Viện sĩ của Viện Hàn lâm Khoa học và Viện Hàn lâm Kỹ thuật là danh hiệu học thuật cao nhất của Trung Quốc, điều này đã khiến một số người trong cộng đồng học thuật tìm cách có được bằng cách gian lận.
Mới đây, cơ quan chức năng Trung Quốc tiết lộ có 27 ứng cử viên viện sĩ đã bị loại bỏ vĩnh viễn tư cách tranh cử và nguyên được cho là do “chào hỏi” (tức chạy chọt, gian lận) trong cuộc bầu cử.
Tờ “Trung Quốc kỷ kiểm giám sát báo” (Tin tức giám sát và kiểm tra kỷ luật Trung Quốc) mới đây đã đăng một bài báo tiết lộ rằng trong quá trình tuyển chọn viện sĩ năm 2023, 5 ứng viên có hành vi bất thường đã bị loại trong giai đoạn công bố ứng cử viên và một báo cáo bất ngờ liên quan đến 22 ứng viên hợp lệ đã được xử lý trong quá trình tuyển chọn do có đơn từ tố cáo “chạy” danh hiệu.
Tổng cộng 27 ứng cử viên đã bị loại bỏ vĩnh viễn tư cách dự tuyển viện sĩ lưỡng viện.
Nhập quốc tịch nước ngoài
Kỳ tuyển chọn bổ sung viện sĩ lưỡng viện năm 2023 là lần bầu cử đầu tiên sau khi cải cách hệ thống “Cải tiến cơ chế tuyển chọn viện sĩ và bảo vệ sự trong sạch của danh hiệu viện sĩ”.
Hệ thống cải cách sau khi sửa đổi lần đầu tiên nghiêm cấm việc can thiệp và “chào hỏi”; những người vi phạm sẽ bị loại vĩnh viễn tư cách tham gia tuyển chọn. Ngoài ra, cơ chế rút lui của viện sĩ đã được thêm vào để đảm bảo sự trong sạch của đội ngũ học giả tầng lớp cao nhất. Điều lệ liên quan cũng thông báo rằng các viện sĩ của lưỡng viện sẽ phải tự động từ bỏ danh hiệu viện sĩ sau khi nhập tịch, trở thành công dân nước ngoài.
Việc lựa chọn các viện sĩ sau chính sách mới đã mở ra một mùa chọn lọc bầu cử nghiêm ngặt nhất trong lịch sử giới khoa học Trung Quốc. Tổng cộng có 59 viện sĩ của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc và 74 viện sĩ của Viện Hàn lâm Kỹ thuật Trung Quốc (còn gọi là Viện Công trình) đã được bầu trong năm 2023.
Con số này thấp hơn nhiều so với kế hoạch. Được viết, chỉ tiêu dự kiến của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc là bầu thêm 79 viện sĩ, tỷ lệ bầu thực tế chỉ đạt khoảng 74,7%; chỉ tiêu dự kiến của Viện Hàn lâm Kỹ thuật không quá 90 viện sĩ, tỷ lệ bầu thực tế khoảng 82,2%.
Kiên quyết loại bỏ gian lận trong cộng đồng viện sĩ
Ông Lý Hiểu Hồng (Li Xiaohong), Viện trưởng Viện Hàn lâm Kỹ thuật Trung Quốc, từng công khai chỉ trích: “Hành vi sai trái của một số ít học giả đã làm tổn hại đến danh tiếng và hình ảnh của cộng đồng viện sĩ và gây nên ảnh hưởng rất xấu”.
Gần đây, hội nghị viện sĩ của hai viện đã xem xét và thông qua điều lệ mới sửa đổi, làm rõ hơn cơ chế tăng tuyển và rút lui của các viện sĩ.
Ngoài ra, Kênh Giáo dục của báo điện tử Nhân dân Nhật báo Trung Quốc hôm thứ Sáu (12/7) đưa tin, tại Hội nghị Viện sĩ lần thứ 21 của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc và Hội nghị Viện sĩ lần thứ 17 của Viện Hàn lâm Kỹ thuật Trung Quốc tổ chức vào cuối tháng 6, bản Điều lệ viện sĩ đã được sửa đổi, làm rõ hơn các điều khoản của hai học viện.
Theo quy định mới, viện sĩ Trung Quốc sau khi trở thành người nước ngoài sẽ đương nhiên bị tước danh hiệu viện sĩ; nếu viện sĩ vi phạm đạo đức khoa học hoặc có hành vi xấu thì tùy theo từng trường hợp sẽ bị xử lý thích đáng; nếu gây tổn hại danh tiếng của cộng đồng viện sĩ và ngành học thuật, tình tiết đặc biệt nghiêm trọng, sẽ được khuyến cáo tự nguyện từ bỏ danh hiệu viện sĩ hoặc bị tước bỏ danh hiệu viện sĩ.
T.P