Wednesday, December 25, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiện2 vấn đề của Đảng CSTQ trước Hội nghị T.Ư 3

2 vấn đề của Đảng CSTQ trước Hội nghị T.Ư 3

Tại sao ông Tập phải giương ‘2 thòng lọng’ trước thềm Hội nghị Trung ương 3?.

‘2 thòng lọng’ trước Hội nghị Trung ương 3

Tác giả Đặng Vũ Văn mở đầu bài viết trên Aboluowang như sau:

Gần một năm sau khi cựu Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc bị buộc phải rời chức vụ, chính quyền cuối cùng đã công bố cái gọi là bản luận tội và xử lý, đưa ra các biện pháp trừng phạt chính trị như khai trừ đảng, tước quân tịch và tước quân hàm tướng. Kết quả này có thể không nằm ngoài sự mong đợi. Tuy nhiên, người tiền nhiệm của ông Lý Thượng Phúc, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ngụy Phượng Hòa, người đã bị cho thôi chức cách đây hai năm, cũng xuất hiện trong danh sách các quan chức cấp cao tham nhũng bị xử lý cùng ông Lý Thượng Phúc, điều này khiến thế giới bên ngoài phần nào ngạc nhiên.

Mặc dù sau vụ việc của ông Lý Thượng Phúc, dư luận từng đưa tin rằng ông Ngụy Phượng Hòa cũng có liên quan đến vụ án tham nhũng của Binh chủng Tên lửa, nhưng ông Ngụy Phượng Hòa vẫn nằm trong danh sách được chính quyền gửi thư chúc Tết trong dịp năm mới vừa qua, có vẻ điều này làm mọi người tưởng rằng ông Ngụy Phượng Hòa vẫn ổn. Những video lan truyền việc ông Ngụy Phượng Hòa về quê ăn Tết và tụ tập với các bạn học cũ, dường như cho thấy vẻ mặt của ông bên bàn rượu không hề nặng nề.

Không giống như ông Lý Thượng Phúc, cũng không giống như hầu hết các quan chức ngã ngựa khác, ông Ngụy Phượng Hòa không có “khúc mở đầu”. Thông thường phải có thông báo là đã bị cách chức, sau đó công bố những tội mà ông ta đã phạm và công bố kết quả xử phạt. Ở đây, đột ngột sau một thời gian, ông ra bị gọi tên cùng với ông Lý Thượng Phúc, và được thông báo tội trạng cùng một lúc. Các cơ quan chức năng đã làm công việc của họ, nhưng có một điều rất rõ ràng là Trung ương đang bắt giữ rất nhiều quan chức bị nghi ngờ tham nhũng.

Tác giả Đặng Vũ Văn nhận định: Cả ông Lý Thượng Phúc và ông Ngụy Phượng Hòa đều từng giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Ủy viên Quốc vụ viện, tức đều là cấp phó nhà nước, được ông Tập thăng chức và được coi là những người thân tín của ông Tập. 2 quan chức quân sự quan trọng lần lượt xảy ra sự cố. Nếu cộng thêm Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng, đều là nguyên Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương, cùng rất nhiều tướng lĩnh khác, chúng ta có thể thấy nạn tham nhũng quy mô lớn trong quân đội không phải là những hiện tượng cá biệt.

Việc sa thải quan chức cấp cao tăng vọt thể hiện sự thất bại của chiến dịch chống tham nhũng

Điều buồn cười là chính quyền Trung Quốc đã sớm tuyên bố: “đạt được thắng lợi áp đảo” trong cuộc chiến chống tham nhũng. Xét về số lượng quan chức bị sa thải ngày càng tăng qua từng năm, thì quả thực là “quá nhiều”, cái này không thể gọi là “chiến thắng”. “Chiến thắng”, nhẽ ra phải là số lượng quan chức bị điều tra và trừng phạt sẽ giảm dần qua từng năm sau một đỉnh cao nhất định.

Trước Đại hội 20 năm 2022, chính quyền đã đấu tranh chống tham nhũng trong 10 năm và bắt giữ một số lượng lớn quan chức tham nhũng. Trong những năm trước Đại hội 20, số lượng quan chức cấp cao bị sa thải dường như đang giảm dần, nhưng tình hình đã bị đảo ngược sau Đại hội 20. Năm 2021, có 25 cán bộ quản lý trung ương bị điều tra và xử phạt, năm 2022 có 32 người, năm 2023 có 47 người, một mức tăng đáng kể. Các quan chức bị điều tra bao gồm những người đã nghỉ hưu nhiều năm, một số đang tại chức và một số đã bị giáng xuống tuyến hai, lĩnh vực của họ trải rộng trên nhiều ngành nghề khác nhau.

Tình trạng này hoàn toàn cho thấy nỗ lực chống tham nhũng của chính quyền đã thất bại. Nguyên nhân thất bại không phải là họ không coi trọng việc chống tham nhũng mà là dưới chế độ độc tài một đảng hay thậm chí là độc tài một người, vấn đề tham nhũng không thể giải quyết được, chứ đừng nói đến việc loại bỏ nó. Lý do rất đơn giản: Bản thân chế độ độc tài là một dạng tham nhũng về mặt thể chế, trong khi chế độ độc tài cá nhân là một hình thức tham nhũng tuyệt đối.

Tuy nhiên, sự thất bại của chiến dịch chống tham nhũng không ngăn được Trung Nam Hải sử dụng nó như một công cụ trong các cuộc thanh trừng, nhằm loại bỏ những người bất đồng chính kiến, tấn công các đối thủ chính trị và duy trì lòng trung thành cá nhân. Trong trường hợp của ông Lý Thượng Phúc và ông Ngụy Phượng Hòa, thông cáo báo chí chính thức gần như có cùng một tuyên bố, hiếm thấy trước đây: (hai người) “Là những cán bộ lãnh đạo cấp cao của đảng và quân đội, đã từ bỏ sứ mệnh ban đầu và đánh mất nguyên tắc đảng (chỉ ông Lý Thượng Phúc); sụp đổ niềm tin, mất lòng trung thành (chỉ ông Ngụy Phượng Hòa), hành vi của ông ta không xứng đáng với sự tín nhiệm của Trung ương Đảng và của Quân ủy Trung ương, làm ô nhiễm nghiêm trọng nền chính trị của lĩnh vực thiết bị quân sự và bầu không khí của ngành (ám chỉ ông Lý Thượng Phúc); làm ô nhiễm nghiêm trọng sinh thái chính trị của quân đội (ám chỉ ông Ngụy Phượng Hòa), gây tổn hại lớn cho sự nghiệp của đảng và gây ra thiệt hại lớn cho công cuộc xây dựng quốc phòng, cũng như hình ảnh cán bộ lãnh đạo cấp cao, về bản chất là cực kỳ nghiêm trọng, có ảnh hưởng cực kỳ xấu, đặc biệt có hại.

Kiểu thể hiện mang tính phán đoán chính trị này chắc chắn phục vụ một nhu cầu chính trị nhất định. Kết quả xử lý ông Lý Thượng Phúc, và ông Ngụy Phượng Hòa được công bố ngay trước Hội nghị Trung Ương 3 rõ ràng là có ngụ ý.

Tại sao Trung ương lại cố tình thể hiện thái độ “không khoan nhượng” như vậy? Điều này không loại trừ việc Trung Nam Hải đã phát hiện ra một số bất mãn đối với các chính sách hiện hành, xuất hiện trong các cán bộ đảng, đặc biệt là trong các cán bộ cấp cao. Các cán bộ này có thể sẽ nhân dịp Hội nghị Trung ương 3 để “chỉ trích” các chính sách lớn của Trung ương, thậm chí yêu cầu xem xét lại đường lối hiện hành.

Nếu những dấu hiệu như vậy xuất hiện tại phiên họp toàn thể, cho dù nó bị Trung ương trấn áp và dập tắt thì nó sẽ là lời cảnh báo lớn đối với Trung Nam Hải. Để tránh tình trạng này và ngăn chặn Hội nghị Trung ương 3 trở thành cuộc xem xét lại đường lối chính trị, Trung Nam Hải cần sử dụng chiến thuật chống tham nhũng và trừng phạt thêm một số để làm gương. Đây là một chiếc thòng lọng chính trị “hợp pháp” mà Trung Nam Hải đặt lên đầu các quan chức.

Tuy nhiên, chỉ riêng việc chống tham nhũng có thể không đủ. Trung Nam Hải, còn có một thòng lọng chính trị khác, đó là lợi dụng việc xây dựng đảng, để tăng cường kỷ luật cán bộ. Thế giới bên ngoài đã chứng kiến, trong ngày họp Bộ Chính trị, 24 ủy viên của chóp bu quyền lực này cũng đã phải tiến hành một buổi học tập tập thể lần thứ 15, về hoàn thiện hệ thống quản lý đảng một cách toàn diện và chặt chẽ. Trong bài phát biểu chủ trì buổi học tập nghiên cứu, ông Tập nhấn mạnh “bốn thử thách lớn” và “bốn nguy hiểm” mà đảng phải đối mặt sẽ còn tồn tại lâu dài, nên việc quản lý đảng toàn diện và chặt chẽ phải luôn được thực hiện. Cách tiếp cận của Trung Nam Hải là “ủng hộ và tăng cường sự lãnh đạo tổng thể của đảng và sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Ban Chấp hành Trung ương Đảng”.

Xây dựng đảng từng được Mao Trạch Đông ca ngợi là một trong “bốn vũ khí thần kỳ” để ĐCSTQ chinh phục thế giới. Theo quan điểm của Mao, cái gọi là xây dựng đảng chẳng qua là biến ĐCSTQ thành một đảng kiểu Mao, không còn ý chí tự do cá nhân và nhất nhất tuân theo mệnh lệnh của đảng, có như vậy đảng mới có sức mạnh và hiệu quả chiến đấu cao.

Ngày nay, Trung Nam Hải đang cố gắng thực hiện lại chính sách này và đã thành công ở một mức độ nhất định. Các phe phái trong đảng đã bị tiêu diệt, những người bất đồng chính kiến ​​​​đã bị đàn áp, và sự phản đối không được phép dưới cái gọi là tư duy thống nhất và tập trung. Một hệ thống chuyên chế mới đã được hình thành.

Tuy nhiên, điểm khác biệt giữa chế độ độc tài mới của Trung Nam Hải và chế độ độc tài của Mao là: quyền lực của Mao thực sự được đa số trong đảng ủng hộ một cách có ý thức, vào thời điểm đó ĐCSTQ và các thành viên của nó vẫn còn có một số yếu tố chủ nghĩa lý tưởng, khi Trung Quốc ở trong tình trạng bị cô lập và thiếu hiểu biết.

Tuy nhiên, quyền lực chính trị ở Trung Nam Hải ngày nay không đạt được nhờ công lao và “giấc mơ” vĩ đại chấn hưng đất nước, mà trái lại, nó được thiết lập thông qua kỷ luật chính trị của đảng, thông qua đàn áp bất đồng chính kiến ​​và tấn công các thế lực chính trị khác. Điều này tạo ra sự bất ổn cố hữu. Vì vậy, để tăng cường quyền lực chính trị, cần không ngừng nhấn mạnh việc học tập chính trị, xây dựng chính trị trong toàn đảng, đặc biệt là trong các cán bộ lãnh đạo, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của sự lãnh đạo tập trung, thống nhất.

Thật không may cho Trung Nam Hải, quyền lực chính trị của nước này đang nhanh chóng suy yếu do nền kinh tế tiếp tục trì trệ và tâm lý bi quan lan rộng về tương lai trong xã hội. Các thế lực trong đảng bất mãn với Trung Nam Hải có cơ hội yêu cầu xem xét lại đường lối kinh tế và thậm chí cả đường lối chính trị của đảng một cách chính đáng. Liệu điều này có gây ra một số thay đổi trong cuộc họp, vượt ra ngoài giọng điệu và sự kiểm soát mà Trung Nam Hải đã đặt ra hay không? Chính vì thế các cơ quan chức năng đang luôn cảnh giác, dùng kỷ luật chính trị của đảng để kiềm chế toàn bộ đảng viên, đặc biệt là các cán bộ cấp cao.

Thế giới bên ngoài đã chứng kiến: Dưới danh nghĩa chống tham nhũng và quản trị đảng, xét từ góc độ chính danh, sự bất mãn trong nội bộ đảng khó bộc phát, sợ bị gắn mác đi ngược lại sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Trung ương Đảng và bị coi là chống đảng. Nếu có quan chức nào không sợ bị gán mác chống đối thì vẫn còn cái mác tham nhũng chờ giáng xuống đầu. Trong thực tế, đối mặt với hai chiếc mũ hoặc hai chiếc thòng lọng này, không thể tưởng tượng được có quan chức nào dám công khai thách thức đường lối hiện tại trong cuộc họp sắp tới hay không? Điều mà Trung Nam Hải mong muốn là giả vờ đoàn kết chính trị tại cuộc họp, để không có tiếng nói chỉ trích nào có thể xuất hiện. Bằng cách này, Phiên họp toàn thể lần thứ ba của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ được coi là một cuộc họp thành công và quyền lực chính trị của Trung Nam Hải một lần nữa được khẳng định tại Phiên họp toàn thể.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới