Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh, Nga sẽ chỉ tham gia hội nghị thượng đỉnh hoà bình Ukraine lần hai nếu Mátxcơva biết rõ về nội dung của các cuộc đàm phán.
Hồi tháng 6, Thụy Sĩ đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine với sự tham dự của hơn 90 phái đoàn. Nga không được mời đến sự kiện này. Một số nước, trong đó có Trung Quốc, đã từ chối tham gia với lý do vắng mặt Nga.
Hội nghị tập trung vào ba điểm trong công thức hòa bình của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, bao gồm trao đổi tù binh, an ninh hạt nhân và an ninh lương thực.
Một số quốc gia tham dự hội nghị do Thụy Sĩ đăng cai đã từ chối ký vào tuyên bố chung cuối cùng, nhưng ông Zelensky vẫn coi đây là một thành công, và cho biết ông muốn tổ chức sự kiện thứ hai như vậy vào cuối năm nay. Ông cũng nói rằng Nga có thể cử một số đại diện đến các cuộc đàm phán trong tương lai.
Đáp lại, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định Nga vẫn sẵn sàng đối thoại với Ukraine, nhưng trước tiên Mátxcơva phải hiểu rõ về những gì sẽ được thảo luận trong hội nghị hòa bình lần hai.
Ông Peskov nói: “Ngay từ đầu, chúng tôi đã nhấn mạnh việc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương mở rộng sang lãnh thổ Ukraine là không thể chấp nhận được. Đó là một mối đe dọa đối với sự tồn tại và an ninh của chúng tôi”.
Theo ông Peskov, Nga sẽ không thảo luận về bất kỳ chi tiết cụ thể nào không liên quan đến vấn đề an ninh.
“Tổng thống Vladimir Putin giải thích rằng chúng tôi sẵn sàng thảo luận về tình hình một cách tổng thể, tất cả các khía cạnh liên quan đến an ninh ở châu Âu, an ninh của chúng tôi, và sự đảm bảo an ninh cho các quốc gia khác. Tất cả những điều này nên được thảo luận cùng lúc”, ông Peskov nói.
Nga đã nhiều lần nhấn mạnh sẽ không tham gia bất kỳ hội nghị thượng đỉnh hòa bình quốc tế nào dựa trên công thức hòa bình của ông Zelensky, điều mà Mátxcơva cho là xa rời thực tế.
Công thức hòa bình – được Kiev giới thiệu lần đầu tiên vào cuối năm 2022 – bao gồm nhiều điều khoản, trong đó có yêu cầu Nga rút khỏi tất cả những vùng lãnh thổ mà Ukraine tuyên bố chủ quyền.