Công trình khổng lồ này của Trung Quốc bắt đầu được triển khai sau nhiều thập kỷ lập kế hoạch.
Công trình này là một con đập mới trên sông Hoàng Hà. Đây được coi là dự án thủy điện mới nhất để kiểm soát trầm tích ngày càng tăng trên con sông có nhiều phù sa nhất thế giới. Theo Bộ Thủy lợi Trung Quốc, Dự án thủy lợi Guxian trên sông Hoàng Hà, nằm giữa các tỉnh miền trung gồm Thiểm Tây và Sơn Tây, chính thức được bắt đầu xây dựng từ ngày 9/7.
Sau khi hoàn thành, dự án này sẽ giúp kiểm soát được 65% diện tích của lưu vực sông Hoàng Hà, 73% lưu lượng nước và 60% lượng trầm tích ở lưu vực này.
Bắt nguồn từ tỉnh Thanh Hải, Hoàng Hà, con sông dài thứ hai của Trung Quốc chảy qua cao nguyên Hoàng Thổ, khu vực có diện tích tương đương nước Pháp, đã trở thành một nguồn phù sa khổng lồ do tình trạng sa mạc hóa.
Hoàng Hà là con sông dài thứ hai ở châu Á và dài thứ 6 trên thế giới. Con sông này còn được gọi là “sông treo”, bởi vì sự tích tụ trầm tích quá mức của nó đã nâng cao một phần lòng sông. Điều này làm thay đổi về dòng chảy theo thời gian, từ đó dẫn đến hiện tượng lũ lụt xảy ra thường xuyên và nguy hiểm hơn.
Trên thực tế, sở dĩ sông Hoàng Hà có màu nước vàng, chủ yếu là do phù sa mà nó mang theo. Lượng phù sa và trầm tích trong dòng nước ở sông Hoàng Hà có thể lên tới 34 kg/m3, tức là cao hơn gấp 34 lần so với dòng sông Nile ở châu Phi.
Dự án con đập hơn 7 tỷ USD với nhiều kỳ vọng
Bộ trưởng Bộ Thủy lợi Lý Quốc Anh cho biết: “Dự án Guxian là một thành phần quan trọng mang tính chiến lược trong hệ thống kiểm soát trầm tích của con sông Hoàng Hà. Đây cũng là dự án quan trọng của mạng lưới thủy lợi quốc gia, đóng vai trò thiết yếu đối với an ninh lâu dài tại vùng trung và hạ lưu của sông Hoàng Hà”.
Theo SCMP, dự án con đập trên sông Hoàng Hà dự kiến mất 10 năm để hoàn thành. Đây sẽ là đập lớn thứ ba trên con sông này. Báo cáo năm 2021 của Bộ Thủy Lợi chỉ ra rằng, dự án Guxian dự kiến sẽ tiêu tốn tới 53 tỷ NDT (tương ứng với 7,3 tỷ USD).
Con đập mới trên sông Hoàng Hà được kỳ vọng sẽ giúp giảm bớt gánh nặng cho hồ chứa nước Xiaolangdi, nằm cách hạ lưu khoảng 450 km, được đưa vào sử dụng từ năm 2001 để giúp quản lý dòng chảy của nước.
Ông Jia Xinping, một thanh tra của Bộ Thủy lợi, chia sẻ với đài CCTV: “Sau nhiều năm vận hành và nghiên cứu, cần phải xây dựng một dự án thủy lợi khác tại thượng nguồn Xiaolangdi để kiểm soát chặt chẽ hơn về nước và giảm lượng trầm tích của sông Hoàng Hà”.
Con đập mới trên sông Hoàng Hà sẽ giúp tăng cường tưới tiêu dọc hai bờ sông, cũng như cung cấp thủy điện. Công trình này đã được liệt kê là một dự án lớn trong kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng lớn của Trung Quốc, đồng thời nằm trong kế hoạch phát triển 5 năm (từ 2021 đến 2025) lần thứ 14.
Các kỹ sư của Trung Quốc đã bắt đầu tiến hành khảo sát địa chất trên sông Hoàng Hà vào những năm 1950 nhằm xác định vị trí xây đập và hồ chứa. Bộ Thủy lợi của quốc gia này cho biết, việc lập kế hoạch cho dự án đặc biệt phức tạp, vì địa chất của khu vực, bao gồm những vùng bùn lầy, đứt gãy kẹp giữa nhiều lớp đá mềm và cứng.
Vai trò quan trọng của sông Hoàng Hà
Hoàng Hà được mệnh danh là “sông mẹ” của Trung Quốc và là cái nôi của nền văn minh Trung Hoa. Sông Hoàng Hà chảy qua 8 tỉnh và khu tự trị Trung Quốc, trong đó có tỉnh Thiểm Tây và Hà Nam, trước khi đổ ra biển Bột Hải tại tỉnh Sơn Đông, phía đông Trung Quốc. Tuyến đường thủy dài 5.464 km trên sông Hoàng Hà giúp nuôi dưỡng khoảng 12% dân số, tưới tiêu cho khoảng 15% đất trồng trọt, hỗ trợ 14% GDP của Trung Quốc và cung cấp nước cho hơn 60 thành phố.
Sông Hoàng Hà đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực phát triển của đất nước Trung Quốc. Tuy nhiên, trong quá khứ, nhiều thiên tai xảy ra trên dòng sông này gây ra hậu quả rất lớn.
Theo CGTN, trong hơn 2.500 năm, con sông Hoàng Hà đã bị vỡ đê tới 1.600 lần (tính tới thời điểm tháng 9/2019). Trong suốt thời gian này, sông Hoàng Hà đã có 26 lần chuyển dòng chảy lớn ở vùng hạ lưu.
Theo SCMP, sông Hoàng Hà từng gây ra sự chết chóc khủng khiếp trong lịch sử, chẳng hạn như trận lụt năm 1887 đã khiến khoảng 900.000 – 2 triệu người thiệt mạng. Ngoài ra, trận lũ trên sông Hoàng Hà năm 1931 được ghi nhận là thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất lịch sử thế giới, với ước tính khoảng 3,7 triệu người thiệt mạng.
Chính vì vậy, bảo vệ sông Hoàng Hà trở thành một trong những ưu tiên môi trường hàng đầu của Trung Quốc.
T.P