Wednesday, October 2, 2024
Trang chủGóc nhìn mới“Chiến tranh giữa các vì sao” đã thành sự thật

“Chiến tranh giữa các vì sao” đã thành sự thật

Đây không phải là câu chuyện của nước Mỹ, nơi đã sáng tạo ra loạt tác phẩm điện ảnh hư cấu nổi tiếng của con người tại các thiên hà xa xôi. Bây giờ điều đó đã thành sự thật trên bán đảo Triều Tiên.

Mô phỏng hoạt động của súng laser đối phó máy bay không người lái

Thời sự nóng rẫy hôm qua, 11/7: Cơ quan mua sắm vũ khí của Hàn Quốc tuyên bố, nước này sẽ triển khai vũ khí laser ngay trong năm nay. Việc này rất cần kíp nhằm tiêu diệt máy bay không người lái của Triều Tiên. Vậy là, Hàn Quốc đã hiện thực hóa một câu chuyện hoang tưởng, trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai và vận hành vũ khí laser trong quân sự.

Chương trình laser mang tên “StarWars project”, tức là “Dự án Chiến tranh giữa các vì sao”. Cuộc chiến này có xuất xứ từ châu Mỹ xa xôi, từ những hành tinh xa lắc. Đây là loạt tác phẩm hư cấu sử thi không gian của Mỹ. Nó được sáng tạo bởi George Lucas – nhà sản xuất phim, đạo diễn, diễn viên, tác giả kịch bản người Mỹ và là Chủ tịch của hãng Lucasfilm. Loạt phim điện ảnh được công chiếu từ năm 1977 gây cơn sốt trong công chúng yêu điện ảnh Mỹ và lan ra các nước khác. Và nay, gần 50 năm sau, giấc mơ Mỹ đã thành sự thật.

Theo Cục Chương trình Mua sắm Quốc phòng, các loại vũ khí laser tiêu diệt máy bay không người lái là chương trình hợp tác với hãng Hanwha Aerospace. Giá cả tính theo lần mỗi lần bắn rất rẻ, giá khoảng 2.000 won (1,45 USD). Điểm ưu biệt nhất là không phát ra tiếng động và không nhìn thấy trên bầu trời cả ban ngày và ban đêm. Vũ khí laser bắn hạ máy bay không người lái đang bay bằng cách đốt cháy động cơ hoặc thiết bị điện khác trong máy bay bằng chùm ánh sáng chỉ từ 10 đến 20 giây.

Cục này còn khẳng định: “Hàn Quốc sẽ là quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai và vận hành vũ khí laser. Từ dấu mốc lịch sử này, quân đội chúng tôi sẽ đè bẹp mọi hành động khiêu khích bằng máy bay không người lái của Triều Tiên”.

Sở dĩ Seoul có hành động nhanh chóng và quyết liệt như vậy là bởi, vào tháng 12/2023, Triều Tiên đã cho 5 máy bay không người lái bay vào vùng trời Hàn Quốc. Khi ấy quân đội Hàn Quốc đã phải điều động máy bay chiến đấu và trực thăng tấn công để tiêu diệt mục tiêu.

Xin nhắc lại một sự kiện lịch sử quan trọng trong quan hệ Hàn Quốc-Triều Tiên. Đó là cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 kết thúc với một Hiệp định đình chiến. Từ đó, Khu phi quân sự (DMZ) được lập ra giữa hai miền trên bán đảo Triều Tiên. Nhân sự kiện StarWars project Washington cho rằng, cả Triều Tiên và Hàn Quốc đều vi phạm Hiệp định đình chiến, đặc biệt là vi phạm các điều khoản về đường biên giới chung giữa hai bên, khi họ điều máy bay không người lái bay vào không phận của nhau.

Tổ chức tư vấn phi lợi nhuận RAND Corporation của Mỹ cũng đã lên tiếng. Tổ chức này cho rằng, Hàn Quốc, Trung Quốc và Vương quốc Anh đang chạy đua để phát triển và triển khai vũ khí laser, còn gọi là vũ khí năng lượng định hướng. Người ta muốn sử dụng chúng để chống lại sự phổ biến tràn lan các hệ thống không người lái, cũng như để nhắm bắn các tên lửa đang bay hoặc các vệ tinh trên quỹ đạo.

Tình hình trên bán đảo Triêu Tiên lúc này như lửa cháy đổ thêm dầu. Hồi tháng 6 vừa qua, Hàn Quốc đã tuyên bố đình chỉ hoàn toàn Thỏa thuận quân sự liên Triều. Lý do đình chỉ là do Bình Nhưỡng “xấu chơi” khi thả hàng nghìn quả bóng bay chứa chất bẩn sang Hàn Quốc.

Vào tháng 11/2023, Seoul đã đình chỉ một phần thỏa thuận quân sự liên Triều, sau khi Bình Nhưỡng phóng vệ tinh do thám vào quỹ đạo. Hội đồng An ninh quốc gia Hàn Quốc cho hay: “Thỏa thuận này thực tế không còn hiệu lực, do Triều Tiên đã tuyên bố từ bỏ. Việc tôn trọng thỏa thuận đang gây ra những vấn đề lớn đối với khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội chúng tôi, đặc biệt trong bối cảnh loạt hành động khiêu khích gần đây của Triều Tiên gây ra mối đe dọa thực sự cho người dân Hàn Quốc”.

Những diễn biến trên Bán đảo Triều Tiên là rất đáng lo ngại. Các nhà nghiên cứu cho rằng, cần tìm đúng chìa khóa để giải quyết tình hình căng thẳng. Phải chăng cái chìa khóa ấy nằm trong tay cả hai bên, đó là: Chuyển đổi từ đình chiến hiện nay sang cơ chế hòa bình.

Trong lúc nước sôi lửa bỏng, rất cần sự hợp tác từ tất cả các bên, nhất là Mỹ – đồng minh thân cận của Hàn Quốc. Nhà trắng cần xem xét lại cách tiếp cận của Mỹ đối với các quan hệ quốc tế và tham gia giải quyết xung đột. Nếu chiến tranh bùng nổ, nếu xảy ra hỗn loạn trên bán đảo này thì toàn bộ khu vực Đông Bắc Á sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Một bán đảo Triều Tiên hòa bình và ổn định sẽ phục vụ lợi ích chung của các nước trong khu vực và cũng là kỳ vọng chung của cả loài người.

Vũ khí có hiện đại đến bao nhiêu cũng do con người quyết định. Cần khẳng định dứt khoát, những động thái mang tính chất ăn miếng, trả miếng của các bên diễn ra liên tục đã khiến căng thẳng khu vực leo thang nhanh chóng. Không phải bây giờ mà xu hướng này đã gia tăng trong hơn hai năm qua. Điều cần thiết lúc này là, hai bên kiềm chế thực hiện các hành động làm gia tăng căng thẳng, tránh làm leo thang tình hình. Hãy bình tĩnh, tìm cách nối lại đối thoại, tiếp tục tìm hướng giải bài toán khó lâu nay, đừng nên lún sâu vào chiến tranh ý thức hệ và leo thang chiến tranh ngôn từ.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới