Wednesday, January 8, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiGiới Quý tộc Đỏ ở TQ đã bị Tập Cận Bình thanh...

Giới Quý tộc Đỏ ở TQ đã bị Tập Cận Bình thanh trừng như thế nào?

Khoảng cuối thế kỷ XIX, thời trung cổ tại châu Âu, “Blue Blood”, hay “Quý tộc Xanh”, là từ để gọi tầng lớp hoàng gia quý tộc và cả những gia tộc quyền lực sở hữu khối tài sản khổng lồ như nhà Rothschild hay Rockefeller. Hầu hết những gia tộc Blue Blood đang nắm giữ tới 80% quyền lực trên thế giới trong hầu hết các lĩnh vực. Thân phận và cái tên của những gia tộc này là thứ chưa chắc tiền bạc có thể mua được.

Ở Trung Quốc đại lục cũng có một tầng lớp giống với nhóm Quý tộc Xanh của thế giới phương Tây ở thời trung cổ, chỉ khác ở chỗ, nhóm này được tạo nên bởi hậu duệ của những nhà cách mạng đã chiến đấu bên cạnh Mao Trạch Đông và con cái của các vị lãnh đạo Trung Quốc sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc lên tiếp quản vào năm 1949. Với địa vị ở trên đỉnh của tam giác quyền lực, Quý tộc Đỏ được gọi là “thái tử” và được thừa hưởng mọi đặc quyền tiếp cận và ảnh hưởng trong mọi khía cạnh của xã hội Trung Quốc.

Đặc quyền, đặc lợi của nhóm “Quý tộc Đỏ”

Trong quá khứ, đã có sự chia sẻ quyền lực ngầm giữa những gia tộc Đỏ nổi tiếng. Điều này đã cho phép một số người gây ảnh hưởng chính trị mạnh mẽ lên một số tỉnh, một số ngành công nghiệp chính hay thậm chí là cả hai. Chẳng hạn, người ta hiểu rất rõ trong một bộ phận nhất định của xã hội Trung Quốc, gia đình Diệp Kiếm Anh sở hữu tỉnh Quảng Đông; gia đình Vương Chấn kiểm soát vùng Tân Cương; gia đình Lý Bằng nắm quyền kiểm soát ngành điện lực. Sự sắp xếp độc quyền này đã mang lại nguồn lợi nhuận tài chính khổng lồ cho một số gia tộc.

Hãng Team Romberg đã từng công bố nghiên cứu cho thấy, con cháu các đại công thần của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã trở thành những tầng lớp Quý tộc Đỏ như thế nào. Lần theo dấu vết tài sản của 103 người, nó có liên hệ với nhóm “Bát Đại Nguyên Lão” (tức là 8 công thần thuộc thế hệ đầu tiên của Đảng Cộng sản Trung Quốc) đóng vai trò chính khi mở cửa Trung Quốc năm 1978.

Sang thập niên 1980, con cháu của họ đã được lựa chọn dẫn dắt các tập đoàn nhà nước. Những người này trong thập niên 1990 lại xâm nhập vào các lĩnh vực khác như bất động sản, năng lượng. Nhiều người trong số đó cũng là những doanh nhân hàng đầu trong khu vực tư doanh. 26 người con cháu đã từng quản lý hoặc lãnh đạo các công ty quốc doanh lớn. Riêng con trai Vương Chấn, con rể của Đặng Tiểu Bình và là con của Trần Vân, đã từng lãnh đạo hoặc vẫn đang quản lý các công ty quốc doanh với tổng tài sản lên tới 1.6 nghìn tỷ USD, 43 người khác đều có công ty riêng hoặc trở thành giám đốc của các công ty tư nhân. Thế hệ thứ ba, tức là cháu của nhóm Bát Đại Nguyên Lão, và vợ chồng của họ đã dùng quan hệ gia đình và bằng cấp nước ngoài để có được công việc trong khu vực tư doanh. Ít nhất 11 trong 31 thành viên của thế hệ này đã có công ty riêng hoặc giữ vị trí giám đốc.

Điều tra của Bron Bird đã nhanh chóng bị chặn ở đại lục. Tập Cận Bình đúng là đã leo rank nhanh hơn nhờ sự hậu thuẫn của nhóm Quý tộc Đỏ, tuy nhiên điều này cũng đồng nghĩa với việc họ có thể sẽ trở thành mối đe dọa tiềm tàng đối với nền cai trị của ông ở Trung Quốc. Ở Trung Quốc, chỉ có giới Quý tộc Đỏ với nguồn lực và quyền lợi huyết thống của mình mới đủ sức để lật đổ Tập Cận Bình. Để tránh đêm dài lắm mộng, một cuộc thanh trừng tàn khốc nhắm vào giới Quý tộc Đỏ đã được khởi động.

Thanh trừng đồng minh

Tập Cận Bình – Đại diện tiêu biểu của nhóm Quý tộc Đỏ- đã nghiêm khắc xử lý những “con cháu các cụ” thể hiện sự phản đối hoặc lên tiếng chỉ trích ông. Một trong những số đó là Bạc Hy Lai, Cựu Ủy viên Bộ Chính trị và Bí thư Đảng ủy Trùng Khánh, người đã bị bỏ tù vì tham vọng chính trị của mình; Nhậm Chí Cường, cựu Giám đốc một công ty bất động sản nhà nước, người đang thụ án 18 năm tù vì đã từng công khai chỉ trích ông Tập, chẳng hạn như gọi ông là thằng hề không mặc quần áo.

Ông Tập cũng đã khuyến khích các Quý tộc Đỏ khác rút lui khỏi vị trí lãnh đạo cấp cao trong Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa nếu như muốn bảo toàn quyền lợi của mình. Giới Quý tộc Đỏ có thể phát triển nhưng phải trong tầm kiểm soát của Tập Cận Bình. Trung Quốc có một lịch sử lâu dài về việc các hoàng đế từng dùng quan lại từ giai cấp nông dân để cân bằng với quan lại từ tầng lớp quý tộc. Tập Cận Bình cũng vậy, để tăng cường hơn nữa sự kiểm soát của mình và tiếp tục nới lỏng quyền lực chính trị lâu dài của tầng lớp Quý tộc Đỏ, ông đã liên tục nâng các quan chức từ bên ngoài dòng máu đỏ lên các chức năng quyền lực của trung tâm Đảng.

Hãy nhìn trong cơ cấu hiện tại của Ban Thường vụ Bộ Chính trị, gồm có bảy thành viên, không một người nào có thể được coi là có dòng dõi Quý tộc Đỏ. Điều này chưa bao giờ xảy ra trước đây. Giới Quý tộc Đỏ của Trung Quốc mang một tính cách điển hình là cực kỳ độc quyền, họ chắc chắn không muốn quyền lực của mình bị giới hạn như một con hổ trong sở thú, phải phục tùng mệnh lệnh của Tập Cận Bình.

Tập Cận Bình đi lên nhờ vào bệ phóng quyền lực của họ. Điều ông ta đang làm đối với giới Quý tộc Đỏ Trung Quốc chẳng khác nào nuôi ong tay áo. Của cải mà các gia tộc Đỏ tích lũy được trong những thập niên gần đây cả trong và ngoài nước là một phần quan trọng trong quyền lực của họ. Tiền bạc để ở nước ngoài cũng là bảo hiểm cho họ nếu mọi việc không suôn sẻ tại Trung Quốc. Vì vậy, cách ông Tập chọn xử lý những tài sản đó là sẵn sàng tịch thu để giữ cho các Quý tộc Đỏ phải phục tùng.

Việc tịch thu tài sản như một cách để hạ bệ những nhân vật có quyền lực chính hoặc có ảnh hưởng về mặt tài chính được sử dụng trong suốt lịch sử của Trung Quốc, kể cả từ thời Đảng Cộng sản Trung Quốc nắm quyền vào năm 1949. Đặng Tiểu Bình đã bắt đầu cải cách kinh tế vào năm 1978 không phải vì ông ấy tin vào tinh thần của các nhà kinh doanh, mà vì Trung Quốc đang phá sản. Đảng Cộng sản Trung Quốc buộc phải dựa vào chế độ tư hữu và doanh nhân để phát triển kinh tế và cứu nguy cho Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Cho tới năm 2005, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã có khả năng khôi phục địa vị thống trị của mình đối với nền kinh tế đất nước. Tuy nhiên, cải cách mở cửa chỉ là kế sách tạm thời. Chỉ khi nào đối mặt với nguy cơ Đảng Cộng sản Trung Quốc mới buông lỏng sự kiểm soát đối với Trung Quốc. Kết liên minh với giới kinh doanh chỉ là kế sách tạm thời của giới lãnh đạo. Mục đích là muốn thực hiện mục tiêu kiểm soát toàn diện xã hội Trung Quốc. Một khi không còn cần các doanh nhân xây dựng kinh tế, đầu tư nước ngoài hoặc giúp đỡ hạn chế tự do của Hồng Kông nữa, các doanh nhân cũng sẽ bị Đảng Cộng sản Trung Quốc coi là mối nguy tiềm tàng.

Tập Cận Bình đã nhắm tới một số tỷ phú đó. Một trường hợp điển hình gần đây là sự sụp đổ của Ngô Tiểu Huy, nhà sáng lập Tập đoàn Bảo hiểm AnBang và cũng là cháu rể của Đặng Tiểu Bình. Hồi năm 2018, ông này đã bị kết án 18 năm tù và bị tước toàn bộ cổ phần trong công ty do mình thành lập.

Ngoài ra, họ cũng đã nhắm mục tiêu vào các ông trùm kinh doanh giàu có và điều này thì không có gì đáng ngạc nhiên. Trên thực tế, những doanh nhân gây bất lợi cho quyền lực của Tập Cận Bình cũng ý thức được rằng họ đang bị ruồng bỏ. Ông Thẩm Đông, chồng cũ của Đoàn Vĩ Hồng, một nhân vật nổi tiếng trong giới quyền quý Đảng Cộng sản Trung Quốc, đồng thời cũng là tác giả của cuốn hồi ký “Bánh lái đỏ: Câu chuyện đằng sau tài phú, quyền lực, hủ bại và trả thù của Trung Quốc ngày nay”.

Đã từng được ví như một doanh nhân giàu có tại Trung Quốc, giống như một người làm công siêu cấp của nhóm người đặc quyền đặc lợi Đỏ tại Trung Quốc. Bởi những rủi ro cao mà các doanh nhân giàu có phải đối mặt với các gia tộc quyền quý, ông Thẩm nhấn mạnh trong mắt của Đảng Cộng sản Trung Quốc, những doanh nhân giống như tỷ phú Jack Ma, người sáng lập Alibaba, Công ty Thương mại Điện tử hàng đầu Trung Quốc, có thể bị hi sinh. Bởi vì tài sản trong tay họ không hoàn toàn thuộc về họ, thực chất một bộ phận cổ phần của họ là nắm giữ thay những nhà tư bản Đỏ đứng sau.

Quả thực là như vậy, những tưởng câu chuyện thanh trừng của Jack Ma chỉ dừng lại ở việc ông ta có lời nói vạ miệng xúc phạm tới ông Tập Cận Bình, nhưng những hành động liên tiếp của Tập Cận Bình sẽ cho thấy rằng vị lãnh đạo này đã giương cung lên sẵn từ lâu, đằng sau đó là một kế hoạch được triển khai bài bản, lớp lang, chỉ chờ thời nhắm vào giới Quý tộc Đỏ.

Năm 2021, Tập Cận Bình đã thanh trừng một đồng minh ở căn cứ quyền lực Chiết Giang khiến cả nước phải rùng mình. Tin tức đó như một cú sốc làm rung chuyển Hàng Châu, thủ phủ tỉnh Chiết Giang, cũng như khắp Trung Quốc. Cơ quan chống tham nhũng hàng đầu của Trung Quốc cho biết, vị lãnh đạo cấp cao nhất của thành phố này, Bí thư Thành ủy Hàng Châu, Chu Giang Dũng đang bị điều tra vì nghi ngờ vi phạm nghiêm trọng các quy tắc và kỷ luật Đảng.

Chu Giang Dũng là thành viên của phái “Chiết Giang Tân Quân” vốn đầy quyền lực của chủ tịch Tập Cận Bình. Trong khi chi tiết về các cáo buộc chống lại ông Chu vẫn chưa rõ ràng, các quan chức, các chuyên gia và những người theo dõi Trung Quốc đã lập tức kết nối các sự kiện với nhau. Thành phố Hàng Châu và tỉnh Chiết Giang có vai trò đặc biệt quan trọng với Trung Quốc, bởi hai lý do:

Thứ nhất, Hàng Châu là cơ sở chính trị của ông Tập

Các quan chức hàng đầu hiện nay của các thành phố trực thuộc trung ương như Bắc Kinh, Thượng Hải và Trùng Khánh đều là cấp dưới của ông Tập từ thời ông còn ở Chiết Giang. Họ cùng nhau thành lập nhóm “Chiết Giang Tân Quân”. Chu Giang Dũng có quá trình thăng tiến nhanh chóng qua các cấp bậc ở Chiết Giang và được coi là một người thân cận của ông Tập. Một số chuyên gia chính trị đã dự đoán rằng, với tư cách là một nhà lãnh đạo thế hệ tiếp theo đầy triển vọng trong phe Chiết Giang, Chu Giang Dũng sẽ sớm được thăng chức tỉnh trưởng của một tỉnh khác.

Thứ hai, tỉnh Chiết Giang được biết tới là nơi sản sinh ra các công ty tư nhân lớn của đất nước này

Khu vực đã đạt được sự phát triển kinh tế tự chủ mà không phụ thuộc vào các công ty nhà nước hoặc các cơ quan hành chính. Tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ của Trung Quốc, Alibaba, có trụ sở chính cũng đặt tại Hàng Châu. Đây có thể là một manh mối về cuộc điều tra đối với Chu Giang Dũng. Chu có mối quan hệ thân thiết với người sáng lập Alibaba, Jack Ma, bởi nền kinh tế Hàng Châu phụ thuộc rất nhiều vào Alibaba.

4 ngày trước khi công bố cuộc điều tra đối với Chu Giang Dũng, ông Tập đã có một bài phát biểu quan trọng tại Ủy ban Tài chính và Kinh tế Trung ương của Đảng Cộng sản. Nó sẽ có tác động đáng kể tới tiến trình tương lai của đất nước. Bài phát biểu là lần xuất hiện đầu tiên trước công chúng của ông Tập sau kỳ nghỉ hè, trong đó ông và các lãnh đạo đương nhiệm được cho là đã gặp các quan chức nghỉ hưu tại cuộc họp Bắc Đới Hà thường niên. Ông Tập đã sử dụng thuật ngữ “thịnh vượng chung” tới 15 lần. Không khó để tưởng tượng rằng, vị Chủ tịch nước kiêm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản đã nhận được sự chấp thuận thế nào để thúc đẩy chính sách này ở Bắc Đới Hà.

Nhằm thúc đẩy chính sách thịnh vượng chung, Tập Cận Bình tuyên bố sẽ mở rộng quy mô của nhóm thu nhập trung bình, tăng thu của nhóm thu nhập thấp và điều chỉnh nhóm thu nhập quá cao, bao gồm thông qua hệ thống thuế và phân phối lại thu nhập ba giai đoạn. Những gợi ý rằng, Đảng đang nhắm mục tiêu vào những người giàu, đi ngược lại chính sách để một số người làm giàu trước của cựu lãnh đạo tối cao Đặng Tiểu Bình và báo hiệu một sự chuyển hướng thiên tả mạnh mẽ hướng tới một Trung Quốc Xã hội Chủ nghĩa.

Điểm quan trọng là Chiết Giang đã được xác định là khu vực kiểu mẫu để đạt được sự thịnh vượng chung này. Ông Tập biết rất rõ về Chiết Giang nói chung và Hàng Châu nói riêng. Ông có thể đã hình dung ra một kịch bản mà trong đó các công ty tư nhân khổng lồ không còn thống trị nữa. Điều này có thể diễn ra ở Hàng Châu trước, sau đó sẽ là trên toàn quốc. Đó là lý do tại sao Chiết Giang, nơi có nhiều công ty tư nhân lớn mạnh, được chọn thay vì Bắc Kinh, thành trì của các công ty nhà nước, làm khu vực kiểu mẫu cho sự thịnh vượng chung.

Để nhắm vào giới người giàu, không thể tồn tại chuyện chính quyền địa phương Hàng Châu cấu kết với các công ty lớn mà chính quyền muốn nhắm tới. Khi đó, cuộc đàn áp đối với Chu Giang Dũng có khả năng là một nỗ lực chứng tỏ sự nghiêm túc của việc quay lại chủ nghĩa xã hội. Mặc dù cuộc thanh trừng của một thành viên thân tín có thể gây đau đớn cho toàn nhóm, nhưng đó sẽ là một sự hy sinh cần thiết.

Về phần Chu Giang Dũng, ông đã tính toán sai khoảng cách phù hợp giữa lãnh đạo chính trị và các công ty tư nhân. Một tờ báo của Hồng Kông đưa tin về cáo buộc rằng gia đình của Chu Giang Dũng đã mua cổ phần của ANT Group, công ty con về tài chính của tập đoàn Alibaba, trước khi công ty này phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng.

Mạng lưới ảnh hưởng của giới Quý tộc Đỏ đã trải dài khắp bộ máy quan liêu, lực lượng vũ trang và cả doanh nghiệp, đã bị xoay vòng trong suốt bảy thập niên kể từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc tiếp quản nước này. Họ tiếp tục được hưởng các đặc quyền, bao gồm cả quyền tham gia vào các cuộc tụ họp có chủ đề chính trị và vẫn là một nhóm gắn kết có ảnh hưởng. Thế nhưng quyền lực của họ đã bị một người trong số này làm suy yếu.

Sau một thập niên tập trung quyền lực thông qua Chiến dịch Chống tham nhũng của ông Tập, giới Quý tộc Đỏ giờ đây không còn đủ mạnh để gây ra mối đe dọa chính trị nghiêm trọng cho ông. Thời hoàng kim của họ đã qua rồi.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới