Sunday, November 24, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnÔng Trump phản xạ cực nhanh theo nguyên tắc 'Run, Hide, Fight'...

Ông Trump phản xạ cực nhanh theo nguyên tắc ‘Run, Hide, Fight’ khi bị ám sát, thêm cơ hội đắc cử

Trong khoảnh khắc vết đạn sượt qua tai trong một âm mưu ám sát giữa thanh thiên bạch nhật, ông Trump ở tuổi 78 đã phản xạ đúng nguyên tắc “Run, Hide, Fight” mà Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) dùng để đào tạo.

Máu chảy trên gương mặt cựu tổng thống Mỹ Donald Trump, ứng viên đang tranh cử tổng thống 2024 bên Đảng Cộng hòa, sau vụ nổ súng ban đầu được cho là âm mưu ám sát ngày 13-7

Rạng sáng 14-7 theo giờ Việt Nam, nước Mỹ rúng động khi tiếng súng vang lên trong buổi vận động tranh cử của cựu tổng thống Donald Trump ở thành phố Butler, bang Pennsylvania.

Phía Mỹ đang điều tra vụ việc nhưng đa phần nghiêng theo hướng đây là một vụ ám sát. Nghi phạm nổ súng cũng đã chết sau đó.

“Run, Hide, Fight” – Chạy, trốn, và chiến đấu
Vài tiếng sau vụ việc, báo giới đã mổ xẻ băng ghi hình và nghe thấy tiếng ông nói liên tục với các thành viên Mật vụ Mỹ trong video: “Để tôi lấy lại đôi giày đã”.

Chi tiết có phần hài hước này phản ánh sự điềm tĩnh kỳ lạ của chính trị gia 78 tuổi giữa lúc vết đạn vừa sượt qua tai.

Khi ông Trump vừa dứt câu “Hãy nhìn xem điều gì đã xảy ra”, những tiếng nổ lốp bốp vang lên. Đám đông nhốn nháo và la hét, trong lúc ông Trump đã thấy vết đau ở tai bên phải ngay sau đó.

Cựu tổng thống Mỹ lập tức cúi người xuống sàn, núp phía dưới bục phát biểu. Sau khi các nhân viên an ninh lao tới, người ta thấy máu chảy bên tai phải ông Trump.

Hình ảnh từ video cũng cho thấy ông Trump lo sợ nhưng ít biểu hiện hoảng loạn. Trong micro, có tiếng ông liên tục yêu cầu nhân viên an ninh cho phép mình lấy… đôi giày trước khi được hộ tống.

Chuỗi hành động của ông Trump khá khớp với các nguyên tắc đào tạo của FBI về việc ứng phó trong tình huống khẩn cấp dạng này.

FBI có chương trình đào tạo cho dân thường mang tên “Chuẩn bị và phòng ngừa tấn công bằng súng đang diễn ra” (ASAPP), nhằm giúp công dân Mỹ chuẩn bị tốt hơn trong các vụ nổ súng trên đất Mỹ và nước ngoài.

Chương trình dài hai tiếng này đúc kết bài học từ nhiều năm nghiên cứu, triển khai diễn tập dựa trên tình huống để thực hành quy trình ra quyết định khi có súng nổ.

Đây là chuỗi ra quyết định dựa trên nguyên tắc Run, Hide, Fight (Chạy, trốn và chiến đấu) để sinh tồn. Trong đó, chạy trốn là việc làm ưu tiên, và chiến đấu là phương án cuối cùng nếu buộc phải như vậy.

Đầu tiên, FBI khuyên người dân phải tìm cách chạy, sơ tán sớm nhất có thể. Nếu không thoát được, phải bình tĩnh giữ im lặng và ẩn nấp (tắt chuông điện thoại, tìm nơi ẩn nấp gần cửa sổ hoặc các nơi có thể cho bên ngoài thấy, nếu có thể).

Bị ám sát, ông Trump càng có cơ hội đắc cử?
Việc ông Trump tìm đôi giày trong tình huống vừa qua là chi tiết không khớp với khuyến nghị bỏ lại đồ đạc khi có súng nổ của FBI. Tuy nhiên, hành động này lại có lợi cho hình ảnh điềm tĩnh, đôi khi được diễn giải thành “gan dạ” hoặc “bản lĩnh” của chính trị gia đang tranh cử tổng thống này.

Kết thúc đoạn băng ghi hình tại hiện trường có lẽ là hình ảnh sẽ tiếp tục lan truyền trên báo chí những ngày tới, thậm chí có khả năng là những thước hình lịch sử của cuộc bầu cử này cũng như lịch sử chính trường Mỹ.

Giữa các nhân viên an ninh, ông Trump quay lại người dân và ống kính giơ cao nắm đấm và miệng thét lớn: Fight (chiến đấu).

Chữ “chiến đấu” ấy vô tình là phương án cuối cùng trong nguyên tắc Run, Hide, Fight của FBI, đồng thời cũng chứa tính biểu tượng vô cùng đặc biệt trong mắt cử tri.

Đám đông đang hoảng loạn trong tiếng súng cũng đã hưởng ứng nhiệt tình trước chữ “chiến đấu” của ông.

Sự kiện chấn động này xảy ra giữa lúc ông Trump có cơ hội chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024, và chỉ cách vài ngày trước thời điểm ông Trump chính thức là ứng viên đề cử của Đảng Cộng hòa.

Nói cách khác, dù suýt chết, vụ nổ súng ở Pennsylvania nêu trên nhiều khả năng sẽ càng có lợi cho ông Trump.

Lâu nay, trước các cáo buộc và truy tố, ông đã nhiều lần phản ứng bằng cách gọi đó là “màn truy cùng đuổi tận” của các đối thủ chính trị, và tạo cho cử tri ủng hộ ông một hình ảnh Donald Trump không đầu hàng.

Vụ nổ súng này có thể là tình tiết diễn tả hoàn hảo thái độ “không đầu hàng” ấy, và giờ ông Trump thực sự là một nạn nhân ám sát theo nghĩa đen.

Giai đoạn 2015-2016, thời tổng thống Barack Obama của Đảng Dân chủ, ông Trump đã liên tục thu hút thêm sự ủng hộ sau mỗi vụ xả súng kinh hoàng ở Mỹ.

Hiện nay, một lần nữa khi đối diện với Đảng Dân chủ, ông Trump có thể tiếp tục dùng tình trạng bạo lực súng đạn để thúc đẩy các chương trình nghị sự của mình liên quan tới vấn đề này.

Trong diễn biến mới nhất, tỉ phú Elon Musk đã chính thức ủng hộ ông Trump sau vụ nổ súng Pennsylvania. Hiệu ứng “Trump bị ám sát” có thể lan truyền những ngày tới.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới