Wednesday, December 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiÔng Volodymyr Zelensky từ lệnh cấm đến hối thúc đàm phán với...

Ông Volodymyr Zelensky từ lệnh cấm đến hối thúc đàm phán với Nga

Từ chỗ ban hành sắc lệnh cấm đàm phán với chính quyền Tổng thống Nga Vladimir Putin, giờ đây, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hối thúc Moscow đàm phán.

Tổng thống Zelensky đã dịu giọng đáng kể trong những phát ngôn gần đây khi lần đầu tiên phát tín hiệu sẵn sàng đàm phán với Nga kể từ thời điểm Moscow tiến hành chiến dịch quân sự cách đây hơn 2 năm.

Ông Zelensky đề nghị Moscow nên cử một phái đoàn tới hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine lần hai mà ông hy vọng sẽ tổ chức vào tháng 11.

Nga đã không được mời tham dự hội nghị hòa bình đầu tiên tổ chức tại Thụy Sĩ hồi tháng 6 vì ông Zelensky khi đó tuyên bố bất kỳ cuộc đàm phán nào chỉ có thể diễn ra sau khi Nga rút khỏi Ukraine.

Ukraine hiện phải đối mặt với trở ngại kép là tình hình khó khăn ở tiền tuyến và sự bất ổn chính trị về mức độ hỗ trợ trong tương lai của các đồng minh thân cận nhất.

Mặc dù tốc độ tiến công của Nga ở miền đông Ukraine đã chậm lại đáng kể kể từ khi vũ khí viện trợ bổ sung của Mỹ bắt đầu đến Ukraine hồi tháng 5, nhưng đà tiến này chưa dừng lại hoàn toàn. Nga vẫn đang giành được lãnh thổ dù với tốc độ chậm hơn nhiều.

Hơn nữa, Kiev đang phải đối mặt với câu hỏi về sự sẵn lòng của một số đồng minh thân cận và quan trọng nhất, đặc biệt là Mỹ, trong việc tiếp tục đổ nguồn lực vào cuộc xung đột để hỗ trợ Kiev.

Phát biểu với các phóng viên đầu tuần này, ông Zelensky cho biết Ukraine không nhận đủ sự trợ giúp của phương Tây để giành chiến thắng, đồng thời chỉ ra cuộc chiến sẽ được quyết định bởi việc Kiev được nới lỏng quy định sử dụng vũ khí tấn công vào lãnh thổ Nga.

“Không phải mọi thứ đều phụ thuộc vào chúng tôi. Chúng tôi biết điều gì sẽ là kết thúc chính đáng cho cuộc chiến, nhưng điều đó không chỉ phụ thuộc vào mong muốn của chúng tôi mà còn phụ thuộc vào tài chính, vũ khí, hỗ trợ chính trị, vào sự đoàn kết trong EU, NATO và trên thế giới”, nhà lãnh đạo Ukraine nhấn mạnh.

Cựu Đại sứ Mỹ tại Ukraine John Herbst nhận định, sự thay đổi giọng điệu của ông Zelensky là một phản ứng hợp lý đối với các sự kiện đang diễn ra ở Mỹ, nơi ứng viên tổng thống Cộng hòa Donald Trump và ứng viên phó tổng thống liên danh tranh cử J.D.Vance chỉ trích mạnh mẽ việc gửi thêm viện trợ cho Kiev.

Ông Herbst nói, Tổng thống Zelensky có thể đang cố gắng tiếp cận chính quyền tiềm năng của ông Trump bằng cách nhấn mạnh rằng ông sẽ sẵn sàng đàm phán, miễn là thỏa thuận trên bàn là công bằng.

Trong tuần này, ông Trump và ông Zelensky đã có một cuộc điện đàm “rất tốt đẹp”.

Cựu Tổng thống Mỹ cho biết ông sẽ “mang lại hòa bình cho thế giới và chấm dứt cuộc xung đột đã lấy đi rất nhiều sinh mạng”. Trong khi đó, ông Zelensky nói hai người đã thảo luận về “những bước đi nào có thể khiến hòa bình trở nên công bằng và thực sự lâu dài”.

Những điều khoản không thể chấp nhận

Vài tháng trở lại đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhiều lần tuyên bố, ông sẵn sàng đàm phán với Ukraine.

Ông cho biết Nga sẽ chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine nếu Kiev rút quân khỏi Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhia, công nhận bán đảo Crimea là một phần của Nga.

Ukraine vẫn kiểm soát một phần trong số các vùng này, điều đó có nghĩa là ông Putin đang yêu cầu Ukraine từ bỏ lãnh thổ để không cần chiến đấu.

Chủ nhân Điện Kremlin cũng nhấn mạnh, bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào cũng sẽ yêu cầu Ukraine từ bỏ nỗ lực gia nhập NATO.

Nhà nghiên cứu Orysia Lutsevych của tổ chức Chatham House cho rằng, so với những yêu cầu công khai của Tổng thống Putin, phát ngôn ngầm ngỏ ý mới đây của ông Zelensky dường như là thông điệp gửi đến các quốc gia nam bán cầu.

“Đó là thông điệp vừa gửi cho Nga, vừa cho nam bán cầu, rằng Ukraine không cản trở nỗ lực tìm kiếm hòa bình. Tuy nhiên họ không thể đáp ứng mọi điều kiện từ phía Nga cũng như không đầu hàng Nga”, bà Lutsevych nói.

Trong khi đó, theo bà Lutsevych, Tổng thống Putin tăng cường kêu gọi đàm phán vì ông biết cánh cửa cơ hội có thể đang đóng lại.

Mặc dù lớn hơn và mạnh hơn đáng kể so với Ukraine, quân đội Nga dường như vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra cho chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Bất ổn phía trước

Hỗ trợ quân sự mới của Mỹ bắt đầu đến tiền tuyến ở Ukraine vào tháng 5 sau nhiều tháng trì hoãn do bế tắc chính trị tại quốc hội. Ngoài ra, Ukraine cuối cùng đã nhận được sự cho phép từ một số quốc gia phương Tây để sử dụng vũ khí viện trợ nhằm tấn công các mục tiêu nhất định bên trong lãnh thổ Nga.

Điều này giúp Ukraine hãm đà tiến công của Nga, nhưng lực lượng Ukraine hiện tại vẫn ở thế phòng thủ thay vì tiến công.

“Các lực lượng Ukraine sẽ phải tích lũy thiết bị, vật chất và nhân lực cho một chiến dịch phản công trong tương lai, và đó là một phần tính toán của Nga mà chúng ta đang thấy. Bộ chỉ huy quân sự Nga dường như đang theo đuổi một chiến lược mà họ tiến hành một cách nhất quán”, Riley Bailey, nhà phân tích Nga tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh có trụ sở tại Mỹ, cho biết.

Theo ông Bailey, bằng cách thực hiện những bước tiến dần dần dọc theo chiến tuyến dài hơn 1.000km, Nga đang buộc Ukraine phải phòng thủ thay vì chuẩn bị cho một cuộc phản công.

“Họ sẽ cần phải làm suy giảm lực lượng và khả năng của Nga trong các hoạt động tấn công, điều này sẽ mang lại sự linh hoạt hơn và giảm bớt một số áp lực. Ukraine sau đó có thể bắt đầu thực hiện một số lựa chọn hoạt động mà họ chưa thể thực hiện trong vài tháng qua”, ông Bailey nhận định.

Tuy nhiên, sự thành công trong bất kỳ cuộc phản công nào của Ukraine ở tương lai sẽ phụ thuộc chủ yếu vào mức độ hỗ trợ mà nước này nhận được từ các đồng minh phương Tây.

Ông Zelensky trong tuần này thừa nhận, mức hỗ trợ hiện tại đủ để ngăn cản những bước tiến tiếp theo của Nga, nhưng không thể giành chiến thắng trong cuộc chiến.

Tình hình càng trở nên khó đoán hơn với Ukraine khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây thông báo chọn thượng nghị sĩ J.D. Vance liên danh tranh cử.

Ông Vance trước đó đã đề nghị Ukraine nên đàm phán với Nga vì Mỹ và các đồng minh khác không có khả năng hỗ trợ nước này. Bản thân ông Trump cũng tuyên bố sẽ “chấm dứt xung đột Ukraine trong vòng 24 giờ” và nêu rõ Washington không nên gửi viện trợ tới Ukraine mà không có sự ràng buộc nào.

Chưa dừng ở đó, Đức, một trong những nước viện trợ lớn cho Ukraine, cũng có kế hoạch giảm một nửa viện trợ quân sự cho Ukraine vào năm tới.

Nếu kịch bản xấu nhất đối với Ukraine xảy ra gồm Mỹ ngừng viện trợ, châu Âu không tăng cường hỗ trợ và Ukraine không thể tiếp cận các tài sản bị phong tỏa của Nga, thì Moscow có thể sẽ bắt đầu thu được lợi ích lớn hơn nhiều.

“Nếu ông Trump thắng cử, chúng ta không biết ông ấy sẽ làm gì”, chuyên gia Herbst nói.

Tuy nhiên, chuyên gia Herbst cho biết, có một yếu tố có thể thuyết phục chính quyền ông Trump tiếp tục hỗ trợ Ukraine. “Nếu Mỹ cắt viện trợ và Ukraine sụp đổ, đó sẽ là một thất bại nặng nề đối với Washington”, ông lập luận.

Các nhà phân tích kỳ vọng gói viện trợ bổ sung trị giá 60 tỷ USD của Mỹ có thể giúp Ukraine duy trì cuộc chiến 12-18 tháng, đủ để Kiev tập hợp lại và tiến hành một cuộc phản công mới.

T.H

RELATED ARTICLES

Tin mới