Wednesday, January 15, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiCác nước ven Biển Đông gia tăng đầu tư cho Hải Quân

Các nước ven Biển Đông gia tăng đầu tư cho Hải Quân

Việc tình hình Biển Đông nóng bỏng với các hành động ngang ngược của Bắc Kinh, thách thức luật pháp quốc tế dường như đã trở thành động lực lớn để các nước ven Biển Đông nỗ lực thúc đẩy mua sắm thêm các tàu chiến hiện đại cũng như các loại vũ khí trang bị hải quân.

Chiến hạm Kadmatt của hải quân Ấn Độ

Ngày 11/6, Bộ Quốc phòng Malaysia tiết lộ đã ký hợp đồng mua ba tàu hộ tống tên lửa lớp Ada với công ty đóng tàu STM của Thổ Nhĩ Kỳ để đáp ứng yêu cầu của chương trình Tàu sứ mệnh Duyên Hải LMS đợt 2. Lễ ký biên bản ghi nhớ và thư chấp nhận cho việc mua sắm đã được tổ chức vào ngày 10/6 tại Thủ đô Ankara Thổ Nhĩ Kỳ. Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Mohamed Nordin và Chủ tịch Cơ quan Công nghiệp Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Haluk Gorgun đã tham gia sự kiện này.

Theo thỏa thuận Liên chính phủ, Hải quân hoàng gia Malaysia sẽ nhận được cả ba tàu hộ tống mà Malaysia ký mua trong vòng 3,5 năm. Công ty cho biết thêm, STM sẽ là nhà thầu chính chịu trách nhiệm tất cả các giai đoạn của dự án từ thiết kế tới xây dựng, giao hàng.

Ada là lớp tàu hộ tống chống ngầm ban đầu được thiết kế theo yêu cầu của hải quân Thổ Nhĩ Kỳ, sau đó bắt đầu tiến ra thị trường xuất khẩu. Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ không phải là một cái tên nổi bật trên thị trường đóng tàu quân sự nhưng dự án Ada cho thấy sự tiến bộ vượt trội của họ khi tới nay đã nhận được các đơn hàng từ Pakistan, Ukraina và mới đây là Malaysia.

Theo thiết kế phiên bản của Thổ Nhĩ Kỳ, Ada có lượng giãn nước 2.400 tấn, dài 99,956m, rộng 14,4m, mớn nước 3,9m. Điều lý thú, thiết kế của Ada có hơi hướng giống với đề án tàu tác chiến cận bờ LCS Freedom của hải quân Mỹ với kiến trúc thượng tầng y hệt. Dĩ nhiên hiện không có thông tin nào cho thấy có sự tham gia của người Mỹ trong việc phát triển đề án tàu chống ngầm lớp Ada.

Con tàu được trang bị hệ thống động cơ diesel tua bin khí do công ty Đức sản xuất, cung cấp tốc độ tối đa 32 hải lý/h, tốc độ kinh tế 15 hải lý/h, dự trữ hành trình 6.500 km hoặc 21 ngày, với thủy thủ đoàn 93 người. Về hệ thống điện tử, trên đỉnh cột buồm phiên bản Thổ Nhĩ Kỳ có thể nhận ra mẫu radar trinh sát đường không mặt nước SMART-SMK2 do Hà Lan sản xuất, có tầm chính xác trên không 250km và từ 40km – 80km trên mặt nước với phạm vi bao quát 360 độ, nó cũng được tuyên bố là có thể phát hiện tên lửa tàng hình ở cự ly 50km, máy bay tuần tra biển cách 200km. Nói chung, đây là mẫu radar đáng tin cậy được nhiều chiến hạm Phương Tây tin dùng, loại này suýt nữa đã có mặt ở Việt Nam cùng với dự án tàu hộ vệ Sigma-9814 chết yểu. Ngoài ra, trên tàu còn có các trang bị khác như hệ thống quang điện tử, Sonar, hệ thống định vị liên lạc, một phần trong số đó do Thổ Nhĩ Kỳ tự chủ công nghệ bao gồm các hệ thống quản lý chiến đấu tích hợp GMSIS.

Về vũ khí, cấu hình của Thổ Nhĩ Kỳ hiện tại có một pháo hạm OTO Melara 76 ly phiên bản Super Rapid do Italia sản xuất với tháp pháo tối ưu khả năng tàng hình, tốc độ bắn lên tới 120 phát/1 phút, tầm bắn 16km với đạn thông thường, hai bệ pháo tự động ASC SAN 12,7 ly có thể sử dụng cho nhiệm vụ phòng không tầm thấp, tầm ngắn, cũng như bắn mục tiêu mặt nước cao tốc. Tám tên lửa hành trình chống hạm Atmaca do Thổ Nhĩ Kỳ phát triển và trang bị từ năm 2018 đạt tầm bắn 220km, tốc độ cận âm tham số của chúng hầu như là tuyệt mật, chỉ biết rằng nó sở hữu hệ thống liên kết dữ liệu hiện đại cung cấp cho Atmaca khả năng cập nhật mục tiêu, tái thiết lập đòn tấn công ở pha cuối.

Một bệ phóng tên lửa phòng không tầm thấp RIM-116 RAM Block 1 với 21 đạn tên lửa đánh chặn mục tiêu ở cự ly 9km với nhiều cơ chế lái đạn từ tự dẫn hồng ngoại tới cơ chế tự dẫn vô tuyến hoặc kết hợp. Loại tên lửa do Mỹ sản xuất có giá lên tới 900 nghìn USD mỗi quả, được tuyên bố là chuyên dùng để đánh chặn tên lửa hành trình cận âm tốc độ cao, đây cũng là hệ thống phòng không tiêu chuẩn trên các chiến hạm Mỹ và nhiều loại tàu chiến khác của phương Tây.

Sau cùng là hệ thống vũ khí chống ngầm với hai bệ phóng MK32, kết hợp với ngư lôi 324 ly MK46 do Mỹ sản xuất, có tầm bán 11 km. Cùng với đó còn có một trực thăng chống ngầm S-70B Seahawk cũng như khả năng triển khai UAV ở đuôi tàu.

Tại sao chúng tôi lại nhấn mạnh việc đây là cấu hình của Thổ Nhĩ Kỳ? Vì với phiên bản xuất khẩu, tùy theo yêu cầu của khách hàng, cấu hình trang bị của tàu có thể có sự khác biệt. Ví dụ như cấu hình xuất khẩu cho Pakistan trang bị các hệ thống phòng không, tên lửa hành trình khác hẳn so với phiên bản Thổ Nhĩ Kỳ, khi hệ thống phòng không ALBATROSS NG trên tàu Pakistan đạt tầm bắn tới 40 km, mạnh hơn nhiều so với phiên bản nội địa. Đặc biệt con tàu sẽ không dùng tên lửa hành trình mà là trang bị tên lửa đạn đạo chống hạm kiểu P-282 do nước này sản xuất với tầm bắn 700 cây.

Phiên bản xuất khẩu cho Ukraina theo đơn hàng đã ký năm 2020 sẽ trang bị tên lửa phòng không VL-MICA đạt tầm bán 20km, ngư lôi MU90 hiện đại hơn loại MK46. Với Malaysia, không loại trừ khả năng họ sẽ lựa chọn tên lửa hành trình Exocet MM40 Block 3 của Pháp để đồng bộ với hạ tầng và trang bị của hải quân nước này. Hầu như các chiến hạm của Hải quân Hoàng gia Malaysia đều sử dụng dòng Exocet của Pháp. Hiện cũng có thông tin về việc Malaysia chọn một hệ thống phòng không với bệ phóng thẳng đứng VLS với 16 đạn tên lửa chưa rõ loại nào.

Ngoài chương trình mua tàu hộ tống, Hải quân Hoàng gia Malaysia cũng vừa công bố việc cập nhật tổng kế hoạch hiện đại hóa để ứng phó với việc chậm tiến độ cũng như thay đổi về ngân sách và yêu cầu thực tế. Theo đề xuất chưa được Chính phủ phê duyệt, hải quân Malaysia sẽ lùi một số hoạt động mua sắm, bổ sung tàu quét mìn và tàu khảo sát thủy văn được đề ra vào giữa thập niên 2010, thay vào đó họ muốn tăng cường bổ sung nhóm tàu tác chiến mặt nước và tàu ngầm sau hợp đồng mua hai tàu ngầm từ Pháp vào năm 2002, nhận tàu vào năm 2009 Malaysia chưa mua thêm chiếc nào.

Đội tàu của họ tụt hậu về số lượng so với các nước láng giềng Singapore, Indonesia, xa hơn nữa là Việt Nam. Đề xuất cũng điều chỉnh số lượng tàu sẽ được mua trong kế hoạch 5 năm, từ năm 2021 tới giữa thế kỷ XXI. Cụ thể, kế hoạch sửa đổi nêu rõ việc mua 29 tàu tính tới năm 2040, giảm từ 42 tàu so với kế hoạch cũ. Đó là với Malaysia, trên hướng Philippines, quốc gia đang trong cuộc tranh chấp dữ dội với Bắc Kinh suốt nhiều tháng nay ở bãi cạn Scarborough cũng như nhóm đảo mà nước này chiếm giữ ở khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Hải Quân Philippines mới đây công bố lô tàu vận tải chiến lược lớp Tarlac thứ hai mà nước này đặt mua từ Indonesia sẽ được trang bị khả năng chở quân tốt hơn. Những cải tiến này bao gồm việc chở theo các tàu đổ bộ tốc độ cao cũng như trực thăng hạng nặng. Chính phủ Philippines lần đầu tiên ký hợp đồng mua hai tàu vận tải chiến lược từ tập đoàn đóng tàu PT PAL của Indonesia vào tháng 6/2014. Chiếc đầu tiên mang mang tên BRP Tarlac được biên chế vào tháng 6/2016, trong khi chiếc thứ hai BRP Davao del Sur được trang bị vào tháng 5/2017. Manila sau đó ký hợp đồng tiếp theo mua thêm hai chiếc nữa vào tháng 6/2022. Chiếc đầu tiên và cũng là chiếc thứ ba của lớp tàu này được khởi đóng vào tháng 1/2024, chiếc thứ hai của hợp đồng này được khởi đóng vào ngày 29/5.

Trả lời câu hỏi của tạp chí Jane’s Defence trong chuyến thăm xưởng đóng tàu vào ngày 30/5, Sachio Pintor, Phó Chủ tịch điều hành PT PAL, tiết lộ cặp thứ hai của Philippines sẽ có chiều dài lớn hơn một chút là 124m, so với 123m của cặp số 1. Mặc dù được hải quân Philippines phân loại là tàu vận tải chiến lược SSV nhưng về cơ bản lớp tàu Tarlac có thể được xếp vào nhóm tàu đốc đổ bộ khi nó là phiên bản sửa đổi trên cơ sở đề án tàu đốc đổ bộ Makassar mà Hàn Quốc thiết kế chuyển giao công nghệ cho Indonesia chế tạo và buôn bán.

Về cơ bản, Tarlac mang đầy đủ đặc trưng của tàu đốc đổ bộ với sân đỗ trực thăng lớn ở đuôi tàu, con tàu có lượng giãn nước tiêu chuẩn 7,200 tấn, toàn tải 11,583 tấn, dài 123m, tốc độ tối đa 16 hải lý/h với hai máy diesel. Nó có khả năng chở hai tàu đổ bộ cơ giới LCU, hai cano tốc độ cao, cùng 500 lính thủy đánh bộ hoặc binh sĩ quân binh chủng. Ở đuôi tàu có thể đáp ứng hoạt động cho hai trực thăng hạng trung, nặng 10 tấn. Ngoài việc mua mới cặp tàu vận tải chiến lược từ Indonesia, thời gian qua cũng ghi nhận việc Philippines đang thực hiện hai dự án mua sắm tàu chiến hiện đại. Một là, dự án mua cặp tàu hộ vệ 3200 tấn HDC-3200 từ tập đoàn đóng tàu Huyndai của Hàn Quốc với giá 250 triệu đô một chiếc. Cặp này đã được khởi đóng vào năm 2023, dự kiến trang bị tổ hợp khí tài hiện đại. Hai là, dự án mua sáu tàu tuần tra bờ biển HDP-2200, cỡ 2200 tới 2400 tấn, cũng từ Hyundai Hàn Quốc với giá 95,5 triệu đô một chiếc.

Trên hướng Indonesia, mặc dù vùng biển quốc gia vạn đảo không chịu sự quấy nhiễu quá lớn từ Trung Quốc nhưng về cơ bản tham vọng đường lưỡi bò phi lý của Bắc Kinh cũng cắn cả vào vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia, khiến quốc gia này trong các năm qua thúc đẩy việc mua sắm kỷ lục.

Từ chương trình đóng tàu ngầm với Hàn Quốc tới việc đặt mua hai tàu hộ vệ hạng nặng AH-140 từ Anh, cũng như đề xuất sơ bộ về kế hoạch mua sáu tàu hộ vệ hạng nặng FREMM từ Italia, mới đây Bộ Quốc phòng Indonesia đã tung ra một đề xuất mới trang bị một loạt các hệ thống chiến đấu bao gồm cả tên lửa có nguồn gốc từ Thổ Nhĩ Kỳ cho cặp tàu hộ vệ Red White.

Bộ Quốc phòng Indonesia đã ký hợp đồng mua hai tàu hộ vệ Red White với công ty đóng tàu nhà nước PT PAL vào tháng 4/2020. Các tàu này đang được chế tạo theo thiết kế Arrowhead 140 do tập đoàn Quốc phòng Babcock của Vương quốc Anh cung cấp giấy phép, chuyển giao công nghệ. Thiết kế của Arrowhead 140 lại dựa trên lớp Iver Huitfeldt của hải quân Đan Mạch. Lễ khởi đóng chiếc đầu tiên đã diễn ra vào tháng 8/2023, còn chiếc thứ hai là vào ngày 5/6/2024. Mỗi tàu chiến có lượng giãn nước đầy tải 5.996 tấn, dài 140m, được trang bị hệ thống phóng thẳng đứng 12 nòng cho tên lửa đối không tầm trung, một cụm VLS 12 nòng riêng biệt cho tên lửa đối không tầm xa, cùng hệ thống tên lửa hành trình, hai pháo hải quân 76 ly và hệ thống pháo cao tốc CIWS 35 li.

Các tài liệu cung cấp cho tạp chí Quốc phòng của Anh chỉ ra rằng, Bộ Quốc phòng Indonesia trước đó đã lên kế hoạch trang bị hệ thống phòng không VL MICA của tập đoàn MBDA, trong khi tên lửa hành trình sẽ lựa chọn mẫu Brahmos của Ấn Độ. Tuy vậy, nhiều khả năng phương án này sẽ được thay đổi với việc trang bị tên lửa hành trình Atmaca của Thổ Nhĩ Kỳ sau tuyên bố của Eurasia vào tháng 1/2024 về việc mua 45 quả tên lửa loại này.

Sau cùng, mặc dù không tính là liên quan trực tiếp tới tranh chấp biển Đông nhưng cùng với diễn biến mua sắm chung trong khu vực, cần lưu ý tới thương vụ tàu ngầm bê bối của Thái Lan với Trung Quốc. Sau một thời gian dài tranh cãi, có lúc Thái Lan đã yêu cầu Trung Quốc đổi từ mua tàu ngầm sang mua tàu mặt nước. Rốt cuộc trong cuộc phỏng vấn mới đây, tư lệnh hải quân hoàng gia Thái Lan tuyên bố nước này chấp thuận đề xuất trang bị động cơ diesel của Trung Quốc cho dự án tàu ngầm S26T mà nước này ký mua.

Tháng 3/2017, Thái Lan đã ký hợp đồng với Trung Quốc về việc mua một tàu ngầm S26T với tổng giá trị 390 triệu đô. Chuyện sẽ không có gì đáng nói nếu như con tàu sắp hoàn thành mới vỡ lở ra chuyện, theo điều khoản ban đầu đầu Thái Lan sẽ mua S26T với điều kiện động cơ diesel phải nhập khẩu từ Đức. Nhưng phía Trung Quốc không chia sẻ chuyện này, họ đã bị Đức cấm vận về công nghệ diesel cho tàu ngầm, thế là hai bên nổ ra tranh cãi, phía Trung Quốc đề xuất việc con tàu sẽ dùng động cơ diesel nội địa, trong khi Thái Lan yêu cầu bồi hoàn thêm tàu ngầm hoặc là chuyển sang mua tàu mặt nước.

Sau nhiều tranh cãi, có vẻ đã có các cuộc đàm phán bí mật để đi tới một kết quả, Thái Lan chấp thuận nhận S26T với động cơ diesel Trung Quốc. Dự kiến còn 1217 ngày nữa tàu ngầm S26T đầu tiên sẽ được bàn giao cho Thái Lan, trong khi việc khởi đóng đã bắt đầu vào năm 2018. Như vậy, tính sơ sơ là mất gần 10 năm cho hợp đồng mua một tàu ngầm cỡ 3600 tấn.

Tư lệnh hải quân Thái Lan cũng đệ trình chính phủ Bangkok phê duyệt việc mua kèm tên lửa hành trình phóng thử tàu ngầm CM708UNB có tầm phóng 290km tốc độ cận âm. Có thể thấy, bất chấp tình hình kinh tế thế giới ảm đạm nhưng sức ép của Trung Quốc với các nước ven biển Đông, ngoại trừ Thái Lan, đã thúc đẩy khu vực phải tăng cường mua sắm trang bị theo nhiều cách khác nhau. Với Việt Nam, đúng ra nếu như không có xung đột Nga – Ukraina thì giờ này có lẽ cặp tàu hộ vệ Gepard số 3 đã chuẩn bị bàn giao rồi cũng nên.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới