Wednesday, December 25, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiLượng thép cán nóng nhập từ TQ chiếm 74% lượng nhập khẩu

Lượng thép cán nóng nhập từ TQ chiếm 74% lượng nhập khẩu

Lượng nhập khẩu thép cán nóng trong 6 tháng đầu năm bằng 173% so với sản xuất trong nước, riêng lượng nhập từ Trung Quốc chiếm 74%.

Theo dữ liệu thống kê hải quan, tính riêng tháng 6/2024, Việt Nam nhập khẩu 886.000 tấn thép cuộn cán nóng (bằng 151% lượng sản xuất trong nước), trong đó lượng thép nhập từ Trung Quốc chiếm 77%.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, sản lượng thép cán nóng nhập khẩu lên đến gần 6 triệu tấn, tăng 32% so với cùng kỳ 2023. Đáng chú ý, lượng nhập khẩu này bằng 173% so với sản xuất trong nước. Trong đó, lượng thép nhập từ Trung Quốc chiếm 74%, còn lại là từ Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản.

Giá trị kim ngạch nhập khẩu thép cán nóng 6 tháng đạt 3,46 tỷ USD, riêng Trung Quốc chiếm 2,5 tỷ USD. Về giá thép cán nóng nhập khẩu, sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc rất thấp, bình quân 560 USD/tấn, thấp hơn mức giá chào hàng trong nước khoảng 15-20 USD/tấn và thấp hơn các quốc gia khác từ 45 – 108 USD/tấn.

Việc hàng nhập khẩu giá rẻ ồ ạt tràn vào Việt Nam đã khiến các doanh nghiệp sản xuất thép cán nóng trong nước là Hòa Phát và Formosa gặp nhiều khó khăn. Theo thống kê, thị phần bán thép cán nóng của doanh nghiệp trong nước của Hòa Phát và Formosa đã giảm từ mức 42% năm 2021, xuống 30% vào năm 2023.

Bộ Công thương đã tiếp nhận hồ sơ của 2 doanh nghiệp này đề nghị điều tra áp thuế chống bán phá giá với thép cán nóng nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ (ngày 14/6/2024). Theo quy định, thời gian để Bộ Công thương thẩm định trước khi đưa ra quyết định cuối cùng là 45 ngày, kể từ ngày chính thức tiếp nhận hồ sơ đầy đủ.

Giá thép cán nóng Trung Quốc vẫn ở mức thấp
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, đa số giá các sản phẩm thép của Trung Quốc dao động ở mức thấp trong tháng 7, do cả cung và cầu thép vẫn yếu trong những tháng hè – thời điểm thấp điểm tiêu thụ thép ở Trung Quốc.

Giao dịch thép xây dựng giao ngay tiếp tục giảm do nhu cầu yếu từ người dùng, trong khi tâm lý thị trường được cải thiện phần nào nhờ tồn kho thép cây tại các nhà máy và thương nhân Trung Quốc giảm. Tuy nhiên, bất chấp tâm lý tích cực ở các nhà sản xuất thép và thương nhân, nhu cầu thép cây của người dùng vẫn ảm đạm do hoạt động xây dựng chậm chạp.

Giá thép cuộn cán nóng châu Á hầu như không thay đổi trong thời gian qua, do sức mua không tăng mặc dù hợp đồng tương lai của Trung Quốc phục hồi. Giá thép cán nóng SS400 dày 3 mm giữ ở mức 502 USD/tấn ở Trung Quốc vào ngày 11/7. Thép cán nóng cùng loại giảm 2 USD/tấn so với phiên trước ở mức 511 USD/tấn ở Đông Nam Á.

Giá chào hàng xuất khẩu hầu hết được nghe nói khoảng 505 USD/tấn ở Trung Quốc, với giá thầu của người mua dao động quanh mức 500 USD/tấn.

Giá chào thép cán nóng Q235 ở mức 512 – 515 USD/tấn cho lô hàng tháng 9. Lô hàng SAE1006 của Trung Quốc được chào giá ​​ở mức 535 – 545 USD/tấn, trong khi giá chào của Nhật Bản thậm chí còn cao hơn ở mức 560 USD/tấn.

Tại Trung Quốc, giá giao ngay đang tụt lại so với mức tăng của giá giao sau do triển vọng giảm giá. Tồn kho thép cán nóng của Trung Quốc tiếp tục tăng trong tuần tính đến ngày 11/7, nhưng tăng với tốc độ chậm hơn so với tuần trước, do nhu cầu tốt hơn.

Lượng tiêu thụ thép cán nóng Việt Nam tăng nhẹ 5%
Cũng theo Hiệp hội Thép Việt Nam, thị trường trong nước có tín hiệu phục hồi tích cực, ngành xây dựng tăng 7,3%, mức tăng cao nhất so với cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2020 – 2024.

Tuy nhiên, xu hướng tăng trưởng ngành thép chưa có dấu hiệu chắc chắn, cụ thể tình hình sản xuất và bán hàng các sản phẩm thép tháng 6/2024 đã đảo chiều so với tháng 5 cho thấy nhu cầu thép trong nước chưa thực sự phục hồi.

Thép cuộn cán nóng ngày 3/7 ghi nhận ở mức 531 USD/tấn, giảm 15 USD/tấn so với giá giao dịch đầu tháng 6/2024 và giảm đáng kể so với đầu năm 2023. Giá thép cán nóng bình quân tháng 6/2024 là 539 USD/tấn, giảm 5,2% so với cùng kỳ năm 2023 và giảm 2,3% so với tháng trước.

Trong tháng 6/2024, sản xuất thép thành phẩm các loại đạt 2,5 triệu tấn, tăng giảm 5% so với tháng 5/2024 và tăng 22,4% so với cùng kỳ năm 2023. Sản xuất tất cả các mặt hàng thép đều ghi nhận mức giảm, riêng thép cuộn cán nóng tăng nhẹ 1,2%. Thép xây dựng, thép cán nóng, tôn mạ và ống thép vẫn giữ được mức tăng trưởng cao lần lượt là 31,8%, 39,1%, 17,1% và 3%, còn sản xuất cuộn cán nguội giảm 10,5%.

Bán hàng thép thành phẩm đạt 2,4 triệu tấn, giảm 7,5% so với tháng 5/2024 (giảm đều các mặt hàng thép thành phẩm trừ thép cán nóng tăng 5,4%). Xuất khẩu các mặt hàng thép thành phẩm tháng 6/2024 đều tăng so với tháng 5 trừ thép cán nóng giảm 48,2% và thép cán nguội giảm 40,6%.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới