Tuesday, January 21, 2025
Trang chủBiển nóngXung đột trên biểnHoạt động gây hấn của Bắc Kinh trong vùng biển Việt Nam...

Hoạt động gây hấn của Bắc Kinh trong vùng biển Việt Nam ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ

Giữa lúc dư luận quốc tế đang tập trung theo dõi những hành động gây hấn của tàu hải cảnh, tàu dân quân biển Trung Quốc nhằm vào các tàu của Philippines ở Biển Đông thì hôm 06/6/2024, Hà Nội đưa ra tuyên bố phản đối, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay hoạt động khảo sát trái phép của tàu Hải Dương 26 trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), thềm lục địa của Việt Nam.

Tuyên bố của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh: “Việt Nam hết sức quan ngại, kiên quyết phản đối và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay hoạt động khảo sát trái phép của tàu Hải Dương 26 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam được xác lập phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982); không tái diễn các hoạt động trái phép tương tự, tôn trọng đầy đủ quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, tôn trọng luật pháp quốc tế và tuân thủ UNCLOS 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), thực hiện nghiêm túc nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước về việc kiểm soát, giải quyết tốt hơn bất đồng trên biển, duy trì đà phát triển của quan hệ song phương, đóng góp tích cực, trách nhiệm cho hòa bình, ổn định ở Biển Đông”.

Việc Hà Nội chủ động đưa ra tuyên bố nói trên là một diễn biến hết sức bất ngờ bởi trước đó hầu như không chuyên gia hay học giả nào đề cập tới hoạt động của con tàu Hải Dương 26 trong vùng biển Việt Nam. Chỉ sau khi Hà Nội công bố vụ việc thì giới chuyên gia và hãng truyền thông nước ngoài mới đưa ra các bình luận, đánh giá về hoạt động gây hấn này của Bắc Kinh đối với Hà Nội. Tuy nhiên trên một số kênh truyền thông đã có sự nhầm lẫn về 2 con tàu Hải Dương 26 của Trung Quốc. Do vậy, cần làm rõ danh tính 2 con tàu này để giúp đánh giá mức độ nghiêm trọng của vụ việc.

Thứ nhất, hôm 24/5, hãng tin trung ương Trung Quốc ECNS đưa tin tàu Hải Dương Địa Chất 26 (Hải Dương 26), được đưa vào hoạt động tại Trung tâm khảo sát địa chất hải dương Hải Khẩu của Cục khảo sát địa chất Trung Quốc ở tỉnh Hải Nam, miền nam Trung Quốc, sau 21 tháng xây dựng. Đây là tàu nghiên cứu khoa học đa chức năng đầu tiên ở Trung Quốc được triển khai để khảo sát và nghiên cứu địa chất toàn diện liên quan đến các đảo (rạn san hô). Tàu được hạ thủy vào tháng 12/2023, hoàn thành thử nghiệm toàn diện tháng 4/2024 và ngày 24/5/2024, tàu chính thức được đưa vào biên chế của Trung tâm khảo sát địa chất hải dương Hải Khẩu, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc.

Con tàu này có chiều dài 63,5 mét, rộng 12,6 mét và sâu 4,6 mét với mớn nước thiết kế 3,2 mét. Tàu có thể chứa 34 thành viên thủy thủ đoàn và có tầm hoạt động 3.500 hải lý với thời gian hoạt động 35 ngày. Con tàu được trang bị 32 bộ công nghệ và thiết bị khảo sát địa chất biển tiên tiến, như hệ thống khoan kỹ thuật đại dương, hệ thống âm thanh tĩnh, nhiều hệ thống khảo sát địa vật lý và hệ thống hỗ trợ vận hành đại dương, nghiên cứu khoáng sản và năng lượng biển và thăm dò toàn diện tài nguyên thiên nhiên ở Biển Đông, các thiết bị điện tử để thu thập dữ liệu dưới đáy biển, đảm bảo thu thập dữ liệu chính xác hơn ở vùng biển ngoài khơi trong các điều kiện thời tiết. Trung Quốc nói việc triển khai hoạt động ban đầu của tàu ở Biển Đông, ngoài khơi tỉnh Hải Nam, là để góp phần bảo vệ các rạn san hô và phát triển các cấu trúc đảo của Trung Quốc trong khu vực.

Theo dõi của Dự án Đại sử ký Biển Đông qua AIS cho thấy tàu Hải Dương Địa Chất 26 này vẫn đang neo đậu tại cảng Hải Khẩu (Hải Nam, Trung Quốc) từ 24/5 đến nay.

Thứ hai, con tàu Hải Dương 26 hoạt động bất hợp pháp trong vùng biển Việt Nam mà Hà Nội lên tiếng phản đối chính là một chiếc tàu của Hải quân Trung Quốc. Tàu này còn có tên gọi khác là Trần Cảnh Nhuận (Chen Jingrun), được đưa vào hoạt động năm 1998 và là 1 trong 9 tàu khảo sát lớp Type 636/636A của Trung Quốc, được NATO định danh là lớp Shupang. Với lượng giãn nước 5883 tấn, dài 129 mét, rộng 17 mét, con tàu này có khả năng hoạt động liên tục trên biển trong khoảng thời gian lên đến 2 tháng.

Các tàu này chuyên thu thập dữ liệu đáy biển và môi trường biển cho hoạt động của tàu ngầm. Địa bàn hoạt động của nó cũng chính là nơi mà các tàu ngầm Trung Quốc sẽ hoặc đang hoạt động. Vì là một tàu Hải quân Trung Quốc nên thông thường tàu Hải Dương 26 không bật tín hiệu AIS. Sự hiện diện và hoạt động của nó khó có thể được theo dõi qua các công cụ tình báo nguồn mở (OSINT) chẳng hạn như thông qua các trang theo dõi tàu biển. Vì thế hoạt động của nó trong vùng biển Việt Nam đặc biệt nhạy cảm và chắc chắn gây ra mối lo ngại về an ninh quốc phòng cho Việt Nam. Đây có thể là mối lo ngại then chốt, khiến Việt Nam phải nhiều lần phản đối qua con đường giao thiệp ngoại giao như tuyên bố của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 06/6.

Theo một số nguồn tin riêng, tàu Hải Dương 26 của Hải quân Trung Quốc hoạt động ở vùng biển miền Trung, khu vực ngoài khơi thành phố Đà Nẵng ít nhất từ tháng 5/2024. Con tàu này thường xuyên di chuyển theo trục tây bắc – đông nam trong lúc tiến hành khảo sát. Có thời điểm nó tiến đến gần bán đảo Sơn Trà ở khoảng cách chỉ khoảng 40 hải lý về phía đông bắc. Tàu KN-309 của Chi đội 3 – Cục Kiểm ngư Việt Nam đã tiếp cận, đẩy đuổi tàu khảo sát thủy văn Hải Dương 26 của Hải quân Trung Quốc đang hoạt động trái phép trong vùng đặc quyển kinh tế của Việt Nam.

Đây không phải là lần đầu tiên Bắc Kinh có hành động gây hấn trong vùng biển khu vực miền Trung Việt Nam. Cách đây đúng 10 năm, vào năm 2014, Trung Quốc đã cho hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa miền Trung Việt Nam gây phẫn nộ trong người dân khiến xảy ra nhiều hoạt động “bài Hoa” trong công chúng. Trong những năm tiếp theo, Trung Quốc liên tục đưa các tàu khác như tàu Tàu khảo sát Địa chất Hải Dương 8 vào năm 2019; tàu Hướng Dương Hồng 10 đươc dự hộ tống của tàu hải cảnh và tàu dân quân biển Trung Quốc trong năm 2023 đến “thăm dò”, “khảo sát” trong vùng biển thuộc quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam theo các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982.

Giới quan sát nhận định ngày 01/3/2024 Trung Quốc tuyên bố xác lập “đường cơ sở thẳng” ở Vịnh Bắc Bộ khiến phía Việt Nam quan ngại, lên tiếng đề nghị Trung Quốc tôn trọng và tuân thủ Hiệp định về phân định lãnh hải, thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế trong Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc đã được ký kết năm 2000 cũng như UNCLOS. Dù Trung Quốc tuyên bố “đường cơ sở” trong Vịnh Bắc Bộ không ảnh hưởng đến Việt Nam nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ rất cao nếu Trung Quốc “thực thi chấp pháp” trên biển theo “đường cơ sở”, gây khó khăn cho ngư dân Việt Nam và có thể cản trở hoạt động hợp pháp của Việt Nam ở vùng biển Vịnh Bắc Bộ, đồng thời có thể làm leo thang thêm căng thẳng và tranh chấp trong khu vực.  Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Biển Đông mô tả “đường cơ sở thẳng” của Trung Quốc ở Vịnh Bắc Bộ là “quá mức”; đồng thời nhấn mạnh những hậu quả tiềm ẩn của động thái này, bao gồm sự chồng chéo ngày càng mở rộng giữa vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc và các khu vực mà Việt Nam và Trung Quốc cùng sử dụng để đánh bắt cá. Trong bối cảnh đó, việc Bắc Kinh cho tàu Hải Dương 26 của Hải quân hoạt động trong vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ khiến Hà Nội càng thêm lo ngại. Động thái mới này cho thấy Bắc Kinh không từ bỏ âm mưu thống trị Biển Đông và chứng minh rằng họ sẽ không “nương tay” với bất kỳ quốc gia nào dù là Philippines, Việt Nam, Malaysia hay Indonesia trong việc hiện thực hóa mưu đồ độc chiếm Biển Đông. Việc chính quyền Hà Nội chủ động công khai các hoạt động đấu tranh ngoại giao yêu cầu Trung Quốc rút tàu Hải Dương 26 cho thấy Hà Nội nhận thức rõ về tính nguy hại từ những hoạt động hung hăng, bất hợp pháp của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Vì sao Hải quân Trung Quốc đưa tàu khảo sát vào hoạt động trong vùng biển Việt Nam vào thời điểm hiện nay? Một số chuyên gia đã đưa ra những lý do như:

(i) Đây là một trong những hoạt động thuộc “chiến thuật vùng xám” mà Trung Quốc đang tăng cường thực hiện để khẳng định yêu sách chủ quyền của mình trên Biển Đông. Mục tiêu xuyên suốt của Bắc Kinh là thôn tính Biển Đông nên không chỉ riêng Philippines mà tất cả các nước có vùng biển nằm trong yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc sẽ đều là địa chỉ mà “chiến thuật vùng xám” của Bắc Kinh nhắm tới. Việc Hải quân Trung Quốc điều tàu Hải Dương 26 tới hoạt động trong vùng biển miền Trung Việt Nam còn nhằm phục vụ hoạt động quân sự của tàu Trung Quốc trong tương lai, bao gồm tàu ngầm trong mưu đồ quân sự hóa Biển Đông của Bắc Kinh. Đây là một động thái hết sức nguy hiểm.

(ii) Trong bối cảnh Philippines đang đẩy mạnh hợp tác an ninh, quốc phòng với Mỹ trong khuôn khổ đồng minh Hiệp ước phòng thủ chung năm 1951, triển khai tuần tra chung với Mỹ, Úc, Nhật ở Biển Đông, việc tàu Hải Dương 26 của Hải quân Trung Quốc hoạt động trong vùng biển Việt Nam nhằm tạo sự răn đe Hà Nội “chớ có theo gương Manila dẫn “sói” về nhà”. Mặt khác, các chuyên gia quân sự cho rằng việc Trung Quốc triển khai tàu Hải Dương 26 hoạt động ở vùng biển gần Hoàng Sa nhằm đáp lại các hoạt động tự do hàng hải (FONOP) của Mỹ ở khu vực quần đảo Hoàng Sa thời gian gần đây.

(iii) Hiện Việt Nam và Trung Quốc đang tiến hành đàm phán về phân định khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ. Một số chuyên gia nhận định không loại trừ sự hiện diện của tàu Hải Dương 26 có thể nhằm tạo sức ép với phía Việt Nam trên bàn đàm phán, đây là cách thức mà Bắc Kinh thường xuyên sử dụng trong việc gây áp lực với các nước láng giềng ven Biển Đông. Một ý đồ trong việc triển khai tàu Hải Dương 26 của Hải quân Trung Quốc tại vùng biển thuộc quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam còn nhằm khẳng định quyền chủ quyền vô căn cứ hoặc thu thập dữ liệu để sử dụng trong các cuộc đàm phán này. Ngoài ra, nó còn là vấn đề tranh cãi pháp lý liên quan đến các tàu quân sự nước ngoài hoạt động trong vùng EEZ.

Theo một số nguồn tin, tàu Hải Dương 26 của Hải quân Trung Quốc đã rời khỏi vùng biển Việt Nam sau khi Bộ Ngoại giao Việt Nam đưa ra tuyên bố phản đối. Giới chuyên gia nhận định đây là dấu hiệu tích cực cho thấy phản ứng ngoại giao và sự công khai của phía Việt Nam đã có tác dụng. Điều này tương tự với nỗ lực gần đây của Philippines trong việc minh bạch hóa các hoạt động của tàu bè Trung Quốc ở Biển Đông, tạo nên áp lực dư luận đáng kể lên Bắc Kinh. Điều này cho thấy Bắc Kinh không muốn hình ảnh xấu thêm trong dư luận quốc tế và việc kiên quyết đấu tranh công khai minh bạch khiến Bắc Kinh phải cân nhắc về hành động của mình. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng các sự kiện như thế vẫn có thể sẽ tái diễn trong tương lai vì Trung Quốc sẽ không từ bỏ ý đồ độc chiếm Biển Đông. Giới chuyên gia cũng cảnh báo nếu Bắc Kinh tiếp tục gia tăng các hoạt động hung hăng với các nước láng giềng ven Biển Đông có thể sẽ đẩy các nước này xích lại gần Mỹ hơn như trường hợp Philippines trong thời gian gần đây, đồng thời khiến các nước nạn nhận của hành động gây hấn đoàn kết với nhau hơn trong cuộc đối đầu với Trung Quốc ở Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới