Sunday, November 17, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiĐập Tam Hiệp - mắt xích lớn nhất của chuỗi siêu đập...

Đập Tam Hiệp – mắt xích lớn nhất của chuỗi siêu đập thủy điện TQ

Nước sông Dương Tử lần lượt đi qua 6 nhà máy thủy điện, trong đó có đập Tam Hiệp, nghĩa là mỗi giọt nước được sử dụng để sản xuất điện 6 lần.

Đập Tam Hiệp Trung Quốc.

Có 6 nhà máy thủy điện lớn dọc thượng nguồn và trung lưu sông Dương Tử: Ô Đông Đức, Bạch Hạc Than, Khê Lạc Độ, Hướng Gia Bá, Tam Hiệp và Cát Châu Bá – tạo thành hành lang năng lượng sạch lớn nhất thế giới, trải dài hơn 1.800 km. Hiện có 110 máy phát điện hoạt động trong hành lang này.

Nhà máy thủy điện Cát Châu Bá, nằm ở Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc, là dự án kiểm soát nước quy mô lớn đầu tiên trên sông Dương Tử và là cột mốc quan trọng trong sản xuất thủy điện Trung Quốc.

Nhóm tổ máy phát điện đầu tiên ở Cát Châu Bá được đưa vào vận hành năm 1981 và đã hoạt động an toàn trong hơn 40 năm. Đến năm 2021, kỷ niệm 40 năm vận hành, sản lượng điện tích lũy của nhà máy thủy điện Cát Châu Bá vượt 600 tỉ kilowatt giờ (kWh), theo dữ liệu từ Công ty Điện lực Dương Tử Trung Quốc.

Sau gần nửa thế kỷ quy hoạch và xây dựng, hành lang năng lượng sạch lớn nhất thế giới hoàn thành tháng 12.2022, với nhà máy thủy điện Bạch Hạc Than, nằm ở thượng nguồn sông Dương Tử, đi vào vận hành đầy đủ.

“Nước từ sông Dương Tử lần lượt đi qua 6 nhà máy thủy điện, nghĩa là mỗi giọt nước được sử dụng để sản xuất điện 6 lần” – một quản lý điều hành nhà máy thủy điện Bạch Hạc Than chia sẻ với Thời báo Hoàn cầu.

Người quản lý cho biết, 1 m3 nước có thể sản xuất 0,25 kWh điện xanh thông qua nhà máy thủy điện Tam Hiệp. Khi vận hành chung cả 6 nhà máy thủy điện, 1 m3 nước có thể tạo ra tới 2 kWh điện, giúp tăng hiệu quả hoạt động lên gấp 8 lần.

Tổng công suất lắp đặt của 6 nhà máy thủy điện này đạt 71,695 triệu kilowatt, sản xuất khoảng 300 tỉ kWh điện sạch hàng năm, có thể đáp ứng nhu cầu điện hàng năm của 360 triệu người, theo Thời báo Hoàn cầu.

Đến tháng 2.2024, sản lượng điện tích lũy của 6 thủy điện lớn ở thượng nguồn và trung lưu sông Dương Tử đã vượt 3,5 nghìn tỉ kWh, tương đương tiết kiệm hơn 1 tỉ tấn than tiêu chuẩn và giảm hơn 2,8 tỉ tấn CO2, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển kinh tế Trung Quốc.

Theo tính toán dựa trên 713,7 kWh điện tiêu thụ trên mỗi 10.000 nhân dân tệ GDP được tạo ra, 6 nhà máy thủy điện bậc thang ở thượng nguồn sông Dương Tử tạo ra hơn 48.000 tỉ nhân dân tệ (6.600 tỉ USD) cho phát triển kinh tế Trung Quốc, một người trong ngành chia sẻ với Thời báo Hoàn cầu.

Ngoài sản xuất điện, các con đập dọc sông Dương Tử còn có khả năng điều tiết ngược, cải thiện giao thông thủy và các lợi ích khác.

Theo Thời báo Hoàn cầu, 6 nhà máy thủy điện bậc thang đã nâng cao mực nước ở thượng nguồn sông Dương Tử, cho phép các tàu chở hàng lớn đi vào các tuyến đường thủy vốn từng quá nông đối với tàu vận tải. Năm 2023, trung tâm Tam Hiệp ở tỉnh Hồ Bắc đã vận chuyển 172,34 triệu tấn hàng hóa bằng đường thủy, tăng 7,95% so với cùng kỳ năm trước đó, lập mức cao kỷ lục.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới