Thursday, November 21, 2024
Trang chủPháp luật biểnVăn bản pháp lý quốc tếLiệu Mỹ có phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về Luật...

Liệu Mỹ có phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển không?

Ngày 10/12/1982, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) chính thức được ký kết, có hiệu lực từ ngày 16/11/1994. Trải qua hơn 40 năm, UNCLOS 1982 không chỉ là một văn kiện pháp lý quốc tế có giá trị phổ quát, giúp các quốc gia thiết lập được trật tự pháp lý toàn diện, công bằng, hòa bình trên biển, mà còn có giá trị hướng về tương lai, phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững của nhân loại. Đến nay, cả thế giới đã có 168 thành viên, gồm các quốc gia, vùng lãnh thổ và thể chế tham gia UNCLOS 1982.

Thế nhưng, Mỹ – cường quốc hàng đầu thế giới và cũng là quốc gia sở hữu hàng ngàn hải lý biển mà cho đến nay, vẫn chưa ký kết Công ước này. Lý do nào mà Mỹ lại chưa tham gia, hiện tại và tương lai sắp tới, Mỹ sẽ ứng xử thế nào đối với UNCLOS 1982 là những vấn đề được cộng đồng quốc tế, nhất là các quốc gia có biển rất quan tâm, trong đó có cả các chính khách, giới tinh hoa chính trị và giới chuyên gia nghiên cứu của cả Mỹ và các nước.

Lý do nào khiến Mỹ đến nay, vẫn chưa ký kết UNCLOS 1982…

Với việc có nhiều đóng góp vào trong các chế định và văn bản quy phạm pháp luật quốc tế đương đại quan trọng của thế giới, trong đó có cả UNCLOS 1982, có thể nói, Mỹ chính là một trong những quốc gia nhiệt thành trong quá trình đàm phán để hình thành nên UNCLOS 1982. Thế nhưng, khi Bộ Luật nay được hoàn tất, thì Chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Ronald Reagan (1981 – 1989) lại “lắc đầu” không ký, khiến dư luận khá bất ngờ. Cho đến nay, Mỹ vẫn chưa phê chuẩn tham gia UNCLOS 1982, nguyên nhân có nhiều, nhưng chủ yếu là do nội bộ lãnh đạo nước này thiếu sự đồng thuận, đặc biệt là sự phản đối mạnh mẽ của phe bảo thủ trong Quốc hội Mỹ. Theo đó, phe này đưa ra nhiều lập luận, trong đó tập trung vào hai vấn đề sau:

Thứ nhất, phe bảo thủ trong chính giới Mỹ luôn nhất quán cho rằng: Đã là quốc gia hùng mạnh rồi thì không cần luật, Mỹ đã có đầy đủ tiêu chí là “siêu cường”, là quốc gia hùng mạnh nhất toàn cầu rồi nên không cần thiết phải tham gia UNCLOS. Hơn nữa, xét ở tầm vĩ mô, Bộ Luật này không có lợi cho kinh tế và an ninh của nước Mỹ, nên dù có ai phê phán, chỉ trích thì Mỹ cũng không cần tham gia.

Thực tế cho thấy, sau khi UNCLOS 1982 ra đời, đã có ít nhất hai lần Công ước này được trình ra trước Quốc hội Mỹ vào năm 1994 dưới thời Tổng thống Bill Clinton và năm 2007 dưới thời Tổng thống George W.Bush. Thế nhưng, cả hai lần đều bị ngăn chặn bởi những nhân vật bảo thủ hàng đầu, có ảnh hưởng lớn ở Mỹ, nhất là quan điểm “cứng rắn” của hai Thượng nghị sĩ là Jim DeMint và James Inhofe của đảng Cộng hòa. Ngoài ra, một số chính trị gia và học giả khác có uy tín ở Mỹ có cùng quan điểm bảo thủ cũng cực lực phản đối việc ký kết UNCLOS. Lập luận của phe này chủ yếu dựa vào những quy tắc của chủ nghĩa quốc gia bảo thủ. Theo ông Jim DeMint, Mỹ đã là một cường quốc biển từ lâu, đã hiện diện khắp mọi nơi trên thế giới và có quyền tự do hàng hải từ lâu đời, nên không việc gì phải ký UNCLOS. Tương tự, học giả Steven Groves thuộc Quỹ Heritage Foundation cũng khẳng định, Washington đang sở hữu lực lượng hải quân tốt nhất thế giới, có đủ sức đảm bảo quyền tự do hàng hải trên các vùng biển mà chẳng bị ràng buộc bởi bất cứ công ước, cơ quan hay tổ chức nào. Chưa hết, trong bài viết ngày 05/6/2024 mới đây, ông Steven Groves mặc dù đã thừa nhận Công ước về Luật Biển là văn bản đồ sộ, có giá trị pháp lý cao, nhưng vẫn cho rằng Bộ Luật này “vẫn có nhiều sai sót nghiêm trọng”. Mỹ không nên tham gia vì khi tham gia, Mỹ chỉ có “mất” mà không được lợi gì trong việc ngăn chặn Trung Quốc ở Biển Đông, bảo vệ quyền lợi của Mỹ ở Bắc Cực và khai thác khoáng sản dưới đáy biển sâu. Đặc biệt, ông Steven Groves còn nhấn mạnh, nếu tham gia vào UNCLOS thì sẽ làm cho Mỹ mất đi một nguồn lợi doanh thu lớn từ hoạt động khai thác dầu khí trên thềm lục địa mở rộng (ECS) của Mỹ do Cơ quan đáy biển quốc tế (ISA) thực hiện, khi cơ quan này phân phối lại cho các nước khác. Hơn nữa, Mỹ còn phải đối mặt với các vụ kiện liên quan đến vấn đề biển với nhiều khoản chi phí rất lớn. Trong khi phe chống đối ra sức ngăn cản thì có một thực tế khác, đó là vào thời điểm UNCLOS hoàn tất, Chính quyền Reagan cũng như lưỡng viện trong Quốc hội Mỹ không hài lòng với các nội dung nói về đáy biển, tài nguyên đáy biển (được xác định là tài sản chung của nhân loại) và phương pháp khai thác thương mại chúng, được đề cập trong chương XI của UNCLOS. Đây là một trong những lý do cơ bản khiến Chính quyền Reagan không thể ký UNCLOS 1982 ngay sau khi Công ước này hoàn tất. 

Không những thế, phe phản đối còn cho rằng, nếu tham gia UNCLOS thì không ai khác mà chính Mỹ sẽ tự mình hạn chế quyền tự do hàng hải của mình. Bởi vì hiện nay, tàu thuyền của Mỹ có thể di chuyển đến bất kỳ nơi đâu trên các vùng biển thế giới, trừ vùng nội thủy của các nước khác, và vẫn có “quyền đi lại không gây hại” ở vùng lãnh hải của bất cứ quốc gia nào. Thế nhưng, nếu tham gia UNCLOS 1982 thì Washington sẽ phải “xin phép” để được đi qua vùng đặc quyền kinh tế (EZZ) của các nước khác. Đây là điều khó có thể chấp nhận đối với một cường quốc biển như Mỹ. Ngoài ra, điều này còn dẫn tới hậu quả là, Washington bị “bó tay” khi muốn duy trì lực lượng răn đe trên biển hay thực hiện biện pháp “đu dây bên miệng hố chiến tranh” như từng điều tàu chiến đến eo biển Hormuz vào đầu năm 2012. Ngoài sự thiệt hại về kinh tế, về lĩnh vực quân sự, tính bảo mật cho những bí mật quân sự của Mỹ cũng bị ảnh hưởng nếu tham gia UNCLOS 1982 vì Washington phải chia sẻ thông tin tình báo, quân sự trên biển với ISA nếu tổ chức này yêu cầu, phải thông báo và xin phép ISA khi đi qua các eo biển quốc tế. Giới bảo thủ Mỹ cho rằng, ISA là một tổ chức quốc tế, nhưng rất “quan liêu, cồng kềnh và kém hiệu quả”, thế mà lại có quyền “yêu cầu” Mỹ báo cáo các thông tin hàng hải, quân sự thì đây không khác gì một sự “sỉ nhục” đối với một cường quốc biển như Mỹ. Xa hơn nữa, là việc ISA có quyền cho phép và thu thuế các doanh nghiệp Mỹ khi thực hiện những hoạt động trên biển. Đây cũng là điều không thể chấp nhận đối với Mỹ. Việc không tham gia UNCLOS 1982 còn phục vụ cho ý đồ nhất quán của Mỹ là mở rộng tầm ảnh hưởng ra toàn cầu, xây dựng một nền quốc phòng mạnh mẽ, có sức mạnh vượt trội, cộng với chính sách đối ngoại “cứng rắn” nhằm duy trì vai trò, vị thế “lãnh đạo” thế giới mà nước này đã và đang nắm giữ. Cố Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Donald Rumsfeld – một trong những người phản đối việc Mỹ ký kết UNCLOS, đã khẳng  định: “UNCLOS là một cuộc tranh giành quyền lực toàn diện, có thể là cơ chế phân phối lại của cải thế giới lớn nhất trong lịch sử nhân loại, một phúc lợi lớn của toàn cầu do người đóng thuế ở Mỹ cung cấp. Nhưng cơ chế quản lý toàn cầu không hợp lý này, lại không chịu trách nhiệm trước yêu cầu chính trị của cử tri Mỹ, đi ngược lại các nguyên tắc lập pháp dân chủ và tự trị của chính phủ Mỹ, đe dọa nền tảng lập quốc của Mỹ”.

Thứ hai, tuy chưa tham gia ký kết Công ước, nhưng các hoạt động trên biển của Mỹ cơ bản tuân thủ đúng các quy định của UNCLOS 1982 rồi, nên không cần tham gia vào Công ước này nữa. Hiện nay, về cơ bản, Mỹ không phải là thành viên của UNCLOS, nên về mặt hình thức, Mỹ không có trách nhiệm tuân thủ các điều khoản của Công ước. Tuy nhiên, vào năm 1982, không lâu sau khi nhậm chức, Chính quyền Reagan ngoài việc không ký UNCLOS 1982, còn tiến hành thực hiện một cuộc rà soát chính sách của Mỹ có liên quan đến Công ước này. Qua rà soát, Mỹ cho rằng, các quy định của UNCLOS 1982 về cơ bản phù hợp với các tập quán công pháp quốc tế. Trong khi đó, Mỹ cơ bản đã thực hiện đúng các tập quán công pháp quốc tế và đã tự cam kết trách nhiệm tuân thủ hầu hết các điều khoản như đã nêu trong UNCLOS từ rất lâu rồi, chỉ khác là những điều này chỉ nằm dưới dạng tập quán công pháp mà thôi. Việc Mỹ tuyên bố vùng lãnh hải, xác định các vùng quyền chủ quyền của Mỹ và việc giải quyết các khác biệt ranh giới biển với các quốc gia láng giềng, đều dựa trên cơ sở thỏa thuận, tự nguyện, đôi bên cùng có lợi. Tranh chấp phân định ranh giới biển ồn ào nhất mà Mỹ từng “vướng vào” là việc xác định ranh giới thềm lục địa tại Vịnh Maine đầu thập niên 1980 với Canada. Để giải quyết tranh chấp này, thay vì dùng vũ lực quân sự chiếm đảo, hay “quần thảo” trên vùng biển nước bạn đến tận gần lãnh hải bằng tàu đánh cá có trang bị vũ khí, hay các tàu hải trình như Trung Quốc từng làm với một số nước ở Biển Đông, Mỹ chấp thuận yêu cầu của Canada, đó là đưa tranh chấp này ra xét xử tại Tòa án Công lý quốc tế. Sẽ là không thực tế nếu cho rằng, Mỹ đã làm tròn nghĩa vụ của một cường quốc hàng hải nên không nhất thiết phải phê chuẩn Công ước, để từ đó trở thành thành viên của UNCLOS. Tuy nhiên, từ các thông tin trên cho thấy, Chính quyền Mỹ đã nhận thức rất rõ nghĩa vụ tuân thủ của mình đối với hầu hết các điều khoản nằm trong UNCLOS 1982 dưới dạng các nguyên tắc pháp lý phổ quát. Nếu nói về trách nhiệm của một nước lớn đối với các vấn đề trên biển, thì dư luận sẽ nói rằng, Mỹ vẫn là một đối tác đáng tin cậy hơn Trung Quốc rất nhiều, vì thế Mỹ sẽ tiếp tục với những gì đã làm, không cần phê chuẩn UNCLOS 1982.

Và phải chăng nội bộ nước Mỹ tất cả đều đồng thuận

Mặc dù vấn đề tham gia ký kết UNCLOS 1982 đã hai lần bị phủ quyết trước Quốc hội, nhưng vấn đề gia nhập Công ước vẫn tiếp tục được nội bộ nước Mỹ thảo luận nhiều. Ngoài việc một số quan chức lãnh đạo Mỹ như các cựu Tổng thống Bill Clinton, George W. Bush, Barack Obama, cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta đã lên tiếng ủng hộ, gần đây trong bối cảnh tình hình địa chính trị thế giới có nhiều chuyển biến phức tạp, cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung diễn ra căng thẳng, quyết liệt hơn, nhất là trên Biển Đông, vùng biển có vị trí địa chiến lược to lớn, thì ngày càng có nhiều người thuộc các chính giới khác nhau ở Mỹ, cũng như các đồng minh, đối tác của Mỹ, đã lên tiếng “hối thúc” Mỹ nên sớm phê chuẩn UNCLOS 1982. Xuất phát bởi những lý do cơ bản sau:

Thứ nhất, tuy chưa phê chuẩn Công ước nhưng Mỹ lại rất tích cực kêu gọi các nước, đặc biệt là Trung Quốc tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982 đối với các hoạt động trên biển. Những năm qua, Mỹ là một trong những nước “đi đầu” trong “cuộc chiến pháp lý” với Trung Quốc ở Biển Đông. Thế nhưng, “danh chưa chính thì ngôn đâu thuận”. Do Mỹ chưa ký UNCLOS 1982 nên “trọng lượng” tiếng nói của Mỹ bị hạn chế. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Kurt Campbell khi đang nắm giữ chức vụ Điều phối viên khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, đã phát biểu tại một phiên điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ vào cuối năm 2023 rằng, Mỹ cần phải phê chuẩn UNCLOS 1982 vì, “nếu không tham gia UNCLOS 1982 thì các quốc gia cạnh tranh với Mỹ sẽ nói rằng, Mỹ không thể yêu cầu chúng tôi tuân thủ một thỏa thuận mà Mỹ không ký kết”. Ngay cả một số đồng minh và đối tác của Mỹ cũng đặt câu hỏi: “Mỹ yêu cầu Trung Quốc tuân thủ một thỏa thuận quốc tế nhưng tại sao Mỹ lại không ký thỏa thuận này”. Ông Kurt Campbell cho rằng, đây là một “thách thức” đối với Mỹ, vì thế Mỹ nên sớm phê chuẩn UNCLOS 1982 để tạo ra một khuôn khổ pháp lý giúp Washington xem xét, phản kháng có cơ sở pháp lý vào các lĩnh vực mà Trung Quốc có sự hoài nghi đối với cách giải thích của Mỹ về chủ quyền ở Biển Đông và các khu vực khác. Trên thực tế, Trung Quốc đã nhiều lần công khai chỉ trích Mỹ là nước không phê chuẩn UNCLOS1982 nên “không có tư cách” để lấy Công ước ra phê phán nước này, nước kia. Rõ ràng, phản ứng và “sức ép” từ Trung Quốc là một “động lực” để Mỹ xem xét phê chuẩn Công ước, giúp Mỹ có thêm “đòn bẩy” trong việc “yêu cầu” các quốc gia khác phải tôn trọng Công ước. Nhất là, Washington có thêm “công cụ pháp lý” để “danh chính ngôn thuận” mà “nói chuyện” với Trung Quốc về các vấn đề trên biển. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã từng nói: “Mạnh vì chơi theo luật chứ không phải chống lại luật”.  Việc Quốc hội Mỹ chính thức phê chuẩn Công ước này mới chứng tỏ là Mỹ mạnh, Mỹ “chơi theo luật”.

Thứ hai, kể từ khi Công ước ra đời đến nay, thời cuộc đã có nhiều thay đổi. Mỹ nên xem xét lại và sớm phê chuẩn UNCLOS 1982 mới là “thức thời”. Ngày 06/11/2023, bảy thành viên trong Quốc hội Mỹ, trong đó có Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Mazie Hirono ở bang Hawaii, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Lisa Murkowski của bang Alaska… đã đưa ra dự thảo nghị quyết “hối thúc” Chính quyền phê chuẩn Công ước. Theo ông Murkowski: “Thời gian Mỹ khoanh tay đứng nhìn càng lâu đối với UNCLOS 1982 thì những nước khác đã tham gia Công ước này lại càng có cơ hội tiếp tục xây dựng cho mình các chương trình nghị sự có lợi trong lĩnh vực biển, từ khai thác quặng đến cơ sở hạ tầng then chốt. Phê chuẩn UNCLOS 1982 không những giúp Mỹ kiềm chế hành động bành trướng lãnh thổ bất hợp pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, mà còn có ý nghĩa rất quan trọng đối với lợi ích quốc gia của Mỹ trong lĩnh vực biển, đặc biệt là trong bối cảnh các nước khác ở Bắc Cực đang tìm kiếm quyền lợi phân định khu vực đáy biển vượt ra ngoài vùng EEZ hiện nay của họ. Mỹ không những phải tiến vào những khu vực đó và tham gia vào đàm phán thế giới, mà còn phải đảm bảo Mỹ đang giúp xây dựng quy tắc ở đây trong tương lai”. Trong khi đó, Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Brian Schatz thuộc bang Hawaii nhận xét: “Quốc hội Mỹ có thể giành đủ số phiếu để phê chuẩn UNCLOS 1982 vì tình hình chính trị đã thay đổi, chúng ta ngày càng hiểu rõ nhu cầu cấp bách cần phải thực hiện hành động tập thể để cạnh tranh với Trung Quốc”.

Thứ ba, mặc dù phe bảo thủ chê bai ISA, nhưng nếu không có sự tồn tại của tổ chức này thì các vùng đáy biển sâu không thuộc thẩm quyền của bất kỳ quốc gia nào có thể dễ dàng bị các quốc gia giàu mạnh độc quyền khai thác, khiến cho khoảng cách giàu nghèo giữa các quốc gia ngày càng tăng. Đó là nói về ý nghĩa của ISA đối với thế giới, còn đối với Mỹ, khi đã ký UNCLOS 1982 rồi, thì Công ước này có thể giúp Mỹ giải quyết vấn đề quyền lợi khai thác khoáng sản ở biển sâu trong tương lai. Bởi do Mỹ chưa phải là thành viên của UNCLOS 1982, nên không thể tham gia vào các tổ chức như ISA hay Ủy ban ranh giới thềm lục địa (CLCS) được thành lập theo quy định của UNCLOS 1982. Đây là hai tổ chức phụ trách xây dựng cơ chế thăm dò đáy biển sâu và xem xét phân định ranh giới thềm lục địa ở Bắc Cực, là khuôn khổ pháp lý giải quyết những vấn đề như khai thác biển bền vững. Ông James Kraska – Giám đốc Trung tâm luật quốc tế Stockton tại Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ, từng là cố vấn về luật và chính sách biển cho Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, nhận xét: “Sau khi sở hữu một ghế ở tổ chức này, Mỹ sẽ có quyền phủ quyết đối với đa số hành động của ISA. Hiện nay, Mỹ vẫn chưa tham gia vào một cơ chế được quốc tế công nhận để xử lý vấn đề khai thác khoáng sản ở biển sâu, trong khi một số nước, trong đó có Trung Quốc, đã gia nhập ISA nên họ vừa có quyền tìm cách thăm dò, vừa có quyền đưa ra yêu sách hàng hải. Hành động đơn phương của Mỹ trong việc khai thác khoáng sản ở biển sâu không phải là lựa chọn tốt nhất vì nó chứa đựng nhiều rủi ro”.

Theo báo Washington Post cho biết, đến nay Trung Quốc đã sở hữu 5 trong tổng số 30 giấy phép thăm dò do ISA cấp để chuẩn bị khai thác khoáng sản ở biển sâu, bắt đầu từ năm 2025. Nếu đúng như thế thì sang năm, Trung Quốc sẽ được “độc quyền” khai thác đáy biển thế giới rộng tới 92.000 dặm vuông Anh, tương đương với diện tích nước Anh, chiếm 17% tổng diện tích được ISA cấp phép hiện nay, trở thành nước chiếm diện tích khai thác biển sâu lớn nhất thế giới. Chưa rõ ISA cấp phép cho Trung Quốc khai thác ở khu vực biển sâu nào, nhưng có một thực tế là, hiện nay khu vực đáy biển sâu nhất được nghiên cứu khai thác thương mại là Clarion-Clipperton (CCZ), một vùng đứt gãy lớn trải dài từ Mexico đến Hawaii trên diện tích 6 triệu km2, nằm ở phía Đông Thái Bình Dương, chứa nhiều niken, mangan và coban hơn so với các mỏ trên đất liền. Theo quy định của UNCLOS 1982, nếu ai muốn thăm dò và khai thác khoáng sản ở đáy biển trong nội bộ khu vực này thì phải ký hợp đồng với ISA, phải tuân thủ các quy tắc, quy định và quy trình của cơ quan này. 

Trung Quốc rõ ràng đã hơn Mỹ ít nhất là về mặt pháp lý, để khai thác khoáng sản ở biển sâu khi tham gia ISA. Song, có thể Trung Quốc còn yếu kém về công nghệ nên chưa chắc đã hành động. Vì thế, nhiều chuyên gia cho rằng, nếu tham gia UNCLOS 1982, Mỹ không chỉ là nước có công nghệ hàng đầu về khai thác khoáng sản biển sâu, mà còn có thể hình thành ngành sản xuất, chế biến rất ưu việt đối với các loại khoáng sản thu được từ biển sâu. Trong khi, Mỹ đã có Đạo luật tài nguyên khoáng sản rắn từ đáy biển sâu (DSHMRA), giúp Mỹ có thể duy trì thành công quyền sở hữu về an ninh đối với khu vực rộng lớn ở đáy biển sâu và gia tăng lợi ích về việc khai thác khoáng sản biển sâu của Mỹ.  

Thứ tư, liên quan đến Biển Đông, nhiều người trong giới nghiên cứu ở Mỹ đều cho rằng, nếu Mỹ tham gia vào UNCLOS 1982 thì có thể “kiềm chế” bớt các hành động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Theo ông John Kraus – Chuyên gia phân tích an ninh quốc gia của một viện nghiên cứu ở Mỹ, sau khi phê chuẩn UNCLOS 1982, Mỹ có lý do để thể hiện “nói đi đôi với làm” với Trung Quốc, đồng thời chính Công ước này sẽ giúp Mỹ có thêm một cơ chế giám sát nhằm ngăn chặn và làm giảm bớt những hành động phi pháp của Bắc Kinh ở Biển Đông. Ông John Kraus bày tỏ, điều đáng tiếc là hiện nay, Trung Quốc đã tạo ra được nhiều “việc đã rồi” trên phần lớn diện tích ở Biển Đông, xâm phạm đến chủ quyền của các nước khác. Nhưng ‘chậm còn hơn không”, tham gia Công ước, Mỹ vẫn có thể sử dụng biện pháp pháp lý và ngoại giao để ngăn chặn khả năng Trung Quốc thiết lập lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế ở xung quanh quần đảo Trường Sa. Động thái này không chỉ giúp ích cho Mỹ, mà còn tăng cường hơn nữa hành động của Mỹ trong việc hỗ trợ các quốc gia và đối tác đang bị Bắc Kinh “chèn ép”, như Philippines chẳng hạn.

Đồng quan điểm với ông John Kraus, ông James Kraska cho rằng, sau khi phê chuẩn UNCLOS 1982, Mỹ có thể sử dụng quy trình giải quyết tranh chấp mang tính cưỡng chế. Có nghĩa là, nếu Trung Quốc có hành động vi phạm quyền tự do hàng hải trong EEZ của nước khác, thì Mỹ cũng có thể căn cứ vào Điều 297 của UNCLOS 1982 để khởi kiện, đưa vấn đề này ra Tòa án quốc tế hoặc Tòa Trọng tài quốc tế để họ phán quyết, qua đó có khả năng ràng buộc đối với Trung Quốc. Vị chuyên gia này còn nhấn mạnh, khi Mỹ có khả năng khởi xướng một vụ kiện như vậy, thì cũng có thể “tiết chế” hành động của Trung Quốc gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động tự do hàng hải của Mỹ. 

Tuy nhiên, cùng với việc khuyến cáo nên ký kết UNCLOS 1982, giới chuyên gia Mỹ cũng kiến nghị Chính quyền Mỹ cần phải duy trì sức mạnh trên Biển Đông. Ông James Kraska cho rằng: “Không ai muốn một cuộc chiến tranh nóng bùng nổ ở Biển Đông. Điều chúng ta cần là sự hiện diện lâu dài của lực lượng hải quân, không những đến từ Mỹ mà còn từ các quốc gia bạn bè, đồng minh và đối tác khác… Hành động tập thể là cách tốt nhất, cũng là phương thức để tăng cường sức mạnh răn đe”. Ông Steven Groves – Nghiên cứu viên thuộc Viện Nghiên cứu Heritage Foundation, từng là trợ lý đặc biệt cho Tổng thống Mỹ tại Nhà Trắng, nhận xét, Trung Quốc là một quốc gia “bất hảo”, coi thường phán quyết của tòa án quốc tế, nên cần phải đưa ra khỏi UNCLOS 1982. Thế nhưng, nước này lại muốn hưởng lợi tất cả những gì mà Công ước này mang lại, không muốn “trả giá” trong thực tế. Vì thế, Mỹ cần duy trì sự “can dự” bền vững của hải quân và hoạt động thường xuyên của tàu chiến để “kiềm chế” Trung Quốc, chứ không chỉ dựa vào một hiệp ước đa phương “có khiếm khuyết”. Trung Quốc chỉ quan tâm đến sức mạnh, không quan tâm đến việc thực thi các hoạt động theo đúng quy định của UNCLOS 1982. Chớ nên ảo tưởng rằng, Mỹ phê chuẩn UNCLOS 1982 thì có thể ép buộc được Trung Quốc tuân thủ theo đúng các quy định của Công ước này. Mỹ có thể ký UNCLOS 1982, nhưng đi cùng với đó là phải tăng cường bảo vệ quyền lợi của mình bằng cách sử dụng lực lượng hải quân, tiến hành hoạt động tự do hàng hải trên khắp Biển Đông, đồng thời hợp tác nhiều hơn nữa với các đồng minh và đối tác trong khu vực này.  Nước Mỹ, cho đến nay vẫn chưa tham gia UNCLOS 1982. Ai cũng biết, trong đời sống chính trị quốc tế nói chung, quốc gia nói riêng, một quyết định hay một việc làm nào đó có thể ở giai đoạn này là đúng, nhưng vào giai đoạn khác lại là sai hoặc trở nên lạc hậu. Phải chăng, việc Mỹ chưa phê chuẩn UNCLOS 1982 đang dần trở nên lạc hậu khi thời cuộc đã thay đổi quá nhiều. Dư luận chung mong muốn và ủng hộ Mỹ nên sớm tham gia UNCLOS 1982. Vì khi đó, Mỹ mới có đầy đủ tư cách để “duy trì trật tự theo luật lệ”, một thứ luật lệ mà ít ra đã được cộng đồng quốc tế và Liên hợp quốc công nhận; mới góp phần mạnh mẽ hơn, khả thi hơn trong việc duy trì hòa bình, ổn định, cùng phát triển và cùng thắng bền vững ở các vùng biển quốc tế, trong đó có Biển Đông. Hiện nay, phe bảo thủ ở Mỹ vẫn chiếm ưu thế, cuộc bầu cử tổng thống sẽ diễn ra vào cuối năm nay. Trong bối cảnh như vậy, việc Mỹ có tham gia UNCLOS 1982 hay không và tham gia vào thời điểm nào vẫn là khó đoán định. Bởi nước Mỹ có thể đã có đủ yếu tố “thiên thời” và “địa lợi”, nhưng yếu tố “nhân hòa” vẫn chưa đạt được, trong khi đây mới là yếu tố quyết định.

RELATED ARTICLES

Tin mới