Tuesday, December 24, 2024
Trang chủThâm cung bí sửĐiệp viên “trải thảm đỏ” cho Nhật tấn công Trân Châu Cảng

Điệp viên “trải thảm đỏ” cho Nhật tấn công Trân Châu Cảng

Takeo Yoshikawa, một điệp viên dưới vỏ bọc nhà ngoại giao, đã góp phần quan trọng vào cuộc tấn công bất ngờ của Nhật vào căn cứ hải quân Mỹ tại Trân Châu Cảng ở bang Hawaii năm 1941, mở đầu cho sự can dự của Washington vào Thế chiến II.

Điệp viên Nhật Takeo Yoshikawa (1912-1993)

Vào lúc 1h20 sáng ngày 7/12/1941, trên tàu sân bay Akagi của Nhật Bản, Phó Đô đốc Chuichi Nagumo nhận được bức điện sau: “Các tàu neo đậu tại cảng: 9 thiết giáp hạm; 3 tàu tuần dương hạng B; 3 tàu tiếp liệu thủy phi cơ, 17 tàu khu trục. Đang vào bến cảng có 4 tàu tuần dương hạng B; 3 tàu khu trục. Tất cả các tàu sân bay và tàu tuần dương hạng nặng đã rời bến cảng… Không có dấu hiệu nào cho thấy bất kỳ thay đổi nào trong Hạm đội Hoa Kỳ hoặc bất cứ điều gì bất thường”.

Các quan chức Mỹ đã có thể dễ dàng tìm ra điệp viên người Nhật “trải thảm đỏ” cho quân đội Nhật tấn công Trân Châu Cảng, nếu họ để ý tìm kiếm.

Nagumo đang chỉ huy một lực lượng đặc nhiệm chuẩn bị tấn công Trân Châu Cảng, đè bẹp Hạm đội Thái Bình Dương ở đó và mở đầu cuộc chiến giữa Nhật Bản với Hoa Kỳ. Bức điện ở trên – bức điện cuối cùng trong số rất nhiều bức điện được gửi đi từ phòng mật mã tại Lãnh sự quán Nhật Bản ở Honolulu, đã được tiếp nhận chỉ vài giờ trước vụ tấn công.

Điều đáng kinh ngạc là những thông tin tình báo quan trọng như vậy không phải là tác phẩm của một siêu điệp viên xuất sắc người Nhật nào đó đã xâm nhập được vào cơ sở của hạm đội Hoa Kỳ. Thay vào đó, Takeo Yoshikawa, một sĩ quan hải quân trực thuộc Lãnh sự quán Nhật và đã được người Mỹ biết đến, chỉ đơn giản theo dõi từ xa việc đi và đến của hạm đội, không được tiếp cận gì hơn so với một người khách du lịch. Ông ta chắc chắn đã bị phát hiện nếu tình báo Mỹ tỉnh táo hơn hoặc các nhà lập pháp Mỹ nhận ra mối đe dọa chết người từ nước Nhật. Nhưng trên thực tế, Takeo Yoshikawa đã không gây ra nhiều nghi ngờ cho phía Mỹ, và những quan sát của ông đã giúp người Nhật xây dựng một kế hoạch tấn công cực kỳ chi tiết, đảm bảo dẫn tới thành công.

Ngày 27/3/1941, thông tin sau đây xuất hiện trên tờ Nippu Jiji, một tờ báo tiếng Anh và tiếng Nhật ở Honolulu: “Tadashi Morimura, Thư ký mới được bổ nhiệm của Tổng lãnh sự quán Nhật Bản, đã đến đây sáng nay trên con tàu Nitta Maru từ Nhật. Việc bổ nhiệm này nhằm đẩy nhanh tiến độ xử lý đơn xin xuất cảnh và các vấn đề khác”. Thông báo này lẽ ra phải thu hút sự chú ý của các nhân viên tình báo Mỹ vì không có Tadashi Morimura nào trong danh sách đăng ký cơ quan ở nước ngoài của Nhật Bản. Điều này cho thấy ông ta là người mới làm việc trong ngành ngoại giao – hoặc không phải là một nhà ngoại giao.

Morimura thực chất là Takeo Yoshikawa. Tốt nghiệp Học viện Hải quân Đế quốc Nhật Bản năm 1933 và đang trên đường hướng tới một sự nghiệp đầy hứa hẹn trong Hải quân Nhật thì Yoshikawa bị bệnh dạ dày và phải về nhà chữa trị.

Theo lời kể của chính Yoshikawa sau này, ông được tiếp cận vào năm 1936 để làm việc dân sự cho cơ quan tình báo hải quân Nhật Bản: “Vì tôi đang học tiếng Anh nên tôi được phân công vào các bộ phận liên quan đến hải quân Anh và Mỹ. Tôi trở thành chuyên gia của hải quân Nhật Bản về hải quân Mỹ. Tôi đọc mọi thứ: báo cáo ngoại giao từ các tùy viên của chúng tôi, báo cáo bí mật từ các đặc vụ của chúng tôi trên khắp thế giới. Tôi đọc bài của các nhà bình luận quân sự. Tôi cũng đọc cả lịch sử”. Yoshikawa cũng nghiên cứu các sách tham khảo về tàu chiến và ghi nhớ hình dáng của tất cả các con tàu Mỹ, một điều sau này đã thể hiện giá trị cực kỳ quan trọng.

Vào tháng 8/1940, Yoshikawa được mời đến Hawaii thực hiện một nhiệm vụ tình báo. Ông ta được lệnh giữ bí mật về nhiệm vụ, ngay cả với những người đồng cấp của mình tại Bộ Tổng tham mưu Hải quân. Yoshikawa háo hức tìm hiểu tất cả những gì có thể về Quần đảo Hawaii và để tóc dài hơn để trông giống thường dân hơn. Nhiệm vụ của Yoshikawa là theo dõi các hoạt động và chuyển động của hạm đội Mỹ tại Trân Châu Cảng và báo cáo về tình hình quân đội Mỹ ở Oahu và các đảo khác ở Hawaii. Nhưng ông ta sẽ được Bộ Ngoại giao ở Tokyo tuyển dụng và chấm dứt mối quan hệ với hải quân. Để che giấu danh tính thực sự của mình, Takeo Yoshikawa được đổi tên thành Tadashi Morimura.

Tháng 4/1941, Takeo Yoshikawa đến Hawaii và trình giấy ủy nhiệm của mình cho Nagao Kita, Tổng lãnh sự Nhật Bản tại Hawaii, và cấp trên của ông trong hoạt động gián điệp, cùng 6 tờ tiền 100 đô la Mỹ – số tiền mặt để tài trợ cho hoạt động gián điệp của mình.

Kể từ khi Hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ chuyển từ San Diego đến Trân Châu Cảng vào tháng 5/1940, lãnh sự quán Nhật đã cung cấp thông tin tình báo thường xuyên cho Tokyo từ những gì có thể thu thập được từ báo chí Honolulu và những quan sát thông thường. Tuy nhiên, vào thời điểm Yoshikawa đến Hawaii, kế hoạch tấn công hạm đội Mỹ tại Trân Châu Cảng đã được triển khai. Điều quan trọng là lãnh sự quán phải tăng cường thu thập thông tin tình báo mà không ảnh hưởng đến vỏ bọc ngoại giao của mình. Mối nguy hiểm cố hữu là có thật: Không lâu sau khi Yoshikawa đến Hawaii, chính quyền Mỹ đã đóng cửa các lãnh sự quán Đức ở Mỹ và trục xuất các nhân viên vì những điều họ cho là “các hoạt động… có tính chất không đúng đắn và không chính đáng”.

Yoshikawa háo hức bắt tay vào công việc, dành phần lớn thời gian mỗi ngày cho nhiệm vụ bí mật của mình. Sau khi thực hiện các nhiệm vụ thường lệ để tạo lớp vỏ bọc, ông ta thường rời lãnh sự quán vào khoảng 10 giờ sáng và đi bằng xe buýt hoặc đi bộ vào trung tâm thành phố, rồi từ đó bắt taxi và đi đến Aiea Heights, nơi có tầm nhìn tuyệt vời ra Trân Châu Cảng. Trở lại văn phòng sau bữa trưa, Yoshikawa xem lại các sản phẩm trinh sát của mình. Vào khoảng 3 giờ chiều, ông thay quần áo, bắt một chiếc taxi khác và quay lại Aiea Heights hoặc bến tàu. Sau đó ông ta sẽ bắt taxi lên phía bắc tới Sân bay Quân đội Wheeler hoặc thậm chí xa hơn về phía bắc đến bãi biển ở Haleiwa.

Trở lại lãnh sự quán, ông ta viết và gửi một tin nhắn được mã hóa về Tokyo, sau đó dừng lại ở một quán trà để ăn tối, thư giãn và giao lưu với các geisha. Ngay cả trong thời gian nghỉ ngơi này, ông vẫn rất cảnh giác. Quán trà nhìn ra Trân Châu Cảng, và có khi ông ở lại cả đêm. Sau này ông nhớ lại: “Tôi đã nhìn thấy đèn rọi từ các con tàu trong bến cảng. Từ đó tôi có thể đoán được chuyện gì đang xảy ra ngoài kia. Vào buổi sáng, tôi có thể thấy có bao nhiêu con tàu đang rời đi và chúng đang đi về hướng nào. Tôi nhìn chúng rời khỏi con kênh hẹp. Chúng mất bao lâu để rời đi? Chúng có thể di chuyển nhanh đến mức nào? Sau đó tôi sẽ nhanh chóng quay lại lãnh sự quán và thông báo với Tokyo”.

Yoshikawa khẳng định ông chủ yếu làm việc một mình. Rõ ràng ông ta nhận được rất ít sự giúp đỡ từ cộng đồng người Nhật ở Honolulu và không vi phạm luật để lấy thông tin.

Nhờ có cộng đồng người Mỹ gốc Nhật đông đảo ở Hawaii, Yoshikawa dễ dàng hòa trộn vào đó. Và với cảnh quan tương đối mở rộng, độ dốc và việc di chuyển bị hạn chế ở Hawaii, ông đã dễ dàng thu thập được những thông tin tình báo hữu ích. Kiến thức bách khoa của ông về các tàu chiến Hoa Kỳ và việc lập biểu đồ chuyển động một cách có phương pháp của ông đã khiến các báo cáo của ông càng có giá trị hơn.

Trớ trêu thay, người Mỹ đã có thể dễ dàng phát hiện ra điệp viên này. Trước khi thông tin tình báo của Yoshikawa được gửi tới Tokyo, nó đã được mã hóa cẩn thận bằng mã ngoại giao J-19. Nhưng vì không có máy phát sóng ngắn tại lãnh sự quán nên các tin nhắn được truyền qua hai công ty thương mại là Mackay Radio and Telegraph và Radio Corporation of America (RCA), có văn phòng ở trung tâm thành phố Honolulu. Tài xế của lãnh sự quán đã chuyển đi các tin nhắn cần gửi.

Cả Yoshikawa và Tổng lãnh sự Kita dường như đều không lo ngại về việc các bên bên ngoài đang xử lý thông tin nhạy cảm của họ. Điều họ không biết là tình báo Mỹ đã phá mã J-19 vào mùa hè năm 1940. Năm 1941, một sĩ quan tình báo Mỹ đã tìm cách lấy bản sao các tin nhắn của lãnh sự quán Nhật từ Mackay và RCA. Cả hai công ty đều từ chối, viện dẫn luật pháp Hoa Kỳ cấm việc chặn các tin nhắn đi và đến từ nước ngoài. Cuối cùng, RCA đã nhượng bộ và đồng ý lén lút chia sẻ các thông cáo báo chí.

Không có những tin nhắn được gửi qua Mackay, người Mỹ đã không có được bức tranh toàn cảnh. Nhưng ngay cả với những bức điện đã lấy được, chính quyền Mỹ lẽ ra phải phát hiện ra các hoạt động gián điệp của Nhật Bản – và kế hoạch tấn công Trân Châu Cảng. Ngày 24/9/1941, Tokyo đã đánh điện tới Lãnh sự quán Honolulu với thông điệp được gọi là “âm mưu đánh bom”, với nội dung như sau:

83 TUYỆT MẬT. TỪ HÔM NAY, CHÚNG TÔI MUỐN CÁC ANH BÁO CÁO LIÊN QUAN ĐẾN CÁC TÀU THEO CÁC NỘI DUNG SAU ĐÂY TRONG CHỪNG MỰC CÓ THỂ:

  1. CÁC VÙNG BIỂN (CỦA TRÂN CHÂU CẢNG) SẼ ĐƯỢC CHIA THÀNH 5 KHU VỰC NHỎ. (CHÚNG TÔI KHÔNG PHẢN ĐỐI VIỆC BẠN VIẾT TẮT)

KHU A. VÙNG NƯỚC GIỮA ĐẢO FORD VÀ KHO VŨ KHÍ.

KHU B. VÙNG NƯỚC TIẾP GIÁP HÒN ĐẢO Ở NAM VÀ TÂY ĐẢO FORD. (Khu vực này nằm ở phía đối diện của hòn đảo từ khu A.)

KHU C. ĐÔNG LOCH.

KHU D. TRUNG LOCH.

KHU E. TÂY LOCH VÀ CÁC TUYẾN ĐƯỜNG BIỂN KẾT NỐI.

  1. LIÊN QUAN ĐẾN TÀU CHIẾN VÀ TÀU SÂN BAY, CHÚNG TÔI MUỐN CÁC ANH BÁO CÁO VỀ NHỮNG TÀU ĐANG NEO ĐẬU, (NHỮNG ĐIỀU NÀY KHÔNG QUÁ QUAN TRỌNG) NHỮNG TÀU ĐƯỢC NEO TẠI BẾN CẢNG, CẦU PHAO VÀ CẦU TÀU. (NÓI NGẮN GỌN VỀ LOẠI VÀ LỚP. NẾU CÓ THỂ, CHÚNG TÔI MUỐN CÁC ANH THÔNG BÁO KHI CÓ HAI TÀU TRỞ LÊN Ở CÙNG MỘT BẾN CẢNG.)

Yêu cầu cuối cùng có lẽ tiết lộ nhiều điều nhất: Tại sao người Nhật lại cần biết khi có hai hoặc nhiều tàu cập cảng cạnh nhau? Điều này lẽ ra phải cảnh báo tình báo Mỹ rằng Trân Châu Cảng có thể là mục tiêu, vì những thông tin như vậy sẽ rất quan trọng trong một cuộc tấn công; nếu hai tàu ở cùng một cầu cảng thì cần có máy bay ném bom bổ nhào để hỗ trợ cho ngư lôi tàu ngầm, vì có khả năng loại ngư lôi này không thể xuyên qua thân tàu bên ngoài mà vẫn tiếp cận được tàu đang neo đậu bên trong.

Người Mỹ đã giải mã được bức điện số 83 vào ngày 9/10, hai tháng trước trận Trân Châu Cảng. Nhưng cả Chuẩn Đô đốc Husband E. Kimmel, Tư lệnh hải quân Mỹ tại Trân Châu Cảng, lẫn Trung tướng Walter C. Short, Tư lệnh lục quân ở đó, đều không được đọc nó cho đến sau cuộc tấn công. Bộ Chiến tranh Hoa Kỳ ở Washington thường không chia sẻ các bức điện chặn được với các chỉ huy chiến trường của mình, vì sợ rằng việc phổ biến quá nhiều thông tin tình báo thu thập được từ các bức điện của Nhật có thể cảnh báo người Nhật rằng mật mã của họ đã bị phá. Tướng Short sau đó đã làm chứng trước Quốc hội Hoa Kỳ rằng lẽ ra ông ta phải được thông báo về bức điện số 83. Ông nói, bức điện đó “nếu được phân tích một cách nghiêm túc, thực sự là một kế hoạch ném bom Trân Châu Cảng”. Đô đốc Kimmel nhiệt thành đồng ý: “Tôi là người có quyền lớn nhất để được biết rằng Nhật Bản đã chia Trân Châu Cảng thành các khu vực nhỏ và đang tìm kiếm cũng như nhận được các báo cáo về nơi neo đậu chính xác của các tàu trong hạm đội tại bến cảng đó”.

Khi cuộc tấn công đến gần và Tokyo ép Yoshikawa cung cấp thêm thông tin tình báo về hạm đội, ông đã mở rộng hoạt động trinh sát, mặc dù vẫn chỉ thông qua các biện pháp “hợp pháp” không gây nguy hiểm cho địa vị ngoại giao của mình. Vài lần, ông đóng vai khách du lịch và thuê một chiếc máy bay. Thường đi cùng một phụ nữ, ông ta bay đến gần nhiều cơ sở quân sự khác nhau, đôi khi chụp ảnh. Ông cũng du ngoạn trên những chiếc thuyền có đáy bằng kính và đánh giá nơi neo đậu thay thế cho các con tàu.

Trong khi đó, quan hệ Mỹ – Nhật đang xấu đi. Yoshikawa chưa bao giờ được biết khi nào Trân Châu Cảng sẽ bị tấn công, nhưng ông cảm thấy chắc chắn rằng đất nước ông sẽ hành động vào cuối năm 1941 hoặc đầu năm 1942.

Một ngày cuối tháng 10/1941, Tổng lãnh sự Kita đưa cho Yoshikawa một mẩu giấy bị xé và một chiếc phong bì bên trong có 14.000 đô la Mỹ tiền mặt, và hướng dẫn ông tới gặp ai đó tại một ngôi nhà bên bờ biển ở phía đông đảo Oahu. Khi Yoshikawa đến nơi, một người đàn ông đưa cho ông một mẩu giấy bị xé khác, ghép lại vừa khớp với mẩu giấy ông có.

Người đàn ông đó là Bernard Julius Otto Kuehn, một người Đức được Bộ trưởng tuyên truyền Đức Quốc xã Goebbels đưa sang Hawaii làm gián điệp từ năm 1935. Người Nhật dự định để Kuehn tiếp tục do thám trên đảo Oahu sau vụ tấn công Trân Châu Cảng, với giả định rằng khi đó Yoshikawa sẽ bị bắt, bị trục xuất, hoặc tệ hơn thế. Vài ngày sau khi nhận được khoản tiền từ Yoshikawa, Kuehn đã đưa cho Tổng lãnh sự Kita một bản kế hoạch cung cấp thông tin tình báo cho các tàu và tàu ngầm Nhật sau cuộc tấn công, bằng cách báo hiệu qua ánh đèn, lửa, sóng vô tuyến, và thậm chí là quần áo phơi trên dây. (Bức điện mô tả kế hoạch này đã được tình báo Mỹ giải mã nhưng đã quá muộn; Kuehn sau đó đã bị bắt và bị xử tội làm gián điệp).

Giữa tháng 11/1941, con tàu Taiyo Maru của Nhật Bản đến Honolulu, chở theo 340 hành khách, trong đó có thiếu tá trẻ nhất của Hải quân Đế quốc Nhật Bản, Suguru Suzuki. Nhiệm vụ bí mật của Suzuki là xác nhận các thông tin về hệ thống phòng thủ Trân Châu Cảng của Mỹ và thu thập thêm thông tin tình báo từ các nguồn của Nhật Bản ở Honolulu.

Theo điệp viên Yoshikawa, Suzuki đã chuyển danh sách 97 câu hỏi cho ông thông qua Tổng lãnh sự Kita trong một “tờ giấy mỏng nhàu nát được vo viên kỹ”. Ông ta có 24 giờ để trả lời. Nhiều năm sau đó, trong một bài báo năm 1960, Yoshikawa nhớ lại một số câu hỏi của Suzuki và câu trả lời của mình:

ĐÂY LÀ CÂU HỎI QUAN TRỌNG NHẤT: VÀO NGÀY NÀO TRONG TUẦN SẼ CÓ NHIỀU TÀU NHẤT TẠI TRÂN CHÂU CẢNG TRONG NHỮNG DỊP BÌNH THƯỜNG?

TRẢ LỜI: CHỦ NHẬT.

CÓ BAO NHIÊU CHIẾC THỦY PHI CƠ TUẦN TRA CỠ LỚN VÀO LÚC BÌNH MINH VÀ HOÀNG HÔN?

TRẢ LỜI: KHOẢNG 10, CẢ HAI THỜI ĐIỂM.

CÁC SÂN BAY Ở ĐÂU?

TRẢ LỜI: ĐỐI VỚI CÂU HỎI NÀY, TÔI CÓ THỂ CUNG CẤP MỘT BẢN ĐỒ VỚI TỪNG CHI TIẾT, CỘNG VỚI CÁC KHÔNG ẢNH MÀ TÔI ĐÃ CHỤP…CHO TỚI NGÀY 21/10, VÀ CHI TIẾT CẤU TRÚC ĐÁNG KỂ CỦA CÁC NHÀ CHỨA MÁY BAY TẠI HICKHAM VÀ CĂN CỨ KHÔNG QUÂN WHEELER FIELD.

CÁC TÀU CÓ ĐƯỢC CUNG CẤP ĐẦY ĐỦ VẬT TƯ VÀ SẴN SÀNG ĐI BIỂN KHÔNG?

TRẢ LỜI: TÀU KHÔNG SẴN SÀNG CHIẾN ĐẤU; [CHÚNG] CHỈ CHỨA NHỮNG VẬT TƯ VÀ VẬT LIỆU THÔNG THƯỜNG

Yoshikawa cũng giao các bản đồ, bản phác thảo và ảnh chụp để chuẩn bị cho cuộc tấn công. Rõ ràng đây là một mỏ vàng đối với Nhật Bản. Yoshikawa nói: “Khi đó chúng tôi biết rằng mọi thứ đang lên đến đỉnh điểm và công việc của tôi gần như đã hoàn thành.”

Các bức điện của Yoshikawa được gửi về Tokyo, sau đó được chuyển tiếp tới lực lượng đặc nhiệm Trân Châu Cảng của Đô đốc Nagumo khi lực lượng này di chuyển qua vùng nước băng giá phía bắc Thái Bình Dương. Vào tối ngày 6/12, Yoshikawa đã mã hóa thông điệp cuối cùng nêu chi tiết số lượng tàu của hạm đội Hoa Kỳ ở Honolulu. Ông nói, Trân Châu Cảng có một bầu không khí rất thư thái, không có khinh khí cầu phòng ngự hay tàu sân bay nào trong tầm mắt – thông tin trọng yếu cho cuộc đột kích.

Những quả bom đầu tiên được thả xuống vào lúc 7h55 sáng hôm sau, khi Yoshikawa đang ăn sáng. Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ hoàn toàn bị bất ngờ, và bốc cháy. Kita và Yoshikawa vội vã đến lãnh sự quán và bắt sóng Đài phát thanh Tokyo, nghe thấy một bản tin dự báo thời tiết trong đó có cụm từ “Gió đông, mưa” – một mật hiệu đã được báo trước rằng chiến tranh chống lại Hoa Kỳ sắp xảy ra. Cả hai khóa cửa lãnh sự quán và bắt đầu đốt tất cả sổ mật mã và tài liệu mật. “Khói bay ra từ ống khói”, Yoshikawa nhớ lại.

Kita và các nhân viên lãnh sự quán bị bắt vào khoảng 9 giờ 30 sáng ngày 7/12. Có vẻ như các nhân viên này bị giam trong lãnh sự quán khoảng 10 ngày, sau đó được chuyển đến San Diego rồi đến Phoenix, nơi Yoshikawa bị thẩm vấn. Sau này Yoshikawa tuyên bố ông ta đã bị thẩm vấn suốt một tuần nhưng không tiết lộ bất kỳ thông tin mật nào, mà nói rằng mình chỉ đi du ngoạn quanh Oahu và chỉ thế thôi. Hoa Kỳ không biết gì về mức độ hoạt động gián điệp của ông ta cho đến nhiều năm sau đó.

Yoshikawa chưa bao giờ mong đợi có thể sống sót trở về Nhật Bản. Nhưng vào tháng 8/1942, ông được hồi hương về Nhật Bản thông qua các cuộc trao đổi tù nhân ngoại giao. Sau khi trở về Nhật, ông trở lại làm việc cho bộ phận tình báo của Bộ Tổng tham mưu Hải quân. Sau đó, Takeo Yoshikawa bị chìm vào quên lãng, cái chết của ông vào năm 1993 cũng không được mấy ai chú ý. Vai trò quan trọng của Yoshikawa trong cuộc tấn công thảm khốc ở Trân Châu Cảng khiến ông không nhận được nhiều lời khen ngợi ở quê hương bại trận của mình. “Thậm chí, nhiều đồng hương còn trách móc tôi về việc Nhật bị Mỹ ném bom nguyên tử”, ông tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn như vậy.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới