Sunday, December 22, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiKinh tế Việt Nam bắt đầu chu kỳ tăng tốc

Kinh tế Việt Nam bắt đầu chu kỳ tăng tốc

Sau tăng trưởng GDP quý II/2024 gần chạm ngưỡng 7%, nền kinh tế Việt Nam dường như đang bắt đầu bước vào chu kỳ tăng tốc.

Sản xuất tại Công ty cổ phần Nhựa Hà Nội.

Kỳ vọng trở lại chu kỳ tăng cao

Không chỉ Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng, với mục tiêu phấn đấu đạt tăng trưởng kinh tế 7% trong năm nay, mà các kỳ vọng, dự báo về việc Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng GDP cao trong năm 2024 cũng tiếp tục được đưa ra.

Tại Hội thảo “Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm và triển vọng cả năm 2024: Động lực mới cho tăng trưởng có chất lượng”, do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổ chức ngày hôm qua (9/7), cũng đã có 2 kịch bản kinh tế được xây dựng.

Cụ thể, trong kịch bản 1, tăng trưởng GDP dự báo đạt 6,55% trong năm 2024; xuất khẩu cả năm tăng 9,54% so với năm 2023; Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả năm tăng 4,31% so với năm 2023; cán cân thương mại giữ được thặng dư ở mức 5,7 tỷ USD.

Còn trong kịch bản 2, tăng trưởng GDP dự báo ở mức 6,95% trong năm 2024; xuất khẩu cả năm tăng 11,64% so với năm 2023; CPI bình quân cả năm tăng 4,12% so với năm 2023; còn cán cân thương mại đạt thặng dư ở mức 7,3 tỷ USD.

Trong 2 kịch bản trên, ở kịch bản 1, CIEM giả thiết rằng, các yếu tố kinh tế thế giới tiếp tục duy trì phù hợp với đánh giá của các tổ chức quốc tế và Việt Nam duy trì nỗ lực chính sách tương tự trong nửa đầu năm 2024.

Còn ở kịch bản 2, CIEM giả thiết bối cảnh kinh tế thế giới có một số chuyển biến tích cực hơn, như tăng trưởng phục hồi nhanh; nhà đầu tư gia tăng đầu tư vào các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam; chuỗi cung ứng phục hồi; Việt Nam thực hiện hiệu quả các giải pháp cải cách và điều hành kinh tế ở Việt Nam, qua đó giúp đạt kết quả tối đa về giải ngân, hấp thụ đầu tư công và tín dụng…

“Tăng trưởng GDP thực tế của Việt Nam đã vượt so với tiềm năng trong 4 quý liên tiếp”, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp (CIEM) nói và cho biết, phục hồi kinh tế đã diễn ra ở cả 3 nhóm ngành, năng suất lao động cũng đã có một số dấu hiệu cải thiện.

Dường như, xu hướng hiện tại đang dần đi theo con đường của kịch bản 2, bởi không chỉ năng suất lao động đang tăng, mà các vấn đề liên quan đến môi trường đầu tư, thu hút đầu tư nước ngoài cũng đang tích cực hơn.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, dự kiến năm nay, Việt Nam có thể thu hút được 39 – 40 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài. “Động lực đầu tư, bao gồm cả đầu tư của khu vực ngoài nhà nước, đặc biệt là đầu tư nước ngoài đều tăng trưởng tích cực”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói và cho biết, bên cạnh đó, còn có nhiều yếu tố quan trọng khác tạo động lực tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm.

Đó là xu hướng tăng trưởng tích cực của khu vực và thế giới; các động lực về xuất khẩu đã phục hồi và tỷ lệ doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu tăng lên nhanh chóng; du lịch phục hồi khá mạnh mẽ; những cải cách mạnh mẽ về thể chế, nhất là 3 luật rất quan trọng là Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản; những nỗ lực trong điều hành của Chính phủ, của các bộ, ngành, địa phương…

“Hiện nay, chỉ đạo của Chính phủ rất quyết liệt. Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt 4 địa phương đóng vai trò động lực tăng trưởng của nền kinh tế, phải quyết liệt hơn nữa trong việc thúc đẩy mục tiêu tăng trưởng”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói. Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, với những diễn biến như vậy, hoàn toàn có khả năng đạt mức tăng trưởng 7,4 – 7,6% trong quý III và quý IV, để cả năm có thể đạt mức tăng trưởng 7%.

Động lực mới cho tăng trưởng có chất lượng

Cơ hội là rất lớn, nhưng để đạt mức tăng trưởng 7% cũng cần tiếp tục nỗ lực. Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, cần tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp, như tháo gỡ khó khăn cho sản xuất – kinh doanh để tạo đột phá cho tăng trưởng cả năm; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; “làm mới” các động lực tăng trưởng truyền thống…

Tăng trưởng GDP thực tế của Việt Nam đã vượt so với tiềm năng trong 4 quý liên tiếp.

Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp (CIEM)
“Giải ngân đầu tư công là một động lực tăng trưởng quan trọng, nhưng xu hướng gần đây đã bắt đầu thấp hơn so với cùng kỳ, cả về số tương đối và tuyệt đối. Thấp hơn về tuyệt đối vì tổng nguồn lực đầu tư công năm nay thấp hơn đáng kể so với năm ngoái. Thấp hơn về số tương đối chủ yếu do giải ngân phần vốn ngân sách địa phương đạt thấp”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói.

Thứ trưởng giải thích rằng, thị trường bất động sản khó khăn khiến nguồn thu từ đất của các địa phương không đạt kế hoạch, do đó, địa phương không có đủ nguồn lực để giải ngân cho các dự án.

“Tuy vậy, tỷ lệ giải ngân thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái cũng là điều cần lưu ý. Chúng ta cần tập trung thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Dương cho rằng, để thúc đẩy tăng trưởng, cần điều hành chính sách kinh tế vĩ mô phù hợp.

“Trong thời gian tới, nếu chỉ tập trung nới lỏng tiền tệ và tài khóa để thúc đẩy tăng trưởng, thì áp lực lạm phát sẽ gia tăng. Do đó, cần theo dõi diễn biến của lạm phát, nhất là tác động của tăng lương và tăng giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý giá. Cũng cần giữ gìn dư địa tài khóa để ứng phó với các cú sốc trong tương lai”, ông Nguyễn Anh Dương nhấn mạnh.

Với những nỗ lực này, nền kinh tế có thể đạt mức tăng trưởng 7% trong năm nay, qua đó có thể tạo đà cho tăng trưởng những năm tiếp theo. Trong bối cảnh này, câu hỏi đặt ra là, nếu như chu kỳ tăng trưởng cao (7%) thực sự có thể quay trở lại, thì điều quan trọng là làm sao để tạo được động lực mới cho tăng trưởng có chất lượng, đúng như chủ đề báo cáo của CIEM?

Tăng trưởng xanh, kinh tế số, phát triển bền vững là điều đã được nhắc tới lâu nay. Nhưng quan trọng là, các động lực tăng trưởng mới sẽ được huy động và phát triển như thế nào.

Báo cáo tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương mới đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nhắc tới một nội dung quan trọng. Đó là, các ngành, lĩnh vực mới như kinh tế số, kinh tế xanh, trí tuệ nhân tạo (AI), chip, bán dẫn… chưa có chuyển biến rõ nét, nguy cơ không bắt kịp được với thế giới và khu vực. Đây là điều cần quan tâm thúc đẩy, nếu muốn kinh tế tăng tốc và tăng trưởng có chất lượng.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới