Tuesday, January 21, 2025

RAA: tại sao?

Nhật Bản và Philippines vừa đạt được thỏa thuận được ví như “cú bắt tay quân sự lịch sử” giữa Nhật Bản và Philippines, có tên là Thỏa thuận Tiếp cận đối ứng (RAA).

Philippines – Nhật Bản nâng quan hệ quốc phòng lên tầm cao chưa từng có

Văn bản được ký bởi bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilberto Teodoro và ngoại trưởng Nhật Bản Yoko Kamikawa ngày 8/7, tại Manila, với sự chứng kiến của tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr.

Ngoài việc cho phép hai nước triển khai lực lượng quân sự tại lãnh thổ của nhau, RAA còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc nhập khẩu thiết bị và quân đội để huấn luyện chiến đấu và ứng phó thảm họa. Nói cách khác, bằng thỏa thuận này, hợp tác quân sự giữa Manila và Tokyo đã nâng lên mức cao chưa từng thấy. Tác động của sự kiện này, theo đánh giá của các chuyên gia quốc tế, là: vượt ngoài khuôn khổ hai nước, ảnh hướng đến tình hình khu vực hiện nay.

Nhận định đó là thực. Mấy ngày vừa qua, dư luận khu vực và quốc tế nhìn xoáy vào nó, mổ xẻ nó dưới nhiều góc độ, cho thấy, hình thức là một văn kiện song phương, nhưng thực tế, ý nghĩa của RAA lớn tới mức nào.

RAA là kết quả nỗ lực không ngừng của Tokyo và Manila – đó là điều khẳng định. Ý tưởng về nó có lẽ có từ tháng 4/2023, khi tại hội đàm giữa bộ trưởng quốc phòng Philippines và Nhật Bản, Manila và Tokyo đã nhất trí tăng cường hợp tác quốc phòng thông qua các hoạt động huấn luyện chung và hợp tác trong lĩnh vực trang thiết bị quốc phòng, trong khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược.

7 tháng sau, trong chuyến thăm Philippines từ ngày 3-4/11/2023, thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr, ý tưởng này được bàn ở cấp cao nhất, được cả hai nhà lãnh đạo gật đầu. Sự đồng thuận mau chóng đó chính là “phát pháo lệnh” để hai bên chính thức bước vào đàm phán về RAA trong một không khí khẩn trương và thuận lợi.

Washington đương nhiên không chỉ ủng hộ quan hệ song phương Nhật Bản – Philippines, mà còn hồ hởi với việc hai đồng minh châu Á, thời điểm này, cũng đang đặt vấn đề tương tác sâu sắc hơn với Mỹ. Con mắt thực dụng của Washington nhìn ngay ra mối lợi. Nếu quan hệ của Mỹ với Philippines và Nhật Bản – hai đồng minh quan trọng hàng đầu của Washington tại châu Á, thêm chất kết dính, điều đó càng có lợi hơn cho chiến lược xoay trục sang châu Á Thái Bình Dương của Washington mà Mỹ đặt mục tiêu xây dựng một cách toàn diện hơn 10 năm nay. Có người ví von, thêm RAA, Mỹ như thêm vây thêm cánh ở khu vực châu Á; có thêm công cụ để kiềm chế sự trỗi dậy của một đối thủ đang thách thức vị trí lãnh đạo thế giới của Mỹ – đó là Trung Quốc.

Xét về thời điểm, chính Washington cũng muốn Philippines và Nhật Bản gắn bó với Mỹ hơn bởi nó phù hợp với đường lối đối ngoại của tổng thống Joe Biden khi ông này nỗ lực khôi phục, tăng cường quan hệ với các đồng minh cũ, trong đó, Nhật Bản và Philippines hẳn phải là hai cái tên ở châu Á được nhắc đến đầu tiên.

Trước đó, trong nhiệm kỳ của ông Trump, quan hệ Mỹ – Philippines từng rạn nứt nghiêm trọng. Cơ sự do người tiền nhiệm của ông Marcos là ông Duterte từng ngảnh mặt với Washington để ngả về Bắc Kinh. Thế nên, RAA được Mỹ hồ hởi ủng hộ là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, theo các nhà quan sát, Trung Quốc mới là tác nhân quan trọng nhất thúc đẩy tiến trình đàm phán RAA giữa Philippines và Nhật Bản băng băng về đích chỉ trong vòng hơn nửa năm.

Trước hết, nói về Nhật Bản. Tokyo với Bắc Kinh vốn “cơm không lành, canh không ngọt”. Cạnh tranh về kinh tế của Trung Quốc với Nhật là điều ai cũng biết, từng diễn ra từ lâu, một cách âm ỉ. Và Trung Quốc “thắng” là điều không còn nghi ngờ, xét về khía cạnh quy mô nền kinh tế. Từ năm 2011, Trung Quốc đã qua mặt Nhật Bản để thành nền kinh tế lớn thứ 2, sau Mỹ, và liên tục giữ vững vị trí này.

Niềm an ủi còn lại của người xứ Phù Tang có lẽ chỉ là tới tận nay, Trung Quốc vẫn phải “xách dép” chạy theo họ dài dài về công nghệ. Ngay cả lĩnh vực bán dẫn, to tiếng dọa dẫm thế thôi, Trung Quốc còn lâu mới có thể qua Nhật. Cùng với Mỹ, Hàn, Đài Loan, Nhật vẫn còn trụ vững, và đang nỗ lực để hiện thực hóa mục tiêu thành “một người chơi toàn cầu với công nghệ với chất bán dẫn”. Tokyo đang đầu từ hàng tram tỷ USD cho tham vọng phục hưng lại ngành công nghiệp bán dẫn mà họ từng là quốc gia hàng đầu cách đây mươi lăm năm.

Động lực lớn nhất khiến Nhật Bản hào hứng đón nhận, kết giao mặn mà hơn với Philippines, là câu chuyện Hoa Đông. Trên vùng biển này, từ lâu, Nhật Bản và Trung Quốc hậm hực, xung đột với nhau chỉ vì cùng tranh chấp quần đảo nhỏ có tên là Senkaku – theo cách gọi của Nhật, và Điếu Ngư, theo cách gọi của Trung Quốc. Năm 1969 Ủy ban Kinh tế Xã hội châu Á và Viễn Đông của Liên Hiệp Quốc (ECAFE) xác định tiềm năng dầu mỏ, khí đốt, khoáng sản cũng như giao thông hàng hải và ngư trường phong phú trong khu vực có Senkaku/Điếu Ngư, tranh chấp càng thêm gay găt. Đòi quyền lợi với Điếu Ngư/Senkaku còn có cả Đài Loan, tuy nhiên, quyết liệt tới mức có thể làm bùng lên xung đột, là Trung Quốc và Nhật Bản.

Tình thế Philippines ở Biển Đông còn phức tạp hơn. Cùng với Việt Nam, Malaysia, Đài Loan, Brunei, Philippines có yêu sách chủ quyền trên Biển Đông – và điều đó chống lại yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc. Thậm chí, trong con mắt Bắc Kinh, “hỗn” hơn mấy bên kia, Philippines còn cả gan kiện Trung Quốc ra tòa PCA năm 2013 khiến Trung Quốc mất mặt. Dù gạt phắt phán quyết tuyên Philippines thắng kiện năm 2016, vụ kiện vấn khiến Bắc Kinh ê chề trong con mắt cộng đồng quốc tế…

Trên Biển Đông thời gian qua, Philippines và Trung Quốc liên tục xung đột, nhất là khu vực bãi Cỏ Mây. Một cuộc va chạm giữa tàu hải cảnh Trung Quốc và tàu tiếp tế Philippines ngày 17/6 khiến quan hệ hai bên căng như dây đàn. Thậm chí, nhiều người lo ngại, vụ việc có thể châm ngòi cho một cuộc cuộc chiến với sự can dự của Mỹ theo Hiệp ước phòng thủ chung với Philippines có từ năm 1951.

Như vậy, xét về hình thức, Philippines và Nhật Bản cùng “kẻ thù chung” là Trung Quốc, cùng phải nếm trải những hành vi ngang ngược của “cường quốc trỗi dậy hòa bình” (!) này từ nhiều năm nay. Cùng với các yếu tố khác, trước mối đe dọa ấy, Tokyo và Manila chia sẻ, kết thân với nhau là dễ hiểu. Thế nên, không sớm thì muộn, RAA ra đời là tất nhiên thôi.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới