Friday, January 10, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiSự trỗi dậy của ‘thuyết sự suy tàn của Mỹ’

Sự trỗi dậy của ‘thuyết sự suy tàn của Mỹ’

Trong khi người Mỹ đang hết sức lo ngại trước quan điểm “Đông thịnh Tây suy” thì “lý thuyết về sự suy tàn của Mỹ” về chính người Mỹ cũng đang trỗi dậy. Trong một bản báo cáo được công bố gần đây, một tổ chức tư vấn nổi tiếng của Mỹ đã đưa ra cảnh báo về vấn đề này và thu hút được nhiều sự chú ý của giới truyền thông chính thống. Người Mỹ nên ý thức được rằng, nếu nước Mỹ không giải quyết vấn đề của chính mình mà chỉ bận rộn tìm kiếm “vật tế thần” từ bên ngoài thì quốc gia này khó có thể ngăn chặn xu thế đi đến suy tàn.

Mới đây, Tập đoàn RAND đã công bố một báo cáo có tựa đề Phục hưng sức sống quốc gia và chỉ ra rằng, trong lịch sử, các cường quốc đạt đến đỉnh cao thường sẽ chuyển sang trì trệ rồi cuối cùng suy tàn, rất ít cường quốc có thể tạo dựng được một quỹ đạo phát triển liên tục. Đây là thách thức mà nước Mỹ hiện đang phải đối mặt.

Báo cáo này cho rằng, vị thế cạnh tranh hiện tại của Mỹ đang bị đe dọa bởi các yếu tố đến từ nội bộ như sự chậm đi của tốc độ tăng năng suất, sự già hóa dân số, sự phân cực của hệ thống chính trị và tình trạng ngày càng mục ruỗng của môi trường thông tin, đồng thời cũng phải đối diện những thách thức đến từ các yếu tố bên ngoài như sự phát triển của Trung Quốc và việc hàng chục quốc gia đang phát triển ngày cảng giảm phụ thuộc vào Mỹ. Nếu không được xử lý, những xu hướng này sẽ đe dọa vị thế cạnh tranh của Mỹ và đẩy nhanh sự suy thoái tương đối của nước này.

Bản báo cáo thừa nhận rằng, Mỹ chưa thể hiện nhận thức chung về các thách thức xã hội và cũng chưa cho thấy quyết tâm theo đuổi cải cách trong các lĩnh vực hay vấn đề then chốt. Sự thiếu nhận thức chung về những trở ngại, vốn đòi hỏi phải có hành động khẩn cấp, cũng như việc các tầng lớp khác nhau trong xã hội và các nhóm lãnh đạo chính trị có quan điểm bất đồng trong các vấn đề cơ bản, đã tạo ra những thách thức rõ ràng cho các nỗ lực.

Ngay sau khi được công bố, báo cáo này đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của giới truyền thông chính thống Mỹ. David Ignatius, cây bút bình luận của Washington Post, đặt ra câu hỏi: “Sức mạnh quốc gia của Mỹ có đang suy thoái? Điều đó phụ thuộc vào chính chúng ta!” Ông chỉ ra rằng, nước Mỹ đang lao dốc và thứ có thể cứu Mỹ là một cam kết rộng rãi bắt đầu từ giới thượng lưu, đồng thời phải nỗ lực vì lợi ích chung và sự phục hưng dân tộc. Nếu không tìm được nhà lãnh đạo mới và đạt được đồng thuận về các giải pháp thích hợp, nước Mỹ sẽ gặp rắc rối.

Bản báo cáo đã chỉ ra những thách thức mà nước Mỹ phải đối mặt trong “sự phục hưng quốc gia được kỳ vọng”: Khả năng nhận thức được những vấn đề đang tồn tại; áp dụng thái độ giải quyết vấn đề thay vì thái độ theo ý thức hệ; có cơ cấu quản trị tốt; duy trì “cam kết vì lợi ích chung” của giới tinh hoa.

Thật không may, báo cáo của RAND đánh giá hiệu quả hoạt động của Mỹ trong năm 2024 là “yếu ớt”, “bị đe dọa” và “nửa xấu nửa tốt”.

Trên thực tế, trong các cuộc tranh luận chính trị hằng ngày ở Mỹ, lý thuyết cho rằng nước Mỹ đang đi đến suy tàn tồn tại ở cả cánh tả lẫn cánh hữu, nhưng con đường họ lựa chọn để vực dậy vị thế của Mỹ thì lại hoàn toàn trái ngược nhau. Đặc biệt, Trump thường xuyên sử dụng khẩu hiệu “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” (MAGA), đồng thời chỉ trích rằng nước Mỹ ngày càng suy thoái dưới thời Đảng Dân chủ cầm quyền. Hiện giờ, Trump vẫn đang sử dụng khẩu hiệu này trong nỗ lực quay trở lại chính trường. Ở Mỹ, có không ít người tin rằng chỉ Trump mới có thể “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”.

Trong bối cảnh mà sự đối lập về ý thức hệ và sự phân cực chính trị diễn ra gay gắt như hiện nay, giới tinh hoa Mỹ khó có thể “cam kết vì lợi ích chung” và đạt được sự đồng thuận về các phương án giải quyết vấn đề. Hai đảng của Mỹ có điểm chung duy nhất là: Không tự xem xét bản thân mà đổ lỗi cho đối thủ bên ngoài và Trung Quốc đã trở thành “vật tế thần” thuận tiện mà cả hai đảng cùng tìm thấy. Tranh nhau chứng tỏ ai cứng rắn hơn với Trung Quốc là điểm chung hiếm có giữa các ứng cử viên của cả hai đảng; dù ai nắm quyền thì Mỹ cũng đều sẽ nhất quán trong chiến lược kiềm chế Trung Quốc, khác biệt duy nhất chỉ là về mặt phương pháp.

Thực tế trong khoảng 5 năm qua đã chứng minh rằng, dù là sự độc đoán chuyên quyền và gây áp lực một cách cực đoan của Trump hay việc lôi kéo đồng minh để cùng ngăn chặn của Biden, thì cả hai cách thức đều có những ưu nhược điểm riêng và đều khó có thể đạt được mục đích như kỳ vọng. Càng gặp khó khăn trong việc kiềm chế Trung Quốc, người Mỹ càng cảm thấy lo lắng, càng khó đạt được sự đồng thuận trong cách đối phó với Trung Quốc, họ càng có khả năng thực hiện những hành động đi ngược lại các giá trị truyền thống của Mỹ, thậm chí sẽ nảy ra những ý tưởng phi thực tế và điên rồ.

Đây là lý do khiến Matt Pottinger, cựu quan chức cấp cao trong chính quyền Trump, và Mike Gallagher, cựu nghị sĩ đảng Cộng hòa có tư tưởng chống Trung Quốc, đã có một bài viết trên tạp chí Foreign Affairs để thách thức chiến lược “cạnh tranh và cùng tồn tại” với Trung Quốc của chính quyền Biden, đồng thời chủ trương rằng nước Mỹ phải thực hiện chiến lược “thay đổi chính quyền” đối với Trung Quốc và “đánh bại triệt để” nước này. Ngay cả Kurt Campbell, một trong những kiến ​​trúc sư xây dựng chiến lược Trung Quốc của chính quyền Biden, cũng nhận xét rằng ý tưởng điên rồ này là “thô thiển và phí công”.

Đây là lý do khiến chính quyền Biden bỏ qua những kiến thức cơ bản về kinh tế, đi ngược lại nền kinh tế thị trường và thương mại tự do mà Mỹ luôn nhất mực cổ vũ, đồng thời tưởng tượng ra “thuyết dư thừa công suất” để áp đặt mức thuế cao lên các sản phẩm năng lượng xanh mới của Trung Quốc như xe điện, pin lithium và tấm pin mặt trời. Nước này đã sử dụng chủ nghĩa bảo hộ thương mại một cách trắng trợn, đồng thời lôi kéo EU vào một cuộc chơi “hại người mà cũng chẳng có lợi cho bản thân”.

Một mặt, Mỹ áp đặt một cách nghiêm ngặt các biện pháp kiểm soát công nghệ cao đối với Trung Quốc và ngăn cản nước này có được những con chip tiên tiến, mặt khác cũng ngăn cản các công ty Trung Quốc xuất khẩu chip thông thường sang Nga. Một mặt, Mỹ liên tục gửi vũ khí cho Ukraine, nhưng mặt khác, nước này lại hợp tác với các đồng minh châu Âu để cường điệu hóa “sự hỗ trợ của Trung Quốc cho ngành công nghiệp quốc phòng của Nga”. Để kiềm chế Trung Quốc và Nga về mặt chiến lược, Mỹ đã không màng đến các chuẩn mực cơ bản cùng nhận thức chung về quan hệ quốc tế để đưa ra những yêu cầu vô lý và lố bịch đối với hai đối thủ chiến lược hùng mạnh của mình.

Nguyên nhân gốc rễ khiến Mỹ dần suy thoái trong vài thập kỷ qua nằm ở chính bản thân nước này: Sự mạnh lên của các nhóm lợi ích mà giới tinh hoa Mỹ cấu thành nên, chẳng hạn như tổ hợp công nghiệp-quân sự hay những ông trùm Phố Wall, đã khiến hệ thống “tam quyền phân lập” của Mỹ trở thành công cụ và cơ chế để củng cố lợi ích nhóm. Xung đột lợi ích giữa các nhóm lợi ích khác nhau đã phát triển thành sự chia rẽ ngày càng gay gắt giữa hai đảng, con đường trung dung đã đánh mất thị trường và không làm được gì trong những vấn đề lớn liên quan đến lợi ích quốc gia và lợi ích cộng đồng. Bên dưới lớp vỏ dân chủ, cơ cấu quản trị nội tại ngày càng mục ruỗng.

Sự suy giảm của các ngành công nghiệp và sản xuất ở Mỹ trong thời đại toàn cầu hóa là một trong những nguyên nhân khiến cuộc khủng hoảng tài chính bùng nổ. Việc “đưa ngành sản xuất trở lại nước Mỹ” đã được kêu gọi trong nhiều năm nhưng khó có thể thực hiện, chủ yếu là bởi nước Mỹ đã trở thành một xã hội không chịu sản xuất, tiêu tài hoang phí và thịnh hành các quan niệm như kiếm tiền nhanh chóng hay “không làm mà hưởng”. Dưới sự dẫn dắt của các giá trị quan này, sẽ ngày càng có ít người tin vào việc làm giàu nhờ lao động chăm chỉ, và cũng ngày càng có ít người sẵn sàng học những ngành khoa học và kỹ thuật khó hơn. Khi không bồi dưỡng được đủ nhân tài về khoa học kỹ thuật và không có đủ công nhân sẵn sàng làm việc chăm chỉ, việc khôi phục ngành sản xuất và tái cơ cấu chuỗi công nghiệp sẽ trở thành một con sông không nguồn, một cái cây không rễ.

Những người có hiểu biết đều biết rằng, nếu Mỹ muốn giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh thì điều quan trọng hơn cả là phải “điều chỉnh bản thân cho tốt” và nâng cao khả năng cạnh tranh của chính mình. Thật không may, dưới hệ thống và bầu không khí xã hội bị phân hóa như hiện nay, Mỹ càng muốn chạy nhanh hơn thì lại càng cảm thấy chạy không nổi. Một số người Mỹ muốn ngáng chân đối thủ cạnh tranh của mình, nhưng lại không biết rằng làm như vậy có thể khiến họ càng dễ vấp ngã hơn, từ đó đẩy nhanh sự suy tàn của nước này.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới