 6 km, chiều rộng khoảng 27 m.
Đi về phía Tây, đại lộ này sẽ giao với Đại lộ Chumteav Mao, hay còn được gọi là Đại lộ 47. Đại lộ này dài 9 km và rộng 27m, tại vòng xoay Preah Thong Neang. Vòng xoay này cũng là một trong những công trình đã được Thủ tướng Hun Sen phê duyệt xây dựng cách đây 5 năm. Điều đặc biệt của nó chính là hai bức tượng được dựng ở trên có mặt hướng ra biển. Theo văn hóa dân gian của đất nước Chùa Tháp, Hoàng tử Preah Thong và Công chúa Neang Nick chính là những người đã khai sinh ra quốc gia Campuchia, cũng như là tổ tiên của dân tộc Khmer. Hai bức tượng khổng lồ này có chiều cao hơn 21m, chúng được tạc tại Trung Quốc và sau đó được vận chuyển về Campuchia bằng đường biển thông qua Cảng Sihanoukville vào ngày 25/3/2022.
Từ vòng xoay Preah Thong Neang đi về phía Bắc, Đại lộ Chumteav Mao sẽ thông ra Quốc lộ 1, đoạn gần Đặc khu kinh tế Sihanoukville. Đây là một trong những tuyến đường huyết mạch của Campuchia có chiều dài 230km và nối liền thành phố Cảng Sihanoukville với thủ đô Phnom Penh. Ngoài ra, một tuyến đường cao tốc kết nối hai khu vực này cũng đã được thông xe vào tháng 10/2022. Công trình có chiều dài 187 km và bao gồm bốn làn xe, cùng chi phí đầu tư trị giá 2 tỷ đô la Mỹ. Đây là đường cao tốc đầu tiên của Campuchia, nó cắt giảm thời gian di chuyển giữa hai thành phố từ 6 tiếng xuống còn chỉ 2 tiếng rưỡi.
Còn nếu đi về phía Nam thì Đại lộ Chumteav Mao sẽ được kết nối với tuyến Vành đai ven biển. Còn đi về phía Đông, Đại lộ Ream Beach sẽ giao với Đại lộ Dream, hay còn được gọi là Đại lộ 45, tại vòng xoay có dựng bức tượng Shiva và vợ của ông là Parvati. Cũng giống như Chumteav Mao, Đại lộ Ream cũng có chiều dài là 9km và chiều rộng là 27 m.
Ngày 15/2/2023, Chính phủ Campuchia đã quyết định đặt thêm một tên mới cho con đường này, đó là Đại lộ Hữu Nghị Campuchia-Maldives. Như biểu tượng của tình hữu nghị giữa đất nước Chùa Tháp với quốc đảo Maldives. Đây không phải lần đầu tiên Campuchia đặt tên đường để biểu thị cho tình cảm gắn bó với các quốc gia khác. Trước đó, năm 2018, cũng đã diễn ra lễ khánh thành và đưa vào sử dụng Đại lộ Hữu Nghị Phnom Penh-Hà Nội, có tổng chiều dài hơn 10km tại thủ đô của Campuchia. Nó thuộc dự án xây dựng đường vành đai hai của Phnom Penh, kết nối nhiều quốc lộ lớn của đất nước Chùa Tháp.
Nhìn chung, Đại lộ Ream là một tuyến đường huyết mạch khi nó có thể giúp thành phố mới Ream kết nối được với nhiều địa điểm quan trọng nằm dọc theo tuyến đường này. Chẳng hạn như Quân Cảng Ream, nằm cách thành phố này gần 3km về phía Nam. Đây không chỉ là một trong những căn cứ quân sự chiến lược của Campuchia tại Vịnh Thái Lan, mà trong nhiều năm trở lại đây, nó còn là nơi phục vụ cho các lợi ích quân sự của Trung Quốc. Ngoài ra, trên lộ trình từ vòng xoay Shiva và Parvati thông ra Quốc lộ 4, còn có Sân bay Quốc tế Sihanouk, nằm cách vòng xoay này khoảng 3km về phía Bắc. Hiện đây cũng là sân bay quốc tế thứ ba của đất nước Chùa Tháp.
Sân bay ban đầu có tên là Sân bay Kang Ken, nó được xây dựng và hoàn thiện vào những năm 1960 với sự hỗ trợ của Liên Xô. Nhưng với những biến cố dồn dập như đảo chính, chiến tranh, diệt chủng trong giai đoạn lịch sử đầy biến động của Campuchia trong thế kỷ 20, đã khiến sân bay ngừng hoạt động trong một thời gian dài. Ngày 5/1/2007, nó mới được mở cửa hoạt động trở lại. Cũng trong thời gian này sân bay Kang Ken tiếp tục được đổi tên thành Sân bay Quốc tế Sihanouk để tri ân Quốc vương Norodom Sihanouk.
Với công suất phục vụ trung bình khoảng 1 triệu lượt khách mỗi năm và chỉ tính riêng năm 2019 là 1,68 triệu lượt khách, sân bay quốc tế Sihanouk được coi là một trong những động lực thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế, văn hóa và du lịch của tỉnh Preah Sihanouk nói riêng và của Campuchia nói chung.
Đặc biệt, sân bay này còn nằm rất gần thành phố Dream. Chính vì vậy, trong tương lai, nếu thành phố này đi vào hoạt động cùng với hàng loạt công trình và tiện ích quy mô lớn của nó, chắc chắn sẽ là địa điểm du lịch đầu tiên mà nhiều du khách lựa chọn đến thăm khi đặt chân đến tỉnh Preah Sihanouk.
Bên cạnh các kết nối trên đất liền, sau khi bến du thuyền với hạ tầng đạt chuẩn quốc tế tại thành phố Ream đi vào hoạt động, nó sẽ giúp việc kết nối thành phố này với các hòn đảo du lịch nổi tiếng ở Vịnh Thái Lan trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết như Koh Ta Kiev, Koh Rong Samloem và Koh Rong. Điều này không chỉ giúp đẩy mạnh các hoạt động du lịch biển đảo mà nó còn hứa hẹn sẽ mang đến cho du khách những trải nghiệm vui chơi thú vị nhưng đậm chất trải nghiệm của giới thượng lưu.
Nhìn chung, thành phố Ream gần như hội tụ đủ với các hạ tầng giao thông từ đường bộ, đường hàng không cho đến đường thủy nội địa. Chính vì vậy mà trong tương lai, nơi đây sẽ là một trong những đầu mối giao thông quan trọng của Campuchia khi có thể kết nối với các tỉnh thành trong khu vực và thủ đô Phnom Penh. Đặc biệt, thành phố cũng sẽ góp phần mở rộng liên kết giao thông hàng hải quốc tế của khu vực phía Nam đất nước Chùa Tháp.
Tiềm năng của dự án thành phố Dream
Theo giám đốc công ty Canopy Sands là ông Kong Gengfu, cơ sở hạ tầng tại thành phố Ream sẽ được thiết kế hài hòa với môi trường, tạo nên một không gian xanh mát với nhiều cây cối để người dân làm việc và sinh sống. Ông Kong cũng cho rằng các báo cáo đánh giá tác động môi trường trước khi xây dựng thành phố Ream đã được thực hiện kỹ lưỡng cùng với sự giúp đỡ của các chuyên gia địa phương. Với tầm nhìn hướng đến tương lai, cũng như cam kết phát triển bền vững và hiệu quả, thành phố Ream cũng sẽ khuyến khích người dân sử dụng giao thông công cộng thay vì phương tiện cá nhân. Điều này sẽ góp phần làm giảm tắc nghẽn giao thông và ô nhiễm không khí. Bên cạnh đó, một mạng lưới công viên được xây dựng tại thành phố không chỉ giúp bầu không khí ở đây trong lành hơn mà nó hứa hẹn còn là một điểm đến du lịch sinh thái đầy tiềm năng của Campuchia.
Du lịch là một trong những trụ cột quan trọng trong nền kinh tế của Campuchia, bằng chứng là lượng du khách quốc tế đã tăng lên đáng kể trong nhiều năm trở lại đây, đông đảo nhất vẫn là những du khách đến từ Trung Quốc. Bên cạnh một Sihanoukville đã quá quen thuộc, sự hiện diện của Ream chắc chắn sẽ gây ấn tượng không hề nhỏ khi thành phố này có đầy đủ cơ sở hạ tầng từ resort, khách sạn, nhà hàng cho đến khu giải trí đầy sôi động. Cùng với đó là đường bờ biển dài 6km ở Vịnh Thái Lan, tương đương với bãi biển Sầm Sơn của nước ta, có thể trở thành con át chủ bài của thành phố và đủ đáp ứng cho các nhu cầu vui chơi giải trí của khách du lịch trong và ngoài nước.
Khi đi vào hoạt động, dự án đô thị lấn biển đầy tiềm năng này không chỉ giúp thay đổi hình ảnh đã đi xuống của tỉnh Preah Sihanouk vì cờ bạc mà còn có thể giúp nền kinh tế của tỉnh tăng trưởng hơn nữa. Từ đây, Preah Sihanouk chắc chắn sẽ trở thành một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về cả hạ tầng lẫn kinh tế.
Đó còn là chưa kể những lợi ích xã hội mà thành phố Ream sẽ mang lại cho khu vực này khi các cơ sở lưu trú, nhà hàng và khu vui chơi giải trí sẽ tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho người dân địa phương cũng như thu hút một lượng lao động từ các tỉnh thành khác đến đây để làm việc. Bên cạnh đó, Canopy Sands hiện còn đang tài trợ cho 400 sinh viên Campuchia có hoàn cảnh khó khăn, bao gồm cả những sinh viên sống gần khu vực phát triển dự án. Sau khi những sinh viên này tốt nghiệp, phía công ty hứa hẹn sẽ cung cấp các cơ hội thực tập cũng như việc làm chính thức tại thành phố Ream.
Ngoài ra, một phần trong kế hoạch thành phố Ream là nhà ở có giá cả phải chăng. Theo ông Kong Gangfu, họ sẽ cung cấp nhiều loại nhà để đáp ứng các nhu cầu khác nhau của người dân. Trên thực tế, giá của những căn nhà này sẽ tùy thuộc vào nhu cầu thị trường. Với sự gia tăng dân số dự kiến của người dân địa phương và người nước ngoài trong khu vực, giá bất động sản có thể tăng lên khi nhu cầu ngày càng tăng. Tuy nhiên, phía công ty cũng cam kết rằng sẽ làm việc chặt chẽ với chính phủ để tìm cách giảm thiểu mối lo ngại này một cách tốt nhất.
Nhìn chung, theo như nhận định của giám đốc công ty Canopy Sands, sự phát triển của thành phố Ream về lâu dài chắc chắn sẽ mang lại lợi ích trên nhiều lĩnh vực cho Campuchia.
Những thách thức trong tương lai
Tiềm năng và lợi ích của thành phố Ream mang lại cho Campuchia là điều không thể bàn cãi. Tuy nhiên, đi cùng với đó là những rủi ro và thách thức cũng không hề nhỏ.
Dự án này có thể sẽ không được lòng một bộ phận người dân bản địa vì thực tế cho thấy sứ mệnh của thành phố Ream đang theo đuổi cũng như quy mô cơ sở hạ tầng hiện nay dường như chỉ phù hợp với các tầng lớp lao động trẻ tuổi.
Chính vì vậy, những ngư dân vốn đã lớn tuổi và sinh sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt cá hàng chục năm qua tại khu vực này chắc chắn sẽ khó hòa nhập với định hướng phát triển của thành phố Ream. Tiếp đó, đi cùng với quy mô hiện đại như vậy giá cả thuê nhà ở và chi phí sinh hoạt tương đối cao so với mức thu nhập của người dân tại đây. Đó là còn chưa kể Campuchia hiện vẫn là một trong những quốc gia nghèo nhất khu vực Đông Nam Á, với GDP bình quân đầu người vào năm 2023 chỉ đạt khoảng 1920 đô la Mỹ.
Mối quan ngại lớn nhất của nhiều người dân Campuchia hiện nay là, nhiều dự án lấn biển tỷ đô đã không mang lại hiệu quả cho nền kinh tế. Điển hình là siêu dự án 100 tỷ đô la ở Malaysia mang tên Forest City. Thành phố này dành cho 700.000 người sinh sống trên diện tích 1370 ha của bốn hòn đảo nhân tạo. Cuộc sống tại đây với đầy đủ tiện nghi từ văn phòng đến khu chung cư, biệt thự, khách sạn, trung tâm thương mại, trường học và sân golf. Thế nhưng, tính đến nay mới chỉ có khoảng 9000 người sinh sống ở Forest City, biến nơi đây trở thành một “thành phố ma”. Chắc chắn không có một người dân Sihanoukville nào muốn Ream City rơi vào hoàn cảnh bi đát tương tự.
T.P