Không ngay lập tức nhưng cũng không phải muộn, Trung Quốc đã công bố các bước đi đầu tiên điều tra về tác động, hậu quả và hệ lụy của những biện pháp chính sách thương mại của Liên minh Châu Âu (EU) áp đặt đối với giới doanh nghiệp và hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc.
Trước đó, EU áp thuế bảo hộ mậu dịch tới 38,1% đối với một số mặt hàng Trung Quốc xuất vào thị trường EU, đặc biệt là ô tô điện. Vậy là cuộc trả đũa của Trung Quốc đã bắt đầu.
Trung Quốc vốn đã cảnh báo và răn đe EU về việc sẽ trả đũa nhưng bị phía EU bất chấp. Vụ việc diễn biến đến mức độ này không khó hiểu và có 3 lý do chính khiến Trung Quốc phải làm như vậy.
Thứ nhất là vấn đề thể diện và uy danh quốc gia trên thế giới. Vì nhu cầu về đối nội và đối ngoại mà Trung Quốc sẽ không bao giờ để cho EU hay thậm chí cả Mỹ muốn đối xử Trung Quốc như thế nào cũng được trong các phương diện của mối quan hệ hợp tác song phương. EU càng làm găng thì Trung Quốc càng thêm khó nhượng bộ EU. Cho nên cuộc trả đũa của phía Trung Quốc mới chỉ bắt đầu và sẽ không dừng lại ở chuyện điều tra nếu như phía EU rồi đây không cài số lùi.
Thứ hai, biện pháp áp thuế bảo hộ thương mại của EU gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế và xuất khẩu của Trung Quốc. Nó kìm hãm xuất khẩu của Trung Quốc và gây khó khăn mới cho các doanh nghiệp của Trung Quốc hợp tác kinh doanh ở thị trường EU. Đồng thời, việc này tạo tiền lệ bất lợi cho Trung Quốc vì sẽ khích lệ các đối tác khác gia tăng áp lực tương tự đối với Bắc Kinh.
Thứ ba là vấn đề mang tính nguyên tắc đối với Trung Quốc. Bắc Kinh không phản ứng quyết liệt và hành động cụ thể mạnh mẽ thì EU sẽ tiếp tục tiến tới hơn nữa. Trên phương diện này, hai phía “lòng vả như lòng sung”.