Lần đầu tiên trên thị trường vàng xuất hiện việc giá vàng nhẫn cao hơn vàng miếng thương hiệu quốc gia SJC. Điều này dường như chứa đựng sự bất thường. Nhưng ngạc nhiên hơn cả là khi mà giá vàng SJC đứng yên thì cả thị trường dường như “đóng băng”.
Thị trường vàng bất động
Ngày 14/7, giá vàng nhẫn tròn trơn ở mức 75,9 – 77,1 triệu đồng/lượng mua vào – bán ra, giá vàng miếng SJC ở mức 74,9 – 76,9 triệu đồng/lượng mua vào – bán ra. Giá vàng nhẫn liên tục điều chỉnh theo sát giá vàng thế giới, trong khi vàng miếng SJC bất động 1 tháng nay. Đây cũng là lần đầu tiên, giá vàng nhẫn cao hơn vàng miếng. Lâu nay, vàng miếng SJC mang thương hiệu quốc gia, được người dân ưa chuộng, khá khan hiếm nên có thời điểm giá cao hơn vàng nhẫn 10 triệu đồng/lượng, cao hơn giá vàng thế giới tới 20 triệu đồng/lượng.
Tuy nhiên, sau khi có sự can thiệp của Ngân hàng Nhà nước, giá vàng miếng SJC đã giảm mạnh và thời gian qua liên tục đứng yên, không biến động theo giá thế giới. Về nguyên tắc, giá vàng miếng cao hơn giá vàng nhẫn, được ưa chuộng hơn giá vàng nhẫn, bởi vàng miếng có nhiều ưu điểm hơn như: Mang thương hiệu quốc gia, uy tín hơn, không dễ làm giả, làm nhái.
Còn vàng nhẫn có nhiều thương hiệu khác nhau, khả năng làm giả, nhái dễ hơn vàng miếng. Vàng nhẫn chỉ có ưu điểm là có thể tạo thành nhiều loại có trọng lượng nhỏ (từ một đến vài chỉ), vừa túi tiền với nhiều người dân trong khi đó, vàng miếng hiện chỉ có loại 1 lượng, người có nhiều tiền mới mua được.
Trao đổi với PV Tiền Phong, chuyên gia Nguyễn Quang Huy, Khoa Tài chính – Ngân hàng, Trường ĐH Nguyễn Trãi phân tích, giá vàng nhẫn duy trì ở mức cao do ảnh hưởng từ quốc tế. Trên thị trường thế giới mấy ngày qua, giá vàng giao dịch ở mức 2.410 USD/ounce, giảm nhẹ so với phiên trước nhưng vẫn là vùng đỉnh của năm nay. Tháng 5/2024, giá vàng thế giới tăng lên mức cao nhất, gần 2.450 USD/ounce.
Theo các chuyên gia, để ổn định thị trường vàng, cần nhanh chóng sửa đổi Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước có thể bỏ độc quyền thương hiệu vàng miếng SJC. Còn nếu Ngân hàng Nhà nước muốn giữ độc quyền thương hiệu vàng miếng SJC (vì thương hiệu vàng miếng SJC đã chiếm 90% thị trường, nếu để nhiều thương hiệu vàng miếng khác nhau, người dân có thể vẫn sẽ chuộng vàng miếng SJC) thì cần cung ứng, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của thị trường.
Theo ông Huy, sau khi Ngân hàng Nhà nước can thiệp giữ ổn định giá vàng miếng SJC thì gần như bất động và chỉ cao hơn giá vàng thế giới khoảng hơn 3 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, nhiều phản ánh cho thấy, lượng cung vàng miếng SJC ra thị trường còn ít nên người mua khó tiếp cận. Theo đó, người dân quay sang mua vàng nhẫn. Thế nhưng, họ cũng khó mua được vàng nhẫn tại một vài doanh nghiệp vàng lớn vào thời điểm này. Còn tại một số cửa hàng, người dân muốn mua vàng nhẫn phải chờ 10 – 15 ngày mới nhận được vàng.
“Vàng nhẫn tăng giá và cao hơn vàng miếng SJC chỉ trong ngắn hạn. Nếu việc này kéo dài cũng cần có sự điều tiết của Ngân hàng Nhà nước với các công cụ linh hoạt”, ông Huy nói. Theo ông Huy, về cơ bản vàng miếng và vàng nhẫn trong nước sẽ có diễn biến bám sát diễn biến tăng giảm của giá vàng thế giới và chính sách điều tiết cung cầu của Ngân hàng Nhà nước. Về việc sửa nghị định 24… hay FED chuẩn bị hạ lãi suất, cuộc chiến Nga – Ukraine ngày càng khốc liệt…đó sẽ là các nhân tố khiến giá vàng tăng lên và có thể tiếp tục duy trì ở vùng đỉnh đã đạt được trong thời gian qua.
Tăng cường kiểm soát thuế, hóa đơn mua bán vàng
Liên quan đến siết quản lý giao dịch vàng, thống kê, Tổng cục Thuế cho biết, hiện tại, cả nước có 12.500 doanh nghiệp, cá nhân và hơn 5.500 hộ cá nhân mua bán, chế tác, gia công vàng bạc, đá quý. Nhằm góp phần ngăn chặn biến tướng thị trường vàng, cơ quan thuế triển khai nhiều giải pháp như kiểm soát hoá đơn điện tử với hoạt động mua bán vàng.
Từ ngày 1/7/2022, hóa đơn điện tử đã được triển khai trên toàn quốc đối với các doanh nghiệp và hộ kinh doanh. Có 100% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh vàng, bạc đã sử dụng hóa đơn điện tử. Đến nay, toàn quốc có hơn 5.830 cơ sở kinh doanh vàng, bạc áp dụng và sử dụng trên 1,06 triệu hóa đơn điện tử.
Tuy nhiên, lĩnh vực gia công vàng, bạc, một số trường hợp người mua là cá nhân, không lấy hóa đơn, dẫn đến khó khăn cho cơ quan thuế trong việc kiểm soát giao dịch.
Ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, cơ quan thuế phối hợp với Ngân hàng Nhà nước thanh tra thị trường vàng. Hiện nay, cả nước có 38 doanh nghiệp, tổ chức được cấp phép kinh doanh vàng SJC. “Cơ quan thuế cử cán bộ tham gia đoàn thanh tra, khai thác số liệu nộp thuế, áp dụng hoá đơn điện tử của 16 đơn vị kinh doanh vàng SJC. Hiện nay, cơ quan chức năng trong quá trình thanh tra và sẽ thông báo kết quả theo quy định”, ông Minh cho biết.
Khảo sát của PV Tiền Phong tại cửa hàng vàng ở Hà Nội như Doji, Phú Quý cho thấy, khi mua vàng nhẫn tròn trơn, khách hàng phải xuất trình căn cước công dân. Với cửa hàng thanh toán trước, khách hàng nhận giấy hẹn từ 10 ngày đến 1 tháng mới nhận vàng. Sau khi nhận vàng, cửa hàng xuất hoá đơn điện tử cho khách hàng. Hiện nay, ngoài đáp ứng điều kiện kinh doanh, doanh nghiệp kinh doanh vàng chịu 2 loại thuế: Thuế Giá trị gia tăng (VAT) và thuế thu nhập doanh nghiệp. Là loại hàng hóa đặc biệt, VAT đánh trên vàng tính theo phương pháp tính thuế trực tiếp.
Trong đó, giá trị gia tăng của hoạt động mua, bán chế tác vàng, bạc, đá quý được xác định bằng giá bán ra trừ đi giá mua vào. Nói cách khác, thuế VAT đối với vàng áp dụng cho phần chênh lệch giá vàng mua vào – bán ra.
T.P