Wednesday, January 22, 2025
Trang chủBiển nóngSự kiệnMỹ - Hàn ký mở rộng năng lực răn đe hạt nhân...

Mỹ – Hàn ký mở rộng năng lực răn đe hạt nhân ở bán đảo Triều Tiên

Tại cuộc họp Mỹ – Hàn bên lề hội nghị thượng đỉnh NATO hôm 11.7 ở Washington (Mỹ), lãnh đạo hai nước đã ký kết quy tắc mở rộng năng lực răn đe tại bán đảo Triều Tiên để bao gồm cả năng lực hạt nhân.

Tàu ngầm USS Michigan hạt nhân của Mỹ trong một lần cập cảng Busan (Hàn Quốc)

Trong cuộc họp song phương Mỹ – Hàn, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định với người đồng cấp Hàn Quốc Yoon Suk Yeol rằng Lầu Năm Góc sẽ dùng mọi năng lực quân sự hiện có để bảo vệ đồng minh trước nguy cơ từ CHDCND Triều Tiên, bao gồm năng lực hạt nhân, theo Reuters hôm 12.7.

Còn theo văn phòng Tổng thống Yoon, cả hai nhà lãnh đạo cũng phê chuẩn bộ quy tắc hướng dẫn việc thiết lập một hệ thống đầy đủ năng lực răn đe đối với bán đảo Triều Tiên, nhằm ứng phó các mối đe dọa hạt nhân và quân sự từ Bình Nhưỡng.

Bộ quy tắc chính thức hóa việc triển khai các tài sản hạt nhân Mỹ đến Hàn Quốc và xung quanh bán đảo Triều Tiên với mục đích ngăn chặn và đáp trả các vụ tấn công hạt nhân tiềm tàng từ Bình Nhưỡng, theo Reuters dẫn lời ông Kim Tae-hyo, Phó cố vấn An ninh quốc gia Hàn Quốc, tại buổi họp báo ở Washington hôm 11.7.

“Điều đó có nghĩa là các vũ khí hạt nhân Mỹ được đặc biệt giao các nhiệm vụ ở bán đảo Triều Tiên”, ông Kim cho biết.

Trước đó, ông Biden và ông Yoon ra tuyên bố chung một lần nữa xác nhận sự phối hợp chặt chẽ nhằm ứng phó mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên.

“Hai tổng thống tái xác nhận cam kết đối với Tuyên bố Mỹ – Hàn ở Washington và nhấn mạnh bất kỳ vụ tấn công hạt nhân nào của Triều Tiên nhằm vào Hàn Quốc sẽ bị đáp trả một cách nhanh chóng, trên tinh thần áp đảo và quyết đoán”, theo tuyên bố chung.

Triều Tiên hiện chưa có phản ứng về động thái mới của Mỹ và Hàn Quốc.

Triều Tiên đã công khai thúc đẩy chính sách liên quan đến vũ khí hạt nhân bằng cách hệ thống hóa việc sử dụng chúng trong trường hợp phát hiện mối đe dọa đối với lãnh thổ và năm ngoái đã đưa những ghi nhận về sự tiến bộ năng lực vũ khí hạt nhân vào hiến pháp.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới