Saturday, January 11, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiMạng TQ nói Việt Nam hoàn thành tên lửa tự chế đầu...

Mạng TQ nói Việt Nam hoàn thành tên lửa tự chế đầu tiên, là số 1 khu vực

Sáng 9/4, Thủ tướng Việt Nam, Phạm Minh Chính, đã đi thị sát Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Viettel. Trong sự kiện này, người ta đã triển lãm hình ảnh hệ thống tên lửa chống hạm mới do Việt Nam sản xuất là VCM-01.

Rocket VCM-01 trong cấu hình bay.

Một nhà quan sát ở Trung Quốc có bài viết nhận xét rằng bản chất tên lửa chống hạm VCM-01 là tham khảo từ tên lửa chống hạm KH-35 của Nga mà phát triển. Nhưng về phương diện động lực, có thể là có điểm khác biệt so với KH-35. Để nâng cao tầm bắn của tên lửa, Tập đoàn Viettel của Việt Nam đã chọn kết hợp một số sản phẩm nước ngoài, đó là động cơ phản lực SSE-750K sử dụng trên tên lửa hành trình tấn công mặt đất của công ty Hanwha của Hàn Quốc và động cơ cánh quạt MS400 mà công ty Motor Sich của Ukraina sử dụng trên tên lửa KH-35. Động cơ cánh quạt tiết kiệm nhiên liệu hơn động cơ phản lực, nhưng sức đẩy và khả năng tăng tốc kém hơn. Tuy vậy, động cơ cánh quạt TRDD-5A của tên lửa gốc Nga cũng không bị loại bỏ. Mục đích của việc này chính là kết hợp ba nhà để tạo cho tên lửa VCM-01 hệ thống động lực tốt nhất.

Tên lửa KH-35 Uran là một tên lửa chống hạm hạng trung tiêu chuẩn rất ít thấy trong các tên lửa chống hạm Liên Xô và Nga. Các tên lửa chống hạm hạng trung khác của họ thường nặng đến 6,7 tấn.

Phiên bản KH-35 khá thon thả nhẹ nhàng này được phát triển để trang bị cho các lớp tàu có lượng giãn nước chỉ khoảng ngàn tấn, cùng máy bay ném bom hoặc là xe tải di động trên bờ. Nếu không như vậy, những quả tên lửa chống hạm cỡ lớn với kích thước như một chiếc máy bay MiG-21 sẽ rất khó sử dụng, cho dù đặt được lên tàu nhỏ hay máy bay ném bom, thì số lượng có thể mang cũng rất ít, sẽ không có lợi cho xuất khẩu. Những nước nhỏ và tầm trung không thích hợp với tên lửa chống hạm cỡ lớn bởi vì tàu nhỏ mang số lượng tên lửa ít thì hỏa lực duy trì không đủ.

Tên lửa Uran đã từng tham gia thực chiến, chiến tích đầu tiên của nó là bộ đội tên lửa trên bờ của Ukraina dùng nó đánh chìm kỳ hạm của Hạm đội Biển Đen của Nga là tàu Moskva. Các trang bị của Việt Nam đa phần là hệ thống vũ khí Nga, đương nhiên cần nhập khẩu trang bị của Liên Xô và Nga, cho nên tên lửa Uran đã có mặt trong quân đội Việt Nam hơn chục năm và được lắp đặt trên các tàu hộ vệ Jarpad, tàu tên lửa tấn công nhanh Tia Chớp.

Cũng vì nó thích hợp với tình hình Lực Lượng Hải quân nhỏ, tàu nhỏ của Việt Nam, vì Việt Nam đã có những kinh nghiệm nhất định trong hậu cần bảo đảm loại tên lửa này nên mới nhập khẩu KH-35. Trên tàu tên lửa Tia Chớp có bốn cụm ống phóng, mỗi cụm bốn tên lửa chống hạm. So với lớp tàu Nhện Độc chỉ có hai cụm, mỗi cụm hai ống phóng tên lửa P-15, hỏa lực chống hạm của Tia Chớp mạnh hơn nhiều. Chỉ cần hai tàu Tia Chớp cũng có thể thực hiện đòn tấn công bão hòa với một hạm đội nhỏ. Quy mô hạm đội và năng lực chống tên lửa của các nước Đông Nam Á đều rất thấp, đối diện với đoàn tấn công của tên lửa chống hạm Uran này, cơ bản là bó tay.

Chính vì tính năng của tên lửa Uran rất tốt, có khả năng tích hợp lên nhiều nền tảng, ngay cả máy bay Su-30 cũng mang được nên Việt Nam mới nhập khẩu. Tên lửa VCM-01 cũng là tên lửa chống hạm tự chế tạo đầu tiên của một nước Đông Nam Á, như vậy là đi trước một bước so với chín nước còn lại ở khu vực này. Đồng thời cũng giúp giảm mạnh chi phí trang bị.

Xét đến cùng, Việt Nam mới chỉ ở trình độ gia công các công nghệ vi điện tử quang học còn non trẻ. Nhập khẩu KH-35 cũng chỉ khoảng 10 năm, vẫn chỉ mới ở trình độ lắp ráp như lắp ráp điện thoại Samsung. Ngoài ra, VCM-01 liệu có tốt như sản phẩm nguyên bản không vẫn là điều chưa biết. Nhưng dám đầu tư và có dũng khí và lòng tin để dám là người đầu tiên thử là đều đáng ghi nhận.

Tên lửa Uran tương tự như tên lửa Harpoon của Mỹ, đuôi đạn lắp một bộ phận đẩy nhiên liệu rắn để giúp tên lửa đạt tốc độ Mach 0,6 ở lúc vừa phóng, vài giây sau, động cơ phản lực của tên lửa điểm hỏa giúp tên lửa thoát ly bộ phận đẩy và đạt tốc độ Mach 0,9. Tên lửa có tầm bắn 130 km. Nhưng sau khi bước vào thế kỷ 21, tầm bắn này đã khá gần nên tàu của mình chưa vào cự ly bắn hiệu quả thì đã bị tên lửa chống hạm của địch có tầm bắn xa hơn đánh chìm. Việt Nam nhập khẩu tên lửa này, muốn dùng động cơ cánh quạt thay thế mục đích là để tăng tầm bắn và trong điều kiện tiết kiệm nhiên liệu, tên lửa có thể bắn xa 200 km. Đổi lại, tốc độ chỉ còn Mach 0,75, tốc độ chậm thì khả năng bị hệ thống phòng không trên hạm bắn hạ sẽ tăng lên.

Những tên lửa chống hạm tương đối tiên tiến của Việt Nam hiện nay gồm có một là Uran, hai là P-800. Nhưng P-800 đối với Việt Nam là quá cồng kềnh, chỉ có thể bố trí trên bờ. Uran tương đối linh hoạt, tương lai cũng có thể phát triển phiên bản đặt trên bờ, không những bố trí trên bờ biển Việt Nam mà rất có thể còn bố trí trên những hòn đảo mà Việt Nam đang đóng giữ ở Trường Sa, lấy đó để nâng cao năng lực phòng ngự và tiến công chống lại một cuộc tấn công từ trên biển.

Tuy nhiên, tên lửa chống hạm đặt trên bờ cần phải có năng lực du kích, bố trí trên những hòn đảo có diện tích chưa đến 1 km2 ngang với tự đưa tay ra trói. Hơn nữa, mục tiêu rất lớn nên máy bay không người lái của bên tấn công chỉ cần một chiếc có thể tiêu diệt được.

Các thông tin trên đây được dịch từ bài viết trên mạng tin tức Tencent của Trung Quốc. Ở đây có thể thấy là người viết bài cũng có khen, có chê. Khen trước chê sau, họ khen Việt Nam dám đầu tư, dám thử nghiệm để có khả năng tự chủ sản xuất tên lửa, đi đầu trong các nước Đông Nam Á về lĩnh vực này. Còn chê là họ cho rằng Việt Nam mới ở trình độ gia công nên chắc tên lửa VCM-01 này cũng là đi nhặt mỗi chỗ một ít linh kiện ghép vào thành sản phẩm mới nên chưa chắc sản phẩm mới đã tốt hơn sản phẩm nguyên bản mà sản phẩm nguyên bản thì đến thời điểm này cũng đã xem như lạc hậu. Từ đó suy ra hàm ý rằng, chưa chắc quả tên lửa VCM-01 của Việt Nam đã ghê gớm.

Công nghiệp quốc phòng Việt Nam hiện nay đã tiến đến trình độ nào là điều chúng ta không thể biết. Nhưng cứ cho là vẫn ở trình độ gia công, đi ghép các linh kiện linh tinh để ra một sản phẩm mới thì cũng không nên coi thường sản phẩm đó.

Nhiều người có lẽ không biết rằng súng đạn Bazooka chống xe tăng được Quân đội Việt Nam sản xuất trong Kháng chiến chống Pháp cũng được chế tạo bằng cách gần như gia công hoàn toàn từ các vật liệu linh tinh có thể kiếm được theo mẫu súng và đạn Bazooka của Mỹ. Đầu tiên, người ta tháo viên đạn của Mỹ ra từng bộ phận để vẽ kiểu rồi chế thử. Đầu đạn và thân đạn được tiện từ các đoạn thép hoặc nhôm đặc, côn đồng tiện từ những khúc đồng đúc, ống đuôi đạn, tức buồng đựng thuốc đẩy, cũng tiện từ thép đặc. Quá trình hàn ghép cánh đuôi vào cuống đuôi đạn, vì không có máy hàn điện, nên công nhân phải hàn bằng thiếc.

Quá trình chế tạo Bazooka bắt đầu từ những giữa năm 1946 đến 11/1946, kỹ sư Trần Đại Nghĩa được cử trực tiếp nghiên cứu hoàn chỉnh đại Bazooka. Ông đã xác định được chủng loại, liều lượng thuốc đẩy, thuốc phóng nhưng Việt Nam lại không có những nguyên liệu như của Mỹ.

Sau một quá trình tìm tòi, quân giới Việt Nam đã tìm ra được loại thay thế mà ta đang có. Khi đem bắn thử, quả đạn đi tốt, nổ tốt nhưng không xuyên. Sau khi Toàn quốc kháng chiến nổ ra, việc nghiên cứu hoàn chỉnh súng đạn Bazooka được tiếp tục khẩn trương hơn. Khi cơ quan Cục quân giới chuyển về đến Ứng Hòa, Hà Đông, đạn Bazooka khắc phục được các thiếu sót.

Cuối tháng 2/1947, đạn đã xuyên được 75cm vào bức tường thành dùng làm bia bắn. So với quả đạn của Mỹ được bắn tiếp theo để so sánh, các hiện tượng nổ, khói, lửa, lỗ thủng, sức xuyên đều tương đương.

Khi thử nghiệm vừa thành công, ngay đêm đó, Văn phòng Bộ Quốc phòng yêu cầu quân giới giao ngay súng đạn chống chiến xa để chặn quân Pháp đang dùng xe tăng đánh từ Hà Nội theo đường số 6 ra vùng Chương Mỹ. Tổ nghiên cứu bazooka cùng cán bộ công nhân nhà nghiên cứu kỹ thuật đã thức thâu đêm khẩn trương nhồi lắp được 10 quả đạn hoàn chỉnh, giao cho người của Văn phòng Bộ Quốc phòng mang ngay về mặt trận trước khi trời sáng.

Súng và đạn bazooka tự chế của ta đã bắn cháy hai chiếc xe tăng Pháp ngay trong lần đầu tiên ra trận ở Trúc Sơn, chùa Trầm, khiến Pháp phải hốt hoảng bỏ chạy. Câu chuyện này gửi một thông điệp rằng: “Đừng coi thường những thứ hàng gia công”, nhất là trong lĩnh vực vũ khí.

Vấn đề thứ 2 là về cách sử dụng, bài viết của Tencent cho rằng nếu Việt Nam sản xuất được phiên bản tên lửa VCM-01 phóng trên bờ để đặt lên các đảo ở Trường Sa thì diện tích đảo quá nhỏ, không đủ chỗ để ẩn lấp mà thực hiện chiến thuật du kích như trên đất liền. Điểm này tất nhiên là đúng trong trường hợp bố trí trận địa tên lửa cố định ở một đảo nào đó. Trận địa cố định là vật chết, dù công sự chắc chắn đến đâu, địch bắn vào nhiều cũng sẽ bị diệt. Nhưng nếu không dùng trận địa cố định mà tận dụng bí mật bất ngờ khi có thời cơ thì bí mật triển khai, đánh xong liền rút thì lại là chuyện khác.

Dù sao thì chúng ta cũng nên mừng vì chương trình tên lửa của Việt Nam đã có bước tiến lớn khi đã trưng bày ra trên truyền hình quốc gia, tức là đã phải đến giai đoạn đưa vào sử dụng, thậm chí sản xuất quy mô lớn rồi.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới