Tàu ngầm Trung Quốc được trang bị vũ khí laser có thể tiêu diệt vệ tinh Starlink của Công ty SpaceX (Mỹ), theo nghiên cứu của các nhà khoa học quân đội Trung Quốc.
Trong nghiên cứu nói trên, một tàu ngầm Trung Quốc, với vũ khí laser rắn và có công suất lên tới nhiều megawatt được lắp đặt ở phần giữa của tàu, có thể ở trong tình trạng đang lặn khi nâng một “cột quang điện tử” lên khỏi mặt nước để bắn vào các vệ tinh, trước khi lặn xuống sâu hơn, theo tờ South China Morning Post (SCMP) hôm nay 20.7.
Loại tàu ngầm tấn công bằng laser này có thể được sản xuất hàng loạt trong tương lai và triển khai ở nhiều đại dương khác nhau để chống lại các mối đe dọa quân sự đối với Trung Quốc, theo Giáo sư Vương Đạm thuộc Học viện Tàu ngầm Hải quân (Trung Quốc), dẫn đầu nghiên cứu nói trên. Nghiên cứu mới được đăng trên tạp chí Command Control & Simulator trong tháng trước.
Các nhà khoa học Trung Quốc đánh giá rằng đối với các nhiệm vụ chống vệ tinh, thách thức lớn nhất không phải là bắn trúng vệ tinh mà là che giấu cuộc tấn công.
“Hiện nay, phương tiện chính của các hoạt động chống vệ tinh dựa vào tên lửa đất đối không, nhưng cách tiếp cận này có một số vấn đề nhất định, chủ yếu là về khả năng che giấu”, bà Vương cùng và các đồng nghiệp viết trong nghiên cứu.
Những cuộc phóng tên lửa thường kèm theo vệt khói dài. Tiến hành tấn công từ vị trí trên mặt đất có thể dễ dàng làm lộ vị trí của mình, dẫn đến bị hỏa lực của đối phương tiêu diệt. Điều này “quá rủi ro”, theo nhóm nghiên cứu.
Vệ tinh cũng ngày càng nhỏ hơn. “Lấy các vệ tinh do chương trình Starlink phóng lên làm ví dụ, chúng rất nhiều, dày đặc và có kích thước nhỏ, khiến mạng lưới vệ tinh có khả năng phục hồi cực kỳ cao. Ngay cả khi một số lượng đáng kể các vệ tinh bị phá hủy, vẫn còn có những vệ tinh dư thừa để thay thế chúng. Từ đó cho thấy việc sử dụng tên lửa để tấn công các vệ tinh như thế là rất kém hiệu quả. Vũ khí laser được phóng từ tàu ngầm có thể giải quyết những vấn đề này”, nhóm nghiên cứu nhấn mạnh.
Nghiên cứu mới cũng đưa ra hướng dẫn từng bước về cách tấn công các vệ tinh giống Starlink từ biển.
“Đầu tiên, một hoặc một số tàu ngầm được trang bị vũ khí laser sẽ được triển khai tới vùng biển mà cuộc tấn công sẽ được tiến hành. Tàu ngầm tiến vào vùng biển đó theo hướng dẫn của chỉ huy và chờ đợi các vệ tinh di chuyển vào phạm vi tấn công. Thời gian nâng vũ khí laser được xác định dựa trên thời gian vệ tinh di chuyển đã được thu thập trước đó”, nhóm nghiên cứu viết.
“Khi vệ tinh đi vào phạm vi có thể tấn công, vũ khí laser sẽ được nâng lên. Do hạn chế về thiết bị phát hiện của tàu ngầm, những lực lượng khác buộc phải cung cấp hướng dẫn vị trí vệ tinh để tàu ngầm tấn công vệ tinh. Sau khi tấn công, tàu ngầm có thể lặn xuống chờ nhiệm vụ tiếp theo hoặc quay về cảng nhà”, nhóm nghiên cứu viết.
Dù Trung Quốc hợp tác với tỉ phú Mỹ Elon Musk về xe điện nhưng họ xem Công ty SpaceX của ông là một mối đe dọa, theo SCMP.
SCMP dẫn số liệu chính thức được công bố trong tháng này cho hay Trung Quốc có hơn 900 vệ tinh trên quỹ đạo. Con số đó của Mỹ gấp 7 lần, trong đó có nhiều vệ tinh Starlink.
Trong năm 2021, hai vệ tinh Starlink đã tiếp cận trạm vũ trụ Trung Quốc một cách nguy hiểm, khiến các phi hành gia phải bắt đầu thủ tục sơ tán khẩn cấp. Vụ việc đã thuyết phục Bắc Kinh rằng Mỹ có thể sử dụng những vệ tinh giá rẻ này để tấn công các tài sản không gian đắt tiền của Trung Quốc, theo SCMP.
T.P