Thị trường bất động sản suy thoái kéo dài, tình trạng việc làm bấp bênh… là hai trong nhiều nguyên nhân khiến kinh tế Trung Quốc suy giảm trong quý 2 năm nay.
Hãng tin Reuters dẫn dữ liệu chính thức cho biết tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Trung Quốc đạt mức tăng trưởng 4,7% trong quý 2, giảm so với mức 5,3% của quý trước và là mức tăng trưởng chậm nhất kể từ quý 1-2023.
Ông Lynn Song, chuyên gia kinh tế hàng đầu phụ trách khu vực Trung Quốc đại lục của Tập đoàn ING, cho biết: “Nhìn chung, dữ liệu GDP đáng thất vọng hiện nay cho thấy con đường đạt được mục tiêu tăng trưởng 5% của quốc gia vẫn còn nhiều thách thức”.
“Giá bất động sản và cổ phiếu giảm, cùng với đó là mức tăng trưởng lương thấp trong bối cảnh nhiều ngành công nghiệp đang cắt giảm chi phí… Tất cả các lý do này tạo nên hiệu ứng tài sản tiêu cực khiến người dân chỉ quan tâm làm sao để “ăn đủ, mặc ấm” thay vì “ăn ngon, mặc đẹp””, ông Lynn nhận định.
Đáng lo ngại nhất, lĩnh vực tiêu dùng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có mức tăng trưởng bán lẻ thấp nhất trong 18 tháng qua. Nguyên nhân đến từ áp lực giảm phát buộc các doanh nghiệp phải giảm giá thành tất cả sản phẩm, từ quần áo, thức ăn đến xe cộ.
Cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài nhiều năm qua tại Trung Quốc đã trở nên trầm trọng hơn vào tháng 6 năm nay, khi giá nhà mới giảm với tốc độ nhanh nhất trong vòng chín năm qua. Tình trạng này đã làm suy giảm lòng tin của người tiêu dùng cũng như hạn chế khả năng tạo ra các nguồn quỹ mới thông qua việc bán đất của chính quyền các địa phương ở Trung Quốc, vốn đang ngập trong nợ nần.
Để đối phó với tình trạng nhu cầu nội địa yếu và khủng hoảng bất động sản, Trung Quốc đã tiến hành thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng và rót vốn vào sản xuất công nghệ cao.
Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 5% vào năm 2024, một mục tiêu mà nhiều nhà phân tích cho là đầy tham vọng và có thể cần nhiều biện pháp kích thích hơn.
T.P