Wednesday, January 22, 2025
Trang chủĐàm luậnĐiểm mới trong chiến lược vùng xám của TQ ở Biển Đông...

Điểm mới trong chiến lược vùng xám của TQ ở Biển Đông và ứng phó của Philippines

Chiến lược “vùng xám” không phải là một điều gì mới lạ bởi nó đã từng được Trung Quốc sử dụng nhiều lần trên Biển Đông. Ngay từ khi đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa năm 1974, chiến lược này đã được Trung Quốc áp dụng khi cho lực lượng giả danh tàu cá ra khiêu khích để rồi lấy cớ phát động cuộc tấn công quân sự gây ra cuộc chiến đẫm máu đối với Hải quân Việt Nam Cộng hòa đang quản lý quần đảo Hoàng Sa.

Năm 1988, Trung Quốc tiếp tục dùng chiến lược “vùng xám” với việc sử dụng tàu cá gây sự và tiếp đó là lấy cớ tấn công vũ trang chiếm đá Gạc Ma và chiếm 5 thực thể khác thuộc quần đảo Trường Sa. Cũng với chiến thuật “vùng xám”, Trung Quốc đã chiếm Bãi Vành Khăn năm 1995 (lúc đó đang do Philippines quản lý); năm 2012, Bắc Kinh sử dụng chiến thuật này để chiếm Bãi cạn Scarborough từ tay Philippines, khiến Manila phẫn nộ và khởi kiện Bắc Kinh ra Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII Công ước Liên hợp quốc (UNCLOS).

Giới phân tích nhận định chiến lược “vùng xám” được Trung Quốc sử dụng vài chục năm quan như một công cụ để thực hiện tham vọng bành trướng, khống chế, thôn tính Biển Đông. Trong suốt thời gian qua, chiến lược “vùng xám” được Bắc Kinh cập nhật với những biến tấu mới theo hướng ngày càng táo tợn nhằm mục tiêu cuối cùng là đẩy các nước ngoài khu vực ra khỏi Biển Đông, xâm chiếm các thực thể và vùng biển thuộc quyền chủ quyền, quyền tài phán của các nước ven Biển Đông.

Hiện định nghĩa và sự hiểu biết về những gì tạo nên các hoạt động trong “vùng xám” vẫn còn mơ hồ, như bản thân thuật ngữ này hàm ý. Những hành động có tính chất lật đổ này thường nằm dưới ngưỡng xung đột vũ trang và có thể không nhất thiết được coi là hành động chiến tranh, nhưng vẫn đạt được mục tiêu khẳng định quyền kiểm soát một khu vực. Trong những năm trước và sau phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài vụ kiện Biển Đông có lợi cho Philippines, Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh chiến thuật “vùng xám” trên biển để thúc đẩy lợi ích của nước này. Những hành động này bao gồm: xây dựng đảo nhân tạo và các cơ sở quân sự trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines, dựa vào lực lượng dân quân hàng hải để đuổi ngư dân Philippines ra khỏi ngư trường truyền thống của họ.

Trung Quốc không gắn nhãn “vùng xám” để mô tả cách tiếp cận của nước này, song việc triển khai các chiến thuật trên ở Biển Đông chính là nguyên nhân gây bất ổn trong khu vực, làm xói mòn các quy tắc chi phối không gian hàng hải. Bắc Kinh gọi những hành động này là “bảo vệ quyền hàng hải” hay “sử dụng lực lượng quân sự trong thời bình”. Bất kể thuật ngữ nào được sử dụng, rõ ràng các hoạt động tấn công này chỉ là sự ngụy trang cho chiến dịch bành trướng của Trung Quốc nhằm kiểm soát toàn bộ Biển Đông. Do đó, thuật ngữ “vùng xám” là một phạm trù không hữu ích để mô tả mức độ các chiến thuật của Trung Quốc – vốn là một chức năng trong ý đồ chiến lược rộng lớn hơn nhằm triển khai sức mạnh quân sự.

Theo nhận định của giới chuyên gia, khái niệm “vùng xám” gần đây được Trung Quốc triển khai mạnh mẽ hơn qua sự phối kết hợp chặt chẽ hơn giữa Lực lượng Hải cảnh và lực lượng dân quân biển của nước này với những phương tiện lớn hơn và được trang bị hiện đại hơn và cách triển khai ngày càng táo tợn hơn. Trong hơn một năm nay, chiến lược “vùng xám” đã được Trung Quốc triển khai mạnh mẽ hơn với cấp độ ngày càng nguy hiểm hơn. Lực lượng Hải cảnh và lực lượng dân quân biển của Trung Quốc thường xuyên tiến hành các hoạt động diễn tập nguy hiểm để ngăn chặn và quấy rối Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines (PCG) và Lực lượng Vũ trang Philippines (AFP) đang thực hiện các nhiệm vụ tiếp tế cho tàu BRP Sierra Madre ở Bãi Cỏ Mây.

Từ chỗ rượt đuổi, vây ráp, chặn đầu tới việc chiếu tia lazer cấp độ quân sự nguy hiểm và phun vòi rồng, đâm va, thậm chí gây thương tích. Ngoài ra, Trung Quốc còn sử dụng chiến thuật bầy đàn, di chuyển cùng nhau với số lượng lớn để đe dọa các tàu của Philippines. Các hình ảnh vệ tinh đã phát hiện hàng chục, có lúc là hàng trăm tàu cá giả danh của Trung Quốc tập trung trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Theo các chuyên gia quân sự, chiến lược “vùng xám” của Bắc Kinh được thực hiện với Philippines dưới mô hình “bắp cải” với vòng tròn 3 lớp: trong cùng là các tàu dân quân biển giả danh tàu cá hoạt động quấy nhiễu; lớp thứ hai các các tàu hải cảnh sẵn sàng tham gia các hoạt động cưỡng ép bao gồm chiếu tia lazer cấp độ quân sự, phun vòi rồng, đâm va nhưng ở mức dưới mức xung đột quân sự; và lớp ngoài cùng là các tàu chiến của lực lượng hải quân dưới sự chỉ đạo của Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) quan sát, theo dõi từ xa để hỗ trợ. Như vậy, tham gia vào chiến lược “vùng xám” của Bắc Kinh gồm tàu dân quân trên biển núp dưới danh nghĩa tài cá; tàu hải cảnh; tàu hải quân và máy bay tuần tra trên biển nhằm quấy rối, tạo sự đe doạ nhiều tầng nấc.

Một số chuyên gia cho rằng chiến lược vùng xám hiện nay được Trung Quốc nâng cấp thêm một bước với mức độ nguy hiểm cao hơn hay nói cách khác Trung Quốc đã “quân sự hóa” các hoạt động “vùng xám” với lực lượng chủ chốt là Hải cảnh. Chính sự mơ hồ trong khái niệm “vùng xám” đã cho phép Trung Quốc phát triển mạnh trong việc sử dụng các hoạt động được phân loại như vậy. Thay vì thuật ngữ “vùng xám”, một mô tả chính xác hơn để giải thích, để hiểu và cuối cùng là giải quyết các biện pháp cưỡng chế, Trung Quốc gọi chúng là “chiến lược kết hợp” (hybrid strategy). Sẽ vô ích nếu gộp các phương pháp quân sự hóa và phi quân sự hóa của Trung Quốc vào “vùng xám” vì nó che khuất các công cụ cần thiết có thể khai thác để chống lại chúng. Mặc dù điều này có thể được coi là một sự thay đổi đơn giản về ngôn từ, nhưng việc chuyển đổi khuôn khổ sang một chiến lược kết hợp sẽ cho phép sự linh hoạt trong việc giải quyết các biện pháp cưỡng chế mà Bắc Kinh đang áp dung trong vùng biển của Philippines.

Tiến sĩ Peter Layton, nghiên cứu viên tại Viện Griffith Châu Á thuộc Đại học Griffith của Úc, nhận định: “Các hành động vùng xám không phải là hành động của các chỉ huy chiến thuật tự tung tự tác” mà được triển khai theo “một kế hoạch chiến dịch được thiết kế cẩn thận”. Theo ông Layton, xét cho cùng các hành động được gọi là “vùng xám” đều “dựa vào sức mạnh cứng do PLA cung cấp”. Ông Layton nhấn mạnh: “Nếu không có PLA, các hoạt động vùng xám của Trung Quốc sẽ rất khác biệt và hiệu quả kém hơn nhiều”.

Chỉ trong tháng 3 vừa qua, các tàu hải cảnh của Trung Quốc đã 2 lần phun vòi rồng và đâm va vào tàu công vụ của Philippines và trong cả 2 lần đều làm bị thương các thủy thủ của Philippines. Chiến lược “vùng xám” lúc này được phối hợp chặt chẽ với các biện pháp chình trị, ngoại giao và tuyên truyền của Bắc Kinh. Trong khi xảy ra các vụ va chạm nói trên, các quan chức Bắc Kinh và các cơ quan truyền thông Trung Quốc lớn tiếng đổ lỗi cho Manila vi phạm thỏa thuận về cái gọi là “không đưa vật liệu xây dựng tới Bãi Cỏ Mây” mà Trung Quốc đã đạt được với chính quyền tiền nhiệm của ông Duterte trước đây, đồng thời phê phán Manila không đáp ứng đề nghị của Bắc Kinh về các biện pháp giảm căng thẳng mà phía Trung Quốc đã nêu ra trong đàm phán nội bộ giữa hai bên.

Với những gì diễn ra trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines gần Bãi Cỏ Mây trong tháng 3, giới chuyên gia cho rằng chiến thuật “vùng xám” của Trung Quốc đã có “biến tấu mới”. Theo đó, các biện pháp cưỡng chế của Trung Quốc có thể được phân loại thành hoạt động quân sự hóa hoặc phi quân sự hóa. Các hoạt động quân sự hóa có sự tham gia của Lực lượng Hải cảnh Trung Quốc và lực lượng dân quân biển bằng cách sử dụng các phương pháp từ theo dõi và tập trung cho đến các hoạt động diễn tập nguy hiểm, sử dụng vòi rồng, đâm va, gây thương tích. Trong khi đó, hoạt động phi quân sự hóa sử dụng các biện pháp ngoại giao chính thức và thao túng thông tin.

Ngoài các biện pháp quân sự hóa, chính trị và ngoại giao, các hoạt động cưỡng bức của Trung Quốc còn được củng cố bằng các chiến dịch thông tin truyền thông lan tràn tại các cuộc thảo luận ở trong nước. Chẳng hạn như có một câu chuyện đang diễn ra trên mạng xã hội ở Philippines rằng Lực lượng Hải cảnh Trung Quốc là một cơ quan dân sự, điều đó có nghĩa những hành vi mà hải cảnh Trung Quốc gây ra với các tàu và thủy thủ của Philippines chỉ là các hoạt động mang tính dân sự; việc chống lại các hoạt động do hải cảnh Trung Quốc dẫn đầu ở Biển Đông không nhất thiết phải viện dẫn Hiệp ước phòng thủ chung của Philippines với Mỹ. Câu chuyện còn ngụ ý rằng vì những cuộc đụng độ này là giữa lực lượng bảo vệ bờ biển của hai nước, nên Philippines phải dựa vào khả năng (có giới hạn) của mình thay vì tìm kiếm sự giúp đỡ từ các quốc gia, đồng minh hoặc đối tác có cùng chí hướng. Điều này giúp Bắc Kinh có thể lớn tiếng vu cáo Manila “lôi bè, kéo cánh” khiêu khích. Như vậy, việc duy trì sự mơ hồ về “vùng xám” mang lại lợi ích cho Bắc Kinh.

Để đối phó với chiến lược “vùng xám” của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế ở Biển Đông, chính quyền của Tổng thống Marcos Jr. đã triển khai tổng hợp các biện pháp đấu tranh, cụ thể là: (i) khẳng định và đề cao giá trị phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài Thường trực, đồng thời khẳng định quyết tâm bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán trên các vùng biển được xác định theo UNCLOS (kể cả ở cấp cao nhất). Tổng thống Marcos nhiều lần khẳng định sử dụng phán quyết 2016 để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và nhấn mạnh “không cho phpé một milimet quyền hàng hải và bờ biển của đất nước bị chà đạp”; (ii) phản đối qua đường ngoại giao bằng việc triệu Đại sứ Trung Quốc tại Manila, trao công hàm ngoại giao phản đối. Ở cấp cao nhất, Tổng thống Philippines Marcos Jr. triệu Đại sứ Trung Quốc đến để phản đối tàu hải cảnh Trung Quốc chiếu tia lazer cấp độ quân sự nguy hiểm vào tàu công vụ của Philippines tháng 2/2023; (iii) chính quyền Manila dưới thời Tổng thống Marcos Jr. công khai hóa các thông tin liên quan tới hoạt động “vùng xám” của Trung Quốc ở Biển Đông, tổ chức cho phóng viên nước ngoài đi theo trên các tàu tiếp tế để ghi lại những hình ảnh hung hăng của tàu hải cảnh và tàu dân quân biển Trung Quốc, công bố hình ảnh, video, đoạn ghi âm các hoạt động tàu Trung Quốc gây hấn hung hăng với các tàu Philippines; (iv) củng cố sức mạnh cho các các lực lượng chức năng bảo vệ biển và tăng cường tuần tra trên biển, trên không trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Theo công bố của Manila, năm 2023, số lượng các cuộc tuần tra biển tại Biển Đông của quân đội Philippines tăng 30% so với năm 2022, tàu Bonifacio là một trong các tàu tuần tra biển lớn nhất do Mỹ hỗ trợ đã triển khai các cuộc tuần tra ở Biển Đông; (v) Philippines đã thắt chặt quan hệ đồng minh với Mỹ, tăng cường quan hệ hợp tác quốc phòng an ninh trên biển với nhiều đồng minh của Mỹ như Nhật Bản, Australia, Canada, Pháp, Đức…. Triển khai các cuộc tuần tra song phương với Mỹ, Australia hay tập trận đa phương với Mỹ, Nhật Bản, Australia ở Biển Đông. Đáng chú ý, mới đây đã thiết lập cơ chế hợp tác 3 bên Mỹ, Nhật Bản-Philippines tại Hội nghị thượng đỉnh 3 bên ở Washington hôm 11/4/2024. Tóm lại, điểm mới trong chiến lược “vùng xám” gần đây của Bắc Kinh là được kết hợp trong một tổng thể các biện pháp từ việc hoạt động “bầy đàn” về số lượng tàu dưới mô hình “bắp cải” gồm 3 tầng nấc; với sự phối kết hợp đồng bộ các hoạt động quân sự hóa, chính trị và ngoại giao hóa cùng với các chiến dịch tuyên truyền tạo ra một chiến thuật kết hợp nhiều biện pháp để gia tăng cưỡng ép Philippines nhằm thực hiện mục tiêu khống chế, thôn tính Biển Đông mà không để leo thang thành xung đột quân sự. Chính những điểm mới này đang gây khó cho việc can thiệp của Mỹ mặc dù Washington nhiều lần khẳng định Hiệp ước phòng thủ chung năm 1951 được áp dụng trong trường hợp Philippines bị tấn công quân sự ở Biển Đông. Giới chuyên gia cho rằng trước những “biến tấu mới” trong chiến lược “vùng xám” của Bắc Kinh, chính quyền Manila đang đi đúng hướng trong triển khai một loạt biện pháp đồng bộ để ứng phó.

RELATED ARTICLES

Tin mới