Sunday, November 24, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnKhông quân Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Nhật Bản tập trận chung

Không quân Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Nhật Bản tập trận chung

Lực lượng phòng vệ trên không Nhật Bản (ASDF) cùng lực lượng không quân Đức, Pháp và Tây Ban Nha tập trận chung trên không phận xung quanh Nhật Bản trong hai ngày 19 – 20.7 nhằm tăng cường khả năng răn đe.

Sự kiện lần này nằm trong khuôn khổ cuộc tập trận Vùng trời Thái Bình Dương 2024 (Pacific Skies) được không quân 3 nước châu Âu nói trên tổ chức. Cuộc tập trận kéo dài nhiều tuần bắt đầu từ giữa tháng 6 tại nhiều khu vực. Lực lượng 3 nước châu Âu đến Nhật Bản sau khi huấn luyện với quân đội Mỹ tại tiểu bang Alaska (Mỹ), theo Nikkei Asia ngày 20.7.

ASDF huấn luyện với lực lượng Đức và Tây Ban Nha gần căn cứ không quân Chitose, bên cạnh đó ASDF cũng diễn tập cùng lực lượng Pháp quanh căn cứ không quân Hyakuri thuộc tỉnh Ibaraki.

Tham gia tập trận, Đức và Tây Ban Nha điều 12 máy bay phản lực Eurofighter Typhoon và ASDF có 4 chiến đấu cơ F-15. Đây là lần đầu tiên Tây Ban Nha điều máy bay chiến đấu đến Nhật Bản. Về phía Pháp, 4 máy bay chiến đấu Rafale của Pháp sẽ tham gia cùng 2 chiến đấu cơ F-2 của Nhật.

Sau đó, ngày 22 – 25.7, ASDF và Đức sẽ tổ chức cuộc tập trận song phương đầu tiên mang tên Nippon Skies nhằm tiếp nối chuyến thăm đầu tiên của lực lượng không quân Đức tới Nhật Bản vào năm 2022. Ngoài ra, ASDF và không quân Ý sẽ tiến hành một cuộc tập trận khác mang tên Rising Sun diễn ra từ ngày 6 – 8.8 tại không phận xung quanh căn cứ không quân Misawa thuộc tỉnh Aomori (Nhật Bản).

Ukraine vẫn muốn được nhận máy bay JAS 39 Gripen từ Thụy Điển

Chủ đích của các cuộc tập trận là nhằm kiểm tra khả năng tương tác trôi chảy trong mọi tình huống trong bối cảnh châu Âu thể hiện sự cảnh giác cao độ đối với nhiều mối đe dọa, theo The Japan Times.

Đối với Nhật Bản, hợp tác với các lực lượng châu Âu cũng sẽ giúp nước này tăng cường khả năng răn đe. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Minoru Kihara cho biết hoạt động này không chỉ cải thiện các kỹ năng chiến thuật của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản mà còn tăng cường hợp tác với các quốc gia khác, giúp hiện thực hóa một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Trước đó, các nhóm hải quân từ Anh, Pháp và Đức cũng được triển khai gần Nhật Bản vào năm 2021, tạo ra nhiều cơ hội hơn cho các cuộc tập trận chung. Riêng trong năm nay, các tàu của Thổ Nhĩ Kỳ và Hà Lan đã ghé thăm các cảng của Nhật Bản vào tháng 4, trong khi các tàu hải quân của Ý và Đức dự kiến ghé thăm vào cuối tháng 8 tới.

Nhật Bản hiện đưa vào thực hiện các thỏa thuận mua sắm và dịch vụ chéo, tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi nhiên liệu và các nhu yếu phẩm khác với các lực lượng quân sự của Anh, Pháp và Đức. Nhật Bản cũng đang đàm phán Thỏa thuận tiếp cận đối ứng (RAA) với Pháp.

Bà Atsuko Higashino, chuyên gia nghiên cứu về quan hệ quốc tế tại Đại học Tsukuba (Nhật Bản) đánh giá sự hiện diện của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tại các Hội nghị thượng đỉnh của NATO trong 3 năm liên tiếp là dấu hiệu cho thấy các đối tác muốn muốn xích lại gần nhau trong bối cảnh nhiều đe dọa ở cả châu Âu và khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Do đó, châu Âu và Nhật Bản cần hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau trong trường hợp xảy ra khủng hoảng.

T.H

RELATED ARTICLES

Tin mới