Nhật Bản và Philippines vừa đạt được thỏa thuận quân sự có vai trò quan trọng không chỉ đối với hai nước mà với cả khu vực.
Vừa qua, tại Manila (Philippines), Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilberto Teodoro và Ngoại trưởng Nhật Bản Yoko Kamikawa đã ký kết Thỏa thuận Tiếp cận đối ứng (RAA).
Đây là một hiệp ước quân sự mang tính bước ngoặt cho phép hai nước triển khai lực lượng quân sự tại lãnh thổ của nhau. RAA còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc nhập khẩu thiết bị và quân đội để huấn luyện chiến đấu và ứng phó thảm họa, tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác quân sự giữa Manila và Tokyo.
“Gần đây, Trung Quốc đã leo thang các hoạt động tại khu vực, đặc biệt là Biển Đông. Trong đó, Trung Quốc và Philippines liên tục căng thẳng ở khu vực quần đảo Trường Sa, thậm chí đã xảy ra đụng độ giữa hai bên”, TS Satoru Nagao nêu ra và phân tích thêm: “Giữa bối cảnh căng thẳng leo thang, dựa vào những gì đã xảy ra ở quần đảo Hoàng Sa hay Trường Sa trước đây, đối với Philippines thì việc duy trì cán cân quân sự có thể góp phần ngăn chặn các hành vi bạo lực, ngoài tầm kiểm soát. Trong khi đó, qua quá trình hiện đại hóa nhanh chóng, Trung Quốc giờ đây là quốc gia có số tàu quân sự nhiều nhất thế giới nên việc cân bằng quân sự với nước này không hề đơn giản”.
“Cũng chính vì thế, để đảm bảo cân bằng quân sự, trong bối cảnh nguồn lực của Mỹ dành cho khu vực bị ảnh hưởng bởi sự phân tán của Washington, thì vai trò của các đồng minh và đối tác của Mỹ là rất quan trọng đối với Philippines. Không chỉ Mỹ mà cả Úc và Nhật Bản đang triển khai lực lượng quân sự xung quanh Philippines. Ấn Độ cũng cung cấp tên lửa siêu thanh cho Philippines. RAA giữa Nhật Bản – Philippines thúc đẩy để tăng cường phối hợp”, TS Nagao phân tích. Điển hình, các tàu hải quân của Mỹ, Úc và Nhật Bản sẽ thuận lợi triển khai tàu ở Biển Đông hơn khi có sự phối hợp của Philippines.
Philippines – Nhật Bản nâng quan hệ quốc phòng lên tầm cao chưa từng có
Bắt tay nhiều bên
Diễn giải đơn giản hơn thì nhờ có RAA giữa Tokyo và Manila cùng với những thỏa thuận quân sự song phương tương tự giữa Mỹ, Nhật Bản và Philippines với nhau thì lực lượng giữa các nước sẽ dễ dàng phối hợp, qua lại với nhau hơn.
Không dừng lại ở đó, bóng dáng liên minh Mỹ – Nhật Bản – Philippines cũng đang dần rõ nét. Tháng 4 vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. tổ chức hội nghị thượng đỉnh 3 bên ở Nhà Trắng. Tại hội nghị, 3 nhà lãnh đạo đạt được một số thỏa thuận về việc mời các thành viên tuần duyên Philippines và Nhật Bản lên tàu tuần duyên Mỹ trong các chuyến tuần tra chung ở Indo-Pacific. Mỹ và Philippines sẽ thành lập một trung tâm hậu cần hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai tại một trong 9 căn cứ quân sự của Philippines mà Mỹ được tiếp cận theo thỏa thuận giữa 2 bên. Ba nước cũng thỏa thuận hợp tác về viễn thông khi phát triển mạng truy cập vô tuyến (RAN) mở thế hệ tiếp theo ở Philippines để tăng cường kết nối giữa các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông.
Nhận định về thỏa thuận 3 bên vừa nêu khi trả lời Thanh Niên, GS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế – Nhật Bản, học giả tại Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Nhật) đánh giá đó là “một bước ngoặt trong hợp tác nhằm đẩy lùi nỗ lực của Trung Quốc vốn đang tìm cách tăng cường ảnh hưởng ở Biển Đông”.
Không chỉ bộ ba trên mà còn có sự phối hợp của Úc. Bên lề Đối thoại Shangri-La diễn ra ở Singapore vào năm 2023, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cùng Phó thủ tướng – Bộ trưởng Quốc phòng Úc Richard Marles, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật và Bộ trưởng Quốc phòng Philippines khi đó lần lượt là các ông Hamada Yasukazu và Carlito Galvez đã có cuộc hội đàm. Tại cuộc hội đàm, 4 bộ trưởng nhất trí tăng cường hợp tác an ninh để thúc đẩy khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Từ đó đến nay, hai bên không ngừng tăng cường thắt chặt hợp tác quân sự.