Trung Quốc vừa lắp đặt tuabin gió nổi lớn nhất thế giới có thể tận dụng sức mạnh của siêu bão để tạo ra điện.
Theo bài đăng trên LinkedIn của Công ty năng lượng thông minh Minh Dương (Mingyang Smart Energy), Trung Quốc rõ ràng đã làm được điều đó với việc lắp đặt OceanX – “nền tảng tuabin gió nổi công suất đơn lớn nhất thế giới”.
OceanX là tuabin gió nước sâu hai đầu, có khả năng sản xuất điện ngay cả trong siêu bão.
Đây là giàn nổi đơn đầu tiên và lớn nhất trên thế giới có hai tuabin gió 8,3 MW, cung cấp cho tổng công suất khổng lồ là 16,6 MW. Dự kiến, tuabin sẽ sản xuất khoảng 54.000 MWh mỗi năm – đủ cung cấp điện cho khoảng 30.000 hộ gia đình Trung Quốc – trang New Atlas đưa tin.
Công ty Minh Dương đã chính thức hoàn thành việc xây dựng giàn nổi ngoài khơi có tuabin gió kép đầu tiên trên thế giới tại Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc vào ngày 13.7.
Tuabin được Công ty Minh Dương thiết kế và được Công ty đóng tàu Hoàng Phố Wenchong và Tập đoàn đóng tàu nhà nước Trung Quốc cùng hợp tác xây dựng.
Hai rotor quay ngược chiều của tuabin nằm trên một cấu trúc hình chữ V, được giằng bằng các dây cáp có độ chịu lực lớn và được lắp vào giàn nổi hình chữ Y để có độ ổn định tối đa.
Hai tuabin gió MySE16.6(T) có đường kính cánh là 182 mét. Giàn nổi nặng khoảng 15.000 tấn và được thiết kế để hoạt động ở vùng nước sâu hơn 35 mét, giúp tuabin tiếp cận được nguồn tài nguyên gió ngoài khơi tốt nhất.
Giàn nổi này sử dụng bê tông hiệu suất cực cao để có độ bền và chi phí thấp hơn, đồng thời hệ thống neo một điểm được cho là giúp giảm tác động đến môi trường biển cũng như tăng độ ổn định, ngay cả trong điều kiện bão.
OceanX được chế tạo để chịu được các điều kiện siêu bão với sức gió lên tới 260 km/h. Và không chỉ đơn giản là chịu đựng được những điều kiện đó, OceanX còn có thể tận dụng gió bão để tiếp tục sản xuất điện trong điều kiện sóng cao tới 30 m. Nó có thể chịu được cường độ nhiễu loạn 0,135 – tương đối cao đối với vị trí ngoài khơi.
Hầu hết các trang trại gió ngoài khơi đều hoạt động ở điều kiện dưới 0,135 – ở mức dưới 0,06 – vì điều kiện khắc nghiệt có thể gây ra dao động điện năng và hao mòn sớm ở các bộ phận của máy phát điện nổi.
Công ty Minh Dương đã chế tạo và thử nghiệm thành công nguyên mẫu OceanX với kích thước bằng 1/10 kích thước thật vào năm 2020.
Năm ngoái, Công ty năng lượng Tam Hiệp đã lắp đặt tuabin gió ngoài khơi lớn nhất thế giới MySE 16-260 của Minh Dương trên cột cao 152 mét trong trang trại gió của họ. Tuabin có sải cánh quay bao phủ khoảng 50.000 mét vuông.
Theo Hội đồng Năng lượng Gió Toàn cầu, Trung Quốc đứng đầu thế giới về phát triển gió ngoài khơi trong năm thứ 6 liên tiếp. Mục tiêu của Trung Quốc là cung cấp 1/3 lượng điện tiêu thụ quốc gia thông qua các nguồn tái tạo vào năm 2025.
Ngoài Trung Quốc, các quốc gia khác cũng đang phát triển các tuabin gió được thiết kế đặc biệt, chẳng hạn như tuabin gió ngoài khơi Haliade-X khổng lồ của GE ở Hà Lan được cho là có khả năng chịu được bão.
Ở Colorado (Mỹ), các kỹ sư đã lấy cảm hứng từ những cây cọ để thiết kế một tuabin gió có cánh quạt linh hoạt, giúp chúng có khả năng chống chọi với các tình huống gió bão cực mạnh.
T.P