Hai vụ ám sát tổng thống Mỹ Abraham Lincoln và John F. Kennedy, cách nhau gần một thế kỷ, đã để lại nhiều sự trùng hợp kỳ lạ.
Trong dòng chảy lịch sử Mỹ, có những sự kiện chấn động, là điểm ngoặt mang tính định mệnh của một quốc gia.
Trong số đó bao gồm 2 vụ ám sát Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln và John F. Kennedy.
Một loạt sự trùng hợp đáng kinh ngạc giữa hai sự kiện khiến nhiều người phải đặt câu hỏi về ranh giới giữa ngẫu nhiên và định mệnh.
Năm 1964, chỉ một năm sau cái chết của John F. Kennedy – vị tổng thống thứ 35 của Mỹ, danh sách những sự trùng hợp giữa hai sự kiện lần đầu tiên xuất hiện trên báo chí chính thống nước này.
Từ đó, nó đã lan rộng, phát triển và trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa dân gian Mỹ.
Một số điểm tương đồng, khó lý giải đã thu hút sự chú ý của công chúng trong nhiều thập kỷ.
Lincoln được bầu vào Quốc hội năm 1846 và trở thành tổng thống năm 1860. Đúng một thế kỷ sau, Kennedy được bầu vào Quốc hội năm 1946 và đắc cử tổng thống năm 1960.
Họ của cả hai vị tổng thống đều có 7 chữ cái – “Lincoln” và “Kennedy”.
Về hoàn cảnh ám sát, cả hai đều bị bắn vào đầu và vào thứ Sáu (ngày xui xẻo trong văn hóa phương Tây), trước sự chứng kiến của vợ.
Tổng thống Lincoln bị ám sát tại Nhà hát Ford, còn J. F. Kennedy bị bắn khi đang đi trên cỗ xe hiệu Lincoln do hãng Ford chế tạo.
Cả hai đều được kế nhiệm bởi phó tổng thống có họ Johnson – Andrew Johnson với Lincoln và Lyndon B. Johnson với Kennedy. Đáng chú ý, cả hai vị này đều sinh năm ’08 (1808 và 1908, cách nhau đúng 1 thế kỷ).
Kẻ ám sát 2 vị tổng thống lần lượt là John Wilkes Booth và Lee Harvey Oswald, đều được biết đến với ba cái tên. Trong đó, tên đầy đủ của hai kẻ này đều có 15 chữ cái.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu và nhà hoài nghi đã chỉ ra rằng một số sự trùng hợp được đưa ra là không chính xác hoặc được thổi phồng.
Ví dụ, tuyên bố rằng Lincoln có một thư ký tên Kennedy đã được chứng minh là sai.
Hoặc có lời đồn đại về việc John Wilkes Booth và Lee Harvey Oswald sinh cách nhau đúng 1 thế kỷ, trùng hợp với khoảng cách hai vị tổng thống nhậm chức và khoảng cách tuổi của 2 vị phó tổng thống kế nhiệm.
Song, trên thực tế 2 kẻ ám sát này cách nhau 101 tuổi (1838 và 1939).
Nhà toán học Martin Gardner, trong một bài báo trên tạp chí Scientific American những năm 1970, đã phân tích kỹ lưỡng danh sách các sự trùng hợp giữa 2 sự kiện.
Ông chỉ ra nhiều sự trùng hợp được cho là dựa trên thông tin sai lệch hoặc có thể dễ dàng giải thích bằng xác suất thống kê.
Mặc dù vậy, những sự trùng hợp này vẫn tiếp tục thu hút sự quan tâm của công chúng.
Năm 1966, bài hát “Lịch sử lặp lại chính nó” của Buddy Starcher, kể về nhiều điểm tương đồng giữa hai vụ ám sát, đã trở thành bản hit Top 40 tại Mỹ và đứng thứ hai trên bảng xếp hạng nhạc đồng quê thời điểm đó.
T.P