Thursday, November 14, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaThời thế thay đổi, người TQ chuyển sang dùng "bữa ăn của...

Thời thế thay đổi, người TQ chuyển sang dùng “bữa ăn của người nghèo”

Khi người Trung Quốc chuyển sang dùng “bữa ăn của người nghèo”, các nền tảng trực tuyến cũng bắt đầu chuyển hướng.


Bữa ăn của người nghèo
Một đêm đi chơi với bạn bè thường tốn ít nhất 1.000 nhân dân tệ (khoảng 3,5 triệu đồng) đối với chuyên gia tư vấn di trú Olivia Wang sống ở Bắc Kinh.

Bữa tối tại một nhà hàng có giá trung bình từ 200 đến 300 nhân dân tệ (700 nghìn đến 1 triệu) một người, sau đó là đi spa hoặc tiệm mát-xa ở trung tâm thành phố Bắc Kinh là thói quen thường xuyên của cựu nhân viên ngành tài chính này.

“Giờ đây, mọi người thường nói về những buổi tụ tập tốn khoảng 40 đến 50 nhân dân tệ 9 (chưa tới 200 nghìn) một người, lựa chọn những bữa ăn suất lớn như lẩu thay vì ẩm thực phương Tây cầu kỳ. Ngay cả đối với dịch vụ mát-xa, họ cũng tìm kiếm những lựa chọn dưới 100 nhân dân tệ”, cô nói với SCMP.

“Rõ ràng là mọi người đã trở nên tiết kiệm hơn. Họ không còn phải chạy theo chúng bạn mà quay trở lại với lối sống thực tế.”

Xu hướng cắt giảm chi tiêu của người tiêu dùng ở Trung Quốc ngày càng gia tăng trong bối cảnh kinh tế suy thoái và thị trường việc làm bất ổn.

Sự thay đổi này đã thúc đẩy nhiều doanh nghiệp tung ra các lựa chọn tiết kiệm được gọi là “bữa ăn của người nghèo”, một thuật ngữ được giới trẻ sử dụng rộng rãi trên mạng vì nó dùng để chỉ những thực đơn rẻ nhất và cơ bản nhất.

Với việc McDonald’s cung cấp bữa ăn với giá 13,9 nhân dân tệ (50 nghìn đồng), và các chuỗi nhà hàng Hefu Noodle và Rice Village có giá chỉ còn 9 nhân dân tệ (30 nghìn) và 3 nhân dân tệ (10 nghìn), rất nhiều nhà hàng khác cũng giảm giá các phần ăn tương tự.

Khi ngày càng nhiều nhà hàng tham gia xu hướng này, những nhà hàng khác cũng buộc phải làm theo và tung ra những bữa ăn giá cả phải chăng của riêng mình.

Dưới áp lực tồn tại, nhiều nhà hàng vốn cao cấp giờ đây buộc phải giảm giá hoặc đưa ra các lựa chọn phù hợp với ví tiền người tiêu dùng hơn trước.

Li Yingtao, cố vấn ngành tiêu dùng tại Analysys, cho biết: “Theo quan điểm kinh doanh, ‘bữa ăn của người nghèo’ luôn tồn tại – chúng tôi từng gọi đó là sản phẩm thu hút khách hàng, là những mặt hàng giá rẻ được thiết kế để có thêm nhiều khách hơn, một số trong đó thậm chí nhắm trực tiếp vào đối thủ cạnh tranh”.

“Khi mà lòng tin của người tiêu dùng còn cao, không ai dám gọi đó là bữa ăn dành cho người nghèo. Tuy nhiên, do áp lực công việc gia tăng và thu nhập trì trệ, thuật ngữ này trở thành một sự hài hước tự hạ thấp bản thân, phản ánh thực tế cay đắng về tâm lý người tiêu dùng trẻ tuổi ngày càng nhạy cảm”.

Nền tảng trực tuyến tìm thấy cơ hội
Để ứng phó với xu hướng tiêu dùng đang thay đổi, những nền tảng giao đồ ăn công nghệ như Meituan cho biết họ đã thâm nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị ngành và khám phá “các mô hình kinh doanh đổi mới” để cung cấp nhiều lựa chọn có giá trị hơn.

Meituan thông báo đã mở rộng dịch vụ mua theo nhóm Pin Hao Fan tiết kiệm, cung cấp các bữa ăn giá rẻ, tới nhiều thành phố.

Trong quý đầu tiên, Meituan đã giới thiệu các cửa hàng vệ tinh – một mô hình mới nơi các nhà hàng cung cấp dịch vụ giao đồ ăn “chất lượng cao” và “đáng đồng tiền bát gạo” mà không cung cấp dịch vụ ăn uống tại cửa hàng.

Theo báo cáo kết quả kinh doanh được công bố vào tháng trước, gã khổng lồ giao hàng này đã công bố mức tăng trưởng 28% về khối lượng giao hàng lên 5,46 tỷ trong quý đầu tiên.

Trong thời kỳ bong bóng kinh tế của Nhật Bản vào những năm 1990, trong khi hầu hết các nhà hàng đều gặp khó khăn, chuỗi nhà hàng Ý bình dân Saizeriya lại mở rộng và đạt được thành công lớn.

Khi tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc trì trệ, Saizeriya cũng trở nên phổ biến hơn, đặc biệt là với “suất ăn dành cho người nghèo” giá cả phải chăng, thu hút nhiều thực khách trẻ tuổi trên mạng xã hội.

Trong thời kỳ suy thoái kinh tế của Nhật Bản, một số thương hiệu đã nổi lên thành câu chuyện thành công khi đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng về giá cả phải chăng và giá trị, bao gồm các nhà bán lẻ giảm giá Don Quijote và Daiso, cung cấp nhiều loại sản phẩm với giá cả bình dân.

Nhà bán lẻ thời trang Uniqlo cũng mở rộng nhanh chóng với các sản phẩm quần áo giá cả phải chăng nhưng vẫn hợp thời trang, phù hợp với sở thích của người tiêu dùng.

Từ nền tảng mua sắm giá rẻ Pinduoduo đến những gã khổng lồ thương mại điện tử JD.com, Taobao và Douyin, các nền tảng thương mại điện tử chính thống ở Trung Quốc hiện đang nhấn mạnh tiêu chí “giá thấp” như một chiến lược cốt lõi trong cuộc chiến giá cả. Douyin – phiên bản TikTok của Trung Quốc – ưu tiên “khả năng cạnh tranh về giá” là nhiệm vụ hàng đầu trong năm 2024.

Và khi người tiêu dùng muốn tìm được món hời, Pinduoduo và các nền tảng đi sau sẽ càng phát triển nhanh hơn.

Barbara Guo, một cựu quản lý dự án từng chứng kiến mức lương giảm một nửa sau khi theo đuổi sự nghiệp luật sư với tại Bắc Kinh, đã bắt đầu tự pha cà phê thay vì mua Starbucks.

“Tôi đã cắt giảm chi tiêu trong vài năm qua và gần đây còn giảm phung phí hơn nữa”, cô nói, đồng thời cho biết hiện chỉ mua quần áo có giá dưới 1.000 nhân dân tệ. “Bây giờ, tôi thậm chí còn mang theo đồ ăn trưa, mua mỹ phẩm dùng thử và mua quần áo trên Taobao”.

“Môi trường kinh tế không mấy khả quan nên tôi cảm thấy cần phải tiết kiệm tiền phòng trường hợp bị sa thải và cắt giảm lương”, cô lo lắng. “Tôi từng tiêu hết số tiền mình kiếm được, nhưng giờ đây tôi sợ khi nghĩ đến việc phải chi tiêu”.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới