Kỷ niệm 8 năm kể từ ngày 12/7/2016 Tòa trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS) (gọi tắt là Tòa Trọng tài về Biển Đông) ra phán quyết lịch sử diễn ra trong bối cảnh căng thẳng ở Biển Đông không ngừng leo thang.
Trong đó, những vụ va chạm giữa tàu hải cảnh Trung Quốc và tàu công vụ Philippines liên tiếp xảy ra và ngày càng nghiêm trọng gây hư hỏng tàu của Philippines, thậm chí gây thương tích cho các thủy thủ Philippines. Mặt khác, nhưng tiếng nói lên án hành vi hung hăng trái với luật pháp quốc tế của Trung Quốc, ủng hộ tiến trình pháp lý trong giải quyết tranh chấp, kêu gọi thực thi phán quyết cũng trở nên phổ biến hơn.
Đơn cử trong vụ việc mới đây nhất tàu hải cảnh Trung Quốc dùng các dụng cụ như dao, vật nhọn, rìu… tấn công tàu và thủy thủ Philippines gần khu vực Bãi Cỏ Mây đã vấp phải sự phản đối của nhiều nước. Cùng với Mỹ nhiều nước khác như Canada, Australia và Nhật Bản… cũng đồng loạt lên án các hành động leo thang của Trung Quốc ở Biển Đông và tái khẳng định sự ủng hộ của họ dành cho Philippines. Canada được xem là quốc gia mới nhất lên án trực diện hành động của Bắc Kinh với những nội dung rất cụ thể và rõ ràng
Bộ Ngoại giao Canada nêu rõ: “Canada lên án các hành động nguy hiểm và gây bất ổn mà Trung Quốc thực hiện đối với các tàu Philippines. Việc Trung Quốc sử dụng vòi rồng, các hành động nguy hiểm và đâm vào tàu Philippines là không phù hợp với các nghĩa vụ của Trung Quốc theo luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982. Những hành động này gây nguy hiểm cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng trên khắp khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”; nhấn mạnh trật tự dựa trên luật lệ, bao gồm các nguyên tắc được ghi trong Hiến chương Liên hợp quốc, là rất quan trọng và phải được duy trì, Canada phản đối các hành động leo thang, cưỡng ép và yêu cầu tranh chấp phải được giải quyết thông qua đối thoại chứ không phải bằng vũ lực hay ép buộc. Canada kêu gọi Trung Quốc tuân thủ các nghĩa vụ của mình, bao gồm cả việc thực thi phán quyết của Tòa trọng tài về Biển Đông năm 2016, có tính ràng buộc đối với các bên.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nhật Bản ra thông cáo nhấn mạnh Tokyo một lần nữa bày tỏ quan ngại sâu sắc trước những hành động lặp đi lặp lại cản trở tự do hàng hải và làm gia tăng căng thẳng trong khu vực; các vấn đề liên quan Biển Đông được cộng đồng quốc tế quan tâm một cách chính đáng, có liên quan trực tiếp đến hòa bình và ổn định trong khu vực; Nhật Bản phản đối mạnh mẽ mọi nỗ lực dùng vũ lực nhằm đơn phương thay đổi hiện trạng ở Biển Đông hoặc bất kỳ hành động nào làm gia tăng tình trạng căng thẳng. Mặt khác, Nhật Bản đã cùng với Mỹ, Philippines và Canada tập trận trên Biển Đông trong 2 ngày 16-17/6/2024 nhằm “duy trì tự do hàng hải và hàng không” cũng như “tăng cường an ninh và ổn định khu vực”. Đây là lần đàu tiên Canada tham gia tập trận 4 bên (bao gồm Philippines) ở Biển Đông để thể hiện sự ủng hộ đối với Manila trong cuộc đối đầu với Bắc Kinh. Hạm đội Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nhấn mạnh các cuộc tập trận này được tiến hành phù hợp với luật pháp quốc tế đảm bảo an toàn hàng hải dân sự và bảo vệ môi trường biển.
Đáng chú ý, danh sách các quốc gia lên tiếng phản đối hành vi hung hăng của Trung Quốc, bảo vệ trật tự dựa trên luật pháp quốc tế ở Biển Đông ngày càng tăng thêm, mới đây nhất là Thụy Điển và Vatican. Ngày 06/6/2024, Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Pål Jonson nhấn mạnh: “Tôi xin phép bày tỏ mối quan ngại sâu sắc của mình về các hoạt động nguy hiểm lặp đi lặp lại chống các tàu Philippines đang diễn ra ở Biển Tây Philippines và Biển Đông”. “Những hành động này khiến mạng sống con người gặp nguy hiểm, phá hoại sự ổn định khu vực và luật pháp quốc tế, đồng thời đe dọa an ninh trong và ngoài khu vực”. “Đây không chỉ là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của các bạn (Philippines) mà còn là mối đe dọa đối với an ninh toàn cầu chung của chúng ta”.
Trong chuyến thăm đầy tiên tới Philippines, hôm 02/7/2024 Bộ trưởng Ngoại giao Vatican – Tổng giám mục Paul Richard Gallagher kêu gọi giải quyết các xung đột bằng biện pháp hòa bình, trong đó có những căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines tại Biển Đông. Tổng giám mục Paul Richard Gallagher nhấn mạnh “Chúng tôi khuyến khích các bên có xung đột tuân thủ luật pháp quốc tế”. Đây là lần đầu tiên Vatican thể hiện tinh thần thượng tôn pháp luật ở Biển Đông.
Trong bối cảnh căng thẳng ở Biển Đông chưa có hồi kết, ông Simon Hutagalung – nhà ngoại giao kỳ cựu của Indonesia, thạc sĩ về khoa học chính trị so sánh tại Đại học New York (Mỹ) đã có bài viết trên Euro Asia Review, tập trung vào phân tích các biện pháp giải quyết hòa bình tranh chấp ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, tránh giải pháp tiềm năng cho xung đột ở Biển Đông:
Thứ nhất, đàm phán hòa bình theo tinh thần UNCLOS 1982. UNCLOS được coi là “Hiến pháp của Đại Dương”, tạo ra một khuôn khổ vững chắc để giải quyết các tranh chấp trên biển. UNCLOS quy định rõ quyền cũng như trách nhiệm của các quốc gia trên các đại dương. UNCLOS thúc đẩy sử dụng hòa bình các nguồn tài nguyên biển và giải quyết xung đột một cách công bằng.
Điều 279 của UNCLOS nêu rõ các tranh chấp cần được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, khuyến khích trật tự hàng hải quốc tế mang tính hợp tác. Tranh chấp ở Biển Đông có thể sử dụng các cơ chế giải quyết tranh chấp được nêu trong UNCLOS, chẳng hạn như giải quyết bằng trọng tài và tư pháp quốc tế. Việc Philippines khởi kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS về các vấn đề ở Biển Đông là một ví dụ điển hình và được coi như một tiền lệ trong luật pháp quốc tế.
Phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài về Biển Đông đã vô hiệu hóa yêu sách “đường chín đoạn” của Trung Quốc ở Biển Đông, qua đó củng cố các nguyên tắc được quy định trong UNCLOS. Bất chấp việc Trung Quốc bác bỏ phán quyết, thì phán quyết này cũng là lời khẳng định đanh thép đối với tầm quan trọng của khuôn khổ pháp lý trong việc giải quyết tranh chấp. Rõ ràng, việc tham gia vào các cuộc đàm phán về tranh chấp Biển Đông dựa trên tinh thần của UNCLOS và phán quyết 2016 có thể nâng cao tính hợp pháp và sự chấp nhận của bất kỳ thỏa thuận nào đạt được.
Thứ hai, trao đổi cởi mở và xây dựng lòng tin. Giải quyết xung đột hiệu quả đòi hỏi phải có sự trao đổi minh bạch và cởi mở cũng như các biện pháp nhằm xây dựng lòng tin giữa các quốc gia có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông. Đối thoại có thể giúp giảm thiểu những hiểu lầm và thúc đẩy sự tin cậy, hợp tác. Ngoại giao kênh 2, với sự tham gia của các tổ chức và chuyên gia phi chính phủ, có thể bổ sung cho các cuộc đàm phán chính thức bằng cách cung cấp các kênh đối thoại không chính thức.
Các biện pháp xây dựng lòng tin có thể bao gồm thiết lập đường dây nóng để liên lạc ngay lập tức khi xảy ra sự cố, tiến hành các cuộc tập trận hải quân chung và chia sẻ thông tin về các hoạt động quân sự. Diễn đàn an ninh khu vực ASEAN (ARF) và các cuộc đàm phán đang diễn ra về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa Trung Quốc và ASEAN đóng vai trò nền tảng, có thể tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc tiếp xúc cởi mở, xây dựng lòng tin.
ARF thúc đẩy đối thoại và hợp tác an ninh, trong khi COC có mục tiêu ngăn chặn xung đột ở Biển Đông bằng cách thiết lập các quy tắc và quy định đã được các bên thống nhất. Việc phát triển chung các nguồn tài nguyên cũng có thể được thúc đẩy. Có thể thấy, tranh chấp ở Biển Đông phần nào xuất phát từ nguồn tài nguyên dồi dào trong khu vực như thủy sản và dầu khí. Việc cùng phát triển các nguồn tài nguyên biển, chuyển đổi cạnh tranh thành hợp tác một cách hiệu quả cũng là giải pháp cho những tranh chấp và xung đột tiềm tàng.
Các Thỏa thuận phát triển chung (JDA) cho phép các quốc gia có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông khai thác chung các nguồn tài nguyên và chia sẻ lợi ích, tạm thời gạt bỏ các tranh chấp chủ quyền. Thỏa thuận phát triển chung giữa Việt Nam và Malaysia là một minh chứng rõ ràng nhất cho thấy các bên có thể hợp tác. Khung pháp lý rõ ràng, cơ chế chia sẻ lợi ích công bằng và thủ tục giải quyết tranh chấp hiệu quả là điều cần thiết để đảm bảo sự thành công của JDA. Thêm vào đó, việc thành lập các JDA đa phương dưới sự giám sát quốc tế sẽ đảm bảo tính minh bạch và công bằng.
Tuy vậy, điều quan trọng hơn cả vẫn là phải tuân thủ các cơ chế giải quyết tranh chấp một cách hòa bình được nêu trong UNCLOS hay nói cách khác chính là tiến trình pháp lý đã được nhiều lần đưa vào các văn kiện của ASEAN. UNCLOS đưa ra nhiều cơ chế khác nhau như đàm phán, hòa giải và trọng tài để giải quyết xung đột một cách hòa bình. Tuân thủ các cơ chế này có ý nghĩa rất quan trọng để đạt được giải pháp xung đột bền vững. Phán quyết 2016 của Tòa trọng tài về Biển Đông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tôn trọng các phán quyết tư pháp quốc tế.
Thứ ba, cần đề cao vai trò của hòa giải.Giải pháp hòa giải không mang tính ràng buộc nhưng mang tính xây dựng cho đối thoại. Các bên thứ ba trung lập hỗ trợ quá trình này bằng cách tạo điều kiện cho đàm phán và đề xuất giải pháp. Mặt khác, mặc dù không có tính ràng buộc về mặt pháp lý nhưng các biện pháp hòa giải có thể dẫn đến các thỏa thuận chính thức. Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) và Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS) là những diễn đàn giải quyết tư pháp theo tinh thần của UNCLOS.
Sự tham gia của bên hòa giải rất quan trọng, tạo điều kiện cho đối thoại và đảm bảo tính công bằng trong đàm phán. Các chủ thể quốc tế uy tín còn có thể nâng cao tính hợp pháp và sự chấp nhận của các giải pháp được đưa ra. Hòa giải viên có thể là quốc gia, tổ chức quốc tế hoặc cá nhân có chuyên môn về giải quyết xung đột và luật hàng hải. Liên hợp quốc, thông qua các cơ quan như Ban Chính trị và Xây dựng hòa bình (DPPA) có thể hỗ trợ hòa giải. Các tổ chức khu vực như ASEAN và Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) cũng có thể đóng góp vào quá trình này.
Ngoài ra, những nhân vật giàu kinh nghiệm bao gồm cả các cựu nguyên thủ quốc gia hoặc các nhà ngoại giao đều có thể đóng vai trò là những nhà hòa giải đáng tin cậy. Nói một cách khác, giải quyết xung đột ở Biển Đông đòi hỏi các giải pháp thực tế như cùng phát triển nguồn tài nguyên và tuân thủ các cơ chế giải quyết hòa bình được nêu trong UNCLOS. Các biện pháp đối thoại và xây dựng lòng tin hiệu quả có thể thúc đẩy niềm tin giữa các quốc gia, có khả năng biến cạnh tranh thành hợp tác khi phát triển các nguồn tài nguyên chung.
Bên cạnh đó, sự tham gia của các hòa giải viên (bên thứ ba) trung lập là cần thiết để tạo điều kiện cho đối thoại và đảm bảo tính công bằng. Bằng cách cùng nhau hợp tác và tôn trọng luật pháp, giải quyết hòa bình cách tranh chấp, ứng xử một cách minh bạch, công bằng, chúng ta có thể đạt được hòa bình ở Biển Đông. Tóm lại, bằng cách cùng nhau hợp tác và tôn trọng luật pháp, giải quyết hòa bình tranh chấp, ứng xử một cách minh bạch, công bằng, chúng ta có thể đạt được hòa bình ở Biển Đông. Giữa lúc Bắc Kinh đang tập trung các hành động hung hăng gây hấn vào Manila ở Biển Đông, Washington đã nhiều lần công khai lập trường ủng hộ phán quyết của Tòa Trọng tài về Biển Đông năm 2016 và nhấn mạnh cả Philippines lẫn Trung Quốc cần thực thi phán quyết này; đồng thời, nhấn mạnh điều quan trọng đối với các nhà ngoại giao Philippines, cũng như các nhà ngoại giao của Mỹ và tất cả các quốc gia khác, là phải tiếp tục lên tiếng công khai mạnh mẽ khẳng định một phán quyết quốc tế có hiệu lực về những yêu sách mà Manila đưa ra và những quyền lợi mà Philippines được hưởng ở Biển Đông.